QĐND Online - Trong căn nhà nhỏ gọn gàng của gia đình Trung úy Trần Văn Trường, cháu Trần Lục Anh Minh ôm cổ chị Hường nũng nịu: "Mẹ đi chợ mua sữa cho con nhé!". Khó ai có thể biết rằng, người phụ nữ mà cháu Minh gọi bằng mẹ kia là người phụ nữ đến sau trong gia đình nhỏ này. Câu chuyện cảm động về tình yêu của Trung úy Trần Văn Trường, hiện đang công tác tại đoàn B80 - Binh chủng Pháo binh và chị Hoàng Thị Thu Hường, thẩm phán đang công tác tại Tòa án nhân dân huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn giống như câu chuyện “cổ tích giữa đời thường” tại một huyện vùng cao phía Bắc.
Nỗi đau lớn trong ngôi nhà nhỏ
Từng có một mái ấm nhỏ với người vợ trẻ đảm đang là giáo viên cấp một, tai nạn bất ngờ ập đến đã cướp đi hạnh phúc gia đình của Trung úy Trần Văn Trường. Tháng 6 năm 2008, chị Duyên (vợ anh lúc bấy giờ) trong một lần khám bệnh đã phát hiện bị bệnh hiểm nghèo. Dù anh cùng gia đình đã tìm mọi cách chữa trị nhưng do bệnh tình quá nặng, sau hai tháng điều trị, chị Duyên đã ra đi, bỏ lại cho anh hai con nhỏ và sự mất mát đến tột cùng. Những ngày đầu chịu tang vợ, trong căn nhà nhỏ xen với nỗi đau quá lớn ấy, nhìn cảnh đứa con gái út của anh chị là cháu Minh lúc đó chưa đầy một tuổi cứ nằng nặc đòi sữa mà lòng anh quặn đau. Đơn vị đóng quân xa nhà, chỉ thứ bảy, chủ nhật, anh Trường mới có thời gian về thăm con. Cảnh “gà trống nuôi con” khiến biết bao khó khăn cứ đè nặng lên đôi vai anh.
 |
Chị Hường đang dạy hai con riêng của chồng học bài. |
Thấu hiểu hoàn cảnh của anh, bạn bè, đồng nghiệp, nhất là gia đình bên vợ luôn quan tâm động viên và giúp đỡ. Mọi người khuyên anh hãy tìm cho mình một người vợ, tìm cho hai cháu nhỏ người mẹ để các cháu được chăm nom dưới bàn tay người phụ nữ. Trước lời khuyên chân thành của mọi người, anh Trường tâm sự: “Thật tình những lúc bạn bè, đồng nghiệp và người thân động viên tôi cũng cảm thấy vơi đi phần nào nỗi buồn nhưng đi bước nữa lúc bấy giờ thì tôi chưa dám tính bởi với hoàn cảnh mình như vậy liệu có người phụ nữ nào cảm thông và hy sinh được không?”.
Hạnh phúc mới giản dị, đơn sơ
Sau bao ngày vò võ cảnh “gà trống nuôi con”, hạnh phúc giản dị, đơn sơ cũng đã đến với Trung úy Trần Văn Trường khi có một người con gái bằng tình yêu sâu sắc đã vượt qua những mặc cảm và rào cản của xã hội để đến với anh. Chị là Hoàng Thị Thu Hường, người dân tộc Tày, thẩm phán Toà án nhân dân huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Ngày 31-11-2009, một nghi lễ nho nhỏ với mấy mâm cơm giản dị cùng sự chứng kiến của một số người thân, anh Trường và chị Hường đã về chung một mái nhà với hai cháu Mai, Minh là con gái riêng của anh Trường.
Từ ngày về làm dâu nhà chồng, việc đầu tiên của chị Hường là đi may một chiếc địu để cùng cháu Trần Lục Anh Minh vượt quãng đường rừng núi cả trăm cây số đến cơ quan làm việc và chăm nuôi cháu ngay tại gian nhà tập thể nhỏ của cơ quan. Chị Hường cho biết, nhiều hôm đi xe máy địu con sau lưng, cứ đi được chừng 3, 4 cây số lại phải dừng lại nhờ người qua đường buộc lại địu cho cháu. Có những hôm gặp trời mưa, quãng đường xa càng trở nên vất vả. Chị tâm sự: “Thật tình nhiều lúc cảm thấy mệt mỏi bởi cháu Minh còn nhỏ trong khi kinh nghiệm nuôi trẻ thì chưa có, nhất là những lúc cháu ốm đau chỉ có một thân, một mình...”.
Thời gian thấm thoắt, đã ba năm trôi qua, cháu Minh dưới bàn tay chăm sóc của mẹ Hường đã khôn lớn, thông minh. Bác Lục Văn Ngọ (bố chị Duyên), bố vợ cũ của Trung úy Trần Văn Trường không giấu nổi niềm vui: “Các cháu ngoại tôi được như bây giờ chính là nhờ tấm lòng yêu thương của mẹ Hường, gia đình tôi biết ơn và coi Hường như chính con gái mình vậy”. Bác Ngọ còn cho biết, mỗi lần về nhà, chị Hường luôn dành thời gian chăm sóc chồng, dạy dỗ các con, cháu Mai luôn là học sinh giỏi của trường THCS Hoàng Văn Thụ.
Tiễn chúng tôi ra cổng, Trung úy Trần Văn Trường thổ lộ: Kể từ ngày tìm được "bến đỗ", tôi đã có thể yên tâm công tác, điều quan trọng nhất là các con tôi đã có một người mẹ hàng ngày thương yêu chăm sóc chúng. Tôi không thể hình dung cuộc sống của mình sẽ khó khăn đến nhường nào nếu như không may mắn có được một nửa thương yêu như bây giờ”.
Bài và ảnh: Đỗ Kim Tập