QĐND Online – Sau nhiều giờ hành trình, tàu Trường Sa 571 đã đưa đoàn công tác Bộ Công thương cùng một số cơ quan, địa phương đến các điểm đảo đầu tiên trong hải trình thăm và kiểm tra quần đảo Trường Sa. Theo kế hoạch, đoàn công tác thăm 4 đảo chìm (Đá Lớn, Len Đao, Đá Đông, và Đá Lát) và 3 đảo nổi (Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Trường Sa Lớn).
Ở đảo chìm, vào buổi sáng, thủy triều lên cao, toàn bộ đảo chìm sâu dưới nước. Sang chiều, khi nước rút xuống, bãi đá lớn mới dần hiện ra. Đảo chìm thường bao gồm nhiều điểm đảo đảo xây nổi trên mặt nước, cách xa nhau một vài hải lý.
Tới các điểm đảo, tàu Trường Sa 571 neo lại cách các đảo khoảng chừng 1 hải lý và đoàn công tác lên đảo bằng xuồng. Các chiến sĩ hải quân đón đoàn với nụ cười và ánh mắt nồng ấm, ân cần đỡ từng thành viên trong đoàn lên đảo. Những cử chỉ thân thiết, ấm áp ấy khiến mọi người quên hết mệt mỏi trong hành trình sóng gió.
 |
Đảo chìm Len Đao. |
Tại các điểm đảo, sau khi báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ với trưởng đoàn, chỉ huy và chiến sĩ đưa đoàn đi thăm các khu vực trên điểm đảo.
Điểm đầu tiên là vườn rau thanh niên. Trên diện tích khoảng 10m vuông, rau xanh được trồng trong hộp nhựa. Hàng rau xanh ngắt nơi tiền tiêu không chút đất màu thể hiện nỗ lực lớn trong tăng gia của các chiến sĩ trên đảo. Thiếu úy QNCN Nguyễn Minh Tuấn công tác tại đảo Đá Lớn C cho biết, đất và hạt giống rau được chở từ đất liền ra bằng tầu hậu cần. Ngoài ra, đôi khi các đoàn công tác ra thăm cũng có mang tặng các chiến sĩ hạt giống rau và phân bón.
Trên đảo không có mạch nước ngầm và nước biển có độ mặn cao. Có những giống rau mang ra không sống được do không chịu được cái nắng cháy da và gió mặn của biển cả. Trong quá trình trồng rau, các chiến sĩ phải liên tục đảo đất trong hộp. Để giữ độ ẩm cho đất, vườn rau được che lưới và đất được trộn mùn cưa hoặc xơ dừa. Đất sử dụng lâu ngày rồi cũng đến lúc bạc màu. Khi đó, tàu hậu cần sẽ mang đất ra thay. Vì đảo chìm chỉ có nước mặn, các chiến sĩ phải sử dụng rất hạn chế nước mưa và nước do tàu hậu cần cung cấp trong sinh hoạt hằng ngày. Khi những cơn mưa hiếm hoi chợt đến thì chẳng những rau xanh mà cả các chiến sĩ cũng hoan hỉ tắm mưa. Như thấu hiểu người chiến sĩ biển đảo, những cây rau xanh cũng kiên cường vươn lên trên nắng, gió và đá.
 |
Chăm sóc rau xanh trên đảo Đá Lớn C. |
Ngoài nước và rau xanh, điện trước đây cũng là thứ cần sử dụng tiết kiệm. Tuy nhiên, hiện nay, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, và quân đội, các điểm đảo đều có hệ thống năng lượng sạch, bền vững. Trên các điểm đảo, ở tầng trên cùng là quạt gió phát điện; ngoài ra, ở những nơi thuận tiện, các tấm pin năng lượng mặt trời cũng được lắp đặt, tận dụng tối đa diện tích đón ánh nắng mặt trời. Thượng úy QNCN Lê Thanh Việt, quản lý năng lượng điểm đảo Đá Lớn B cho biết, điện năng thu được từ gió và nắng được lưu trữ vào hệ thống ắc quy. Ngoài ra, đảo cũng có trang bị máy phát điện chạy dầu để đảm bảo đảo có điện sử dụng khi thời tiết bất lợi, phục vụ công tác sẵn sàng chiến đấu.
Như nhiều chiến sĩ khác, chiến sĩ Kim Minh Tuấn ra làm nhiệm vụ tại đảo Đá Đông B từ đầu năm nay bộc bạch rằng sẽ thi vào Học viện Hải quân sau khi hết nghĩa vụ quân sự. Dẫu còn nhiều khó khăn về vật chất, thiếu thốn về tình cảm, với anh đảo đã là nhà, biển cả là quê hương.
 |
Vững tay súng, sẵn sàng hy sinh vì biển đảo quê hương. |
Sau khi thăm xong một vòng tại các điểm đảo, mọi người tập trung về ngồi dọc theo hành lang tầng 2 rộng chừng một mét rưỡi để tham gia chương trình giao lưu văn nghệ. Tận mắt chứng kiến cuộc sống còn nhiều khó khăn của các chiến sĩ, nhiều người mắt đã rơm rớm. Có người nhắc rằng đừng ai khóc, đừng làm mềm lòng các chiến sĩ. Nhưng cảm xúc thì chẳng ai có thể kìm lại được. Các cô, các chị, các em vừa hát vừa lau nước mắt. Có lẽ ai cũng như ai, nhìn những gương mặt nắng gió như lặn vào trong của các chiến sĩ, nước mắt không rơi thì cũng chảy ngược vào trong. Cảm xúc mạnh mẽ đấy, nhưng ai cũng hiểu rằng các anh đã, đang, và sẽ luôn vững tay súng, trung thành vô hạn với tổ quốc, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Chương trình văn nghệ phục vụ chiến sĩ kết thúc. Phút giây xúc động và lưu luyến nhất cũng đến. Ai nấy bịn rịn xuống xuồng, những mong thời gian trôi chậm lại để có thể được chuyện trò, tâm sự, chia sẻ nhiều thêm nữa. Những cái ôm vội vã, những cái bắt tay thật chặt, những lời động viên chân thành lúc chia tay tưởng chừng đơn giản giờ thật khó để dứt ra. Bởi, đây là Trường Sa thân yêu, ấm áp nghĩa tình đất liền-biển đảo và bởi, Trường Sa là nơi mọi con tim Việt Nam luôn hướng về.
Chia tay đảo chìm, chúng tôi về tàu, tiếp tục hành trình. Cảm xúc dữ dội như con sóng nhưng lòng thực sự bình yên, bởi ngoài kia, dẫu còn khó khăn, chúng tôi biết các anh đang vững tay súng, ngày đêm bảo vệ sự bình yên cho biển đảo quê hương.
Bài, ảnh: HỮU DƯƠNG