Năm 2012, xã Thanh Vân tổ chức xây dựng chợ để bảo đảm 1 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Chợ hoàn thành năm 2015, chủ đầu tư xây dựng là UBND xã Thanh Vân, với số vốn lên đến 13 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 2 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương. Toàn bộ 84 ki-ốt trong chợ cũng như ven hai bên đường trong khuôn viên của chợ đều được đem ra đấu thầu với thời gian 10 năm và phải trả tiền một lần. Giá mỗi gian ki-ốt tùy thuộc vào vị trí, địa điểm, nhưng rẻ nhất là bên trong chợ cũng 15 triệu đồng/ki-ốt, còn trên tuyến đường phụ là từ 35-37 triệu đồng/ki-ốt, tuyến đường lớn từ 65-70 triệu đồng/ki-ốt. Người dân đua nhau mua đấu thầu hết tất cả các ki-ốt.
Thế nhưng đến nay, bên trong chợ không một bóng người, cỏ cây mọc xanh tốt ngay trước mặt các ki-ốt, một số chỗ thì người dân tự ý để vật liệu xây dựng hoặc làm nghề nhôm kính. Cơ sở vật chất của chợ cũng đang dần xuống cấp, tường rào ven phía bờ ruộng đã bị đổ; sắt, cửa xếp đang dần hoen gỉ. Các gian ki-ốt ven hai tuyến đường lác đác có 6-7 hộ mở cửa, nhưng quần áo phơi ngang dọc như thể ở nhà mình, hoạt động không phù hợp với tính chất của chợ như: Sửa chữa điện tử, bia hơi, cà phê, cắt tóc, làm bánh mì, rửa ô tô, xe máy…
Cây cỏ mọc trước cửa ki-ốt.
Chị Nguyễn Thị Hương, một người dân ở thôn 10 xã Thanh Vân đã đấu thầu ki-ốt cho biết: “Với số tiền hàng chục triệu đồng tôi bỏ ra mua ki-ốt, nay đành “đắp chiếu”, bỏ không, có muốn bán lại cho người khác cũng khó”.
Còn anh Nguyễn Văn Chất, thôn 12 xã Thanh Vân thì cho biết, anh đã vay tiền mua 5 gian ki-ốt, cả bên trong và bên ngoài với giá gần 200 triệu đồng, trong đó có một ki-ốt ngay trên tuyến đường lớn, nhưng một năm trôi qua vẫn cửa đóng then cài, trưng biển cho thuê mãi mà không có ai hỏi. Anh tâm sự: “Ngày mới đấu thầu được các ki-ốt, cả nhà tôi ai cũng mừng, những tưởng có chỗ bán hàng tốt, thu nhập tăng, cuộc sống sẽ được cải thiện, nào ngờ lại vướng vào cảnh nợ nần. Đã hơn một năm trôi qua, chợ không họp được mà cứ mãi thế này thì không biết UBND xã tính thế nào với chúng tôi?”.
Còn anh Nguyễn Tiến Mạnh, người thôn Phú Lai, xã Thanh Vân đã đầu tư 37 triệu đồng với ý định để làm bánh mì bán tại chợ bộc bạch: “Chúng tôi đầu tư để làm ăn, mong muốn xây dựng chợ và phát triển kinh tế, nào ngờ chợ không thành. Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương kiên trì, quan tâm tìm biện pháp, tuyên truyền, vận động bà con đến họp xây dựng chợ quê nhà”.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Công Lương, Chủ tịch UBND xã Thanh Vân cho biết: “Được sự đồng ý của cấp trên và HĐND xã, địa phương đã tiến hành xây dựng chợ với mục đích thu hút người dân địa phương và bà con vùng lân cận đến mua bán, không phải đi xa hoặc họp chợ ở ven đường quốc lộ, gây cản trở, mất an toàn giao thông. Thế nhưng, từ khi đi vào hoạt động, số lượng người mua bán hầu như không có. Địa phương vẫn đang ưu đãi, vận động bà con và các tiểu thương, hy vọng là một thời gian nữa, dần dần bà con sẽ thấy sự tiện lợi, sẽ đến họp chợ”.
Theo quan sát của chúng tôi, để chợ Thanh Vân hoạt động được, vấn đề không hề đơn giản. Bởi lẽ dọc hai bên đường quốc lộ thuộc xã Thanh Vân, người dân bày bán đủ các loại hàng hóa từ quần áo, giày dép đến bánh kẹo, đường sữa, rượu bia, các mặt hàng nông sản... Mặt khác, việc họp chợ đã thành thói quen, nếp nghĩ, ăn sâu vào tiềm thức của người dân, để thay đổi được là cả một vấn đề nếu không có những ưu đãi mạnh mẽ hơn với các tiểu thương để từ đó tiểu thương hạ giá thành hàng hóa. Đây cũng là vấn đề rút kinh nghiệm với các địa phương khi đầu tư vốn xây dựng chợ, không nên vì thành tích, vì tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí cho ngân sách địa phương, tiền của, công sức của người dân và tiểu thương.
Bài và ảnh: ĐÀO DUY TUẤN