QĐND - Được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia từ năm 2007, thế nhưng di tích hang Con Moong ở xã Thành Yên, huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa) vẫn chưa được quan tâm đầu tư xứng đáng khiến nhiều hạng mục bị xuống cấp nghiêm trọng.
Khi di tích bị lãng quên
Hang Con Moong nằm trong vùng đệm của Vườn quốc gia Cúc Phương, là di chỉ khảo cổ học được phát hiện tháng 11-1974 và khai quật lần đầu tiên vào năm 1976. Được biết, hang có chiều dài khoảng 40m, thông hai đầu, trần hang cao 8,41m, có nơi tới 10m. Đây là hang động được đánh giá là một di chỉ khảo cổ học về thời đá mới, có ý nghĩa đặc biệt cả trong nước và quốc tế. Bên cạnh giá trị khảo cổ, khu vực hang còn giữ được nhiều nét hoang sơ với hệ thống động, thực vật khá phong phú. Toàn bộ hệ thống rừng nguyên sinh quanh khu vực hầu như vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, với nhiều loài gỗ quý, có đường kính lớn. Đặc biệt, tại đây còn khá nhiều động vật hoang dã như: Khỉ, gấu, hoẵng, nai rừng... Trong hang còn hằn rõ dấu tích của người tiền sử, các vết tích của những đợt khai quật... Chính vì thế, từ khi được phát hiện, địa danh này đã đón rất nhiều lượt du khách trong, ngoài nước, đặc biệt là có rất đông học sinh, sinh viên đến tham quan, nghiên cứu.
 |
Lối lên hang Con Moong chưa được kè bậc, lắp lan can làm du khách đi lại rất khó khăn. |
Hiện nay, di tích được khoanh vùng bảo vệ là 4.839.861m², trong đó có 3.881.948m² thuộc khu vực bảo vệ nghiêm ngặt. Tháng 8-2007, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ký quyết định công nhận hang Con Moong là Di tích lịch sử Quốc gia. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng lập dự án, triển khai thu thập tư liệu, điều tra, thám sát khảo cổ học, phục chế hình dáng ban đầu của hang; đồng thời phân tích mẫu, nghiên cứu tổng hợp, triển khai xây dựng hồ sơ di tích hang Con Moong để trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Mang trong mình những giá trị khảo cổ học có giá trị lớn, nhưng hang Con Moong lại chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư xứng tầm.
Ví dụ, muốn đến được hang Con Moong, từ trung tâm xã Thành Yên, du khách phải đi trên con đường lầy lội. Còn tấm biển báo với dòng chữ: “Xếp hạng di tích lịch sử quốc gia, cấm vi phạm” bị hoen gỉ, trông rất phản cảm. Đã thế, du khách muốn đến được hang buộc phải đi qua một con suối cạn và 100m đường mòn cỏ cây rậm rạp. Rồi cây cầu bắc ngang qua suối làm bằng tre đã mục nát, lối đi lên núi vẫn là đường mòn hoang sơ không có lan can, đi qua những mỏm đá tai mèo sắc nhọn. Trên hang, hệ thống điện thắp sáng đã không hoạt động từ nhiều tháng nay, hàng rào tre bảo vệ trước cửa hang đã mục nát, đổ nghiêng ngả. Mái che ngoài cửa hang bị xuống cấp, mỗi khi trời mưa, nước từ trên vách núi chảy xuống xối xả khiến các di chỉ bị xói mòn, ẩm ướt... Đặc biệt, toàn bộ khu di tích không hề có trạm dừng chân hay điểm trông coi đồ du khách gửi.
Cần có sự quan tâm, đầu tư đúng mức
Năm 2007, sau khi được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia, Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Thanh Hóa đã quyết định giao cho Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Thạch Thành quyền quản lý toàn bộ khu di tích hang Con Moong. Riêng việc bảo vệ, trông coi, hướng dẫn khách du lịch do Ban Văn hóa-Thông tin xã Thành Yên tự lo kinh phí hoạt động, còn kinh phí để phát quang cây rừng, làm đường, bắc cầu, làm hàng rào tre trước cửa hang... đều do thanh niên trong xã quyên góp xây dựng.
Ông Đinh Thanh Trì, một người dân tại xã Thành Yên, cho biết: “Do không được bảo vệ, nên tại đây thỉnh thoảng vẫn xuất hiện những kẻ lạ mặt dò tìm đồ cổ đến đào bới. Đây là một trong những nguyên nhân khiến di tích bị xuống cấp ngày càng nghiêm trọng…”.
Ông Đinh Văn Huy, cán bộ văn hóa xã Thành Yên, tiếp lời: “Mỗi khi có đoàn khách đến tham quan, chúng tôi buộc phải huy động thanh niên trong xã đi làm đường, phát cỏ rồi vào rừng chặt tre làm lan can, tay vịn để có lối đi lên núi. Người dân địa phương còn nghèo lắm, đến cái ăn thường ngày còn không đủ thì lấy đâu ra kinh phí để thuê người bảo vệ, trông coi. Chúng tôi mong cơ quan chức năng, các cấp chính quyền có sự quan tâm, đầu tư đúng mức để tránh sự xuống cấp cho di tích”.
Còn theo ông Trương Quốc Khánh, Bí thư Đảng ủy xã Thành Yên: “Chính quyền và người dân địa phương rất mong các cơ quan chức năng đầu tư kinh phí để di tích lịch sử hang Con Moong được quan tâm xứng với tầm vóc của nó. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong được đầu tư kinh phí để làm đường đến khu di tích, trạm dừng chân để khách tham quan nghỉ ngơi, gửi đồ, chứ mùa mưa lầy lội, khó đi lắm...”.
Việc Di tích lịch sử Quốc gia hang Con Moong chưa được đầu tư đúng mức nên bị xuống cấp trầm trọng là một sự thật. Đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa cần khẩn trương phối hợp, quan tâm đầu tư kinh phí để bảo tồn di tích quan trọng này.
Bài và ảnh: KHÁNH GIANG