QĐND Online - Bằng với ý chí quyết thắng và một số máy móc, phương tiện, dụng cụ thô sơ cộng với công năng của thuốc nổ TNT cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Công binh 1 (Vùng 4 Hải quân) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở gần 1km luồng vào đảo Tốc Tan C. Với họ, đây là một chiến công không hề dễ dàng.

Khó khăn chồng khó khăn

Đóng quân giữa muôn trùng sóng nước và làm nhiệm vụ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, xa đất liền; phải ở trong những căn nhà tạm mái lợp tôn, vách thưng cót ép, nền lát ghi nhôm, cốp pha; thiếu rau xanh, nước ngọt, thiếu tiện nghi sinh hoạt, thiếu thông tin… là những gì mà những người lính công binh hải quân thường phải đối mặt khi xây dựng các công trình ngoài quần đảo Trường Sa. Khó khăn ấy nhân lên gấp nhiều lần khi gặp điều kiện thời tiết thất thường, nhất là trong lúc sóng, gió, thủy triều không thuận lợi, đặc biệt vào dịp cuối năm, mùa biển động. Ở những thời điểm ấy, mưa và giông biển kèm theo sóng lớn bất ngờ ào tới, làm con người trở thành nhỏ bé, yếu đuối và tầm thường trước sức mạnh tàn phá dữ dội của tự nhiên.

 
Xuồng đưa các chiến sĩ công binh Vùng 4 làm nhiệm vụ mở luồng vào đảo Tốc Tan C. Ảnh: Việt Hùng.

Xây dựng công trình trong đất liền, nơi địa chất yếu đã khó, xây dựng công trình ngoài đảo càng khó hơn gấp nhiều lần. Trong thực tế, cùng một loại công trình, nhưng khi thi công ở đảo thì công sức, chi phí sẽ tăng lên rất lớn. Cũng trong thực tế, thi công công trình trên đảo nổi dễ hơn trên đảo chìm và thi công công trình dưới nước lại càng khó khăn hơn. Tuy không phải dùng đến các loại vật liệu xây dựng phức tạp, tuy không phải áp dụng những kỹ thuật hiện đại trong thi công, song việc mở luồng, nhất là mở luồng vào đảo chìm chưa bao giờ là việc dễ dàng với mỗi người lính công binh. Bởi trong quá trình làm nhiệm vụ họ phải ngâm mình dưới nước hàng tiếng đồng hồ để phá đá san hô rồi mới bốc xúc đưa lên xuồng vận chuyển đến nơi khác. Từng có nhiều năm chỉ huy bộ đội xây dựng công trình trên các đảo, Trung tá Hoàng Văn Khoa, Tiểu đoàn trưởng cho biết: “Địa chất ở đảo chủ yếu là san hô và cát, riêng “thằng” san hô dẻo có màu trắng đục; là san hô đã chết một thời gian dài, còn ngậm nước và liên kết với nhau thành từng mảng vững chắc. Chúng chai cứng, lỳ lợm hơn cả đá xanh; sức chiến sĩ trẻ đập chan chat đến tù đầu chòong, tròn đầu búa tạ mà cũng chỉ được cái “vẩy” to hơn bàn tay là cùng”.

Đại úy Nguyễn Phi Hoành, Đại đội trưởng, người trực tiếp chỉ huy lực lượng mở gần 1km luồng ở đảo Tốc Tan C ví von: “Công việc chúng tôi chẳng khác nào truyền thuyết An Dương Vương xây thành Cổ Loa lưu trong sử sách”. Với chất giọng đặc trưng của người Hà Tĩnh, anh tâm sự, xây dựng công trình ở đảo có hàng trăm cái khó, bên cạnh cái khó do tự nhiên gây ra còn có cái khó do áp lực tiến độ, chất lượng công trình. Nếu không có cái tâm vững vàng, nếu không có tinh thần chiến thắng sức ỳ thì rất dễ tặc lưỡi buông xuôi, hậu quả sẽ vô cùng lớn, có khi phải trả giá bằng cả tính mạng.

Binh nhất Lê Chí Tâm, quê huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) lần đầu tiên ra đảo khoe rằng: “Hơn nửa năm làm nhiệm vụ mở luồng vào Tốc Tan C em thấy mình trưởng thành, chững chạc, bản lĩnh, quyết đoán và cũng tự tin hơn trước”.

“Chiến đấu” với san hô dẻo

Trong gần 1km luồng mà Tiểu đoàn Công binh 1 mở vào đảo Tốc Tan C thì có tới hơn 300m là san hô dẻo. Họ đã kể cho chúng tôi nghe cái cách mà họ vượt qua cuộc “chiến đấu” dài ngày, trong điều kiện thiếu nhiều thứ ấy.

