QĐND -   Lịch sử đã ghi nhận: Dân tộc ta đã có nhiều mùa xuân phải hành quân ra trận để đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc và giành độc lập, tự do cho đất nước. Nhưng mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lại có những nét khác nhau, những nét độc đáo riêng của nó. Mùa xuân Mậu Thân 1968 cũng là mùa xuân đáng nhớ.

Vào những ngày đầu xuân ấy, dường như toàn miền Nam, từ Quảng Trị đến mũi Cà Mau, cũng như xung quanh mặt trận Sài Gòn-Gia Định sôi động hẳn lên. Từng đoàn... từng đoàn bộ đội, thanh niên xung phong, dân quân du kích hối hả, nối đuôi nhau ra trận. Tất cả đều hướng về Sài Gòn và các thị trấn, thị xã bị địch tạm chiếm... Thực sự đã biến mùa xuân Mậu Thân 68 thành mùa xuân "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh".

Cuộc ra quân đầu xuân lần này có nhiều nét khác hẳn với các cuộc ra quân trước đây ở miền Nam. Một không khí lạc quan, háo hức và sẵn sàng hy sinh để giành chiến thắng tràn ngập mọi đơn vị.

Trước giờ lên đường, mọi thứ ảnh hưởng đến mang vác hành quân như quần áo, ca, bát ăn cơm, kể cả những thứ hồi đó miền Bắc còn coi là của hiếm như áo len, cũng vứt lại phía sau hết, thêm chỗ cho ba lô mang đạn dược. Trên lưng các chiến sĩ ra trận chỉ có gạo, lương khô, súng đạn.

Lần này không chỉ mang vác bình thường như mọi khi, ai cũng đều vác thêm một cơ số đạn. Mỗi cán bộ từ chỉ huy đến phái viên, phóng viên nhà báo chúng tôi đi chiến trường đều tự nguyện cõng trên lưng một số đạn nghĩa vụ. Có thể là một quả đạn cối 120mm hoặc vài ba quả đạn B40, B41. Mỗi quả đạn pháo, mỗi viên đạn vào chiến trường lúc này là có ý nghĩa lắm. Dù có nặng thêm dăm mười ký, mọi người cũng ráng sức. Nhiều anh, chị em vừa cắt cơn sốt rét, mặt còn xanh cũng xin đi chiến trường và không chịu mang vác kém ai.

Cái gì đã làm cho chúng tôi hăng hái như vậy? Phải chăng, lúc ấy hai tiếng "Giờ G"-giờ mật lệnh nổ súng đồng loạt (trong Tổng công kích năm 1968) như một hồi còi xung trận thôi thúc chúng tôi...

Từ phía Tây Bắc Sài Gòn, các chiến sĩ của Công trường 7 (Sư đoàn 7) dũng mãnh băng qua lửa đạn, vượt Đường 13 tiến xuống. Từ khu vực Ba Thu phía Tây Nam, các chiến sĩ Công trường 9 (Sư đoàn 9) ào ào xốc tới. Từ phía Đông Bắc, Công trường 5 (Sư đoàn 5) tạt sang, tất cả đều hướng về Sài Gòn.

Các chiến sĩ Trung đoàn Bình Giã, Trung đoàn Đồng Xoài, Trung đoàn Bầu Bàng từ các cánh rừng tràm Long An, Tây Ninh băng qua cánh đồng Chó Ngáp, vượt qua kênh rạch ùn ùn kéo lên. Đêm xuân nhưng trời vẫn tối đen như mực. Đèn pin phải dán kín lại, chỉ được để một lỗ bằng hạt ngô, đủ để rọi cho bàn chân bước đi. Sáng quá là có thể bị "xơi" pháo của địch từ các chốt bắn tới. Vì thế, giữa cánh đồng bao la không ai được để lộ ánh sáng. Thậm chí, thèm một điếu thuốc lá rê, một điếu thuốc lào, cũng không ai dám hút.

