QĐND Online - “Chị đau đớn chia buồn với em, bọn lính ở đồn Lương Phú đã bắt chú Hai, thím Hai và nó đã cắt cổ ném xuống sông trước cửa nhà vào 20 giờ ngày 26-8-1962” … Đọc thư lúc đó, tim anh như ngừng đập! Từ rừng Thành Phú đến Lương Phú có bao xa, cùng mảnh đất quê hương Bến Tre? Mà qua đường giao liên, mãi hai tháng sau anh mới nhận được lá thư của chị Nguyễn Thị Định – Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre. Sôi sục căm thù, uất hận trào dâng trong lòng người Phó Giám đốc công binh xưởng chế tạo vũ khí.
Anh ra lệnh cho anh em cơ xưởng phải kiếm bom lép, bom bi, bom bị hỏng kíp nổ, đem về để anh sản xuất lựu đạn đánh trận. Đặc biệt độc đáo trong vòng ba ngày, anh đã chế tạo thành công quả thuỷ lôi, trên cơ sở nghiên cứu các loại đạn bắn xe tăng, thiết giáp, bắn tàu từ các tên lửa vác vai M72, B40, B41 do Mỹ sản xuất.
Để đặc công ta phá chiến hạm 883 – một xưởng sửa chữa máy bay trực thăng di động và cũng là một trận địa pháo, mà Mỹ cho rằng Việt cộng chỉ có thể đứng nhìn trong sự bất lực chứ không thể nào với tới được. Anh tính toán lượng nước trên sông Hàm Luông, làm bè chìm đặt thủy lôi, dòng dây cho hai quả thuỷ lôi từ từ áp sát hai mạn tàu ở chỗ buồng lái, khi đã ở khoảng cách thích hợp thì điểm hỏa cho tàu nổ. Anh chế tạo được nhiều loại mìn: mìn định hướng, lựu đạn, địa lôi, đạn súng cối, pháo không giật…
Khi quân Mỹ bao vây, chụp dù rừng Thành Phú, anh bình tĩnh chỉ huy 20 tay súng kiên cường chống trả. Quân Mỹ nhảy dù hết đợt này, đợt khác, cả bốn đợt đều sa vào trận địa mìn định hướng của ta, bị sát thương rất lớn. Cuối cùng, chúng phải dùng tàu chiến bao vây, nã pháo, chiều xuống rất nhanh, bọn địch lặng lẽ rút. Bên ta không có ai bị thương.
Ba má anh vốn là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương từ những năm 30 của thế kỷ XX, từng ở hãng Ba Son, hoạt động trong Công Hội Đỏ cùng các đồng chí Tôn Đức Thắng, Dương Quang Đông. Ba anh bị tù đày ở Côn đảo, năm 1945 mới thoát tù. Quân Pháp tái chiếm Sài Gòn, ba anh được tổ chức phân công rút xuống rừng U Minh làm ở Công binh xưởng Chiến khu 9. Má anh đưa các con về quê Lương Phú, Bến Tre.. Năm 1949, quân Pháp tái chiếm lại Bến Tre. Má anh bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng không khai thác được gì, buộc chúng phải thả bà. Ra tù, má bồng bế các con từ Bến Tre xuống tận Năm Căn, Bạc Liêu, gặp lại ba anh ở Công binh xưởng Chiến khu 9. Rồi má anh và các con, trong đó có anh vừa tròn bảy tuổi, được nhận vào làm nhân viên ở cơ quan ấn loát đặc biệt, nơi in ra giấy bạc Cụ Hồ ở Nam bộ, đóng bên bờ sông thuộc xã Vĩnh Bạch, Cà Mau, nay là huyện Thới Bình.
Năm 1954, thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, hai người anh trai của anh là cán bộ Vệ Quốc đoàn, xuống tàu tập kết ra Bắc. Ba má anh theo sự phân công của tổ chức, cùng các con về lại Sài gòn hoạt động. Má anh về trước Sài Gòn hơn một năm, tạo được những điều kiện hợp pháp để ba anh trở lại Sài Gòn (kể cả những bằng cấp hồi xưa ông học nghề). Về Sài Gòn, ba anh tiếp tục tham gia hoạt động bí mật.
