QĐND Online – Thật may mắn với tôi khi trong dịp Kỷ niệm 64 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27-7-1947/ 27-7-2011), được vinh dự hành hương cùng Quỹ “Mãi mãi tuổi hai mươi” tham gia tuần hoạt động mang tên “Nghĩa tình đồng đội” tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Điều đặc biệt là trong chuyến đi này, tôi đã được gặp mẹ của bác sĩ Đặng Thùy Trâm và anh trai của liệt sĩ, nhà văn Nguyễn Văn Thạc, tác giả cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi.

“Chúng tôi vẫn đi tìm các anh”

Sau khi đặt vòng hoa và thắp hương tưởng niệm tại Đài tưởng niệm Liệt sĩ Bắc Sơn - Hà Nội, đúng 6 giờ sáng chúng tôi lên đường. Cơn mưa rào như trút dường như không làm vơi đi nỗi khát khao của những cựu chiến binh đang háo hức về thăm lại đồng đội, thăm lại chiến trường xưa. Như kế hoạch đã định, đúng 2 giờ chiều chúng tôi có mặt tại Nghĩa trang Liệt sĩ Việt - Lào (Đô Lương – Nghệ An). Cảm giác lạnh người, bởi lẽ đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến ngút tầm mắt màu trắng của những bia mộ nằm san sát, chỉ cánh nhau chừng một gang tay. 6,8 ha mà có tới gần 11 nghìn hài cốt liệt sĩ của quân dân tình nguyện Việt Nam, trong đó chỉ có khoảng 3.500 phần mộ có tên tuổi, còn lại là những phần mộ vô danh.

“Chúng tôi vô cùng cảm kích trước những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống và hy sinh xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc. Chúng tôi-những đồng đội của các anh trở về đây hôm nay, nguyện sẽ sống hết mình và không bao giờ quên một nhiệm vụ rất lớn, đó là đi tìm và chăm sóc cho các anh, những đồng chí, đồng đội”, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, kiêm Chủ tịch Quỹ “Mãi mãi tuổi hai mươi” chia sẻ.

Đến thắp hương cho từng khu mộ liệt sĩ, trong khói hương nghi ngút, tôi thấy nhiều người chạy đến ôm mộ khóc. Những lời thì thầm cầu nguyện xen lẫn những giọt nước mắt… Đây giống như một cuộc hội ngộ, cuộc gặp gỡ của những người cùng thế hệ nhưng ở hai phương trời hoàn toàn cách biệt nhau.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng (ngoài cùng bên phải) và mẹ Doãn Ngọc Trâm giao lưu cùng thế hệ trẻ Đô Lương – Nghệ An.

Tạm xa Nghĩa trang Việt – Lào, khi xe vừa chuyển bánh cũng là lúc trời lại đổ mưa. Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình viếng thăm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Đô Lương (Nghệ An). Nơi đây, giữa xứ Nghệ mênh mông, hẳn khó có ai giấu nổi hết được những xúc cảm, bởi mảnh đất này đã có quá nhiều người phải ngã xuống. Mặc cho những cơn mưa xế chiều còn nặng hạt, chúng tôi vẫn tiến đến thắp hương tri ân cho từng khu mộ của đồng đội. Mưa vẫn rơi và những nén hương vẫn cháy. “Quê ơi, cám ơn nhé! Quê đã ngã xuống để ngày hôm nay tôi may mắn được sống trong bình yên, ấm no và hạnh phúc. Hãy cho tôi gọi anh với cái tên Quê quen thuộc như bọn mình vẫn thường gọi nhau ngày còn ở chiến trường nhé! Quê hãy cứ yên ngủ, chúng tôi, những bạn chiến đấu còn may mắn được trở về vẫn đêm ngày miệt mài đi tìm những phần mộ cho các anh…”, Đại tá Trương Công Đạo, được mệnh danh là anh lính thép, một trong những người lính đầu tiên tiến vào giải phóng Buôn Ma Thuột năm xưa, nghẹn ngào trong nước mắt.

Chúng tôi về đến nhà khách Quân khu 4 khi trời đã tối. Tại đây, hình ảnh khiến tôi thật sự xúc động là nữ Thượng tá Trần Thị Oanh Lan, nguyên cán bộ Bộ Tư lệnh Tăng Thiết giáp, một thành viên nằm trong Hội hỗ trợ các gia đình thương binh liệt sĩ, sau khi nghe tin vừa có nhà ngoại cảm tìm được phần mộ cho gia đình liệt sĩ, cô lập tức bắt taxi trở lại nghĩa trang Đô Lương để hy vọng tìm lại được đồng đội. Nhưng tất cả vẫn chỉ là con số không. Trở về trong bộ dạng đầu tóc và quần áo đã ướt sũng, quệt đi những dòng nước mắt, cô nghẹn ngào: “Đi tìm phần mộ liệt sĩ là niềm tự hào và hạnh phúc của cựu chiến binh chúng tôi. Có nỗi đau nào lớn hơn khi ta mất đi những người thân, những người bạn, các anh chỉ nằm gần ngay đâu đó thôi mà sao tôi vẫn không thể gọi tên? Tôi rất mong Đảng, Nhà nước và nhiều tổ chức xã hội sẽ có nhiều biện pháp tích cực hơn nữa để giảm bớt đi phần nào nỗi đau cho các gia đình có thân nhân liệt sĩ, giảm bớt đi những trăn trở của đồng đội chúng tôi”.

