Kỳ 4: Những công trình nặng tình đất liền
"Tôi sinh ra ở phố Lý Nam Đế, Hà Nội. Lớn lên ở Thủ đô, biết về biển chỉ trong trí nhớ mỗi câu chuyện cha kể, thi thoảng được cha thưởng cho một chuyến ngắm cảng Hải Phòng khi cha còn làm ở Quân khu 3. Vậy mà, như cái duyên, gần cả cuộc đời đã gắn bó với biển rồi. Từ năm 1982 tôi là anh thợ học lặn, rồi cái nghề quấn lấy thành cái nghiệp khi tôi trở thành giáo viên đào tạo thợ lặn, và sau đó trở thành thợ lặn chuyên nghiệp tham gia thi công nhiều công trình lặn như: Trục vớt tàu đắm, lặn khảo sát, kiểm tra các loại cầu cống, sửa chữa các tuyến ống dầu khí, phục vụ thi công nhà giàn DKI... Đã lặn nhiều công trình biển, nhiều lần vượt qua ranh giới giữa cái sống và cái chết trong gang tấc. Nhưng, những cảm giác khi lặn thi công các công trình nhà giàn DKI dường như vẫn nguyên vẹn", anh Nguyễn Hữu Tạo, nguyên thợ lặn đã tham gia hầu hết các công trình nhà giàn DKI bồi hồi nhớ lại.
 |
Đội thợ lặn chuẩn bị làm việc. Ảnh: HỮU TẠO.
|
Anh Tạo kể: "Đó không chỉ đơn giản là công việc, mà đó còn là tình cảm, là một phần của cuộc đời tôi. Với tôi, các công trình nhà giàn DKI là những công trình có nhiều kỷ lục nhất. Đó là công trình trên biển xa đất liền nhất (khoảng hơn 300 hải lý); công trình có số người cùng lúc thi công đông nhất trên phương tiện sà lan nổi. Với nhiều bộ phận, có lúc đến gần trăm người (tại Việt Nam); công trình có số thợ lặn đông nhất (thi công một nhà giàn DKI gồm 80 thợ lặn); công trình có số thợ lặn lặn cùng một lúc đông nhất và thực hiện nhiều công việc khác nhau nhất gồm 8 người (2 thợ lặn quay phim, 2 thợ lặn phục vụ bơm bê tông dưới nước, 2 thợ lặn siết bu-lông, 2 thợ lặn làm kín vành bê tông tiếp theo chuẩn bị bơm)...
Thi công công trình lặn có tính đặc thù cao, không chỉ đòi hỏi kỹ thuật cao, có trình độ lặn, có đầu óc và yếu tố tinh thần vững vàng, mà còn đòi hỏi sự tỉ mỉ, chi tiết, sự chính xác của từng cá nhân cũng như sự phối hợp của các cá nhân trong ca lặn. Sự chính xác phải xuất phát ngay từ khâu phân công công việc cho từng cá nhân, từ thợ lặn, thợ máy vận hành, thợ lặn cầm, chỉ huy lặn, máy quay phim… Tất cả đều phải chính quy và tuân thủ nghiêm quy trình. Tuy nhiên, đó mới chỉ là yếu tố đủ. Để là một thợ lặn giỏi, một chỉ huy giỏi còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác, trong đó khả năng thích ứng chịu đựng trong điều kiện áp suất cao, thần kinh vững vàng, khả năng quản lý điều hành không thể thiếu được và có một ít tố chất của cá nhân đó.
Quá trình thi công biết bao chuyện vui buồn. Mỗi lần đến gặp các chiến sĩ trên nhà giàn cùng đồng cam cộng khổ đến lúc chia tay có đồng chí khóc không dám xuống chia tay. Bản thân tôi cũng đã kết nghĩa anh em với đồng chí Dương nhà trưởng nhà giàn DKI/20, để mỗi lần về phép Dương vẫn thường xuyên ghé thăm tôi, coi tôi như một người anh...".
Mỗi lần đi thi công là mỗi kỉ niệm, anh Tạo tâm sự: "Tôi nhớ mãi 44 lá mùng tơi mà cán bộ nhà giàn DKI đã tặng. Đó là những ngày đầu đi thi công DKI, chưa có nhiều kinh nghiệm, công tác trên biển lâu ngày, trong đội ai cũng thèm rau. Tôi được cử lên nhà giàn DKI xin ít rau mùng tơi trồng trong các chậu gỗ trên sân nhà giàn về nấu canh cho anh em. Tôi gặp nhà trưởng hỏi xin, sau hồi trầm tư suy nghĩ nhà trưởng nói, để tôi gọi đồng chí bí thư phụ trách thanh niên xem thế nào. Một lúc sau một người gọi tôi ra hỏi bên anh có bao nhiêu người? Tôi thực tình bảo đội tôi có 22 người. Đồng chí này dẫn tôi ra chỗ chậu mùng tơi và đích thân tự tay hái cho tôi 44 lá mùng tơi. Sự việc nhỏ đó làm tôi không ngủ được, một phần thấy có lỗi với các đồng chí đang phải chịu thiếu thốn đủ đường trong nhiều tháng trời, một phần cảm thấy ấm áp tình người khi được sẻ chia những phần rau ít ỏi của anh em”...
