Kỳ 2: Bi tráng một chuyện tình

Hạnh phúc ngắn ngủi

"Sổ đen" của bọn mật vụ ghi "tội trạng" của cô chủ tiệm may Thanh Tâm ngày càng thêm dày. Chính chúng đã nói không úp mở với cô rằng: "Mày có hai đứa em đi theo Việt Cộng, chống lại chính phủ quốc gia. Người yêu mày tập kết ra Bắc, bây giờ đã trở về Nam nằm vùng...".

Tâm ráng chịu đựng những kiểu đe dọa, trấn áp tinh thần của bọn mật vụ và quyết tâm chờ đợi cơ hội được tiếp tục phục vụ cách mạng. Với tay nghề khéo léo, ngày ngày cô quấn quýt bên các em học may. Một ngày nọ, nắng xuân rực rỡ, Thanh Tâm đón tiếp một chàng trai lịch thiệp có tên là Lê Hiền. Anh có dáng người dong dỏng cao, đôi mắt phúc hậu, giọng nói ấm áp, rất khác so với hình dung của Tâm về một người hành nghề buôn vàng...

Tình yêu đôi khi thật kỳ lạ! Một người lúc nào cũng cảnh giác để sống như Thanh Tâm nhưng mới gặp Lê Hiền, cô đã có cảm tình ngay. Thông qua "anh cảnh sát thuế vụ" làm mai, hai người ngày càng ý hợp, tâm đầu. Họ nhanh chóng đi đến thống nhất ngày tổ chức lễ cưới. Lê Hiền thật lòng tâm sự với người yêu rằng, anh đã có một lần cưới vợ nhưng đã ly hôn. Thanh Tâm cũng không ngần ngại tâm sự về mối tình đầu lãng mạn với một chiến sĩ cách mạng đã thoát ly ra Bắc. Chuyện cưới xin tưởng như rất thuận lợi thì hôm lễ dạm ngõ, ông Trà Thanh Niên, bố Thanh Tâm bỗng hỏi Lê Hiền: "Anh đã từng kết hôn, vậy chớ tờ giấy ly hôn để đâu. Tôi phải nhìn thấy tờ giấy đó thì mới yên tâm gả con gái cho anh được".

Mẹ con Trà Thanh Tâm trước khi bị địch bắt. Ảnh: Do gia đình cung cấp

Tình huống khó quá! Lê Hiền đang bối rối như "gà mắc tóc" vì không biết ăn nói ra sao, chẳng lẽ lại nói "giấy tờ ly hôn còn để ngoài Bắc" ư! Tình yêu anh dành cho Thanh Tâm là rất thật, nhưng vì nhiệm vụ, anh không thể nói cho cô và gia đình biết rằng, cái tên Lê Hiền chỉ là tên giả và anh cưới vợ là nhằm tạo cho mình một "vỏ bọc". Đang luống cuống, bỗng Thanh Tâm tìm được câu trả lời thật hay: "Ba à! Anh Hiền là người buôn bán nay đây, mai đó. Con cũng đã hỏi nhưng ảnh nói là cái giấy ly hôn đã thất lạc ở đâu đó. Tụi con tin yêu nhau rồi, không cần gì giấy tờ ấy đâu, ba ơi". Ông Niên vốn rất tin con gái, thấy nói vậy nên cho qua. Chưa thành hôn, Lê Hiền đã được Thanh Tâm "cứu" cho một bàn thua trông thấy... Còn ba mẹ Tâm thì thấy ở Lê Hiền có một sức hút gì đó thật khó giải thích: "Con Tâm thiếu gì nơi giàu sang, phú quý dạm hỏi mà nó không ưng. Tự nhiên lại mê mệt cái anh chàng Lê Hiền vốn dĩ tha phương, cầu thực. Lạ quá!".

Vợ chồng Thanh Tâm - Lê Hiền ra sức chăm lo mở mang cơ nghiệp. Trước cửa hiệu may, Thanh Tâm cho dán một khẩu hiệu: "Nhà tôi không chứa chấp cộng sản" do cơ quan tâm lý chiến của ngụy phát để lấy lòng mấy gã an ninh quân đội. Cũng không ai ngờ tới, ngay phía trong khẩu hiệu chống cộng ấy lại là hai chiến sĩ trên "mặt trận thầm lặng". Sau khi cưới một thời gian, bằng các biện pháp nghiệp vụ để "thử thách" chính vợ mình, Lê Hiền quyết định "kết nạp" vợ vào mạng lưới tình báo do anh chỉ huy. Thanh Tâm vui mừng vì được đứng trong hàng ngũ những người Cộng sản, lại được người chồng thân yêu làm chỉ huy trực tiếp. Cô lấy tấm ảnh kỷ niệm ngày cưới, viết nắn nót dòng chữ "Tình yêu lý tưởng: Trăm năm duyên đẹp chồng xây đắp. Hạnh phúc gia đình, vợ tạo nên".