Để phá vỡ kết cấu của san hô dẻo, những người lính công binh phải sử dụng đến công năng của thuốc nổ TNT, do nhà máy quốc phòng chế thức dưới dạng lượng nổ lõm, trọng lượng từ 1-3kg. Để gây nổ các lượng nổ này, họ phải dùng đến kíp vi sai và nhờ đến nguồn điện của máy gây nổ chuyên dùng KM63 quay tay. Tiểu đoàn trưởng Khoa phân tích: Trong thực tế, nếu áp mặt phẳng của TNT vào mặt san hô dẻo thì năng lượng sẽ phát cả lên trên, hiệu quả vụ nổ rất kém mà lại mất nhiều công đè chèn, liên kết thuốc với bề mặt san hô. Chế thức TNT thành lượng nổ lõm, khi gây nổ, công năng của thuốc sẽ tập trung tại một tiêu điểm, năng lượng ấy tăng lên gấp nhiều lần so với nổ thường, có khả năng xuyên, phá mạnh hơn, lại không mất nhiều công để chèn; hiệu quả vụ nổ tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, đây chỉ là một công đoạn chính trong quy trình thực hiện nhiệm vụ mở luồng mà thôi.

 

Một vụ nổ trong thời gian mở luồng. Ảnh: Việt Hùng.

Đại đội trưởng Nguyễn Phi Hoành kể, trước khi mở luồng các anh phải khảo sát lại tuyến một lần trên thực địa. Cán bộ và chiến sĩ phải mang kính lặn, đeo ống thở bì bõm ngâm mình dưới nước biển sâu từ 2,5 đến 3m trong nhiều giờ đề xác định giới hạn đáy luồng. Việc khảo sát tốn khá nhiều thời gian và phải tiến hành rất tỉ mỉ; vì nếu không khảo sát kỹ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ và kế hoạch thi công sau này. Sau khi hoàn thành công việc khảo sát phải phóng tuyến và đánh dấu bằng cọc hoặc dây phao rồi mới bắt tay vào mở luồng, đây chính là thời điểm “chiến đấu” cam go với san hô dẻo.

Binh nhất Lâm Minh Hậu, quê ở quận 4, TP Hồ Chí Minh kể, trước khi phá nổ, phải lặn xuống dọn mặt bằng và moi cát, đá đưa lên xuồng và cho vào các bao tải. Các lượng nổ được gắn kíp điện ở trên xuồng sau đó đưa đến các vị trí đã đánh dấu dưới đáy biển rồi dùng các bao đựng san hô kê chèn chắc chắn và đấu dây kíp. Khi rút ra ngoài phạm vi an toàn mới được gây nổ. Còn Trung úy QNCN Trần Hữu Thu tâm sự: “Mỗi lần nghe tiếng ục, một cột nước màu trắng bạc vút lên không trung rồi xụp xuống trắng xóa. Sóng xung kích từ tâm nổ lan ra thành những đường tròn đồng tâm xung đột với sóng biển rất vui mắt, khiến bao mệt nhọc tan hết”.

Để phá san hô dẻo, mỗi lần nổ, lính công binh sử dụng 5-10 lượng; tùy vào địa hình mà bố trí các lượng nổ to, nhỏ cho phù hợp. Theo tính toán của lính công binh, lượng nổ 3kg chỉ phá được từ 0,6 đến 1m3 san hô dẻo. Sau vụ nổ, lính công binh lại lặn ngụp, mò, vớt đá san hô to đưa lên xuồng chuyển tải. Những loại san hô vụn phải vét vào bao, riêng cát san hô được bơm hút bằng máy. Khi vét xong phải kiểm tra đáy luồng, nơi nào không đạt phải dùng xà beng, búa tạ để phá tiếp sao cho đạt đủ cao trình mới thôi. Đại đội trưởng Hoành tâm sự thêm, trong suốt thời gian thi công, ngoại trừ những ngày thời tiết, thủy triều không cho phép, đơn vị phải nghỉ. Khi có cơ hội là chúng tôi tận dụng ngay để thi công.

Để thằng được san hô dẻo, người lính công binh còn phải “chiến đấu” cả với hiện tượng dòng chảy ngược. Bởi khi thủy triều rút, những lúc biển động, sóng lớn, dòng chảy kéo theo toàn bộ san hô, cát bồi lấp những chỗ vừa thi công xong, nhất là lúc đầu thi công gần mép xanh. Phương pháp duy nhất xử lý trường hợp này là làm lại. Đại đội trưởng Hoành chia sẻ: “Những lúc như thế, mình lại phải động viên bộ đội để xây dựng quyết tâm cùng vượt qua; cán bộ, chiến sĩ lại nhảy ào xuống nước, lại hì hục ngụp lặn, gom san hô và hút cát. Lúc đầu mọi người có ngại và chán, nhất là các chiến sĩ trẻ lần đầu đi đảo, song nhiều lần phải đối mặt với hiện tượng trên thì chúng tôi không còn thời gian để cấn cá, lựa chọn”.

Anh Hoành kể tiếp, vào hôm thủy triều rút xuống thấp nhất của tháng 12-2012, các anh cho xuồng CQ thử luồng. Xuồng lướt như bay trên mặt biển, bọt tung sang hai bên mạn trắng xóa, mũi xuồng ghếch cao, dòng nước phía đuôi xuồng xoáy cuộn, trũng thấp hơn hẳn mặt nước biển tự nhiên; dải lụa trắng bạc lung linh trong nắng, bồng bềnh trong gió biển, lá cờ đỏ sao vàng phía sau bay phần phật vui cùng thành công của lính công binh. Tôi biết, họ đã hoàn thành nhiệm vụ đúng kế hoạch, tiến độ và an toàn tuyệt đối, nhưng phía trước mặt họ, trong mênh mông sóng nước, những luồng mới tới các đảo ở Trường Sa vẫn đang vẫy gọi!

MẠNH THẮNG