Tôi hỏi anh Tạo: "Thi công nhà giàn DKI, điều gì khiến anh cho là khó khăn nhất?". Anh Tạo cho biết: "Trong quá trình lặn, khó khăn nguy hiểm nhất là thi công trong dòng hải lưu chảy xiết, ở những nơi có độ sâu lớn hay công trình nhiều ngóc ngách phức tạp... Tất cả các yếu tố trên, nhà giàn DKI hội đủ. Tuy nhiên, đó là những việc có thể chủ động khắc phục. Có lẽ tôi cũng như bất kỳ người tham gia thi công trên biển nào cũng "ngại" khi phải đối mặt với sóng thần, bão, áp thấp... Ra biển mới biết mình quá nhỏ nhoi. Thi công trong quá trình biển động mạnh cũng đã xảy ra thương vong. Năm đó, đang thi công lắp đặt chân tam giác cho khối móng bằng tàu cẩu Trường Sa trong tình trạng biển động cấp 5 - 6, khi cẩu đã đưa chân tam giác vào vị trí chân nhà giàn, thợ lặn phải lặn xuống ngay để bắt miếng ốp bằng bu-lông M42. Do sóng lớn cẩu chưa tháo móc khỏi chân tam giác cho nên chân tam giác vẫn nhảy theo sóng, các máng kẹp giao động ra vào cùng bu-lông, làm cho một thợ lặn bị kẹt đứt 2 ngón tay và một thợ giập 3 móng. Đây là một trong các trường hợp tai nạn lặn nhẹ nhất có thể xảy ra. Trong nhiều trường hợp, việc mất cân bằng áp suất, thiếu khí... còn có thể bệnh gây liệt chi, nửa người, thần kinh hoặc có trường hợp tử vong ngay tại chỗ. Có trường hợp sự cố tai nạn xảy ra tại DKI khi thợ lặn đang làm việc ở dưới đáy, ca-nô đưa người ở trên mặt nước chạy qua gây đứt dây dẫn khí thở, may mà thợ lặn nhanh nhẹn tháo thắt lưng chì dây lặn và ngoi lên kịp.
Ngoài những phút giây mệt mỏi, nguy hiểm, cũng có nhiều chuyện rất vui. Trong một chuyến thi công nhà giàn, có chuyện thực tế của một thợ lặn khiến anh em sau này cứ đùa mãi, thành giai thoại. Lần đó, con chó trên cần cẩu cứ nhìn thấy anh ta là sủa nhặng lên, không ai biết chuyện gì xảy ra giữa anh thợ lặn với con chó. Mãi đến khi kết thúc đợt thi công, anh này kể lại, mọi người mới vỡ lẽ, trong thời gian thi công nhà giàn, anh này đã ngủ đúng vị trí của nó, do vậy nó không còn chỗ ngủ...".
Tiếp tục say sưa với chuyện về đội lặn của mình, anh Tạo kể: "Những năm đầu, do tình hình khó khăn chung, việc huy động điều hành mấy chục thợ lặn kèm theo đầy đủ điều kiện về đồ ăn thức uống, bảo đảm sức khỏe cho anh em đội thợ lặn và chuẩn bị đầy đủ thiết bị lặn thi công cùng thiết bị dự phòng để đi theo các công trình DKI liên tục trong vài tháng là vấn đề vô cùng khó khăn. Việc thi công trên biển không như trên đất liền, do khoảng cách quá xa (320 hải lý tương đương 600 km), thiết bị luôn phải chuẩn bị đầy đủ ngay từ trong bờ, phải lường hết các tình huống xấu có thể xảy ra để chủ động dự phòng, cho nên cái gì cũ phải có thay thế, sửa chữa ngay. Chính vì sự chuẩn bị tốt của các bộ phận, các đợt tham gia thi công DKI chưa lần nào phải ngừng lại vì không chuẩn bị tốt trang thiết bị.
 |
Các thành viên đội lặn đang siết ốc dưới chân móng nhà giàn DK1. Ảnh: HỮU TẠO.