Từ ngày cưới vợ, Lê Hiền rất yên tâm khi tiến hành công tác nghiệp vụ, nhất là những phiên liên lạc bằng phương tiện kỹ thuật với trung tâm chỉ đạo Trung ương, bảo đảm an toàn cao. Thanh Tâm canh gác cho chồng tác nghiệp, cô dành cho chồng sự tin tưởng tuyệt đối. Anh thông báo cho biết vấn đề gì, cô biết chừng ấy, không bao giờ hỏi thêm. Nghe chồng tỉ tê, Thanh Tâm hiểu được sơ bộ, chồng mình là Đại úy tình báo của Quân giải phóng, căn cước anh có là căn cước giả. Anh đã thâm nhập Đà Nẵng bằng vỏ bọc thương gia, ở chung với gia đình ông thư ký cảnh sát đồn Hoàng Hoa Thám trong hai năm trời mà không ai hay biết. Lâu lâu, anh lại vượt đèo Hải Vân hiểm trở ra tận khu giới tuyến quân sự tạm thời ở Đông Hà (Quảng Trị) để theo dõi địch tình. Khi trở về nhà, cô lại đảm nhiệm canh gác cho anh bí mật viết báo cáo, liên lạc bằng điện đài.

Thanh Tâm không ngần ngại giới thiệu và viết thư môi giới, giúp chồng mình tiếp cận các sĩ quan ngụy mà cô quen biết. Hai vợ chồng ấp ủ xây dựng một mạng lưới ngầm trong hàng ngũ địch tại Đà Nẵng.

Chiến sự ngày một ác liệt. Càng tổn thất, địch càng siết chặt quy định "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Nhiều phiên liên lạc của mạng lưới bị ngưng trệ. Việc di chuyển của Lê Hiền gặp khó khăn do sử dụng căn cước giả. Thanh Tâm đã đứng ra thay chồng làm nhiệm vụ tổ chức các nữ giao thông viên xuyên qua các chặng kiểm soát ngặt nghèo vào khu vực Miếu Bông, Vĩnh Điện, bắt liên lạc với căn cứ Quế Sơn.

Vào một đêm trung tuần tháng 5-1968, an ninh quân đội Sài Gòn thình lình ập tới bắt Thanh Tâm với một lý do: "Tuyên truyền chủ nghĩa Cộng sản trong học trò may".

Trong đầu Lê Hiền lúc này hiện ra trăm ngàn câu hỏi và biết bao nỗi lo. Liệu mình có sơ sảy gì dẫn tới bị lộ hay không? Chúng bắt Tâm đi đâu, có bị tra tấn không? Lúc đó, Tâm đang thai nghén đứa con đầu lòng...

Cũng may, đó chỉ là đòn gió của bọn mật vụ. Bằng bản lĩnh và sự khôn khéo trong đấu tranh, Tâm vượt qua được các màn tra tấn tinh thần của địch. Ở ngoài, Lê Hiền ra sức dùng tiền "chạy chọt" nên Tâm đã được thả ra. Nhưng cũng sau sự việc ấy, cấp trên cảnh giác, đề phòng Lê Hiền bị lộ nên quyết định chuyển anh sang hoạt động ở địa bàn khác.

Chia tay không hẹn ngày về

Sau lần đầu tiên bị an ninh quân đội ngụy bắt theo kiểu "dằn mặt", Thanh Tâm trở về. Đứa con đầu lòng của họ, cháu Lê Văn Hùng - vừa ra đời thì Lê Hiền chính thức nhận được chỉ thị trở ra Bắc để chuẩn bị cho việc chuyển sang hoạt động ở địa bàn mới. Giây phút chia tay trĩu nặng tâm tư. Anh chỉ nói ngắn gọn với vợ về việc chuyển vùng. Tuy hết sức ngắn gọn, nhưng Thanh Tâm đã hình dung ra tất cả hiểm nguy đang rình rập gia đình họ. Chị không nói, không khóc, lấy giấy viết vài dòng ly biệt:

Anh! Em vắng anh, chăn đơn gối chiếc, buồng the một mình

Nhìn con mà lệ lung linh

Làm thân hai cảnh, nghĩa tình sao đang!

Con! Ba trao tay cho má con bồng

Em lo ở lại chờ chồng, nuôi con.

