“Đặc sản” của Pò Hèn

12,006km đường biên giới do Đồn BP Pò Hèn quản lý nằm hoàn toàn trên sông biên giới Ka Long. Điều này vừa giúp quản lý thuận lợi nhưng cũng gây ra không ít khó khăn khi các đối tượng lợi dụng địa hình bằng phẳng, sông nước để xuất, nhập cảnh trái phép cũng như buôn lậu qua biên giới. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, do muốn trốn cách ly nên nhiều đối tượng đã lựa chọn khu vực này để nhập cảnh trái phép. Trước tình hình trên, Đồn BP Pò Hèn duy trì 11 chốt và 1 tổ lưu động phòng, chống Covid-19. Tại mỗi chốt được bố trí 4 người, chia làm 3 ca, luôn phiên sáng, chiều và đêm, đảm bảo biên giới được gác 24/24 giờ.

Trả lời cho câu hỏi có những khó khăn gì khi thực hiện nhiệm vụ trên biên giới, Trung tá Tạ Tấn Trường, Chính trị viên phó Đồn BP Pò Hèn chia sẻ: “Khó khăn không chỉ ở cơ sở vật chất còn hạn chế mà còn vì điều kiện tự nhiên ở đây khắc nghiệt. Ví như mùa đông rất rét. Cái lạnh của mùa đông biên giới không phải ai cũng biết, nhất là khi đứng gác và những trận gió mùa Đông Bắc cứ thổi ràn rạt từ phía sông vào, khiến da dẻ ai ấy đều nứt nẻ. Có những thời điểm nhiệt độ ngoài trời xuống đến 2 độ C, chúng tôi đi 3 đôi tất mà vẫn thấy tê cóng chân. Để bớt rét, người đứng gác phải đi đi lại lại cho nóng cơ thể. Đó là lý do thảm cỏ quanh chốt cứ nhẵn thín trong khi ở cách đó không xa lại xanh tốt, rậm rạp”. 

 Trên chốt phòng, chống dịch Covid-19 của Đồn Biên phòng Pò Hèn. Ảnh: Tạ Tấn Trường. 

Một “đặc sản” nữa ở Pò Hèn là mưa. Mưa dai dẳng, nhất là những ngày mưa phùn, gió bấc, anh em đi tuần rất vất vả. Những ngày ấy mọi người phải mặc áo mưa, đi ủng cả ngày để tránh mưa và rét. Hết mưa phùn lại đến mưa rào. Mưa ngày này qua ngày khác, đến lúc thấy đất nở ra là lúc anh em biết lũ sắp về. Có đợt lũ, nước dâng cao, cuốn luôn chốt theo dòng nước. Nước dâng lên, đường vào các thôn bị ngập. Có lần, nước lên cao quá, đường vào điểm trường Mầm non Thán Phún (sau chốt 27) bị ngập, đến trưa nước vẫn chưa rút. Thiếu tá Vũ Mạnh Khương cùng các cô giáo trong điểm trường phải lấy áo mưa trùm lên các thùng cơm, thức ăn để lên các bè xốp đẩy qua điểm ngập. Rồi thì vắt, thời tiết ẩm ướt nên vắt nhiều vô kể. Đứng gác, ai cũng nai nịt rất kỹ nhưng không hiểu sao vắt vẫn lọt được vào để đốt. Loại vắt xanh cắn vào mấy ngày sau máu vẫn không cầm được. Lo vắt chui vào tai nên anh em cẩn thận dùng bông bịt kín lại.

Đó là khi trời mưa, còn trời nắng thì thêm một "đặc sản" nữa là muỗi. Dọc bờ sông là rừng tre nên muỗi nhiều vô kể. Trời ấm nên muỗi nhiều tới mức vơ tay cũng trúng muỗi. Bởi vậy mà trong túi quần áo của cán bộ, chiến sĩ lúc nào cũng có hộp hương muỗi. Thế nhưng điều đáng sợ nhất là rắn. Rừng rậm, dân cư thưa thớt, khu vực bờ sông hoang vắng và đó là điều kiện để rắn sinh sôi. Nào là rắn hổ, cạp nong, cạp nia. Có đêm đi gác về, chỉ thấy thoáng có bóng đen di chuyển nhanh vào gầm gường, cẩn thận kiểm tra, hóa ra là con rắn hổ đen sì. Trời chuẩn bị bước sang mùa hè, rắn thường bò ra khỏi tổ để kiếm ăn nên anh em mỗi lần đi tuần đều phải hết sức cẩn thận. Mọi người cũng đã trồng sả quanh chốt, trên các lối đi tuần và mong rằng mẹo dân gian này có hiệu quả.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn tuần tra bảo vệ biên giới. 

