Chữ “lạc” ám tôi

Sau cái bữa tôi nói xin chữa “Thục đạo nan” bằng “Thục đạo lạc” ấy, chúng tôi đi tham quan Nga Mi Sơn. Ngọn núi thiêng này có nhiều cách gọi tên: Nga Mi Sơn hay núi Nga Mi hay Đại Quang Minh Sơn, cùng là một. Núi nằm ở phía nam tỉnh Tứ Xuyên, trên khu vực quá độ của lòng chảo Tứ Xuyên theo hướng cao nguyên Thanh-Tạng. UNESCO công nhận Nga Mi Sơn là Di sản thế giới năm 1996.

Nga Mi Sơn là một trong Tứ đại Phật giáo danh sơn (cùng với Ngũ Đài sơn, Cửu Hoa sơn, Phổ Đà sơn). Vị Bồ tát bảo trợ của Nga Mi Sơn là Samantabhadra (Phổ Hiền bồ tát). Đỉnh cao nhất của Nga Mi sơn là đỉnh Vạn Phật của ngọn núi chính Kim Đỉnh, với độ cao 3.099m. Với địa thế cao chót vót, phong cảnh đẹp nên người ta nói tới Nga Mi Sơn như là "Nga Mi thiên hạ tú". Tại đây có 26 ngôi chùa, miếu, trong đó có 8 ngôi chùa, miếu lớn. Các nguồn tài liệu thế kỷ 16 và 17 có đề cập tới việc tập luyện võ thuật trong các ngôi chùa trên núi Nga Mi, là nguồn tham chiếu hiện còn lưu giữ được có niên đại sớm nhất nói tới chùa Thiếu Lâm như là khởi nguồn của võ thuật Trung Hoa. Trường phái võ thuật Nga Mi là sự kết hợp của Phật giáo với Đạo giáo...

Du khách tham quan làng nông thôn mới Cửu Long.

Hôm chúng tôi đến, phía bạn đã mời một người dân bản địa làm hướng dẫn viên cho đoàn. Theo cô ấy nói, Nga Mi Sơn có 3 điều đặc biệt không đâu có được: Một là ở đây hệ động, thực vật phong phú, tươi tốt. Con giun đất to và dài đến mức, nếu ép khô có thể làm được một cái thắt lưng. Hai là, con ếch trên núi Nga Mi có tiếng kêu như một bản nhạc. Ba là khỉ ở đây nhiều vô kể, chúng to béo đến hơn 40kg. Quả là khỉ nhiều vô kể. Trên đường đi chúng tôi đã nhìn thấy một đàn khỉ xuất hiện nhởn nhơ trong mưa bụi, như không hề để ý đến sự có mặt của con người. Giun và ếch thì không thấy. Nhưng tôi thấy một điều đặc biệt khác đó là những rổ lạc luộc bán bên đường lên núi. Khi dừng nghỉ chân ở độ cao hơn 1.000m, các thành viên trong đoàn tìm mua khăn, mũ, đồ lưu niệm, còn tôi lại mua thêm cả một túi lạc luộc đến gần 1kg. Ông già bán hàng đặt túi lạc lên bàn cân rồi thêm vào, bớt ra từng củ một. Ý chừng thấy tôi sốt ruột, ông chỉ tay vào túi nói lẽ ra còn phải bỏ bớt vài củ nữa với số tiền ấy, nhưng thôi, “hữu nghị”! Tôi cười, cảm ơn ông. Lên xe, tôi hết sức ngạc nhiên về những củ lạc, phần nhiều to và dài đườn đưỡn như những ngón tay. Thường là mỗi củ có 4 nhân, đỏ lịm, chắc nịch. Tôi mời trên xe nhưng hình như không mấy ai hào hứng. Kết cục là túi lạc cứ treo lủng lẳng bên ghế của tôi.

Trên đỉnh Nga Mi Sơn hôm ấy lạnh 3 độ C. Mưa bụi trắng xóa, giăng kín. Trước mặt người chỉ là một biển mây mưa trắng, nhìn nhau thật gần mới rõ mặt. Mọi người đều phải mặc áo mưa. Đoàn đi đông người rất dễ bị lạc nhau bởi nhiều đoàn cùng hành hương trong một biển mây mưa mênh mang ấy. Tùy viên Sứ quán Trung Quốc Vương Hân Nhiên nhắc nhở: “Hôm nay thời gian ngắn, trời mù, rất dễ lạc nhau nên yêu cầu các anh chị bám đoàn. Nếu ai rớt lại sẽ ngủ trên núi đấy nhé”. Thực tế tham quan những điểm khác cũng đã phải chờ đợi nhau làm nhiều người sốt ruột. Thế là với cái chức trưởng đoàn, lúc ngồi trên xe tôi đã rất... nghiêm khắc nhắc nhở mọi người: “Hôm nay lên đỉnh Nga Mi Sơn, tôi đề nghị các anh chị bám đoàn. Nếu ai không bám đoàn thì tôi sẽ lấy sợi dây dài buộc mọi người lại đấy nhé!”...

