Triệu phú vùng đất phèn
Theo thống kê mới nhất, số hộ nghèo ở Tân Phước hiện nay chỉ còn dưới 12%, đặc biệt cái đói đã đi vào dĩ vãng (không còn hộ đói). Đất Đồng Tháp Mười cũng bắt đầu sản sinh, xuất hiện ngày càng nhiều gương mặt triệu phú.
Chúng tôi tới nhà anh Nguyễn Văn Hòa, ấp Mỹ Thuận, xã Thạnh Mỹ, một gương mặt triệu phú đất Đồng Tháp Mười. Vợ chồng anh có 6 mẫu đất trồng khóm, mỗi năm thu lãi từ 100 đến 120 triệu đồng. Anh Hòa bồi hồi nhớ lại: Những năm 80 thế kỷ 20, vợ chồng công tác tại Lâm trường Trương Văn Sanh. Công việc chính của vợ chồng anh khi đó là trồng tràm, nhưng trồng mười cây thì bị chết chín hoặc nếu không chết cũng bị ngọn lửa của những vụ cháy rừng liên miên thiêu rụi. Đồng lương ba cọc ba đồng, khiến cuộc sống của vợ chồng anh và công nhân lâm trường luôn phải chịu cảnh thiếu trước hụt sau. Muốn cắm thêm cây lúa, cây màu để bớt phần cơ cực cho cuộc sống gia đình, thì cây vừa trồng hôm trước vài hôm sau đã héo rũ vì chẳng chịu nổi phèn. Anh Hòa bảo: Khi đó chán nản lắm, đã tính tới nước phải di chuyển đi nơi khác tìm kế sinh sống. Thế rồi, làn gió Đổi Mới của Đảng đã đến, tỉnh Tiền Giang tiến hành giải thể các lâm trường vì làm ăn không hiệu quả, đất được giao đến từng gia đình công nhân năm 1991. Dấu mốc đặc biệt nhất là năm 1994, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang được thành lập. Ngay sau khi thành lập, huyện ủy, ủy ban tập trung vào cuộc “cách mạng thủy lợi”. Hệ thống thủy lợi, kênh tưới tiêu được khẩn trương xây dựng. Đây có thể coi là dấu mốc cực quan trọng giúp đánh thức vùng đất này thành công. Khi hệ thống thủy lợi hoạt động, độ phèn trong đất giảm dần, người dân Tân Phước bắt mở rộng diện tích cây lúa, cây màu. Vợ chồng anh Hòa với 6 công đất trồng khóm, mỗi năm thu hoạch gần 200 tấn, sau khi trừ chi phí còn lãi 100 - 120 triệu đồng.
Anh cán bộ phòng nông nghiệp huyện cùng đi bỗng chêm vào: “Căn nhà này gọi là nhà khóm đấy nhà báo à!”. Nói rồi anh bật cười sảng khoái. Mất vài giây suy nghĩ, tôi mới hiểu. Cả chủ và khách lại được một phen cười phá lên. “Bây giờ thì anh chắc chẳng còn muốn đi đâu nữa phải không?”-tôi hỏi. Anh Hòa thủng thẳng: “Hồi đó cực quá, nên mới tính như vậy chứ còn như bây giờ thì… cha ông ta chẳng từng có câu đất lành chim đậu là gì, phải không anh?”. Đất dữ thành đất lành, quan trọng là nhờ bởi chính là bàn tay, khối óc con người và cách ứng xử hài hòa, phù hợp với thiên nhiên. Chợt nhớ câu: “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” mới thấy ý nghĩa vô cùng. Một đất nước I-xra-en đầy cát, gió, nắng ấy vậy mà người I-xra-en biết sử dụng đất đai vươn lên trở thành một trong những nước công nghiệp và nền nông nghiệp thuộc hàng tiên tiến trên thế giới. Còn người Việt Nam chúng ta đã khai phá và chinh phục thành công vùng phèn Đồng Tháp Mười. Tôi hoàn toàn không có ý định so sánh, bởi mỗi vùng đất trên trái đất này có khí hậu, đặc điểm địa lý khác nhau. Một nhà văn từng ví von rằng: mỗi vùng đất đều có một mã số bí mật riêng, cái quan trọng là con người, dân tộc ấy biết mở mã số để đánh thức nó.
