Ông cưới bà khi cả hai người đang học lớp 9 và lời hứa với mẹ vợ: “Con sẽ nuôi cô ấy ăn học thành cô giáo”. Bụng mang dạ chửa, bà vẫn ngày ngày đến lớp để thực hiện mơ ước của mình và lời hứa của chồng với mẹ. Nhưng rồi vì bao lí do, bà không thể theo học hết lớp 10. Ông cũng phải từ bỏ nghề mình yêu thích để bắt đầu một hành trình mới với nghề vận tải xe bò, để cùng vợ “gửi” ước mơ của mình vào bảy người con. Ông là Nguyễn Trọng Lô, bà là Phan Thị Năm, là giáo dân ở xứ đạo Phi Lộc, xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Những năm tháng theo xe bò

Khi anh Nguyễn Văn Hải, con trai đầu lòng ra đời, bà phải bỏ dở năm cuối cấp 3. Ở cữ, bà vẫn mơ đến lớp học, mơ một ngày mình là cô giáo. Khi con đã cứng cáp, ông lại làm thủ tục cho bà vào học lớp 9+2 Trường trung cấp Sư phạm của tỉnh, để “viết” tiếp ước mơ. Đó là những ngày gian nan, cực khổ, song ông bà rất vui vì ước mơ của bà lại có cơ may thành hiện thực. Nhưng… dạo đó, chiến tránh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ rất ác liệt, trường học của bà liên tục sơ tán nhiều nơi, bà không thể đưa con đi hết chỗ nọ đến chỗ kia, mà gửi con ở nhờ nhà người quen trông giúp thì không đành. Bà lại gạt nước mắt, từ bỏ ước mơ, từ biệt mái trường… Cũng thời điểm ấy, ông đang là giáo viên ở Trường trung cấp Quản lý kinh tế của tỉnh, nhưng vì đồng lương eo hẹp và sức khoẻ yếu nên cũng ngậm ngùi tạm biệt mái trường về giúp vợ con.

Cuộc đời ông bà bước sang một trang mới. Bảy đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống thật khó khăn. Đến bữa, nhìn cơm độn toàn sắn, thức ăn chẳng có gì ngoài rau và mắm, các con ăn không đủ no, nước mắt ông bà trào ra. Làm thế nào để thoát khỏi cảnh đói nghèo?

Vợ chồng ông bà Lô và chiếc xe bò

Sau nhiều đêm không ngủ, ông đã quyết định vay tiền mua một con bò và một chiếc xe để chuyển hàng hoá, vật liệu cho hợp tác xã lấy công điểm. Quãng đường từ trung tâm huyện Diễn Châu về xã Diễn Nguyên khoảng 7 km, ngày nắng cũng như ngày mưa, ông vẫn đều đặn hành trình cùng chiếc xe bò như thế. Nhờ chăm chỉ và thật thà, hợp tác xã tín nhiệm nên giao công việc cho ông đều đều. Cuối vụ, nhận thóc, bữa cơm của các con nhờ thế sắn, khoai cũng ít hơn, thỉnh thoảng đã có cá, có thịt. Ông kể: “Ngày đó không quân Mỹ đánh phá vùng này ác liệt lắm, nhiều hôm cùng chiếc xe bò chở hàng đi dưới bom đạn không nghĩ là mình sẽ sống. Có hôm bị sức ép của bom quật ngã, tôi lịm đi, lúc tỉnh lại loàng quàng sờ nắn khắp nơi xem con bò có bị sao không, chiếc xe thế nào”. Sau này khi đã thành “thương hiệu xe bò ông Lô”, bà con ai có việc vận chuyển hàng hoá, thóc gạo,… đều gọi đến ông. Thu nhập của gia đình nhờ thế mà tăng lên, mọi trang trải trong gia đình, mua sắm sách vở và quần áo cho các con cũng cơ bản từ đó. Ông cứ đánh xe, cứ lầm lũi đi như thế suốt hơn 20 năm cho đến khi người con út thi đỗ vào đại học.

Ở nhà, bà vừa là mẹ, vừa là cô giáo gieo mầm hiếu học cho các con. Bà xoay xở đủ mọi nghề: bán hàng vặt, trồng mía làm mật, mở cửa hàng bán phân bón nông nghiệp, nuôi gà, nuôi lợn…

Hàng ngày bà làm lụng đủ mọi việc, dành thời gian cho các con học hành. Ngoài mấy sào ruộng khoán và vườn cây ăn quả, bà còn vỡ hoang dọc sông Cầu Chùa. Nghe ở đâu bà con có ruộng xấu không làm là bà tìm đến nhận cày cấy, trả thóc theo vụ. Mỗi lần phơi lúa, trục lúa hay làm bất cứ việc gì bà cũng thật nhẹ nhàng để không ảnh hưởng đến việc học của các con. Đêm đến, khi công việc đã vãn, bà lại hướng dẫn các con học bài.

Chở những ước mơ

Trước thời điểm năm 2000, vùng giáo xứ Phi Lộc của Diễn Nguyên chưa có học sinh nào đỗ vào cao đẳng và đại học. Riêng ông bà Lô thì không chỉ có một, hai… mà tới bảy người con đều đến được với giảng đường đại học.

Giai đoạn khó khăn nhất của ông bà Lô là khi các con đứa học cấp 3, đứa thi vào đại học. Bà tâm sự, sau khi các con: Hải, Hùng, Dũng, Dung học xong phổ thông trung học là nhà đã chẳng thể tìm ra cái gì đáng giá để bán nữa. Đôi lúc quẩn lên, bà nghĩ trộm, hay là khuyên một vài đứa nghỉ học để đỡ đần thầy mẹ, nhưng rồi lại thương con, không đành lòng nói ra. Ông bà lại càng gắng sức nhiều hơn. 7 người con ai cũng chăm ngoan, ham học và học giỏi, nên cũng chẳng có đứa nào có ý định bỏ học dù rất hiểu hoàn cảnh của gia đình. Thầy cô giáo thường lấy các con trai, con gái của ông bà làm gương giáo dục, khích lệ học sinh.

