QĐND - Hôm ấy, trong một quán rượu nhỏ ở phố Nguyễn Biểu (Hà Nội), mấy anh bạn làm “lễ tiễn” tôi đi tham quan Tứ Xuyên (Trung Quốc), chuyện rôm rả không ngớt. Cũng có người đã đến nơi ấy, nhưng phần đông chỉ mới biết láng máng Tứ Xuyên nay chính là vùng Thục Hán xưa, lưu dấu một phần lịch sử thú vị của Trung Quốc với những tên tuổi Lưu Bị, Khổng Minh, Vân Trường, Trương Phi... không xa lạ với người Việt Nam. Chỉ láng máng vậy cũng đã đủ để người đi hứng khởi và chộn rộn chuyện xưa, chuyện nay ở trong lòng!

“Thiên phủ chi quốc” - Danh bất hư truyền

Hôm đoàn nhà báo Việt Nam đến Tứ Xuyên lại không có chuyến bay thẳng Hà Nội-Thành Đô (thủ phủ của Tứ Xuyên), nên từ Hà Nội phải bay tới Quảng Châu, ăn trưa ở đó rồi mới tiếp tục hành trình Quảng Châu-Thành Đô. Lòng vòng mấy giờ trong sân bay ở Quảng Châu, tôi chỉ có ấn tượng về những tô bún, tô phở ở Quảng Châu to như... cái chậu nhỏ ở mình, thịt rán hoặc hầm nhừ, thơm phức thả vào bát phở sánh mỡ. Mấy nhà báo nữ trong đoàn chúng tôi ra sức chén cũng mới chỉ thấy vơi vơi đôi chút. Người Việt mình hình như thong thả hơn, còn những người xung quanh nom ai cũng vồi vội. Ăn nhanh. Đi nhanh. Thời gian ở đây trôi nhanh hơn sao?

Mãi chiều tối chúng tôi mới đến Thành phố Thành Đô. Anh Cường ở Sở Ngoại vụ Tứ Xuyên ra tận sân bay đón chúng tôi. Anh sinh năm 1975, từng là sĩ quan quân đội và vẫn tác phong người lính không lẫn được: Nhanh nhẹn, hoạt bát, chu đáo, nở nụ cười thân thiện. Nhìn thành phố của bạn, rồi qua câu chuyện của anh Cường, tôi được biết từ những năm 80 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã thực hiện chính sách đất đai ở thành phố rất quyết liệt. Tất cả các công dân trong thành phố, bất kể là ai cũng không có quyền sở hữu một tấc đất nào. Nhà nước đã mua lại đất đai của các gia đình, dòng họ, rồi bán lại chung cư. Ai cũng ở chung cư như nhau, khoảng cách tốt-xấu của các chung cư không cách nhau nhiều lắm. Người giàu, nhiều tiền có thể mua thêm chung cư, hoặc về vùng nông thôn xây nhà. Người nghèo, kiểu gì cũng có nhà ở. Như vậy, giàu cũng ít có cơ hội phô trương khoe của, nghèo khó cũng bớt tâm lý tự ti, mặc cảm. Đặc biệt, với công chức, đã có phương tiện giao thông công cộng là chính, khỏi nặng đầu mua xe nọ xe kia, lại thêm đỡ được nỗi lo “tấc đất cắm dùi”, dành nhiều thời gian, tâm sức cho công việc, cho khoa học và sáng tạo.

Một góc Thành Đô.

Trên phạm vi toàn thành phố, việc cá nhân không có quyền sở hữu đất đai là một chính sách nhiều ưu việt, đặc biệt trong việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Chắc chắn ở nước bạn không có chuyện chây ì không di dời, nằm lăn ra đất ăn vạ khi giải tỏa, cũng không có chuyện nắn đường lượn cong cong để tránh vào nhà quan chức... Toàn Thành Đô và các thành phố chúng tôi đến là Nga Mi Sơn, Đô Giang Yển, đâu đâu cũng quy hoạch ngăn nắp, cao vút, sạch đẹp. Nhà chung cư về cơ bản sơn màu vàng nhẹ, như bừng lên sự sống ấm áp; còn công sở, về cơ bản là màu trắng, thanh khiết, công khai, minh bạch. Những khu phố cổ có giá trị, bạn quy hoạch và bảo tồn, tôn tạo đẹp long lanh, khách du lịch rất đông. Đông nhất là người Trung Quốc, khách quốc tế đến Tứ Xuyên năm qua khoảng 2,6 triệu lượt người.

Đi trên đường, các bạn Việt Nam nói vui: Nhìn Thành Đô Trung Quốc và Việt Nam giống nhau ở chỗ, thoáng trông con người không khác nhau là mấy, nhiều khi không phân biệt nổi về hình dáng bên ngoài đâu là người Trung Quốc, đâu là người Việt Nam. Thế thôi, có cái đấy giống nhau thôi, còn tất cả đều khác. Đường phố nước bạn không có xe gắn máy, không có xe ba bánh, không có xe xả khói, hình như cũng không có hàng rong, quán cóc, và đặc biệt, mấy ngày trên đất bạn tôi không nhìn thấy bóng một cảnh sát. Chỉ thấy những dòng người, dòng xe như kiến nối đuôi nhau cuồn cuộn mà nền nếp.

