QĐND Online - Trong chuyến ra Trường Sa lần này, ngoài việc “tác nghiệp” trên đảo Trường Sa Lớn, chúng tôi còn được tới các đảo chìm Thuyền Chài, Đá Lát, Đá Tây... Mỗi  đảo có điều kiện địa lý và đặc thù khác nhau, nhưng đều chung một điểm là những người lính đảo đều chắc tay súng, vững niềm tin, kiên cường bám trụ ở nơi “sóng cuồng, bão giật” để giữ “phiên dậu” của Tổ quốc....

 

Nắng, gió Thuyền Chài

Đứng trên mặt boong Tàu Trường Sa – 22, thấy đảo Thuyền Chài chỉ cách tàu chừng ½ hải lý, nhưng đành chịu cảnh “đảo mong tàu, tàu ngóng đảo” vì thủy triều xuống trơ bãi san hô, xuồng không thể cập vào được. Tới buổi chiều thời tiết bất ngờ đổ mưa lớn, xuồng HQ – 1196 chở bộ đội, phóng viên do Trung úy Lê Cảnh Thân điều khiển, đang ở giữa dòng bất ngờ quay tròn và sau khi chiến thắng nhiều con sóng dữ và gió lớn, đoàn công tác mới vào tới đảo Thuyền Chài.

Lính đảo Đá Lát chăm sóc những luống rau xanh

Đại úy Lê Ngọc Phương - “đảo trưởng” – quê Nghệ An, chia sẻ: “Thuyền Chài là đảo có chiều dài nhất nhì Trường Sa. Vì đảo rộng, dài, thềm san hô lớn, nên quanh năm luôn bị bão, gió “tấn công”. Nắng ở đây cũng rất đặc biệt, bỏng rát, táp cháy thịt da. Điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt là thế nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm”.

“Đảo xa, nắng lắm, gió nhiều...nên công tác tăng gia, chăn nuôi cải thiện đời sống là “bài toán” cực kỳ nan giải!”, Đại úy Triệu Tiến Huy – Chính trị viên đảo chia sẻ.

Thiếu tá CN Nguyễn Huy Thành cho biết: “Để có được rau xanh, chúng tôi phải “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”! Thiếu tá Thành trông còn trẻ, nhưng con gái lớn rất xinh, lại vừa tốt nghiệp đại học, chả thế mà cánh lính trẻ tranh nhau gọi “bố bố, con con”.

Nói là “vắt đất ra nước”, nhưng đất ngoài đảo cũng đâu có nhiều. Đất màu, phân bón và xơ dừa tàu chở từ đất liền ra, sau đó dùng xuồng tăng bo vào đảo. Mỗi lần thay quân, hoặc tàu tiếp tế lương thực, thực phẩm, cán bộ, chiến sĩ không quên mang theo cả con giống, cây giống ra “góp vốn”. Gieo, trồng hạt rau nảy mầm trên đảo đã khó, việc chăm bón lại càng khó hơn. Lắm hôm mưa to, gió lớn, bộ đội “huy động tổng lực” tất cả các loại bao bì, áo mưa tận dụng may thành bạt che chắn gió. Có đợt sóng quá to, bộ đội hì hục suốt đêm khiêng các bồn rau vào nhà đảo...Người không phụ đất, đất chẳng phụ người, bao công lao của lính đảo được đáp đền xứng đáng. Trong năm lượng rau xanh góp vào bữa ăn khoảng trên 2.350 kg rau xanh. Với quan điểm “thực túc binh cường”, cán bộ, chiến sĩ đảo Thuyền Chài còn tranh thủ thời gian ngoài giờ đánh bắt hải sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Con số tăng gia của đảo thật ấn tượng: sản lượng đánh bắt hải sản vượt 10% so với chỉ tiêu. Đàn chó của đảo hàng chục con; đàn gà, vịt đẻ trứng đủ cung cấp cho bộ đội theo định lượng... 

Dẫu còn nhiều khó khăn, thử thách, song cán bộ, chiến sĩ đảo Thuyền Chài vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo...

Đá Lát – “Nước ngọt là vàng”

Từ vị trí tàu Trường Sa – 22 thả neo vào đảo Đá Lát chừng khoảng 500 mét, nhưng Thiếu úy CN Vũ Tiến Kiên phải điều khiển ca nô HQ – 1219 “đánh vật” với sóng gió để chở đoàn cán bộ vào đảo. Mất gần 2 giờ đồng hồ dọc ngang trên biển, ca nô HQ - 1219 mới hoàn thành nhiệm vụ.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Thuyền Chài đánh bắt hải sản

Trên đảo, những chậu nước mưa trong vắt và khăn mặt đã được chuẩn bị sẵn. Thiếu tá Tạ Quang Hải – Chính trị viên đảo, bắt tay từng người rồi hướng dẫn khách đến bên các chậu nước. Sau một hồi “hứng” trọn hàng trăm con sóng hắt nước mặn lên người, chúng tôi cảm thấy khoan khoái khi được vốc từng vốc nước ngọt khoát lên đầu, lên mặt.

Trước khi bước chân lên nhà đảo, tôi tình cờ thấy dòng chữ “nước ngọt là vàng” được viết bên ngoài bể nước. Thì ra, Đá Lát là đảo chìm nên nước ngọt là thứ quý hiếm. Thế nên “màn chào hỏi” đầu tiên của lính đảo là đem thứ quý giá nhất của mình để “đãi khách” từ đất liền ra.

Thượng tá Nguyễn Hồng Quân – Trưởng đoàn công tác, cho chúng tôi biết: “Tại các đảo chìm nước ngọt là vàng, bộ đội phải chắt chiu từng giọt để phục vụ sinh hoạt tối thiểu hàng ngày và dùng cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu!”.

Thiếu tá Trương Văn Núi, Chỉ huy trưởng đảo Đá Lát cho biết, mùa mưa, bộ đội huy động đủ các loại xô, chậu, xoong nồi hứng nước. Vừa hứng vừa canh chừng kẻo tràn ra ngoài. Mùa nắng, nước khan hiếm, tiêu chuẩn bộ đội chỉ được sử dụng 5 lít/ngày/người. Vì tiêu chuẩn “eo hẹp” nên cán bộ, chiến sĩ chủ yếu để dành nước đánh răng và rửa mặt. Còn muốn tắm, giặt thì bộ đội phải xuống biển kỳ, cọ, vò, nhồi, sau đó dội lại bằng nước ngọt.  Nước ngọt sau khi dùng xong được đổ vào thùng đựng rác để tưới rau. Nhất là vào khoảng tháng 5, tháng 6, nắng như đổ lửa, nước khô cạn, bộ đội có lúc “tắm chay”. 

Gian khổ chẳng sờn lòng, bão tố không nản chí, cán bộ, chiến sĩ đảo Thuyền Chài là một trong những đơn vị có thành tích tốt của Lữ đoàn 146 Hải quân. 10 năm liền đảo luôn hoàn thành 100% kế hoạch và thời gian huấn luyện; quân số tham gia đạt trên 98,5%. Kết quả huấn luyện quân sự đều đạt khá, giỏi. Hàng năm Lữ đoàn 146 kiểm tra bắn đạn thật đạt 100% yêu cầu, trong đó có từ 70 – 80% khá, giỏi...  

Bài và ảnh: Phan Tiến Dũng