Bài 2: Khó xây dựng trường mầm non tại các khu công nghiệp, vì sao?

Sự phát triển của các nhà máy, cơ sở sản xuất đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại nhiều địa phương trên cả nước, góp phần nâng cao cuộc sống của người dân, song cũng khiến chính quyền địa phương đứng trước mối lo ngày càng lớn về việc tạo chỗ học cho trẻ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu trường mầm non là do nhiều cấp chính quyền, doanh nghiệp chưa quan tâm xây dựng nhà trẻ mẫu giáo với nhiều lý do, như không có quỹ đất, thiếu kinh phí, khó khăn trong việc tổ chức và quản lý nhà trẻ...

Câu chuyện cũ dang dở...

Nếu như có một tấm bản đồ về các KCN, KCX thì tính từ năm 1992- khi Việt Nam có khu công nghiệp đầu tiên- đến nay, tỉnh nào cũng có KCN. Nhưng nếu có một bản đồ về nhà trẻ cho con em công nhân, thì có thể thấy, sau 26 năm, nó vẫn là một bản đồ “trắng”...

Theo báo cáo của Vụ Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo), số lượng trường mầm non (cả công lập và tư thục) tăng trung bình 300 trường mỗi năm. Riêng năm học 2017-2018, cả nước có 15.394 trường mầm non (tăng 403 trường so với năm học trước), trong đó công lập là 12.652 trường, chiếm tỷ lệ 82,19% (tăng 63 trường so với năm học trước); ngoài công lập là 2.742 trường, chiếm tỷ lệ 17,81% (tăng 340 trường so với năm học trước). Số trường mầm non tăng hằng năm nhưng vẫn không giải quyết nổi nhu cầu gửi con của phụ huynh, đặc biệt các phụ huynh là công nhân ở KCN, KCX.

Hình ảnh bà trông cháu thường thấy tại các khu nhà trọ, khu nhà ở thu nhập thấp cho công nhân.

Nhấn mạnh câu chuyện thiếu nhà trẻ tại các KCN, KCX không phải là vấn đề mới, đã có từ 5-7 năm nay nhưng hiện vẫn chưa có gì tiến triển, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, trách nhiệm này có thể thuộc về chính quyền địa phương khi tiếp nhận nhà đầu tư, xây dựng KCN đã không quan tâm đến bố trí đất, phát triển hạ tầng an sinh xã hội. Ngoài ra, còn có trách nhiệm của người phê duyệt dự án đầu tư đó. Theo ông Đặng Hoa Nam, hầu hết các khu công nghiệp khi được quy hoạch để đón tiếp các nhà đầu tư đều không có hạ tầng cơ sở, do đó sẽ thiếu trường lớp ở cấp học mầm non, đặc biệt là khi số lượng di dân cơ học, nhất là nữ công nhân ở độ tuổi sinh sản đến làm việc ở các khu công nghiệp, dẫn đến việc thiếu nghiêm trọng trường lớp dành cho các trẻ mầm non.

“Chúng ta “trải thảm đỏ” để mời nhà đầu tư nhưng không “trải thảm” để mời người lao động của chúng ta. Họ đến làm việc nhưng chúng ta chưa tạo điều kiện để họ yên tâm với những đứa con được trông giữ tử tế, để họ lao động sản xuất hiệu quả hơn”, ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, PGS.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nhân công đoàn khẳng định, việc phát triển các KCN quá nhanh, chưa tính hết những phát sinh khi thu hút người lao động đến làm việc, mà chưa nghĩ đến việc kèm theo các điều kiện khác như chỗ ở, nhà trẻ, thậm chí cả trường học... dành cho con em công nhân, đã ảnh hưởng đến năng suất lao động và chất lượng sống của công nhân.

Quy hoạch các thiết chế văn hóa, xã hội chưa được quan tâm

Nói về xây dựng trường mầm non trong các KCN, KCX tại địa phương, ông Nguyễn Thanh Chính, Phó trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc thừa nhận, việc phát triển trường mầm non tư thục phục vụ con công nhân ở khu vực KCN, KCX gặp nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất sạch; chi phí đầu tư xây dựng ban đầu cao dẫn tới mức học phí cao ảnh hưởng đến khả năng chi trả học phí của công nhân; các chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng... để thực hiện xã hội hóa chưa đủ mạnh để thu hút đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục mầm non, trong khi mức thu nhập bình quân của công nhân còn chưa được cải thiện đáng kể.

Việc giải quyết vấn đề nhà trẻ, nhà mẫu giáo trong các KCN, KCX là góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai của đất nước.

Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam cho rằng trách nhiệm chính thuộc về chính quyền địa phương khi tiếp nhận nhà đầu tư để xây dựng các KCN đã không quan tâm hoặc cố tình không quan tâm đến việc bố trí đất, phát triển hạ tầng cho an sinh xã hội. Trong khi theo đường lối của Đảng, Nghị định của Chính phủ về phát triển các KCN đều quy định rất rõ ràng rằng phát triển hạ tầng xã hội cần song song với phát triển kinh tế, thu hút đầu tư. “Chúng ta chưa nhìn thấy chiến lược phát triển nguồn nhân lực, chỉ phát triển “nóng” về kinh tế trước mắt mà bỏ qua “chiều sâu” của phát triển nhân lực”, ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.

Chung quan điểm này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Nguyễn Bá Minh (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, công tác dự báo và công tác quy hoạch còn hạn chế do biến động về dân số cơ học tại các KCN, KCX. Một số địa phương khi quy hoạch các KCN, KCX hoặc các bộ, ngành khi thẩm định các dự án KCN, KCX chưa quan tâm đến quy hoạch các thiết chế văn hóa xã hội ngoài hàng rào khu công nghiệp, trong đó có nhà ở cho công nhân và trường mầm non. Bên cạnh đó, nhiều địa phương có KCN phát triển chưa thực sự quan tâm, sử dụng nguồn kinh phí thu được từ KCN để tái đầu tư xây dựng trường mầm non công lập dành riêng cho con công nhân, người lao động làm việc ở KCN, KCX...

Như vậy có thể thấy, doanh nghiệp không lo được chỗ gửi trẻ cho công nhân, còn ngành Giáo dục cũng khó có thể “chạy” kịp nhu cầu, nên công nhân chỉ còn biết trông chờ vào nhóm trẻ tư thục, bất chấp những rủi ro mà mô hình này mang lại. Để tháo gỡ rất cần đến sự chung sức của cả cộng đồng, bởi xét đến cùng, giải quyết vấn đề nhà trẻ, nhà mẫu giáo trong các KCN, KCX không chỉ là bảo đảm điều kiện sống cho người lao động, mà điều quan trọng hơn là góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai của đất nước.

Bài, ảnh: PHONG THẢO KHOA

Bài 3: Cần có giải pháp lâu dài, bền vững vì thế hệ tương lai của đất nước