Ông Năm cũng có con tập kết ngoài Bắc. Nhờ ở Pnom Pênh nên liên lạc được trực tiếp ra miền Bắc, thư từ của con ông Năm gửi cho ông Năm, đồng thời theo đầu mối này, ba má anh cũng nhận được thư của các con gửi kể về cuộc sống tươi đẹp trên đất Bắc. Nhưng, đến lá thư xin ba má mua cho mỗi con một chiếc đồng hồ Omega, để bán lấy tiền đi học, thì ba má anh bị địch bắt, hai chiếc đồng hồ Omega đã được gửi đi. Hóa ra tất cả những thư từ đó, đang bị phủ Đặc ủy Trung ương tình báo ngụy ở Sài gòn bí mật theo dõi. Chúng muốn biết tình hình miền Bắc nhưng tự nhiên thấy xin đồng hồ Omega.
 |
Liệt sĩ Võ Văn Nhuận và liệt sĩ Phạm Thị Giang (Bà mẹ Việt Nam anh hùng)
|
Tại sao một cuộc sống được quan tâm đầy đủ, ấm no mà phải xin đồng hồ để bán? Chúng nghĩ hoạt động thư từ đã bị lộ nên ra lệnh bắt ngay ông bà. Các con đành lủi thủi đưa nhau về Lương Phú ăn nhờ ở đậu với bà con. Tuy vất vả cực nhọc, nhưng anh vẫn cố gắng học và tốt nghiệp trung học năm 1959 ở Bến Tre, trưởng thành lên trong cuộc chiến đấu kiên cường trên mảnh đất quê hương. Anh chỉ huy đơn vị biệt động đầu tiên của thị xã Bến Tre đánh trận Gò Đàng, trận cầu Cá Lóc quy mô tuy không lớn nhưng tác động rất mạnh tới tinh thần địch. Chúng rất hoang mang. Đơn vị biệt động do anh chỉ huy đánh trận cầu Cá Lóc tối hôm đó về tới bản doanh đã một, hai giờ khuya, ăn cháo xong rồi lăn ra ngủ. Cùng đêm đó, từ một hướng khác, biệt kích có chỉ điểm đi tiềm nhập, bắt sống hết du kích canh gác, đến cửa nhà rồi ta mới biết. Anh Hoàng Hữu – Phó Bí thư thị xã Bến Tre hy sinh ngay loạt đạn đầu. Giặc tràn vào, đánh trận giáp lá cà. Anh và các anh em bị thương, bị bắt sống tại chỗ với đầy đủ vũ khí. Ba tháng bị giam trong xà lim Bến Tre, bất ngờ hai lần anh giáp mặt Phạm Ngọc Thảo, tỉnh trưởng tỉnh Bến Tre. Phạm Ngọc Thảo bảo giám thị gọi anh lên và nói với các tù nhân chính trị đang ngồi ngoài sân:
- Cậu bé này mới mười sáu, mười bảy tuổi mà đã cầm súng đi theo giải phóng quân.
Nói một câu thôi chứ không bình luận gì cả. Chừng ba tháng sau, Phạm Ngọc Thảo lại đến nhà giam Bến Tre. Phạm Ngọc Thảo ngoắc tay. Anh bước lên, đứng cạnh, nghe Phạm Ngọc Thảo hỏi:
- Em ở trong tù có khổ lắm không?
Anh coi Phạm Ngọc Thảo như kẻ đối địch nên trả lời:
- Khổ.
- Em có chịu nổi không?
- Không chịu nổi cũng phải ráng chịu.
Chỉ vẻn vẹn có vậy. Phạm Ngọc Thảo cũng không hỏi thêm gì. Đến ngày mồng 7-7-1961, ngày lễ song thất, tức là ngày lễ chấp chánh của Ngô Đình Diệm. Phạm Ngọc Thảo ký giấy trả tự do cho anh.
Vừa ra tù, các anh trong cấp ủy tỉnh Bến Tre động viên anh nên đi làm nội tuyến. Mới thoát án tù mà đi nội tuyến, sao che mắt được kẻ thù? Anh đề đạt: “Thôi, các anh cho em về căn cứ để sản xuất vũ khí. Vì em cũng rất thích cái nghề của ba em đã tham gia làm trước đây.” Từ đó, anh chính thức trở thành thợ chế tạo vũ khí ở rừng Thành Phú.
