QĐND - Những cánh rừng, ngọn núi trên vùng đất cao nguyên phía Bắc của tỉnh Lâm Đồng không chỉ có màu xanh của lá. Nhiều năm qua, nơi đây còn in dấu màu áo xanh của bộ đội và trí thức trẻ tình nguyện thuộc Đoàn Kinh tế-Quốc phòng Lâm Đồng. Những người đang hiến dâng tuổi xanh của mình cho vùng đất thêm xanh.
Thắp lên ánh sáng diệu kỳ
Mặt trời chưa khuất sau dãy núi Tà Đùng nhưng vợ chồng K’Đóp và K’Brêu đã dừng công việc trên rẫy để trở về nhà. Trong lúc chồng ra vườn hái dâu cho lũ tằm đang kỳ ăn rỗi, K’Brêu vào bếp nấu cơm. Vừa làm việc, chị vừa tranh thủ nhẩm lại những con chữ học được từ tối hôm trước. Khi mâm cơm chiều được dọn ra cũng là lúc bóng đêm đuổi hết ánh mặt trời, ngoài đường bắt đầu lao xao những bước chân cùng ánh đèn pin loang loáng. Nuốt vội miếng cơm, 2 vợ chồng bước ra khỏi nhà, hòa cùng đoàn người đi về phía Điểm trường Kon Pang, nơi có lớp học ngập tràn ánh sáng và cả thứ ánh sáng diệu kỳ khác đang thắp lên trong tâm trí họ.
 |
Trí thức trẻ tình nguyện hướng dẫn người dân ghép cà phê.
|
Lớp học xóa mù chữ ở Điểm trường Kon Pang thuộc xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà do Đội sản xuất số 3 thuộc Đoàn Kinh tế-Quốc phòng Lâm Đồng mở cách đây 5 tháng. Lớp có 35 học sinh nhưng số người bao giờ cũng đông hơn sĩ số thực. Như trường hợp của chị K’Giỏi chẳng hạn, mỗi đêm đều có chồng con “hộ tống”. Trong lúc chồng và đứa lớn đợi ngoài sân thì cậu con trai 1 tuổi vẫn nằm trong lòng mẹ. Ngồi phía sau K’Giỏi là đôi vợ chồng trẻ Ja Phúc và K’Em, dù mới sinh con được 3 tháng nhưng vì khát chữ mà đêm nào hai vợ chồng cũng mang con tới lớp, vừa học vừa thay nhau chăm con.
Cô giáo Đàm Thị Hồng, người dân tộc Tày, 24 tuổi, tốt nghiệp ngành Quản lý giáo dục Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, là trí thức trẻ tình nguyện về công tác tại Đội sản xuất số 3 từ tháng 11-2014. Ban ngày đi chăn bò, trồng bắp, chăm sóc cà phê, buổi tối cô tham gia dạy xóa mù chữ. Dù chẳng nề hà công việc gì nhưng với Hồng, dạy học vẫn là niềm yêu thích nhất. “Khi nhìn thấy ánh mắt khao khát cùng sự háo hức của học trò, em có cảm giác quên hết mệt nhọc và cả nỗi buồn của cuộc sống giữa chốn rừng đèo heo hút”- Hồng tâm sự.
Trong lớp, K’ul sinh năm 1957 là người lớn tuổi nhất. Cuộc sống lam lũ khiến người phụ nữ này mắt mờ, tay run, đầu óc lúc nhớ, lúc quên. Mỗi khi tập đọc, K’ul phải ghé mắt sát vào trang sách, tay trái rọi đèn pin, tay phải rờ vào từng chữ như người khiếm thị. “Có tuổi rồi nên cái đầu khó bảo! Cứ đi vài bước lại rơi mất một chữ nhưng mình thích học lắm. Biết chữ để bớt khổ. Với lại mình phải học để làm gương cho con cháu nữa!”- K’ul cười ngượng ngùng.
Nằm bên dòng Đạ Dâng huyền thoại, vùng đất Tân Thanh có những ưu thế khó nơi nào sánh kịp. Đất đai trù phú, khí hậu ôn hòa, nguồn nước thuận lợi, rừng nguyên sinh rộng lớn. Nhiều năm qua, dân di cư tự do ùn ùn đổ về đây. Những cánh rừng bị đốn hạ; đồi núi, sông suối bị xới tung nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo bám dai dẳng như một lời nguyền nghiệt ngã. Khi tìm câu trả lời cho thực trạng đáng buồn trên, người ta phát hiện ra con số giật mình. Hiện toàn xã có khoảng 200 người mù chữ. Với cán bộ, chiến sĩ của Đội sản xuất số 3, cuộc chiến chống “giặc dốt” giờ đây trở thành nhiệm vụ hàng đầu.
Thời gian đầu, việc vận động bà con tới lớp gặp không ít khó khăn. Có nhiều lý do được đưa ra: “Lớn rồi, đi học xấu hổ lắm”, “Đi làm rẫy xa, cả tháng mới về, không có thời gian”, “Cái bụng chưa no, cái người chưa ấm, cái chữ không vào đầu được”… Tuy nhiên, nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, số người tới lớp ngày càng đông. Ngoài giáo viên chính là cô giáo Đàm Thị Hồng, đội cử thêm 2 trí thức trẻ khác là K’Hồng, người dân tộc Cơ Ho làm “thông dịch viên” và Bùi Đình Cầu tham gia kiểm tra, hướng dẫn học sinh. Đến nay, hầu hết học sinh trong lớp đã biết đọc, biết viết. Người học “chậm” như K’ul cũng đã đọc khá trôi chảy bài thơ dài “Cổ tích về loài người”.
