Hôm nay, tại Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ra số báo đầu tiên (20-10-1950/20-10-2020), các thế hệ người làm báo Quân đội nhân dân tề tựu, sum vầy, cùng ôn lại lời dạy của Bác Hồ ngày ấy, ngày Người đã đặt tên cho tờ báo: Quân đội nhân dân.

Bài xã luận đầu tiên của báo có tiêu đề giản dị, ngắn gọn, chỉ duy nhất một chữ: Có! Tiêu đề ấy như một mệnh lệnh, một tuyên ngôn, một lời hứa trước Tổ quốc, trước Đảng và nhân dân. Luôn có chúng tôi - những người lính cầm bút ở bất cứ nơi đâu vì Tổ quốc, vì nhân dân!

Chính vì vậy, trong những ngày vui sum họp này, tòa soạn vẫn thiếu vắng rất nhiều những nhà báo - chiến sĩ đang dãi nắng dầm mưa, lăn lộn cùng đồng chí, đồng bào đang khắc phục hậu quả thiên tai hoành hành nơi khúc ruột miền Trung.

Mặc cho mưa to, lũ lớn, đường giao thông bị chia cắt, vô cùng hiểm trở, để có được những hình ảnh chân thực nhất, những “người lính cầm bút, cầm máy” của Báo đã phát huy tư thế sẵn sàng của chữ: “Có!”, sẵn sàng có mặt trực tiếp tại vùng rốn lũ để tác nghiệp, gửi hình ảnh cùng những thước phim sống động về tòa soạn, thông tin kịp thời đến bạn đọc cả nước, nhiều bài viết, phóng sự trong số đó đã thực sự gây xúc động, chạm đến trái tim của hàng triệu bạn đọc...

Trắng đêm cùng đồng đội

Thứ 2 (ngày 12-10)  đang là những ngày trung tuần tháng 10, những ngày đặc biệt với cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo QĐND, bởi chỉ còn ít ngày nữa là tới Ngày kỷ niệm 70 năm Báo QĐND ra số báo đầu tiên. Không khí kỷ niệm đã ngập tràn tòa soạn báo ở cả hai trụ sở số 7 Phan Đình Phùng và số 8 Lý Nam Đế. Thế nhưng, cuộc họp giao ban sáng thứ Hai của Ban biên tập Báo QĐND lại kết thúc sớm hơn thường lệ. Đồng chí Phó trưởng phòng biên tập Báo QĐND Điện tử, Thượng tá Trịnh Văn Dũng hối hả trở về sau cuộc giao ban, đồng thời cho gọi Đại úy Trần Tuấn Sơn, Ban Tiếng Việt; Trung tá Hoàng Khánh Trình, Trung úy Phan Thanh Hà, Ban Video-Audio sang trao đổi công việc. Tin dữ ùa về! Ảnh hưởng của cơn bão số 6, nhiều công nhân tại Thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên - Huế) mất tích!

Các phóng viên của Báo QĐND với "cây gậy Trường Sơn" quen thuộc không ngại lội bùn đất để ghi lại những hình ảnh chân thực nhất tại nơi sạt lở đất. 

Ngay lập tức, một kíp phóng viên của Báo QĐND Điện tử nhận lệnh lên đường tác nghiệp. Trung tá Hoàng Khánh Trình, Đại úy Trần Tuấn Sơn, Trung úy Phan Thanh Hà nhanh chóng cơ động, chuẩn bị máy ảnh, máy quay phim, đồ dùng cá nhân. Đúng 11 giờ, xe ô tô đỗ ngay dưới chân trụ sở Báo QĐND tại số 8 Lý Nam Đế đưa các phóng viên tiến thẳng vào rốn lũ. Ba phóng viên trong đó có hai người còn rất trẻ về tuổi đời, tuổi nghề cùng xông pha vào vùng rốn lũ. Tại địa bàn Quân khu 4, Thượng tá Trần Hoài, phóng viên Ban đại diện miền Trung-Tây Nguyên đã sẵn sàng tâm thế đón nhóm phóng viên từ Hà Nội vào để cùng tác nghiệp. Sau đó vài ngày, tiếp tục một nhóm phóng viên khác của Báo Quân đội nhân dân lên đường, đó là Thiếu tá Đặng Thu Hà, Ban Tiếng Việt, Báo QĐND Điện tử; Đại uý Mai Chu Anh, phóng viên Phòng Biên tập Quốc phòng và An ninh.