Mùa xuân trên chốt biên cương

Vất vả, đó là điều hiển nhiên khi mà những người lính Biên phòng ngày này qua tháng khác căng mình trên chốt. Thượng úy QNCN Nguyễn Quốc Toàn (chốt số 28) chia sẻ: “Suốt một năm qua, ở trên chốt mọi người gần như đêm nào cũng thức trắng. Chúng tôi lúc nào cũng thiếu ngủ nhưng khi vào ca gác lại tỉnh táo vô cùng. Mà kể cũng lạ, thiếu ngủ, dãi nắng dầm sương thế nhưng không một ai ốm”. Ở Đồn BP Pò Hèn, việc cán bộ, chiến sĩ 2-3 tháng chưa đi tranh thủ là rất phổ biến. Có người vợ bị bệnh nặng, hàng tháng, quý phải về Hà Nội để tái khám và lấy thuốc. Trước đây, đơn vị thường tạo điều kiện cho đi tranh thủ về nhà nhưng kể từ khi dịch bùng phát, tôi cũng phải động viên vợ cố gắng thu xếp vì “nếu anh về mọi người phải gác phần của anh. Gác phần của mình được giao thôi ai cũng đủ mệt rồi”.

Cũng theo Trung tá Tạ Tấn Trường, công việc vất vả nhưng đơn vị cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của hậu phương, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hải Sơn. Các chị thường xuyên nấu xôi ngũ sắc, một đặc sản của người Dao Thanh Y tặng cho bộ đội trên chốt. Đêm lạnh, ăn nắm xôi nóng được gói bằng lá dong thơm phức thật ấm lòng tình quân dân.

Đồn Biên phòng Pò Hèn phối hợp cùng địa phương tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 kết hợp phát tờ rơi, vận động nhân dân ký bản cam kết không tham gia, tiếp tay cho các loại tội phạm. 

Và, cũng ở trên chốt biên cương này, chúng tôi biết thêm bao câu chuyện khiến người nghe xong phấn chấn như nhìn thấy hoa xuân, lộc biếc bởi trong vất vả, khó khăn, người lính Biên phòng vẫn tìm được những niềm vui cho mình, cho mọi người. Thượng úy QNCN Nguyễn Quốc Toàn là huấn luyện viên chó nghiệp vụ nhưng lại có niềm đam mê với nhiếp ảnh. Năm 2020, tác phẩm “Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn tuần tra, chốt chặn đường mòn, lối mở biên giới ngăn chặn triệt để xuất, nhập cảnh trái phép, kiên quyết không để dịch Covid-19 xâm nhập vào nội địa” của anh được Ban tổ chức Cuộc bình chọn tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 - “Việt Nam những ngày không quên” trao giải Ba. Gần đây nhất, với tác phẩm “Đám cưới người Dao Thanh Y” được Ban tổ chức Cuộc thi “Vẻ đẹp Việt Nam” trao giải Ba, quý 1 năm 2021. Xem những bức ảnh của anh, không thấy sự đặc biệt xuất sắc về kỹ thuật nhưng ai cũng cảm nhận được câu chuyện riêng trong mỗi tác phẩm - câu chuyện của người lính đang thực hiện nhiệm vụ trên đường biên muốn kể với mọi người.

Hôm ấy, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên thấy một bé gái mặc chiếc áo len ở chốt 28. Hỏi ra mới biết đó là con nuôi của Đồn BP Pò Hèn, tên Phùn Thị Mai, là người Dao Thanh Y ở ngay xã Hải Sơn. Bố mẹ mất sớm, Mai ở cùng các anh trai, nhà ngay gần chốt 28, bởi vậy mà lúc nào có thời gian lại ra chốt chơi với các bố nuôi. Chúng tôi chợt nhận ra, mùa xuân nơi đây dường như đẹp, đáng yêu hơn hơn vì có cô gái nhỏ vô tư, hồn nhiên ngồi dưới gốc đào trước sân chốt ăn kẹo và những người lính Biên phòng miệng trả lời các câu hỏi con gái nuôi nhưng mắt vẫn dõi theo sông biên giới…

Bài, ảnh: THANH TRÚC – TẤN TRƯỜNG