Anh Hòa dẫn chúng tôi đi thăm ruộng dứa rộng thênh thang ngay phía sau ngôi nhà. Tôi ngạc nhiên vì thấy cây dứa lạ, một cây có một quả rất lớn nhưng xung quanh nó lại có tới 9 quả nhỏ. Tò mò, định hỏi thì anh Hòa vội giải thích: Giống khóm này gọi khóm phụng, gia đình tôi mới trồng từ vài ba năm nay. Khóm Phụng (Phượng) có hình dáng lạ nên người ta thường rất thích trưng bày, chơi trong dịp Tết. Có thể cắt quả để bày ban thờ cúng ông bà tổ tiên hay cũng có thể trồng nguyên cây trong chậu, đôn. “Nhưng không lẽ chỉ để chơi?”- tôi hỏi. Anh Hòa cười rồi nói tiếp: “Dĩ nhiên sau khi chơi xong, đem chén liền được hoặc chế biến thành những món ăn như những loại khóm thông thường khác. Này nhé! Giá bán một trái vào dịp Tết là từ 50.000 đến 70.000 đồng, thậm chí năm khan hiếm hàng thương lái có thể nói giá tới 100.000đồng/trái”.
Triệu phú thứ hai mà chúng tôi thăm tới cũng tên là Hòa, nhưng khác họ, anh Đặng Văn Hòa. Từ xa, căn “biệt điện” của gia đình anh nổi bật giữa màu xanh bạt ngàn của khóm. Và quả thực không ngoa khi gọi căn nhà này là “biệt điện” bởi số tiền chủ nhân của nó bỏ ra đầu tư, xây dựng xấp xỉ 600 triệu đồng. Vợ chồng triệu phú Đặng Văn Hòa hiện đang sở hữu 15 mẫu đất trồng khóm với khoản lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, vợ chồng anh còn tạo công ăn việc làm cho 7 lao động thường xuyên, với mức lương từ 1 đến 1,2 triệu đồng/người/tháng. Những lao động thuê khi vào mùa thu hoạch khóm sẽ được anh chị trả công 50.000 đồng/người/ngày.
Cũng có thể kể đến một triệu phú khác là anh Hồ Văn Hớn, ở ấp Hưng Điền, xã Hưng Thạnh. Anh Hớn bồi hồi nhớ lại: “Trước đây vợ chồng tôi rất nghèo, nhưng từ khi huyện đầu tư hoàn thành đê bao ngăn lũ, xây dựng hệ thống thủy lợi chúng tôi mạnh dạn phát triển cây khóm. Với 12ha chuyên trồng khóm, năng suất bình quân 24 tấn/ha, tôi thu về gần 250 triệu đồng, trừ chi phí lãi mỗi năm hơn 180 triệu đồng. Bây giờ vợ chồng tôi xây được một căn nhà kiên cố khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt ngay tại vùng đất mà trước đây chẳng ai dám nghĩ sẽ định cư lâu dài”.