Lần lượt các con vào đại học, niềm vui xen lẫn nỗi lo cứ liên tiếp, dồn dập kéo đến với ông bà. Mỗi lần nhận được thư của các con xin tiền là ông bà “hoảng” lắm, bà phải đi vay mượn khắp nơi. Lúc khó khăn quá, ông bà đã nghĩ đến việc bán bớt vài gian nhà mà bố mẹ để lại, đóng học phí cho con.

Bà nhớ lại những ngày anh Dũng (con thứ ba) ở thành phố Hồ Chi Minh, vừa đi học vừa đi làm phụ giúp bố mẹ kiếm tiền nuôi hai em gái Mai, Cúc thi đỗ cùng một năm, mà không sao cầm được nước mắt. Vào thăm con, nhìn thấy Dũng xanh xao, vàng vọt vì thức khuya dậy sớm lo cho em, ruột bà thắt lại. Thương con, về quê bà càng cố làm lụng hơn, mong sao có thể gửi thêm tiền cho các con.

Bà vay tiền, thuê đất, mở một cửa hàng bán phân bón nông nghiệp, vật liệu xây dựng ngay cạnh nhà. Nhưng rồi vốn ít, bà con nông dân không sẵn tiền thường mua nợ đến mùa mới trả, không có vốn quay vòng, phải bù lỗ, nên đã nghèo lại nghèo thêm.

Rồi chuyện chị Mai đi ôn thi ở Vinh. Nhà sẵn vườn trồng rau, thương bố mẹ túng thiếu nên rất hạn chế chi tiêu. Lần nào về cũng mang theo một bì rau cải để vừa luộc, vừa muối ăn dần, tiết kiệm tiền đóng học phí. Ngày anh Dung xuống tàu biển đi làm, phải đóng 1,5 triệu mà trong nhà chẳng có một đồng nào. Mồng 3 Tết, bà đi hết nhà họ hàng vay tiền, nghĩ thương con, tủi mình nên vừa đi bà vừa khóc. Còn nhiều, nhiều lắm những chuyện buồn vui ngày các con vào đại học mà ông bà vừa nhớ, vừa quên…

Giờ đây bảy người con của ông bà Lô đã trưởng thành. Anh Hải, con trai cả của ông bà trước đây tốt nghiệp Học viện Quân y, hiện đang công tác ở khoa Nhi, bệnh viện huyện Diễn Châu, là một giáo dân duy nhất từ trước đến nay công tác ở bệnh viện huyện. Nguyễn Văn Hùng hiện là phó phòng Văn hoá huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Con trai thứ ba là anh Nguyễn Văn Dũng, hiện đang học Cao học năm cuối ở Phi-líp-pin. Anh Nguyễn Văn Dung, tốt nghiệp đại học Hàng Hải, hiện đang phục vụ trên tàu Viễn dương thuộc công ty Vận tải Biển Việt Nam. Con gái thứ năm Nguyễn Thị Cúc hiện đang công tác tại Văn phòng tổng hợp Bệnh viện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Nguyễn Thị Mai là giáo viên cấp 3 trường Dân tộc nội trú Bà Rịa- Vũng Tàu. Con trai út là Nguyễn Văn Sơn hiện đang học năm cuối trường đại học Mở- bán công thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện nay công tác ổn định, có thu nhập tương đối nên các con lớn của ông bà thường xuyên chu cấp cho em trai út ăn học và luôn gửi tiền biếu bố mẹ trang trải sinh hoạt hàng ngày.

Về thăm nhà ông bà, thấy mấy gian nhà ngói mà bố mẹ ông xưa để lại vẫn chưa có điều kiện sửa sang. Nhưng trong nhà đã có máy thu hình, bếp ga và một chiếc xe máy- phương tiện để ông đi lại hàng ngày. Bà phấn khởi khoe với chúng tôi: “Tất cả đồ đạc trong nhà là của Dung, Mai, Cúc biếu thầy mẹ trong đợt tết Đinh Hợi vừa rồi”. Niềm vui lấp lánh trong đôi mắt bà, đôi mắt đã bắt đầu mờ đi vì một đời dầm mưa giãi nắng.

Các con đều đi xa, chỉ có vợ chồng anh Hải ở cạnh bố mẹ. Để anh chị công tác tốt, ông bà đảm nhiệm luôn việc chăm sóc, bảo ban các cháu học hành. Bà tâm sự: “Chương trình học của các cháu bây giờ thay đổi nhiều lắm, Toán học sinh lớp 4 có nhiều bài tôi phải suy nghĩ cả đêm mới hướng dẫn cho cháu được”.

Trong niềm vui và những trăn trở của bà, tôi hiểu có cả mơ ước được học, được làm cô giáo của ngày xưa. Bà đang thực hiện bằng cách gửi vào những ước mơ của con và cháu.

Ngày tôi đến thăm nhà, ông đang đi dự Liên hoan gia đình văn hoá tiêu biểu xuất sắc của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2000-2007 ở thành phố Vinh. Bà cười, nụ cười đầy niềm tự hào: “Sắp tới ông nhà tôi được ra Hà Nội dự Liên hoan gia đình văn hoá toàn quốc năm 2007 nữa đấy cô ạ”.

Bài và ảnh: Nguyễn Vân