Về đêm Thành Đô thêm bội phần lộng lẫy bởi màu sắc ánh sáng. Gần khách sạn Shang-ri La chúng tôi ở có một cây cầu đặc biệt bắc qua sông. Đây là một cây cầu cổ được tân trang lại. Nói là cầu nhưng bề mặt rộng vài chục mét, trên đó là một tòa nhà kiến trúc đẹp, dành ra hai hành lang cho người đi bộ, ở giữa là nhà hàng. Ngồi đó uống rượu ngắm đôi bờ thì thời khắc cũng nên thơ. Từ chỗ chúng tôi ở cách phố đi bộ mua bán chỉ 10 tệ taxi. Hàng hóa chất ngất trong những tòa nhà chất ngất và giá cả không hề dễ chịu, nó khác hoàn toàn với giá cả hàng hóa Trung Quốc mà ta vẫn mua ở biên giới phía Bắc. Theo lý giải của một bạn trong đoàn, sở dĩ giá cao là do mặt bằng đời sống cao, hơn nữa ở đây chủ yếu là “hàng hiệu”, không giống “hàng chợ” người mình quen dễ tính chấp nhận. Thì tôi cũng biết vậy, chứ thực tình kẻ mù mờ như tôi nhìn hàng hóa ở Thành Đô so với Lạng Sơn của ta cũng không thấy khác nhau là mấy.

Biểu diễn kịch đổi mặt ở Thành Đô.

Sau ít hoạt động quanh Thành Đô, Sở Ngoại vụ Tứ Xuyên mở tiệc chiêu đãi đoàn chúng tôi. Ông Phó giám đốc Sở Ngoại vụ chạc ngoại ngũ tuần chủ trì buổi tiệc lịch thiệp và gần gũi. Đáp lại phát biểu chào mừng của ông, tôi đã nói rằng: Hôm nay, tôi đặt chân đến Thành Đô, quả là trăm nghe không bằng một thấy. Thành Đô phát triển hiện đại hơn những gì tôi biết về Thành Đô qua các phương tiện truyền thông. Nơi đây các bạn không chỉ chú trọng phát triển kinh tế mà chú trọng lưu giữ văn hóa-lịch sử. Vùng đất này vốn được mệnh danh “Thiên phủ chi quốc”, quả là danh bất hư truyền. Đặc biệt về giao thông, người Việt Nam từng biết câu “Thục đạo nan” (Đường đến đất Thục xưa, nay thuộc Tứ Xuyên khó khăn như lên trời, bởi đây là một bồn địa mênh mông được bao bọc bởi các cao nguyên, các dãy núi đá trùng trùng điệp điệp), nhưng nay tôi xin phép chữa lại rằng: Thục đạo lạc! Tôi nói từ “lạc” với hai ý, một là giao thông các bạn rất phát triển, vi vút trên không, trên bộ đều tiện lợi, đời sống của vùng đất giàu có từ xa xưa, nay thêm bội phần giàu có, ai đến đây cũng được hưởng lạc cái sự phát triển đó. Hai là, cũng vì thành phố của các bạn phát triển hiện đại, giao thông mấy tầng, nhà cao vun vút, nếu không có người dẫn khi đến đây sẽ rất dễ bị... lạc đường!

Tôi nói vui vui vậy và bữa tiệc thêm những tiếng cười, thêm những tiếng cụng ly lách cách. Về phần mình, ông Phó giám đốc sở Ngoại vụ Tứ Xuyên nói nhiều về tiềm năng du lịch Thành Đô và cả Tứ Xuyên, rồi nhắc lại mong muốn có Lãnh sự quán Việt Nam tại đây để bà con du lịch tiện lợi. Ông kể, ông đã tự du lịch Hà Nội và Hạ Long của Việt Nam bằng tiền túi và thấy rất thú vị. Ông còn nói vui: Mời tất cả các bạn trong đoàn quay lại du lịch Tứ Xuyên, ông sẽ tiếp tục đón tiếp chu đáo và chắc chắn vẫn mời đồng chí Đoàn Xuân Bộ làm trưởng đoàn. Hỏi vì sao lại vẫn là tôi làm trưởng đoàn, ông cười tươi bảo: Vì đồng chí họ Đoàn mà!

Cũng hôm ấy, chúng tôi được biết các bạn có quy định không uống rượu khi tiếp khách tại công sở (quy định đó nghiêm đến mức khi đồng chí Bí thư đảng ủy tập đoàn điện lực của Tứ Xuyên tiếp cơm trưa chúng tôi tại công sở đã nâng ly bằng... sữa đậu nành). Vậy nhưng hôm chiêu đãi vui quá, các bạn bảo, Việt Nam là biệt lệ, cứ uống. Rượu các bạn tiếp chúng tôi là một loại rượu truyền thống của Tứ Xuyên, như giới thiệu, được chưng cất từ 5 loại ngũ cốc với một phương pháp rất cầu kỳ nên có mùi vị thật hảo hạng. Và đó cũng là bữa duy nhất trong 5 ngày tham quan Tứ Xuyên ăn cơm có rượu. Các bữa khác, các bạn đã tiếp đón chúng tôi rất thịnh tình, nhiều món ăn ngon ở những nơi sang trọng, nhưng đều không uống rượu. Một địa phương có truyền thống nấu rượu, uống rượu từ xa xưa, sản lượng rượu có thời kỳ lên đến 21% tổng sản lượng rượu toàn Trung Quốc như Tứ Xuyên mà vì sự tỉnh táo và nghiêm túc, vì sức khỏe lâu dài của con người, các bạn đã thực hiện quy định chung bằng ý chí mạnh mẽ, rũ bỏ thói quen không có lợi, cho dù thói quen đó tưởng như đã ngấm vào xương tủy.

(còn nữa)

Bài và ảnh: XUÂN BẰNG