Qua cánh cổng gỗ, tiếng chuông trên vọng lâu điểm nhịp ngân vang như nâng bước chân người vào không gian linh thiêng. Hai bên trục đường dẫn lối, hàng cau vút cao trổ buồng hoa trắng lặng lẽ tỏa hương. Những đốm hoa li ti rụng xuống mộ phần trắng một màu thương nhớ. Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1 được xây dựng năm 1958 nằm cách điểm Di tích lịch sử đồi A1 vài trăm mét. Chính giữa, nhà tưởng niệm được thiết kế giống mái nhà sàn, bên trong có bia khắc “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ”. Lư đồng ngan ngát khói hương. Mùi thơm lan xa quện lấy hương hoa đại trắng làm cho không gian thêm thanh tịnh, thuần khiết.

leftcenterrightdel

 Thế hệ trẻ thành kính tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1. Ảnh: TRUNG THÀNH

Sau lễ dâng hương, tôi đến bên các mộ phần. Ngay gần nhà tưởng niệm là 4 ngôi mộ lớn khắc tên 4 anh hùng liệt sĩ: Bế Văn Đàn, Trần Can, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện. Những người anh hùng cùng hàng triệu quân dân đất Việt đã góp sức làm nên lịch sử. Các anh đã “bước vào trang sách các em thơ” trở thành bài học giáo dục truyền thống sâu sắc, ý nghĩa.

Lần theo từng hàng mộ, thật xót xa khi trên bia chỉ có ngôi sao. Đây là nơi an nghỉ của 644 anh hùng liệt sĩ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong các phần mộ nói trên, mới chỉ có 53 phần mộ xác định được thông tin, còn lại chưa xác định danh tính.

Những chiến sĩ Điện Biên năm xưa đã từng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn!”. Các anh chiến đấu để “Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Và các anh ngã xuống cho mảnh đất “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”. Dù cho chưa biết danh tính, đơn vị, quê hương nhưng Tổ quốc mãi mãi khắc ghi công ơn, nhân dân đời đời tri ân. Các anh nguyện đem “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”. Những mộ phần nằm trong nghĩa trang như đồng đội về đây xếp hàng tập hợp thành đội ngũ cùng ngắm trời xanh, nghe gió từ cánh đồng Mường Thanh thơm hương lúa mới thổi về. Ngày ngày trên mộ chí vẫn đỏ nhang thơm. Tiếng chuông ngân vang như lời ru đồng đội yên giấc ngàn thu.

Dưới bóng cây long não cổ thụ, tôi gặp cựu chiến binh Nguyễn Văn Kỷ (93 tuổi) ở xã Thanh Xương (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Ông nhập ngũ năm 1952, chiến đấu ở đồi C1. Theo lời ông kể, trận chiến giữa ta và địch giằng co giữa làn mưa bom bão đạn, trời đất mờ bụi lửa khói. Có đồng đội hy sinh, máu đào thắm đất, muôn nỗi xót xa. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Kỷ xúc động bày tỏ: “Tôi may mắn trở về sau chiến thắng và tình nguyện ở lại xây dựng Điện Biên. Đồng đội vẫn còn nằm lại đây. Cứ mỗi dịp đến viếng, tôi thắp hương cầu mong đồng đội yên giấc”.

Người cựu chiến binh lặng bước giữa những hàng mộ chí, khói hương vấn vít, bất chợt tôi nhớ đến những vần thơ đầy xúc động: “Người chiến binh già chầm chậm bước chân/ Thăm trận địa xưa, tìm về thời trai trẻ/ Hố mắt trũng khô chiều nay nhòa lệ/ Nghèn nghẹn gọi tên đồng đội năm nào” (Phạm Quốc Trung).

Trong khuôn viên nghĩa trang, tôi còn gặp các bạn trẻ mặc áo in màu cờ đỏ sao vàng, lặng lẽ thắp hương trên các mộ phần. Họ thành kính trang nghiêm và không giấu niềm xúc động rưng rưng. Lịch sử, sự hy sinh của cha anh được nhắc nhớ tri ân. Đó là hành trang để tuổi trẻ bước tiếp con đường của lớp người đi trước góp sức dựng xây non nước trường tồn.

Chiều ấy, Điện Biên chan hòa sắc nắng. Sức sống mới đang bừng lên trên quê hương cách mạng.

ĐỨC NAM

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.