Gieo màu xanh sức trẻ
Vùng Đầm Ròn với các xã Đạ M’Rông, Đạ Tông, Đạ Long thuộc huyện Đam Rông là một trong những “rốn nghèo” của tỉnh Lâm Đồng. Nơi đây một thời còn là miền đất dữ. Cuối năm 1978, Y Djao Niê, thủ tướng tự phong của cái gọi là “Chính phủ FULRO Đề-ga” bị chính đám thuộc hạ của y giết chết, Y Ghok Niê Krieng lên thay, ban lãnh đạo lực lượng FULRO chuyển về khu vực Đầm Ròn. Từ đây, những cuộc tranh giành quyền lực đẫm máu cùng hành vi gieo rắc tội ác của chúng trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với người dân trong vùng. Trong một thời gian dài, dù bóng ma FULRO không còn hiện diện nhưng dọc hai bên đường từ thị trấn huyện vào xã Đạ Long là những ngôi nhà tạm bợ giữa vườn điều xác xơ không quả, những đứa trẻ mặt mày lấm lem, ngơ ngác. Điều đáng mừng là bức tranh Đầm Ròn thời gian gần đây đã xuất hiện những mảng màu tươi sáng được tạo nên từ sự chung tay, góp sức của bộ đội và trí thức trẻ tình nguyện.
Với người dân trong vùng, Đội sản xuất số 1 ở thôn Đa Kao 2, xã Đạ Tông từ lâu đã trở thành “điểm hẹn” của các buổi tham quan những mô hình sản xuất, học tập chuyển giao kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp. Đóng quân trên đồi cao, đất đai cằn cỗi, thường xuyên thiếu nước nhưng vườn cà phê của đơn vị luôn xanh mướt, trĩu quả; đàn bò, đàn lợn quanh năm đông đúc, béo tốt. Thượng úy QNCN Phạm Văn Thưởng, Đội trưởng Đội sản xuất số 1, tự hào khoe: "Đội có 14 cán bộ, nhân viên, hầu hết tuổi đời dưới 30, chưa lập gia đình. Hiện đơn vị đảm nhiệm canh gác, bảo vệ 538ha rừng phòng hộ đầu nguồn Sê-rê-pốc, chăm sóc 6ha cà phê, nuôi 15 con bò cùng nhiều gà, lợn. Hằng năm, đội luôn hoàn thành chỉ tiêu sản xuất do cấp trên giao".
Không chỉ thuyết phục người dân bằng các mô hình sản xuất hiệu quả, hằng ngày, đội ngũ cán bộ, nhân viên đơn vị còn thay nhau tỏa đi các buôn làng giúp dân cải tạo vườn tạp, hướng dẫn cách ghép và chăm sóc cà phê, trồng lúa nước, ủ phân vi sinh, làm đường, nạo vét kênh mương, đào giếng, dạy văn hóa, tuyên truyền luật pháp. Nhờ các chương trình đầu tư của Nhà nước và sự giúp đỡ, hỗ trợ trực tiếp từ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng Lâm Đồng, đến nay nhiều gia đình ở các xã Đạ Tông, Đạ Long đã phá bỏ vườn tạp để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cà phê, ca cao, biết lập chuồng trại chăn nuôi, nhận khoán bảo vệ rừng, phát triển nghề thủ công truyền thống. Giai đoạn 2010-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của các xã vùng Đầm Ròn trung bình đạt từ 12-15%/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số từ 60% giảm còn khoảng 16%.
Thượng tá Phan Thanh Lịch, Chính trị viên Đoàn Kinh tế-Quốc phòng Lâm Đồng cho biết, đơn vị hiện đứng chân làm nhiệm vụ trên địa bàn 11 xã đặc biệt khó khăn thuộc 3 huyện Đam Rông, Lâm Hà, Di Linh. Những năm qua, với tình cảm và trách nhiệm sâu sắc, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ và trí thức trẻ tình nguyện đã không quản ngại xa xôi, gian khổ; ngày đêm bám buôn, bám cơ sở, vừa tăng gia sản xuất vừa tham gia xây dựng hệ thống chính trị, giữ gìn an ninh-quốc phòng, dạy văn hóa, xóa đói, giảm nghèo... dù kết quả còn khiêm tốn nhưng tấm lòng và sự nỗ lực của đơn vị luôn được cấp ủy, chính quyền và nhân dân đánh giá cao.
Những ngày hóa thân vào cuộc sống cùng với đồng bào nơi vùng sâu, vùng xa, các bạn trẻ còn trưởng thành rất nhiều. Nhìn những thân hình rắn rỏi, gương mặt sạm nắng, bàn tay thoăn thoắt ghép cà phê, ít ai ngờ rằng, trước đó chỉ vài tháng, họ còn là những “công tử, tiểu thư” thành phố sức vóc “trói gà không chặt”. Sau những ngày lặn lội công tác trên vùng đất khó, nhiều người cũng tìm thấy tình yêu, hạnh phúc cho đời mình. Nhiều cặp đôi như Hiếu-Hằng, Song-Thắm, Ngân-Tư… đã nên duyên chồng vợ và quyết định ở lại nơi đây để xây dựng cuộc sống lâu dài. Sức trẻ và tình yêu đang đánh thức “rừng hoang, đất lặng” trên vùng đất cao nguyên thành màu xanh ấm no, hạnh phúc.
Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG