Chùa Bến (Cổ Am) vừa được xây dựng lại

Mẹ đi làm đồng xa, tôi phải trông hai đứa em nhỏ ở nhà. Những lúc em khóc, tôi thường bế em sang nhà cô Thoa để cho em bú nhờ. Thấy ba anh em tôi, cô Thoa dừng dệt vải, vạch bầu vú trinh nguyên của mình cho em tôi ngậm. Vú không có sữa, nhưng không hiểu tại sao sau khi ngậm vú, em tôi nín ngay. Lúc đó tôi còn quá nhỏ nhưng đã kịp nhận ra một điều, cô Thoa đang khao khát được làm mẹ…

Quê tôi ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Dân quanh vùng thường gọi xã tôi là làng Cổ. theo sử sách của làng còn để lại thì chính Trạng Trình-Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đặt tên cho làng bởi quê gốc của cụ Trạng ở đây. Quê tôi là vùng đất văn vật “Bắc Cổ Am, nam Hành Thiện”(*), nhưng lại là nơi đất chật người đông. Người dân sống chủ yếu bằng nghề dệt vải, trồng thuốc lào, dạy học và động viên con cháu học thật giỏi để kiếm kế sinh nhai vì ruộng đất rất ít. Chính vì những lý do này mà con gái làng tôi rất đẹp. Thủa trước, các quan lại trong triều đã nhiều lần về làng tôi chọn mỹ nhân cho vua chúa.

Tôi sinh ra vào đúng lúc máy bay giặc Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc lần thứ nhất (năm 1965), lúc đó tôi còn quá nhỏ và không thể biết được sự ác liệt của chiến tranh, nhưng đến khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc lần thứ hai (năm 1972), tôi đã cảm nhận được khốc liệt của nó khi làng tôi trở thành nơi sơ tán của một số cơ quan, xí nghiệp thuộc nội thành Hải Phòng và là nơi an dưỡng, điều trị cho thương binh, bệnh binh. Lúc ấy cả làng hừng hực khí thế căm thù giặc. Lứa chúng tôi lúc ấy đội mũ rơm đi học cũng cố gắng giành 10 điểm 10 để “bắn rơi một máy bay giặc Mỹ”. Tôi nhớ mãi những buổi liên hoan tiễn đưa các nam thanh niên của làng vào quân đội. Lúc đó các anh phần lớn đang học cấp ba, nhiều người đã viết đơn tình nguyện bằng máu. Hiện trong bảo tàng của xã vẫn còn lưu giữ một số lá đơn này.

Hồi ấy, ở làng tôi cũng như nhiều nơi trong miền Bắc có phong trào “ba khoan” để dốc sức vào cuộc chiến chống đế quốc Mỹ. Nội dung của “ba khoan” là thanh niên khoan yêu, nếu đã yêu rồi thì khoan cưới, đã cưới rồi thì khoan đẻ con để trai tráng trong làng yên tâm vào chiến trường miền Nam đánh giặc. Thế nhưng thực tế lúc ấy chỉ thực hiện được “hai khoan” là “khoan cưới” và “khoan đẻ” còn “khoan yêu” thì gần như không thực hiện được vì theo lý giải của những anh chị thanh niên trong làng tôi lúc ấy, tình yêu lứa đôi gắn chặt với tình yêu quê hương đất nước, chính vì thế, rất nhiều anh, nhiều chị đã yêu nhau và trước lúc đi bộ đội, nhiều gia đình đã tổ chức các lễ ăn hỏi, hoặc lễ dạm ngõ.

Cô Hoàng Thị Thoa ở xóm 3 (cạnh nhà tôi) yêu chú Trần Tiến Hoạt ở xóm 1 lúc đó hầu như cả làng đều biết và khen cô chú ấy đẹp đôi. Hồi ấy cô Thoa là xã viên hợp tác xã dệt vải Thống Nhất còn chú Hoạt vừa học xong cấp ba đã tình nguyện đi bộ đội. Trước ngày nhập ngũ, gia đình chú Hoạt mang trầu cau và dăm nón chè xanh (ở quê tôi lúc ấy, thường dùng chiếc nón đội đầu để “đong” chè) làm lễ ăn hỏi cô Thoa. Sau lễ ăn hỏi, cô Thoa vẫn ở nhà bố mẹ đẻ của mình, nhưng thường xuyên qua lại gia đình chú Hoạt để đỡ đần bố mẹ của chú trong các công việc đồng áng. Bố mẹ chú Hoạt quý cô Thoa còn hơn cả con đẻ. Cô Thoa cũng coi gia đình của chú Hoạt như gia đình của mình.