|
Có những đợt đang thi công được nửa chừng thì bị áp thấp nhiệt đới. Sóng gió lớn đến mức tàu HQ171 nhảy chồm chồm theo sóng không thể vào gần nhà giàn đón cán bộ. Các phương tiện khác như ca-nô, xuồng máy không dám thả xuống vì nếu thả xuống, sóng sẽ đánh chìm ngay. Chỉ còn cách trên nhà giàn thả một sợi dây lớn buộc vào tàu HQ171, lúc đó tàu vẫn phải nổ máy cơ động giữ đầu dây để nhà giàn thả phao cứu sinh đưa cán bộ về tàu trong tình trạng mọi người đều mệt lử tím tái và mất cân bằng. Gần đây nhất trong khi đang gia cố nhà giàn DKI/9 và đang lắp đặt chuẩn bị đổ bê tông nhà giàn DKI/2 thì gặp bão. Cán bộ, công nhân đang thi công phải rút về sà lan 3000 trong điều kiện sóng gió lớn bằng cách làm "xiếc" trên dây, đu theo dây dẫn lần từng sải để lên tàu. Do sóng quá lớn nên mọi người phải bấm khoá neo dây bảo hiểm vào người với dây dẫn. Không ngờ dây dẫn bị các cục nối chặn khóa neo lại, người không qua được, cán bộ công nhân bị dồn ứ. Ngoài biển gió, sóng cứ ào ào lướt tới, hết đợt này tới đợt khác... Dây dẫn lúc căng cao lên 2-3m so mặt nước, lúc chìm sâu xuống làm cho mọi người thực sự hoảng hốt. Anh Thủy, cán bộ chỉ huy thi công còn bị sóng lùa chui vào gầm sà lan bị người sau giẫm đạp lên, sây sát hết người, uống no nước, may mà mở được khoá neo người bung ra, thoát chết trong gang tấc.
Sóng gầm thét điên cuồng mấy nay
Hất lên, giập xuống quằn quại say
Qua DK thêm hiểu nghề biển
"Thập tử nhất sinh" - ngày, ngày, ngày...
(Nghề biển, Phạm Ngọc Nam)
"Trong những phút giây nguy khó, tôi cũng học được nhiều phẩm chất tốt đẹp của người lính Công binh", anh Tạo tâm sự. "Trong giông bão, sự sáng suốt táo bạo và dám chịu trách nhiệm của tổng chỉ huy công trình, trưởng ban DKI, Đại tá Nguyễn Bá Hiểu đã để lại trong tôi ấn tượng vô cùng đẹp về hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ. Tôi nhớ mãi sự điềm tĩnh, dứt khoát của anh Hiểu khi đưa ra mệnh lệnh cho toàn công trình. Lúc đó, chỉ huy thi công đã cho lệnh rút quân "chạy" bão, bỏ lại các phương tiện như tàu cẩu, sà lan công trình 3000, sà lan chở cát đá và đã chạy được mấy tiếng. Khi đó anh Hiểu vẫn ở trên nhà giàn, kiên cường trong bão, chỉ huy các bộ phận chằng buộc chống bão. Tính toán sau mấy ngày biển sẽ lặng, anh Hiểu liên lạc với các đội trưởng yêu cầu đưa tất cả các phương tiện tàu kéo, tàu có tính cơ động không lai dắt quay lại, trực tại công trình và rồi ba ngày sau biển êm công tác thi công lại được tiếp tục. Ngay sau cơn bão anh Hiểu đã họp toàn bộ chỉ huy các bộ phận kiểm điểm gay gắt trách nhiệm của chỉ huy trong trường hợp đó. Anh phân tích về sự an toàn cho nhà giàn, cho toàn bộ cán bộ, chiến sĩ nhà giàn khi các phương tiện lớn đang đeo bám, neo đậu quanh đó. Anh phân tích về tình hình cơn bão, sự an toàn của các phương tiện không cơ động được còn lại trong khu vực, tình hình thi công, nếu bỏ chạy thì công trình sẽ tiêu tan do vật tư, thiết bị bị mất mát, hư hỏng... Tất cả cán bộ, công nhân viên trên công trình được một bài học thấm thía và ý nghĩa".
Anh Tạo đùa: "Suốt quá trình tham gia lặn thi công và gia cố, lắp đặt thiết bị, đổ bê tông cho hầu hết các công trình DKI, mỗi nhà giàn đều có mồ hôi, thậm chí máu của chúng tôi. Bám nắm công trình rất vui, có ý nghĩa... nhưng chỉ tiếc nhất một điều, cả hai lần vợ đẻ lại chưa bao giờ được diễm phúc đưa vợ đi đẻ. Có lẽ công tác của tôi trên sông trên biển chỉ có nàng tiên cá, cho nên vợ tôi chắc cũng yên tâm...(cười). Mỗi lần đi công trình DKI vợ con lại chuẩn bị thuốc lá, dao cạo râu, quần áo…cả bột sắn, chè a-ti-sô vì tôi hay bị nhiệt trong người khi thiếu rau. Nhìn cảnh vợ con quấn quýt... tình cảm lắm. Chính vì vậy, trong mỗi công trình nhà giàn DKI, ngoài công sức đóng góp của đội lặn chúng tôi, đó còn là tình cảm của mỗi người vợ, của những đứa con, lớn hơn nữa là của đất liền...
Chốt DK địa đầu đất nước
Có các anh - Tổ quốc tự hào...
(Chốt DKI, Phạm Ngọc Nam).
NGUYỄN HÒA
Chuyện những người dựng "làng trên biển" (kỳ 3)
Chuyện những người dựng "làng trên biển" (kỳ 2)
Chuyện những người dựng "làng trên biển" (kỳ 1)