Ông vén tấm áo, lộ ra trước mắt tôi là khoang ngực bị biến dạng, ngang dọc những vết sẹo lớn. Tôi hỏi. Tay ông chỉ và giải thích: Chỗ này bị mảnh đạn pháo bắn trúng trong trận chống càn của địch, chỗ này bị mảnh bom văng trúng khi đánh tàu trên sông và đây nữa, là vết đạn-lần bị thương thứ hai cùng trong một trận đánh...
Đến nay, dù đã qua bao lần nhập viện, ông vẫn sống chung cùng với 17 mảnh đạn trong cơ thể của mình. Nhưng lạ hơn, ông đã làm nên nhiều điều rất ý nghĩa, kỳ diệu sau chiến tranh, khi đối diện với đời thường. Ông là Trần Văn Đởm (người dân địa phương vẫn quen gọi với tên thân mật là Bảy Bình), thương binh hạng 1/4, ở xã Thành An, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre.
 |
Ông Bảy Bình chăm sóc vườn kiểng ở nhà mình. |
Chúng tôi đến thăm nhà ông trong một chiều mưa của ngày đầu tháng 7. Ông vừa đi dự Hội nghị tuyên dương thương binh, cựu chiến binh giúp nhau vượt khó, thoát nghèo, làm kinh tế giỏi ở Thủ đô Hà Nội về. Căn nhà của gia đình ông khang trang, yên bình hiện giữa miệt vườn cây trái, giữa những thân dừa nghiêng cao vút. Ông Bảy Bình đón chúng tôi với nụ cười hiền từ của một lão nông Nam bộ.
Gia đình ông Bảy Bình có truyền thống cách mạng ở huyện Mỏ Cày: Cha của ông là liệt sĩ, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp; bảy anh chị em trong gia đình đều tham gia cách mạng, trong đó có 4 người hy sinh và 1 người là thương binh1/4; có 3 thế hệ là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông Bảy nhập ngũ từ lúc 16 tuổi. Hồi đó, ông tham gia đơn vị đặc công của bộ đội địa phương, hoạt động ở vùng căn cứ cách mạng của Trung ương Cục Miền Nam. Những ngày ấy, ông là người trực tiếp tham gia trận đánh tàu trên sông đầu tiên ở tỉnh Bến Tre, đạt kết quả vang dội ở chiến trường Nam bộ, làm chìm 35 tàu địch, tiêu diệt hơn 1.500 tên địch và thu giữ nhiều vũ khí, đạn dược.
Sau khi nước nhà thống nhất, ông Bảy xuất ngũ với hàng chục mảnh đạn găm trong cơ thể của mình. Sau hai năm gắng gượng rèn luyện, sức khỏe của ông hồi phục. Lúc đó, gia đình nghèo lắm, ruộng vườn không có. Ông trăn trở nghĩ cách để kiếm sống. Ngày đó, ruộng vườn của nhiều gia đình bị bỏ hoang không dám canh tác, trồng trọt vì còn có nhiều bom, đạn chưa được giải tỏa. Ông liên hệ với chủ đất, đặt vấn đề gỡ hết bom, mìn trên ruộng và chỉ đề nghị nhận thù lao bằng cách, được mượn đất ruộng ấy để canh tác một hoặc hai mùa vụ. Bằng cách đó, từ năm 1976 đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, ông Bảy đã gỡ bom, mìn ở những nơi mình mượn đất và giúp nhân dân trong vùng gỡ bom mìn để canh tác, không để đất hoang hóa. Vợ chồng ông đã tích cóp đủ tiền mua một mảnh vườn rộng 4.000m2. Có đất, ông lao vào tìm hiểu các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao. Mô hình sản xuất vườn-ao-chuồng của ông Bảy đã đạt thu nhập bình quân hằng năm gần 100 triệu đồng.
Khi kinh tế gia đình đã ổn định, ông Bảy nhiệt tình tham gia công tác hội, đoàn ở địa phương, giúp những người nghèo, đồng đội cũ trong ấp, xã, huyện cùng xóa nghèo, làm giàu. Ông hỗ trợ nhiều cựu chiến binh nghèo trong xã, trong huyện mượn vốn không lấy lãi suất để đầu tư sản xuất, khi nào khấm khá thì trả lại vốn. Người vay ít thì 3-4 triệu đồng, vay nhiều thì 10 triệu đồng. Ông còn mua con giống cho các hộ nghèo chăn nuôi, khi nào sinh lãi thì trả lại vốn gốc. Nhờ đó, nhiều cựu chiến binh đã vượt được nghèo, kinh tế dần khấm khá, ổn định.
Chị Lê Thị Trang, Chủ tịch UBND xã Thành An cho biết: "Chú Bảy rất xông xáo tham gia nhiều công tác xã hội ở địa phương, là một điển hình về làm kinh tế giỏi, làm từ thiện của tỉnh Bến Tre. Ở chú luôn toát lên sự phấn đấu không mệt mỏi dù còn mang nhiều bệnh tật trên mình, trở thành một gương sáng cho cán bộ và nhân dân trong xã noi theo".
 |
Ông Bảy Bình (bên phải) bàn kế hoạch kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7 với cán bộ Hội Cựu chiến binh xã Thành An |
Giúp đồng đội thoát nghèo, ông còn góp tiền xây cầu, làm đường giao thông nông thôn; giúp khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ. Mới đây thôi, dòng kênh Chiến Tuyến ở ấp Đông Thạnh, xã Thành An thiếu một cây cầu. Người dân mỗi lần qua kênh Chiến Tuyến rất vất vả. Học sinh đến trường phải đi bằng đò hoặc bấp bênh trên những cầu khỉ vượt sông. Ông đóng góp 6 triệu đồng và đi vận động các hộ dân trong xã ủng hộ thêm để xây cầu. Có tiền rồi, ông chạy xuôi chạy ngược tìm hiểu giá vật tư, chọn thiết kế, cùng dân góp công xây dựng cầu, nhờ đó, chi phí giảm. Giờ đây, học sinh trong ấp đi xe đạp qua cây cầu bê tông vượt kênh Chiến Tuyến mà ngỡ như trong mơ.
Dù bề bộn với việc nhà, ông Bảy vẫn dành nhiều thời gian tham gia hoạt động xã hội, vận động xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ khuyến học, nói chuyện truyền thống cho các em nhỏ ở các trường học. Ông Bảy đã nhận được nhiều bằng khen của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, của UBND tỉnh và huyện về các thành tích sản xuất giỏi và công tác xã hội.
Ông Bảy cười hiền và chân tình trò chuyện với chúng tôi:
- Có ước mơ sẽ làm nên nhiều điều lắm. Lúc kháng chiến tôi mơ ước nước nhà thắng Mỹ-ngụy, thống nhất. Đất nước thống nhất rồi, tôi mơ ước có mái nhà, có mảnh vườn, có sức để nuôi con ăn học… Mỗi kết quả đạt được hôm nay đều thuộc mỗi giai đoạn đã qua. Và mỗi mơ ước đều được hiện thực bằng những việc làm cụ thể, nỗ lực hết mình. Mình làm được điều gì cũng phải nghĩ đến cái lợi ích chung của xã hội, của đất nước.
Người lính đặc công năm xưa, nay còn mang nhiều mảnh đạn trong cơ thể đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng đẹp về một cựu chiến binh-thương binh ở vùng quê truyền thống Đồng Khởi.
Bài và ảnh: Trung Kiên, Bá Hiên