Năm đầu tiên sau ngày chú Hoạt nhập ngũ, cô Thoa thường xuyên nhận được thư của chú Hoạt. Mỗi lần nhận được thư, cô đều báo tin cho mẹ tôi. Tôi nhớ mãi hình ảnh cô cầm lá thư ôm vào ngực, mắt lim dim mơ màng như đang tâm sự với người chồng chưa cưới…

Thế nhưng, từ khi chú Hoạt “đi Bê” (vào chiến trường miền Nam), cô Thoa không nhận được thư của chú nữa. Cứ chiều chiều, bên khung cửi dệt vải, trông thấy bóng chú bưu tá, cô lại chạy ra đầu ngõ hỏi thư. Thấy cái lắc đầu của chú đưa thư, mắt cô lại đẫm lệ. Cô chạy nhanh về khung cửi, đạp thật mạnh, như xoá đi cái khoảng cách trống vắng…

Hồi ấy, bố tôi phụ trách một trại chăn nuôi của hợp tác xã nông nghiệp ở cuối làng, chỉ đến tối mới về nhà. Mẹ tôi theo tổ phụ nữ “ba đảm đang” của xã đi làm đồng xa. Tôi và chị gái tôi phải thay phiên nhau vừa đi học, vừa trông hai em nhỏ, em trai gần 4 tuổi và em gái gần một tuổi. Lúc đó hầu như không có khái niệm cho trẻ em uống sữa bò, sữa dê như bây giờ mà chủ yếu là cho trẻ bú mẹ và uống nước cháo. Những lúc em khóc, tôi thường bế em sang nhà cô Thoa, nhờ cô trông để nấu cháo lại cho em ăn. Nước cháo trộn chút đường cho em gái và bã cháo cho em trai ăn. Có lần em khóc nhiều quá, cô Thoa vạch bầu vú trinh nguyên của mình cho em tôi ngậm. Vú không có sữa, nhưng không hiểu tại sao sau khi ngậm vú, em tôi nín ngay. Lúc đó tôi còn quá nhỏ nhưng đã kịp nhận ra một điều, cô Thoa đang khao khát được làm mẹ…

Lúc ấy, có một chú thương binh về an dưỡng tại làng ngỏ lời yêu cô Thoa, nhưng cô thẳng thừng từ chối vì cho rằng mình đã có chồng. Không chỉ riêng cô Thoa mà nhiều cô gái khác ở làng tôi lúc bấy giờ có chồng chưa cưới ở chiến trường, trong đó có em gái của mẹ tôi cũng kiên quyết từ chối những lời cầu hôn. Các cô đã thành lập câu lạc bộ những người có chồng chưa cưới hoặc người yêu trong quân ngũ. Đêm đêm các cô tham gia vào đội dân quân trực chiến bảo vệ xóm làng.

Cô Thoa cùng rất nhiều cô gái làng tôi thủa ấy cứ đằng đẵng đợi chồng chưa cưới. Đến khi đất nước thống nhất, cô mới nghẹn ngào khi biết chồng chưa cưới của mình đã hy sinh. Với cô Thoa, ngày địa phương tổ chức lễ truy điệu chú Hoạt, cô như người mất hồn. Vài tháng sau, cô bị điên, cứ luôn mồm nhắc đến “Anh Hoạt yêu quý”. Bà Sồi, mẹ của cô Thoa vì quá lo lắng cho con gái của mình cũng phát bệnh điên, đi khắp làng hò, hát.

Ngày tôi mới nhập ngũ, lần đầu tiên được về phép, đến đầu làng, gặp cô Thoa, cô ôm chầm lấy tôi hôn chùn chụt và gọi tôi là “anh Hoạt”. Tôi hoảng hốt nói với cô rằng: “Cháu là Thọ, con của mẹ Linh đây”, nhưng cô vẫn ôm ghì lấy tôi và khóc. Thương cô, tôi cũng khóc theo. Thấy vậy, cô lại dỗ dành: “Nín đi, em sẽ cho anh tất cả…”.

Bỗng cô nhìn chằm chằm vào mặt tôi và nói: “Không phải anh Hoạt rồi! Mày là thằng Thọ ngày trước vẫn cho em sang bú nhờ tao. Mày đã thành bộ đội rồi à ?”.

Mãi sau này, khi cô Thoa khỏi bệnh, nghe cô kể lại, tôi mới biết được rằng, dù cô Thoa và chú Hoạt đã làm lễ ăn hỏi, nhưng hai người mới chỉ dám cầm tay nhau. Cũng chính vì thế mà cô thương xót cho người chồng chưa cưới của mình vĩnh viễn ra đi mà chưa kịp trở thành đàn ông và bản thân cô cũng ân hận bởi chưa được trở thành đàn bà.