Tranh thủ trao đổi gấp gáp qua những cuộc điện thoại chập chờn vì mất sóng, Trung tá Hoàng Khánh Trình cho biết, chuyến công tác lần này của anh vào các tỉnh miền Trung là để phản ánh hoạt động quân dân miền Trung gồng mình chống lũ. “Tuy nhiên, sau gần 2 ngày xuất phát từ Hà Nội vào được đến vùng lũ, thì nhiệm vụ của tôi lại chuyển sang hướng khác hoàn toàn khi có thông tin, 13 đồng chí cán bộ, chiến sĩ gặp nạn lúc đang thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ tại Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm Sông Bồ (thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế)”, anh nói.

Từ sở chỉ huy tiền phương đến hiện trường Tiểu khu 67 phải băng qua 15km đường xuyên rừng. Mặt đường bị cày xới, ngầm sâu, dốc cao, đất đá lởm chởm... khiến nhiều pha “thót tim”. Vượt qua muôn vàn hiểm nguy như thế, nhóm phóng viên Báo QĐND là êkip báo chí đầu tiên có mặt tại hiện trường. Tuy nhiên, nhìn cảnh hoang tàn đất đá trước mắt, không ai không khỏi xót lòng... Trung tá Hoàng Khánh Trình càng thêm hụt hẫng, “sốc” nặng khi trong danh sách những người gặp nạn có cả người thân của anh - một người mà anh coi như anh trai, cùng công tác với nhau tại Bộ CHQS Thanh Hóa được 15 năm (Anh Trình mới chuyển về công tác tại Báo QĐND từ năm 2018). Trong điều kiện đường xá bị chia cắt, mưa xối xả ngập trắng các con đường, nhóm phóng viên Báo QĐND đã tìm mọi cách, bằng mọi phương tiện cơ động, có lúc bằng cả xe công-nông, tiếp cận hiện trường vụ sạt lở ở Tiểu khu 67. Và trong đêm mưa rét lạnh người để tìm kiếm, chân tía máu trộn lẫn bùn lầy, quần áo, mặt mũi, thậm chí phương tiện tác nghiệp cũng phủ đầy bùn đất, anh Trình cùng nhóm phóng viên đã thức trắng cả đêm để tìm đồng đội và ghi lại những hình ảnh, thước phim kịp thời thông tin đến hàng triệu bạn đọc cả nước đang dõi theo. Những hình ảnh chân thực nhất về công tác tìm kiếm nạn nhân, nỗ lực tranh thủ từng giờ, từng phút, chạy đua với thời gian của các lực lượng chức năng giữa núi rừng bát ngát được ghi lại và truyền tải đến bạn đọc đã gây ấn tượng sâu sắc và xúc cảm đối với bạn đọc cả nước, nhiều bạn đọc chia sẻ không kìm được nước mắt khi xem phóng sự các anh truyền về...

Tác nghiệp giữa rốn lũ không làm nao núng những nhà báo chiến sĩ. Ảnh: Tuấn Sơn.

Với hàng chục năm gắn bó với công việc Trợ lý tuyên truyền Ban Tuyên huấn, Bộ CHQS tỉnh Thanh Hoá, đồng chí đã quen với những lần tác nghiệp vào dịp mưa, bão, lũ hằng năm ở địa phương song Trung tá Hoàng Khánh Trình cho biết, chưa bao giờ anh tác nghiệp ở vùng sạt lở đất với những mất mát to lớn đến vậy. Tác nghiệp tại vùng sạt lở đất, chứng kiến nhiều câu chuyện đau thương khi những người vợ mất chồng, những người mẹ mất con... cùng những lo lắng về tương lai phía trước đã khiến các phóng viên không khỏi xúc động.

