Từ thị trấn Khâm Đức thuộc huyện miền núi Phước Sơn (Quảng Nam) - một trong 62 huyện nghèo nhất nước hiện nay - chúng tôi vượt hơn 40km đường rừng để lên trung tâm xã Phước Thành với ý định viết bài về thân phận những người đào vàng ở đây. Thế nhưng, khi đi sâu vào bãi khai thác vàng Khe Tăng, cách trung tâm xã 10km, chúng tôi giật mình bởi một cảnh tượng khó tin: Vì khai thác vàng, cả một cánh rừng đầu nguồn đã bị chặt phá tan hoang...

Những điều trông thấy...

Trước mắt chúng tôi, hai bên đường, những cây cổ thụ đường kính từ 1,5 đến 2m, những cây gỗ quý từ 2 đến 3 người ôm nằm ngổn ngang, lăn lóc, thân cây còn rõ vết cưa mới, có chỗ cây ngả hàng loạt, đã được xẻ bìa hoặc còn nguyên thân. Cuối đường là một công trường khai thác vàng; cây rừng đổ ngã chỏng chơ, đất đá nham nhở quanh những miệng hầm.

Trên các vạt rừng bị phá, hàng chục chiếc lán trại được làm bằng chính những tấm ván gỗ còn thơm mùi nhựa. Xung quanh, tiếng nổ mìn ầm ào vọng lên từ trong lòng núi. Rồi cả tiếng máy cưa xẻ gỗ rừng. Để khai thác vàng, người ta đào hầm theo kiểu thả lò” sâu hàng trăm mét vào lòng núi và phải chặt hạ gỗ rừng, cưa, xẻ để làm ván chống trần. Từ các cửa lò, đội thợ đào vàng chui ra chui vào như kiến. Có cả mấy trăm thợ đào vàng đang ở đây. Thấy chúng tôi giơ máy ảnh, máy quay, một số đối tượng có nhiều vết xăm trổ trên cơ thể, dáng vẻ bặm trợn... liền mặc quần áo đi nhanh vào rừng.

Những lán trại của thợ đào vàng được dựng lên bằng gỗ rừng.

Anh chở xe ôm tiết lộ: “Không phải lúc nào cũng tìm trúng mỏ vàng, nên nhiều doanh nghiệp chỉ lợi dụng việc chính quyền cho phép khai thác vàng để khai thác gỗ trái phép. Ở đây toàn là loại gỗ thuộc nhóm quý hiếm như chò, gõ (miền Bắc gọi là gỗ gụ), bán được giá cao, nên ai cũng ham. Để ngụy trang, nhiều "bưởng" còn mở xưởng điêu khắc gỗ mỹ nghệ ngay giữa rừng. Đôi khi chở người vào bãi vàng, khi quay ra thị trấn không có khách, anh em chúng tôi cũng nhận chở thuê cho các "bưởng" vài khúc gỗ hoặc đôi lọ độc bình, pho tượng...

Bước ra từ một cái lán khá bề thế, làm hoàn toàn bằng gỗ rừng, người đàn ông tự xưng là Đỗ Kim Tấn, Phó giám đốc Công ty TNHH Phước Minh. Ông Tấn cho biết, ông được giám đốc công ty giao phụ trách toàn bộ “quân sĩ” ở đây.

Trả lời về việc có một con đường mới mở từ trung tâm xã vào tận bãi khai thác vàng Khe Tăng, ông Tấn nói rằng, đây là đường do giám đốc Quang chỉ đạo.

Hành vi ngang nhiên tàn phá rừng xanh của công ty trên đang bị người dân xã Phước Thành phản ứng. Theo bà con, sở dĩ nơi đây có tên Khe Tăng là vì trong thời chống Mỹ, đây là nơi để bộ đội ta cất giấu xe tăng, vị trí sát đường Hồ Chí Minh, thuộc cánh rừng Đông Trường Sơn huyền thoại. Hiện cánh rừng này được UBND tỉnh Quảng Nam giao cho Công ty TNHH Phước Minh vào mở bãi khai thác vàng và cũng vì khai thác vàng, rừng đã bị chặt phá vô tội vạ. Chủ tịch UBND xã Phước Thành, ông Hồ Văn Phen, bày tỏ: Bà con chúng tôi ở đây đều mang họ Hồ, tuy cuộc sống còn nghèo, nhưng chẳng ai đi đào vàng hay chặt phá rừng, mà chủ yếu là dân các nơi khác đến. Ngay cả việc quản lý về nhân khẩu, xã cũng không thể nắm được. Công ty TNHH Phước Minh hiện nay có hàng trăm thợ nổ mìn, đào phá đá, tìm vàng, nhưng lãnh đạo công ty cũng không đến UBND xã đăng ký tạm trú cho anh em. Nơi đây đã từng là nơi ẩn náu của các đối tượng giang hồ, hoặc đang trốn lệnh truy nã. 