Gìn giữ cho muôn đời sau
Không chỉ “đánh thức” đất đai phục vụ phát triển kinh tế mà còn kịp thời lưu giữ và bảo tồn hệ sinh thái đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười cho thế hệ mai sau. Năm 1999, UBND tỉnh Tiền Giang đã ra quyết định xây dựng khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười. Tổng diện tích khu bảo tồn là 1.900ha, lấy 100ha làm khu trung tâm và hỗ trợ nhân dân trồng rừng vùng đệm là 1.800ha. Mục tiêu của dự án là bảo tồn hệ sinh thái động thực vật đặc trưng của vùng, về lâu dài sẽ kết hợp làm nơi tham quan, nghiên cứu, học tập cho mọi người. Ngay sau khi được thành lập, Ban quản lý khu bảo tồn đã tiến hành sưu tập, bảo tồn các loài động thực vật đặc trưng vùng. Đối với rừng tràm thì tiến hành trồng dặm và bón phân để nhanh chóng tái sinh lại, làm cho rừng tràm phục hồi nhanh, khép tán, trồng thêm dừa, tre, trúc, trải, bình bát, trâm, súng, năn, đưng, lác, bàng... Các loài động, thực vật đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười thì đi các nơi sưu tập về để chăm sóc nhằm làm thế nào để tái hiện lại mô hình của vùng ngập nước chua phèn xưa kia. Khu rừng trung tâm của khu bảo tồn sinh thái có diện tích là 100ha, được bao bọc bên ngoài bởi con kênh có chiều rộng là 50m, phía trên là con đê bao vừa để phòng, chống lũ, cách ly toàn bộ khu trung tâm với bên ngoài như là một ốc đảo.
Khu này có chức năng dùng để nuôi, thuần dưỡng các loài thực vật, nuôi dưỡng huấn luyện các loài động vật như chim, cò... Dự kiến, trong tương lai vành đai trung tâm sẽ được thiết kế thành những phân khu chức năng bố trí theo từng chủng loại động, thực vật để mọi người có thể dễ dàng tham quan nghiên cứu, học tập. Ban quản lý rừng sinh thái đã tiến hành sưu tập các loài động, thực vật đem về đây chăm sóc. Về thực vật, đến nay, Ban quản lý khu bảo tồn đã sưu tập được hơn 5.000 loại cây lớn nhỏ, bao gồm các loại cây trong số 75 loài thực vật đặc hữu của vùng đất chua phèn như: trâm, tre, trải, năng, đưng, bàng, cỏ mồm, tràm, sọp, mua, bình bát v.v.. Việc bảo tồn được nguồn gien các loài động thực vật đặc hữu của rừng ngập nước chua phèn, đồng thời góp phần tạo độ che phủ của đất chống xói mòn trong mùa mưa lũ, giữ độ ổn định của đất, tạo ra “lá phổi xanh” cho môi trường, góp phần giữ gìn môi trường sinh thái cho khu vực Đồng Tháp Mười. Khu bảo tồn Đồng Tháp Mười sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong ngoài nước với loại hình du lịch sinh thái.
Giữa màu xanh bạt ngàn của khóm, lúa, tràm, điểm xuyết những ngôi nhà mái ngói đỏ au, những con đường chạy ngang dọc. Bức tranh quê vùng Đồng Tháp Mười gợi cho tôi bao cảm xúc.
Rồi đây, vùng đất Đồng Tháp Mười sẽ mọc lên cụm công nghiệp Phú Mỹ với diện tích 27ha. Ông Ngô Văn Mân, Phó chủ tịch UBND huyện cho hay: “Chúng tôi sẽ lập quy hoạch xây dựng 1-2 cụm công nghiệp với tổng diện tích 200-500ha để mời gọi các nhà đầu tư, đặc biệt là các dự án chế biến nông sản khuyến khích, ưu đãi, nhằm mục tiêu vừa tạo việc làm cho người dân vừa góp phần tạo đầu ra cho nông sản: chế biến dứa, bột khoai, chưng cất tinh dầu…”.
Dự án đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch chạy tới mũi Cà Mau, sẽ chạy qua Tân Phước, giúp cải thiện tình hình giao thông cho các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giảm nguy cơ ùn tắc, quá tải cho tuyến đường quốc lộ 1A. Tuyến đường Hồ Chí Minh cũng sẽ góp phần giúp vùng đất Đồng Tháp Mười khai phá được tiềm năng, phát triển kinh tế. Đất Đồng Tháp Mười khi đó sẽ ngày càng trở thành vùng đất lành cho những cánh chim về trú ngụ, sinh sôi, phồn thịnh. Câu ca xưa như lời mời gọi…
Muốn ăn bông súng mắm kho
Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm.
NGUYỄN KIỂM