Khó khăn là vậy, nhưng với những phóng viên nữ thì việc dấn thân vào vùng rốn lũ lại càng khó khăn thêm gấp bội. Liên lạc với Thiếu tá Đặng Thu Hà vào lúc 20 giờ tối 18-10 khi chị đang trên hành trình cùng đoàn công tác đến điểm sạt lở tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 làm vùi lấp hơn 20 cán bộ, chiến sĩ, chị cho biết, dù chỉ còn cách 2km nhưng do đường sạt lở mạnh nên cả đoàn đang phải dựng lều trong rừng dưới cơn mưa xối xả. Không đi tiếp được và cũng không thể quay ra được vì mưa lớn, sóng và pin điện thoại lúc này còn “quý hơn vàng”.

Mưa lớn gây sạt lở, bịt kín các lối đi nên chỉ có thể cơ động bằng cách đi bộ mấy tiếng đồng hồ băng rừng, vượt suối dưới trời mưa tầm tã. Là phóng viên lăn xả với nghề, từng đến nhiều vùng khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên, đôi chân vốn đã quen với mưa rừng, trơn trượt bao năm qua của Thiếu tá Đặng Thu Hà cũng thấm mệt. Tuy thế, trong cái lạnh của nơi “thâm sơn cùng cốc”, trong cái đói, cái mệt, chị vẫn không nề hà. Chị bảo: “Sau khi nhận lệnh, vượt quãng đường hàng trăm ki-lô-mét đến Thừa Thiên - Huế, phỏng vấn thân nhân những gia đình người gặp nạn thì mọi vất vả như đều tan biến và càng thôi thúc mình đi. Bởi lẽ, chúng tôi hiểu rằng, với tinh thần xung phong của người lính Bộ đội Cụ Hồ và bản lĩnh của người làm báo, nhiệm vụ của mình là phải làm sao để có những hình ảnh chân thực, thông tin chính xác nhất, chuyển tải được những thông điệp “đắt giá” về những mất mát, đau thương mà người dân nơi đây đang phải gánh chịu, chuyển tới bạn đọc, để cả nước cùng chia sẻ với họ!”

Phóng viên “3 trong 1” phát huy hiệu quả

Tác nghiệp trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt, lịch trình dày đặc, chưa kể những khó khăn về nơi ăn chốn ở cũng không làm chùn chân nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Ngược lại, nhờ khả năng linh hoạt, ứng biến cùng việc phát huy hiệu quả vai trò phóng viên “3 trong 1”, nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân tác nghiệp tại rốn lũ đã có những tác phẩm báo chí hiệu quả, đặc biệt là các phóng sự media, phóng sự ảnh, ghi nhanh về tình hình tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn 13 cán bộ, chiến sĩ mất tích tại Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm Sông Bồ. Hình ảnh Trung úy Phan Thanh Hà, phóng viên Ban Video - Audio không ngại vất vả, theo chân đoàn tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, nghẹn ngào đưa thông tin đã tìm thấy thi thể của 13 cán bộ, chiến sĩ đã chạm đến trái tim của hàng nghìn độc giả theo dõi Báo QĐND Điện tử cũng như trên các trang mạng xã hội. Đứng trước những mất mát lớn lao của đồng đội, có những lúc, trong quá trình tác nghiệp, cô như lạc giọng đi nhưng vai trò là một phóng viên, cô tự kiềm chế những cảm xúc của bản thân để hoàn thành việc đưa tin một cách hiệu quả nhất. Phan Thanh Hà là một trong những phóng viên còn rất trẻ công tác tại Phòng biên tập Báo QĐND Điện tử. Là một phát thanh viên, MC kiêm biên tập viên, cô có nhiệm vụ xử lý, biên tập các video truyền hình, tham gia sản xuất các phóng sự, dẫn chương trình trong các bản tin hay các chương trình truyền hình trực tiếp. Tham gia cùng nhóm phóng viên hành quân vào rốn lũ lần này, Trung úy Phan Thanh Hà đã cùng các đồng đội phát huy những thế mạnh của bản thân, tự viết lời bình, dẫn hiện trường để sản xuất kịp thời các phóng sự truyền hình. Ngay trong ngày 18-10, ngày tổ chức trọng thể Lễ viếng, lễ truy điệu 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trung úy Phan Thanh Hà còn kiêm thêm nhiệm vụ quay phim, phát trực tiếp không khí, hình ảnh về lễ viếng, lễ truy điệu trên fanpage Báo QĐND Điện tử, kịp thời cung cấp cho độc giả những hình ảnh xúc động từ sự kiện này.