Ngày thứ 3, chúng tôi tiếp tục đến tri ân tại Nghĩa trang Hồ Xá (Vĩnh Linh – Quảng Trị). Trong cái nắng bỏng rát của miền Trung, khuất sau rặng thông và những vạt hoa rừng đỏ thắm là mộ của hơn 8000 anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ. Đến đây, tôi mới thật sự cảm nhận được những nỗi đau, mất mát của chiến tranh, sự tàn khốc của cuộc chiến thành cổ Quảng Trị. Nơi đây chỉ có những hàng thông, những nhành sim tím và những loài hoa dại vẫn nở thắm trong nắng vàng rực rỡ, canh cho các anh đã mãi mãi được ngủ yên trên mảnh đất mưa bom bão đạn một thời. Bây giờ tôi đã hiểu tại sao nhạc sĩ Thuận Yến lại sáng tác bài hát Màu hoa đỏ hay đến thế và vì sao ở đó có những người lính mùa xuân ấy ra đi từ đó không về.

Núi có cao hơn được tình mẹ?

Ở cái tuổi 85, thật sự đến bây giờ tôi vẫn không hiểu sức mạnh phi thường nào đã khiến mẹ Trâm vượt hàng trăm cây số để cùng chúng tôi tìm về tới tận miền Trung khói lửa. Mẹ vẫn khoẻ, khuôn mặt phúc hậu và đôi mắt sáng ngời luôn mỉm cười với chúng tôi. Chúng tôi được nghe mẹ Doãn Ngọc Trâm kể về tuổi thơ của con gái mình: “Khi còn nhỏ, Thùy Trâm là một bé gái rất xinh xắn và bụ bẫm. Là con gái lớn trong gia đình nên 13 tuổi Trâm đã phải lo việc nhà, cơm nước, tắm rửa cho các em. Một lần cậu em trai bị bệnh lồng ruột, Trâm đã kịp thời cõng em chạy một mạch đến bệnh viện cứu chữa, lúc đó chị đang là sinh viên trường Đại học Y Hà Nội…”.

Quỹ Mãi mãi tuổi hai mươi đến thăm và tặng quà cho bà Nguyễn Thị Ô có cha, chồng và con trai đều là liệt sĩ.

Cũng tại đây, sau khi xem xong bộ phim Đừng đốt của Đạo diễn Đặng Nhật Minh, không những tôi mà nhiều người có mặt tại đây đã bật khóc. Tôi như được gặp lại chị Trâm, gặp lại nữ y tá dũng cảm vẫn ngày đêm mong mỏi hòa bình để được trở về ngủ một giấc thật ngon lành bên mẹ. Để rồi đến lúc hy sinh chị chỉ có thể cất lên: “Mẹ ơi, ngày khải hoàn sẽ không có con gái mẹ rồi!...”.

Chiến tranh đã đi qua nhưng những nỗi đau và mất mát là quá lớn. Có sự chịu đựng, có nỗi đau nào lớn hơn khi những người vợ mất chồng, những người mẹ mất con và có những đứa trẻ không bao giờ được gọi bố. “Tôi đã ngất khi thấy anh trở về. Bị giam tại nhà tù Phú Quốc, anh đã bị nhổ hết hàm răng trên, gương mặt chằng chịt những vết sẹo đã thâm sâu, lưng anh đã rạp xuống, đi phải chống gậy và cho đến khi trút hơi thở cuối cùng Tuyết Mai nhất định vẫn không gọi anh là bố”, mẹ Lê Thị Minh, vợ của anh hùng liệt sỹ Nguyễn Trí Phước, trong Câu chuyện về người cha bị từ chối, ngậm ngùi kể lại. Trong lá thư dài 18 trang mẹ vẫn nhớ như in dòng chữ: “Vợ chồng mình sống với nhau may ra được 4 tháng là cùng…”. Và rồi trong buổi chia tay cuối cùng, mẹ được nhìn khuôn mặt chồng mình còn nguyên vẹn ấy, mẹ vẫn nhớ như in lời dặn: “Em đưa con vô nhà đi, đừng đi theo anh nữa. Em ở nhà chăm con, lo cho mẹ già, anh dù có chết cũng không bao giờ quên em…”. Kể đến đây, tôi cảm nhận được trái tim mẹ như đang thắt lại, nước mắt cứ trào lên trên khuôn mặt đã héo mòn vì mong mỏi, đợi chờ. Đến đây, tôi mới thấu hiểu được lòng thủy chung, son sắc của những người vợ và những người mẹ Việt Nam biết bao nhiêu!