Trưởng thành từ một đơn vị biệt động nhỏ bé đầu tiên của những ngày Bến Tre Đồng khởi, sau này, anh được bố trí về công tác ở Lữ đoàn Đặc công biệt động 316. Khi quân ta chuẩn bị tổng tấn công Sài Gòn mùa Xuân 1975, anh được giao nhiệm vụ là đánh vào các mục tiêu quan trọng của địch như: Bộ Tổng tham mưu, Tổng Nha cảnh sát, Bộ Tư lệnh hải quân, trường Huấn luyện Quang Trung, chốt giữ các cầu như: cầu Sài gòn, cầu Bình Triệu và các ngã ba, ngã tư để chi phối trong các khu vực nội thị, tạo điều kiện mở cửa cho các quân đoàn chủ lực tiến công vào giải phóng Sài Gòn, kết thúc chiến tranh.
Một hôm tối trời, tổng Gấm đồn Lương Phú dẫn khoảng mười tên lính kéo đến nhà, bắt ba má và chị gái anh. Chị gái anh đang có mang, vùng chạy thoát, la lớn. Chúng đẩy ba má anh ra bờ sông trước nhà, trói giật cánh khủy, cắt cổ, mổ bụng, moi ruột rồi cho truồi sông …
Chị gái anh là cán bộ xã, sau này bị hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Em trai anh đi hoạt động nội tuyến cũng bị hy sinh.
Ông Nguyễn Văn Thới – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, nói: - “Trường hợp của ba mẹ già anh chết là tổng Gấm giết, rồi nó đổ tội Việt cộng giết. Ở huyện Giồng Trôm, ai cũng xác định đó là thằng tổng Gấm giết. Là địch giết.”
Ông Võ Trần Chí – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh nói: - “Ông bà chết là do địch giết.”
Sau giải phóng, anh dẫn một đoàn xe về quê, tìm tên đã giết ba má, hỏi tội. Hắn lẩy bẩy sụp xuống lạy lia lịa. Anh thấy hắn không đáng để bàn tay anh giết. Tha chết, để hắn suy nghĩ ăn năn. Và, anh có dịp tìm hiểu về cái chết của ba má ... Sáng hôm đó, chị anh đi tố cáo bọn giặc đã giết ba má. Chúng bảo chị anh viết bản tường trình. Chị anh ngồi viết, trong đó có đoạn “một toán lính ngụy” đang đêm tới nhà bắt ba má mang đi. Chúng cho chị anh về và hứa sẽ giải quyết, nhưng trong lá đơn, chúng gạch chữ “một toán lính ngụy” thay bằng chữ “việt cộng”.
Tôi bước vào khu biệt thự có hàng cau vua cao vút. Chiều mát dịu. Hoa vàng như gom chút nắng đậu trên bờ rào, phong lan đua sắc. Vừa vào cửa, tôi thấy bức ảnh lớn chụp chung của hai liệt sĩ Võ Văn Nhuận và liệt sĩ Phạm Thị Giang - Bà mẹ Việt Nam anh hùng treo trên ban thờ. Chủ nhân có cách nói chuyện từ tốn mộc mạc, dễ hiểu mà sâu sắc như cha tôi. Ông là người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng. Một cơn gió từ phía Bến Nhà Rồng lùa vào cửa sổ đang rộng mở hất tấm rèm vải màu vàng vờn lên mái đầu có vầng trán mênh mông đang gợi về ký ức …
“Có khi nhẫn để yêu thương
Có khi nhẫn để liệu đường lo toan
Có khi nhẫn để vẹn toàn
Có khi nhẫn để chớ tàn hại nhau” (Trần Lê Nhân)
Vết thương trong ngục tù đế quốc khiến lưng ông đau nhức, phải trở thế ngồi. Tôi xin phép được thắp nén hương thơm lên ban thờ song thân liệt sĩ của Người Anh hùng Bến Tre đồng khởi. Chắp tay bái biệt ông, tôi thấy trong dáng vẻ nho nhã của ông một chí khí, một sức mạnh, “một tòa thành vững vàng như núi”, hiện thân của “Thành đồng Tổ quốc” trong cuộc đấu tranh kiên cường chống giặc ngoại xâm cũng như chống nội tặc. Bước chân ông tiễn tôi dừng bên trong cánh cổng. Tôi ra về, vừa ngồi lên xe, một trận mưa bất ngờ xối nước … Đường phố loang loáng ánh đèn…
Bài, ảnh: Trần Minh Thu