Trong đoàn phóng viên Báo Quân đội nhân dân đi làm nhiệm vụ tuyên truyền phòng chống bão lụt, cứu hộ cứu nạn tại miền Trung, không thể không nhắc đến 2 lái xe "trên từng cây số". Đó là Trung úy QNCN Vũ Văn Thi và Trung úy QNCN Phùng Quang Huy. Trên mọi nẻo đường tác nghiệp của phóng viên, Thi và Huy luôn giữ được bản lĩnh của người cầm lái, đưa phóng viên vượt qua biết bao cung đường khó khăn, hiểm trở, kịp thời gian; giúp cho họ thuận lợi trong tác nghiệp. Sự tận tình, chu đáo, đảm bảo an toàn của các anh đã giúp cho phóng viên yên tâm tác nghiệp, để rồi, những tin tức, hình ảnh, bài phản ánh, phóng sự... liên tiếp được gửi về tòa soạn, làm lan tỏa thông tin từ vùng lũ đến mọi miền đất nước.

Phóng viên Trần Tuấn Sơn tác nghiệp tại Huế sáng 19-10

Thiếu tá Đặng Thu Hà, phóng viên Phòng Biên tập Báo QĐND Điện tử

đang tác nghiệp tại Hướng Hóa (Quảng Trị)

Trung tá Hoàng Xuân Trình, phóng viên Phòng Biên tập Báo QĐND Điện tử đang tác nghiệp

tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị

Rõ ràng, nhờ khả năng phát huy thế mạnh của phóng viên “3 trong 1”, nhóm phóng viên Báo QĐND đã khắc phục những khó khăn trong quá trình tác nghiệp, cho ra đời những tác phẩm báo chí bảo đảm chất lượng tốt nhất, phong phú về thể loại, nội dung, phản ánh kịp thời diễn tiến công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đến độc giả.  

Theo Đại úy Trần Tuấn Sơn, phóng viên Ban Tiếng Việt, tác nghiệp giữa rốn lũ không giống với việc tác nghiệp thường ngày, thời tiết khắc nghiệt, mưa kéo dài từ ngày này qua ngày khác khiến các thiết bị sử dụng ghi hình ảnh, âm thanh hiện trường dễ bị hư hỏng. Giữa những thách thức đó, việc sử dụng tốt điện thoại thông minh để tác nghiệp giúp ích cho phóng viên rất nhiều, lại mang lại hiệu quả cao. Vì kíp phóng viên chỉ có vài người nên không thể phân công nhiệm vụ theo kiểu, một người làm nhiệm vụ viết, một người làm nhiệm vụ quay, chụp hình, hay một người chỉ làm nhiệm vụ dẫn hiện trường. “Chúng tôi phải hiệp đồng với nhau, đồng thời phát huy thế mạnh của phóng viên “3 trong 1”, một trong những yêu cầu đã được Đảng ủy Ban biên tập, chỉ huy Phòng biên tập Báo QĐND Điện tử đặt ra từ lâu cho mỗi phóng viên, biên tập viên. Trong hoàn cảnh tác nghiệp khắc nghiệt này, tôi càng thấy rõ hiệu quả của phóng viên “3 trong 1”. Tác nghiệp tại đây, mỗi một người cùng lúc có thể đóng nhiều vai, vừa đảm nhiệm nhiệm vụ quay phim, lại quay sang thợ nhiếp ảnh, đồng thời ghi chép thông tin hiện trường, nhanh chóng thao tác để gửi tin, bài, clip sớm nhất về cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên ở nhà xử lý, biên tập.