Ít ngày sau đó, có tin đồn Lê Hiền phụ bạc vợ con, bỏ nhà đi làm ăn nơi khác. Trong lúc anh đã ung dung hoạt động tại đặc khu Sài Gòn - Gia Định với tấm căn cước giả khác mang tên Trịnh Hà thì ở Đà Nẵng, bọn địch mới bắt đầu "đánh hơi" về đường dây tình báo của ta ở vùng I chiến thuật. Chúng không bắt Thanh Tâm ngay mà ngày đêm mật phục tại cửa hiệu của cô với hy vọng "hổ bố nhớ con sẽ mò về". Lệnh tầm nã Lê Hiền cũng được phát đi khắp nơi.

Báo Ramparts đăng bài viết về cái chết của bà Trà Thanh Tâm. Ảnh: Do gia đình cung cấp

Tháng 6-1973, Thanh Tâm bế bé Hùng bắt xe đi Sài Gòn thăm bà con. Ba mẹ cô, ông Trà Thanh Niên và bà Tăng Thị Đương tiễn con ra xe và nghĩ đơn giản rằng, ít hôm sau sẽ gặp lại. Không ngờ, Thanh Tâm vừa xuống đến Sài Gòn thì bị bọn mật vụ của Cục An ninh quân đội Sài Gòn bắt cóc cả hai mẹ con đưa về nhốt ở trại giam số 8, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Mục đích của chúng rất rõ ràng: Sau một thời gian mai phục mà không bắt được Lê Hiền, chúng bắt và tra tấn Thanh Tâm bằng đủ loại cực hình hòng tìm ra nơi ẩn náu của Lê Hiền. Trước uy vũ kẻ thù, Thanh Tâm giữ trọn lòng vàng đá, một mực phủ nhận chồng mình dính líu đến chính trị nên không có gì phải khai báo. Cô đã anh dũng hy sinh sau 4 ngày bị tra tấn dã man.

Ngày 27-6-1973, ông bà Niên - Đương nhận được tin dữ từ cơ quan cảnh sát: "Đến trại giam Cục An ninh quân đội, số 8, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Sài Gòn nhận xác con gái về chôn".

Uất hận về việc con mình bị tra tấn đến chết, ông Trà Thanh Niên lâm bệnh và mất sau đó ít lâu. Bé Hùng, con của Lê Hiền - Thanh Tâm được bà ngoại Tăng Thị Đương đón về từ nhà tù để nuôi dưỡng. Nỗi đau chồng chất trên vai bà: chồng chết, hai con trai, một con gái đi theo cách mạng đều hy sinh ngoài mặt trận. Người con gái đầu - Thanh Tâm - bị thủ tiêu trong tù mà kêu trời không thấu. Nỗi đau càng tê tái hơn khi bà nghĩ Lê Hiền là đứa con rể bạc nghĩa, bỏ mặc vợ con ra đi không một chút đoái hoài.

Bà đã không biết một sự thật là Lê Hiền, lúc này mang bí danh Trịnh Hà đã bị địch bắt từ trước đó. May thay, chúng không phát hiện ra được tung tích của anh nên cùng với sự tích cực "đút lót", Trịnh Hà được thả vào đầu năm 1972.

Ngay khi ra tù, tìm đọc lại tin tức trên các báo, Trịnh Hà bất ngờ thấy trên báo Ramparts, số 6 ra tháng 12-1973 có bài "The pows we left behind" của một phóng viên nước ngoài tên là Pred Branfman, viết (tạm dịch): "Ngày 28-6-1973, tôi đến thăm cha Chân Tín, một linh mục Thiên Chúa giáo nổi tiếng nhờ luôn bảo vệ cho các tù chính trị... Cha kể rằng: Bà Trà Thanh Tâm đến Sài Gòn viếng thăm bà con vào ngày 21-6. Nhưng bà đã không đi đến nơi... Thi hài của bà vừa được trả lại cho gia đình. Lưỡi của người quá cố phồng lên, còn mặt thì thâm đen!... Bà Tâm, một người đàn bà đã ly dị, có đứa con trai 5 tuổi, không bao giờ liên quan đến chính trị...".

Quá bàng hoàng, Trịnh Hà ngất lịm. Nỗi đau mất vợ và nỗi lo cho số phận của đứa con - Lê Văn Hùng, mới 5 tuổi, bơ vơ bên song sắt nhà tù. Nhưng nhiệm vụ khiến anh không có cơ hội tìm kiếm con mình...

(Kỳ sau: Thoát án "tù chính trị")

HỒNG HẢI

Chuyện tình của Đại tá tình báo Lê Văn Trọng (phần 1)