Không biết có phải mọi người sợ tôi buộc lại với nhau hay vì tôi không có duyên với Nga Mi Sơn mà hôm ấy cả đoàn bám nhau, chỉ mình tôi bị lạc!

Vẫn biết khi bị lạc tốt nhất là quay về chỗ cũ, ở nguyên đó sẽ có người đến đón. Nhưng tôi lại tự nhủ, làm sao mà mình lại lạc được, cứ chạy một đoạn, có thể mọi người đi trước nhanh quá. Nhưng than ôi, mình lại chạy trái chiều với đoàn đi, xuống một cái dốc thăm thẳm bậc đá, cũng có rất đông người xuôi ngược. Chạy mệt quá vẫn chẳng thấy đoàn, tôi đành nhờ anh bảo vệ gọi điện lòng vòng mấy cầu mới đến cô gái người bản địa hướng dẫn viên của đoàn. Trong lúc chờ cô đến đón, anh bảo vệ cần mẫn đã mời tôi vào phòng, đóng cửa lại. Có lẽ anh sợ tôi bỏ đi lại lạc tiếp chăng! Anh lại tận tình dẫn tôi đi... WC, rồi lại dẫn quay về chỗ ngồi và lại đóng cửa! Ngồi trong phòng ấm áp nhìn qua cửa kính mưa trắng giăng giăng như tuyết phủ kín, trời mỗi lúc một mưa dày, sầm sập tối, khách hành hương hối hả quay xuôi nói nói cười cười, hơi thở phả ra như khói, lòng tôi chộn rộn. Khoảng 15-20 phút chờ đợi trong tâm trạng bị lạc sao mà dài vô tận. Cô hướng dẫn viên của đoàn xuất hiện trước mặt tôi với lời chào và động tác cúi gập người ý như nói lời xin lỗi làm tôi bối rối. Tôi nghĩ, tôi mới là người phải xin lỗi cô, vì đã lơ đãng, mải ngắm nhìn vẻ đẹp hùng vĩ thần tiên của Nga Mi Sơn mà làm cô phải phiền lòng. Cô kéo ghế ngồi sát tôi, như an ủi. Không biết từ khi làm hướng dẫn viên du lịch ở đây, đã có bao lần cô gặp những người khù khờ như tôi. Hai chúng tôi nhìn nhau cười. Cô nói gì với anh bảo vệ mà hai người nhìn tôi cười rất hả hê. Tôi thì không cười được bởi tôi đang thấy sàn sạn trên mặt mình khi nghĩ đến lúc cả đoàn xuất hiện. Vừa nghĩ thì đoàn đã tới. Nhìn thấy tôi, cả đoàn vừa vỗ tay, vừa cười lăn lóc, ý chừng họ muốn nói: “Phải lắm. Tưởng rằng trưởng đoàn thì lúc nào cũng đúng giờ. Tưởng rằng trưởng đoàn thì cái gì cũng chuẩn chỉ. Thế nhé, từ mai có nhắc nhở anh em chúng tôi thì cũng nhắc nhè nhẹ, kheo khéo thôi...”. Không biết lúc tôi lạc, họ đã nói về tôi những gì, chỉ biết rằng đoạn đường xuống núi dài hơn 50km như ngắn lại bởi chủ đề “lạc” của tôi nở tung ấm áp trên xe. Cả các bạn Việt Nam và Trung Quốc thi nhau “phỏng vấn” tôi và cười nghiêng ngả.

Một góc sa bàn quy hoạch khu công nghệ cao Thiên Phủ.