Xem thường kỷ cương, phép nước

Quay trở lại thị trấn Khâm Đức, chúng tôi tìm gặp cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Phước Sơn. Ông Đinh Văn Long, Phó trưởng phòng thừa nhận: Lãnh đạo Công ty TNHH Phước Minh là ông Ngô Văn Quang đã ngang nhiên mở 4km đường từ trung tâm xã Phước Thành vào bãi vàng Khe Tăng. Mặc dù Công ty Phước Minh đã được UBND tỉnh Quảng Nam cấp giấy phép khai thác vàng, nhưng tự tiện chặt phá rừng để làm đường bên ngoài địa giới cho phép là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về đất đai và bảo vệ rừng. Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Phạm Thế Quyền đã vào rừng, phát hiện vụ việc vào cuối tháng 3-2010, đã lập biên bản yêu cầu đình chỉ ngay việc làm đường, nhưng Công ty Phước Minh vẫn thản nhiên làm thêm 2km nữa?

Ông Trần Lanh, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Phước Sơn như không hề biết có chuyện Công ty TNHH Phước Minh phá rừng, ngang nhiên mở 6km đường trái phép giữa rừng già vào bãi Khe Tăng để khai thác vàng! Ông Lanh cũng khẳng định: Kiểm lâm chưa phát hiện có tình trạng chở gỗ lậu từ khu vực xã Phước Thành ra. Thế nhưng tình cờ vào đúng buổi chiều muộn hôm đó, tại trụ sở Hạt kiểm lâm huyện Phước Sơn, có một xe chở gỗ lậu mang biển kiểm soát 92K-0089 vừa bị bắt, bên trên ngụy trang bằng các thùng dầu và thùng chở hóa chất xyanua để phục vụ khai thác vàng. Chúng tôi bất ngờ quay lại để tìm hiểu thì chủ xe là Hồ Văn Dũng, nhà ở Khu 3, xã Phước Thành khẳng định: Gỗ được chở từ xã Phước Thành ra. Khi chúng tôi tìm gặp ông Lê Nho Năm, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Phước Sơn  để hỏi rõ thì ông xác nhận: “Hiện nay tuyến đường từ trung tâm huyện Phước Sơn vào trung tâm xã Phước Thành đang được mở rộng để ô tô có thể đi lại thuận lợi hơn, nhưng chính vì thế lại làm gia tăng nguy cơ chặt phá và buôn lậu gỗ". 

Hàng chục mét khối gỗ lậu quý hiếm bị tạm giữ tại trụ sở Hạt kiểm lâm Phước Sơn. 

Về thành phố Tam Kỳ, chúng tôi tìm gặp ông Phạm Thanh Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam. Ông Lâm cũng tỏ ra ngạc nhiên khi nghe nói về tình trạng các doanh nghiệp được chính quyền cho phép khai thác vàng đã "tranh thủ" phá cả rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, thậm chí khai thác gỗ rừng để bán, trong đó điển hình là vụ Công ty TNHH Phước Minh tự tiện chặt phá rừng để mở 6km đường vào bãi vàng. Ông khẳng định: Các doanh nghiệp khai thác vàng, kể cả có phép cũng chỉ được phép khai thác vàng dưới lòng đất, không được phép làm ảnh hưởng đến môi trường, rừng phòng hộ. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam sẽ lập đoàn công tác để điều tra vụ việc, nếu mức độ chặt phá rừng nghiêm trọng thì phải xử lý nghiêm khắc.

Bài, ảnh: Văn Phúc