Cùng đằng đẵng đợi chồng chưa cưới như cô Thoa, ở làng tôi còn nhiều cô gái khác cũng rất xinh đẹp, rất nết na, thuỳ mị. Hầu hết các cô gái này, đến khi nhận được tin chồng chưa cưới hy sinh đều đã “quá lứa, nhỡ thì”, có một số người cũng kiếm được tấm chồng, nhưng phần lớn là ở vậy đến cuối đời. Các cô gái này của làng tôi và chắc chắn ở nhiều nơi khác cũng vậy, mòn mỏi chờ chồng chưa cưới, cũng đã làm tròn nghĩa vụ, trách nhiệm với gia đình nhà chồng. Thế nhưng, sau khi chồng chưa cưới của họ hy sinh, vì chưa có đăng ký kết hôn, nên họ không được hưởng chế độ chính sách dành cho người vợ liệt sĩ. Đồng chí Đào Bá Tuấn, Bí thư Đảng uỷ xã đã có lần nói với tôi: Lãnh đạo xã cũng biết việc này, nhưng về mặt pháp lý thì không thể “vận dụng” được. Mặc dù nhiều người đã có những đóng góp rất lớn cho gia đình nhà chồng, thậm chí có người đã nuôi nấng bố mẹ chồng chưa cưới.

Chuyến về quê gần đây, tôi được biết, cô Thoa hiện đang làm thuê ở nội thành Hải Phòng cho một gia đình có gốc gác ở làng. Cô đã lặn lội vào tận Quảng Nam, nơi chú Hoạt hy sinh. Cô Tươi, bạn thân của cô Thoa đã chết do bệnh tật. Lễ viếng cô Tươi vẫn là những vòng hoa trắng.

Quê tôi bây giờ đã thay đổi nhiều lắm. Những ngôi nhà mái lợp cói, lợp rạ lách cách tiếng dệt vải ngày xưa giờ đây đã được thay thế bằng những ngôi nhà mái bằng, hoặc nhà tầng. Những hàng rào đỏ màu dâm bụt ngày nào được thay bằng những bức tường cao, cắm mảnh thuỷ tinh nhọn hoắt. Đường làng lát gạch đỏ au ngày nào đã được thay thế bằng đường trải nhựa phẳng lỳ. Làng tôi giàu lên cùng với hàng nghìn làng quê khác trong cả nước. Xã Cổ Am của tôi đã được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và đang phấn đấu để đạt danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. Hỏi người trong làng về những chuyện ngày xưa chống Mỹ , có người say sưa nói hàng tiếng đồng hồ về những phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, phong trào “Bèo hoa dâu”, “ Trồng điền thanh mô”, “Đội dân quân trực chiến”…Nhưng cũng có người nghe tôi gợi chuyện lại nước mắt lưng tròng… Thực tế lúc ấy, khói lửa chiến tranh gần như không có ở quê tôi, không có quả bom Mỹ nào rơi vào làng tôi, nhưng những mất mát, đau thương từ cuộc chiến vẫn cứ đeo bám người dân làng tôi đến tận ngày hôm nay.

Làng tôi có một ngôi chùa rất linh thiêng ở cạnh sông Hoá có tên gọi là chùa Bến. Theo các cụ già trong làng kể lại thì ngày xưa, tướng quân Dã Tượng đã từng đuổi giặc qua đây. Có người cho rằng sở dĩ chùa có tên gọi như vậy vì xưa kia đây là bến đò, nơi các cô gái làng đã đứng đây để tiễn chồng, tiễn người yêu lên đường đánh giặc. Nơi đây cũng là bến đợi của các cô gái khi người thân thắng trận trở về. Chùa xây dựng tại đây cũng là bến đón linh hồn của các chàng trai, cô gái còn trinh trắng… Vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước, chùa Bến đã được dỡ đi để làm trường học.

Năm nay, thể theo nguyện vọng của nhiều người dân trong làng, trên nền đất chùa Bến trước kia, một ngôi chùa mới đã được xây dựng lại. So với nhiều ngôi chùa trong vùng thì chùa Bến còn có quy mô nhỏ, nhưng với nhiều người trong làng thì đây chính là ngôi nhà chung, là bến đợi của linh hồn những người trinh trắng đã vì quê hương mà chống giặc, vì quê hương mà chung thuỷ đợi chờ…Trong tiếng chuông chùa ngân nga, tôi như nghe đâu đây lời thề ước sắt son của các chàng trai, cô gái trẻ quê tôi.../.
-------------------------------------------

(*) Làng Hành Thiện thuộc huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định; hai làng Cổ Am (ở phía Bắc) và Hành Thiện (ở phía Nam) nổi tiếng về học hành, thi cử.

Bài và ảnh: Đỗ Phú Thọ