Rời mảnh đất sông Lam, Núi Hồng chúng tôi đến gia đình bà Trương Thị Ô tại thôn Quảng Xá, xã Vĩnh Lâm (Vĩnh Linh – Quảng Trị). Bà là con liệt sĩ nhưng cũng là vợ và mẹ của các anh hùng liệt sĩ. Năm nay đã 91 tuổi, chân chậm và mắt đã mờ, bà chỉ tươi cười khi thấy bộ đội chứ không còn nhớ được nhiều nữa. Anh Hoàng Đức Dàn, con trai bà Ô cho chúng tôi biết: “Chín năm làm vợ nhưng chính thức bố mẹ tôi chỉ chúng sống với nhau được một năm, ông đi chiến trường chỉ về thăm bà được trong chốc lát rồi phải đi ngay. Mẹ đã có quá nhiều mất mát và thiệt thòi. Hiện nay, do chính sách nên mẹ tôi chưa được công nhận là bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hiện nay, gia đình tôi chỉ mong Đảng và Nhà nước có những ghi nhận về công lao của mẹ. Đó cũng là món quà giúp mẹ phần nào vơi bớt đi nỗi đau, những thiếu thốn về tinh thần”. Như bao sinh viên khác, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ngày 6-9-1971, anh Dàn tình nguyện đi tham gia chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị. Ngày đó, anh cùng tiểu đội với liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Sau chiến tranh, anh may mắn trở về, lập gia đình tại Vũng Tàu.

“Các thế hệ trẻ cần hiểu thêm về lịch sử”

Nghĩa trang Việt Lào, Đô Lương, Hồ Xá, địa đạo Vĩnh Mốc chúng tôi đều đã lần lượt đi qua. Trong suốt tuần hành hương tri ân của những người lính năm xưa có những người đã lên ông, lên bà nhưng họ vẫn trẻ, họ vẫn yêu đời, họ vẫn hát, vẫn làm thơ và kể cho nhau nghe những câu chuyện tiếu lâm để rồi cùng nhau cười thật sảng khoái. Trong đó có những người mang quân hàm tướng, có người là mẹ và có cả những em học sinh, sinh viên xuất sắc đến từ khắp mọi miền Tổ quốc. Tất cả như đang sống lại tuổi hai mươi. “Với khẩu hiệu “khát vọng, nghị lực và cống hiến”, Quỹ Mãi mãi tuổi hai mươi nói riêng và thế hệ cựu chiến binh chúng tôi luôn mong muốn các thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử, yêu lịch sử. Nếu không hiểu và nhìn nhận về quá khứ chúng ta khó có thể trưởng thành được. Lịch sử, trong đó có công lao mà cha ông ta đã gây dựng và hy sinh xương máu sẽ là bước đệm cho các em vững bước vào đời, xây dựng một tương lai giàu đẹp, tươi sáng hơn”, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, bày tỏ. 

Con nắng gắt gao của miền Trung dần đưa chúng tôi về với Thủ đô thân yêu, mỗi người một tâm trạng nhưng có lẽ ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi vẫn là Phí Thi Minh Trang, em vừa thi tốt nghiệp đạt 59 điểm, đỗ vào trường THPT Kim Liên. “Đây là lần đầu tiên trong đời em có được một chuyến đi thật vui và ý nghĩa như vậy. Tại đây em được làm quen, học hỏi, sống trong tập thể và đặc biệt hơn là em được đến tri ân các anh hùng liệt sĩ, thăm các chị, các mẹ. Em như được sống lại trong một thời ký ức hào hùng, gặp lại anh Thạc, chị Trâm và cả những người lính kiên cường năm xưa Đây sẽ là một câu chuyện dài để em kể cho các bạn ở trường cùng nghe”, Trang tâm sự.

Con đường về sẽ chẳng còn bao xa nữa, bài thơ Hương bồ kết em tôi của Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng viết về 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc như vẫn còn vang vọng mãi trong tôi: “Anh về đây sau ngày chiến thắng / Hết đạn bom xanh lại con đường/ Không gặp lại em người con gái / Vẫn ngát rừng – hương bồ kết em tôi”. Chúng ta hãy tìm lại cho các anh một cái tên, tìm lại cho các anh một quê quán, một phần mộ để những người đồng chí, đồng đội gặp lại nhau họ được gọi nhau bằng hai tiếng thân thiết: “Quê ơi!”.

Bài ảnh: Kim Thoa