Một đêm, các chiến sĩ Trung đoàn Đồng Xoài, Trung đoàn Bình Giã, Trung đoàn Bầu Bàng phải vượt qua không biết bao nhiêu kênh, rạch. Người biết bơi lội đã vất vả, vì vừa phải bơi, vừa phải mang súng đạn nặng trĩu, người không biết bơi càng cực hơn. Các chiến sĩ phải buộc túm ni-lông quanh bồng (túi đựng quần áo, lương khô, gọn nhẹ hơn ba lô con cóc), hoặc ba lô làm phao bơi, người biết bơi sang trước, rồi quay lại dìu người không biết bơi sang sau. Có lúc, anh em miền Bắc và miền Nam không hiểu ý nhau cũng gây rắc rối. Cán bộ miền Nam hỏi chiến sĩ miền Bắc mới vào chiến trường, tham gia chiến đấu lần đầu, phải vượt kênh rạch:

- Này, tụi bay có biết lội không?

- Dạ có ạ!

- Thế thì xuống nước đi!

Nghe có vẻ ngon lành. Cậu chiến sĩ kia hăng hái xuống trước. Vừa ôm bọc ni-lông nhoài ra được mấy bước, nước sâu quá, hai chân chới với không chạm tới đất, đã vội quay đầu lại kêu: Cứu! Cứu!...

Anh cán bộ miền Nam phải nhảy ùm xuống lôi lên. Vừa tức, vừa buồn cười. Té ra, "lội" ở miền Nam là "bơi" với miền Bắc. Hai bên không hiểu ý nhau qua ngôn ngữ địa phương nên mới có chuyện. Thế là lại phải thêm một công việc ngay trên đường hành quân. Phải hỏi kỹ từng chiến sĩ, ai biết bơi, ai không biết bơi để phân công người dìu dắt qua kênh, qua rạch. Bộ binh đã cực, các đơn vị pháo, cối càng cực hơn. Phải lấy tre, lấy cây chuối ghép lại thành bè nổi để qua sông.

Phải bơi lên, lội xuống quá nhiều lần. Sông, rạch Sài Gòn như mạng nhện. Cán bộ chỉ huy lo lắng đến cháy bỏng. Làm thế nào để chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên: Phải kịp giờ G-giờ hiệp đồng nổ súng đồng loạt?

Đồng chí Ba Song-Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn Bầu Bàng của Sư đoàn 9, liền nghĩ ra một biện pháp, vừa như ra lệnh, vừa như động viên:

- Này ta biểu: Từ giờ, đừng đứa nào mặc quần áo rồi lại phải cởi quần áo nữa, cứ để thế mà đi!

Đúng là tác phong của một cán bộ chỉ huy người miền Nam, vừa bộc trực, xuề xòa, vừa hơi thô, nhưng lại gần gũi như anh em trong nhà. Mọi người vui vẻ chấp hành ngay.

Thế là, cả trung đoàn ngót nghìn cán bộ, chiến sĩ, trong đêm đen, cả già lẫn trẻ cứ tồng ngồng, vác súng hành quân. Không ai cười ai. Thỉnh thoảng lại gặp các đội nữ thanh niên xung phong tải đạn phục vụ chiến trường. Nghe chị em líu ríu phía trước là cán bộ lại vội vàng vượt lên, nói hộ anh em:

- Bớ mấy chị ơi! Làm ơn tránh cho bộ đội chúng tôi đi nhờ một chút. Mấy chị nhắm mắt lại đừng dòm. Bộ đội chúng tôi mắc cỡ lắm!

Nhiều chị em hiểu ý, vừa bấm nhau tránh ra, vừa rúc rích cười:

- Mấy anh cứ đi đi. Chúng em không dòm đâu!...

- Ráng đi cho kịp về Sài Gòn. Mai mốt thắng trận, mặc quần áo đẹp vô chúng em đợi nghen!...

Tiếng ai đó trong đội nữ thanh niên xung phong như một luồng gió xuân vương lên má, làm mấy anh, mấy chú bộ đội tỉnh cả người. Đang hành quân mang vác nặng, mệt bở hơi tai, được mấy em gái thanh niên xung phong động viên, mấy anh, mấy chú, bỗng thấy nhẹ hẳn đi, càng thêm khỏe vai, dẻo chân.

ĐÌNH THỊNH (Nguyên phóng viên Báo Quân giải phóng miền Nam)