Hơn 7 giờ tối hôm đó đoàn về đến khu nghỉ dưỡng cao cấp tại thành phố Nga Mi Sơn - thành phố cấp huyện dưới chân núi Nga Mi Sơn. Buổi tối lên đèn thành phố đẹp lộng lẫy và thẳm sâu đầy bí ẩn. Chúng tôi muốn được ngủ ngay tại những khách sạn ở chân núi, nơi phố đông người, những dãy hàng quán dài ngay bên thành núi đá dựng đứng, những nồi lẩu Tứ Xuyên khói bốc nghi ngút, gió núi ù ù, nước suối ngân nga quanh co như muôn ngàn bản nhạc. Sương mờ mờ bao phủ toàn thành phố. Gần như không tiếng động. Những bóng đèn đường vàng rực sưởi ấm lòng người. Các bạn Trung Quốc bảo ngủ ở đây chưa tốt. Phải đi thêm một đoạn nữa, ra phía ngoại ô để ngủ trong khu nghỉ dưỡng cao cấp. Các bạn rất chu đáo, muốn tiếp đón đoàn bằng những món ăn ngon nhất và ngủ nghỉ nơi nào sang trọng nhất. Đến nơi, ông chủ khu nghỉ dưỡng ra tận sảnh chính đón chúng tôi. Đi theo ông là một cô gái đẹp như trong mộng, cao chừng gần 1,8m, trang phục cầu kỳ, lạ mắt, cô như thuộc về một thế giới nào xa lắm. Cô mỉm cười, mắt lóng lánh, trên tay bưng một khay to đựng một tách trà gừng. Ông chủ và cô gái tiến sát bên tôi. Ông mở lời lịch thiệp: “Chào đồng chí trưởng đoàn. Các đồng chí có mệt lắm không. Tôi biết hôm nay đồng chí lên đỉnh Nga Mi Sơn nhưng chưa lên được chót đỉnh Nga Mi Sơn cùng đoàn, nên tôi tặng đồng chí bộ ảnh chụp trên chót đỉnh ngày đẹp trời. Tôi hy vọng đây lại là lý do đồng chí quay lại Nga Mi Sơn. Mời đồng chí dùng trà cho ấm bụng!”. Cô gái nhún chân dâng trà còn tôi vừa sung sướng vừa bối rối.

Bữa tối hôm ấy ở Khu nghỉ dưỡng Nga Mi Sơn chúng tôi nói rất nhiều chuyện. Chị Hy Tuệ, Tham tán Công sứ (Đại sứ quán Trung Quốc) nói nhiều về ý tưởng tổ chức chuyến đi và hỏi han từng người trong đoàn. Anh Cường, sở Ngoại vụ Tứ Xuyên thì không quên nói chuyện tôi bị lạc trên đỉnh Nga Mi Sơn. Anh nói hài hước: Thôi, anh không lên chót đỉnh, nhưng anh đã thấy hai con khỉ còn gì. Đi đường đã thấy khỉ. Khi ngồi chờ đoàn anh lại được ngồi với một con khỉ xịn của Nga Mi Sơn đấy! Cả đoàn cười ồ, ý anh nói “con khỉ xịn” chính là cô gái hướng dẫn viên du lịch cho đoàn, cô sinh ra và lớn lên trên núi Nga Mi, nơi có rất nhiều khỉ. Đến lượt mình, tôi bảo: “Quả là lần đầu tôi bị lạc. Nhưng lạc ở Nga Mi Sơn cũng thật đáng lạc. Trưởng đoàn yêu cầu tất cả mọi người trong đoàn, kể cả Việt Nam và Trung Quốc lưu giữ tất cả mọi kỷ niệm, mọi câu chuyện dù là nhỏ nhất trong chuyến đi, trừ chuyện tôi bị lạc. Từ giờ tôi cấm. Không ai được nhắc đến từ lạc nữa đấy nhé!”. Tất cả lại cười vui và bữa tối kéo dài hơn thường lệ. Riêng em Nhiên thì bảo: Anh bị lạc bởi trên đường đi anh mua lạc. Hôm ở Thành Đô anh lại sửa “Thục đạo nan” thành “Thục đạo lạc”. Anh lạc là đúng rồi. Tôi bảo không được nói chuyện tôi bị lạc nữa cơ mà. Em che miệng cười bảo vâng. Và em Nhiên chấp hành nghiêm đến nỗi hôm về Thành Đô, trước khi ra sân bay về Việt Nam, các bạn đưa đoàn đến tòa nhà trung tâm thành phố ăn trưa, tòa nhà rất rộng, có thể đi tham quan hàng quán mấy ngày mới hết. Còn chút thời gian tham quan, em Nhiên quán triệt: “Các anh chị ơi. Đúng 2 giờ phải có mặt ở đây nhé. Các anh chị nhìn cửa C kia kìa. Đúng chỗ này nhé. Ai mà bị... “ấy”... thì phải tự bắt xe taxi lên sân bay nhé”. Tất cả cười ồ hỏi bị “ấy” nghĩa là bị làm sao thì Nhiên nhìn tôi cười tươi bảo: Em không muốn nói từ “lạc”, sợ anh Bộ buồn.

Chao ôi, chỉ một phút lơ đễnh của tôi làm phiền phức bao người. Đúng là chữ “lạc” đã ám tôi.

Bài và ảnh: XUÂN BẰNG

(còn nữa)

Chuyện ghi ở Tứ Xuyên, Trung Quốc (Kỳ 1)