Cùng với những nỗ lực của nhóm phóng viên Báo QĐND, không thể không kể đến sự hỗ trợ quý báu của đội ngũ cộng tác viên tại địa bàn Quân khu 4 như đồng chí: Phan Diện, Lê Sáu, Trần Tình, Trần Dũng… Nhờ thuận lợi sinh sống, làm việc ngay trên địa bàn xảy ra mưa lũ, các đồng chí cộng tác viên đã phối hợp kịp thời cùng nhóm phóng viên Báo QĐND chuyển tải nhanh chóng nhiều thông tin, hình ảnh đắt giá tại nhiều địa phương đang gặp thiên tai lên mặt báo.

Trước những cố gắng của nhóm Phóng viên Báo QĐND đang tác nghiệp trong vùng rốn lũ, Đại tá Đoàn Xuân Bộ, Phó bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND đã có bức thư động viên nhóm phóng viên đang tác nghiệp giữ vững tinh thần nhà báo chiến sĩ, tâm thế người lính “Bộ đội Cụ Hồ” trong quá trình tác nghiệp. "Mấy ngày qua,  tòa soạn vui vẻ, tưng bừng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm tờ báo anh hùng của chúng ta. Trong khi phần đông vui vẻ, chúc tụng ở Thủ đô thì vẫn có nhiều tổ, nhóm phóng viên tác nghiệp ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất. Do tình hình thời sự, thời gian bám hiện trường tác nghiệp của đồng chí sẽ còn kéo dài. Tổng Biên tập cùng toàn thể anh chị em tòa soạn hằng ngày theo dõi sản phẩm của các đồng chí và đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm, phương pháp tác nghiệp, hiệu quả xã hội các tác phẩm của các đồng chí mang lại. Đó cũng là một hành động cụ thể, góp phần xây dựng nên truyền thống, thương hiệu Báo Quân đội nhân dân yêu quý của chúng ta. Mong các đồng chí tiếp tục khắc phục khó khăn (nhất là các phóng viên nữ) để hoàn thành tốt và xuất sắc chuyến công tác đáng nhớ này" - Bức thư viết vội có đoạn.

Bức thư viết vội của Đại tá Đoàn Xuân Bộ, Phó bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND

gửi nhóm phóng viên đang tác nghiệp ở các địa bàn bị bão lụt


Mưa lũ vẫn đang còn diễn biến vô cùng phức tạp, ngay sau khi công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ các cán bộ, chiến sĩ tại Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm Sông Bồ kết thúc, Lễ viếng, lễ truy điệu đưa các anh về với đất mẹ thân thương hoàn thành, hai nhóm phóng viên của Báo QĐND chia hai hướng khác nhau, một ở lại Phong Điền, Thừa Thiên - Huế để phản ánh tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp đỡ bà con của bộ đội, một tiếp tục cơ động vào tỉnh Quảng Trị, nơi vừa xảy ra vụ sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng khiến 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 bị vùi lấp.

Những ngày tháng 10, miền Trung chìm trong biển nước lũ, những con đường ngập trong bùn đất nhão nhoét, tiếng động cơ xe gầm gừ vượt lên vật cản, ngoài trời tiếng mưa rơi vẫn nặng hạt, xối xả… và những nhà báo chiến sĩ vẫn đang tiến thẳng vào rốn lũ với một tinh thần "Có”…

Có chúng tôi luôn tiến về phía trước, vì phía trước là nhân dân!

Có chúng tôi, sẵn sàng nhận lấy bão giông về phía mình, vì chúng tôi là nhà báo - chiến sĩ!

Có chúng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng, luôn nhận lệnh “đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì”, bất cứ khi nào Tổ quốc cần!

BĂNG CHÂU - PHƯƠNG HẰNG