 |
Trên dòng suối Yến
|
Hôm nay - mùng 6 Tết, Chùa Hương chính thức khai hội để đón khách thập phương về trảy hội đầu năm.
Mặc dù trước đó, Sở Văn hoá – Thông tin tỉnh Hà Tây đã thông báo “năm nay, lễ hội Chùa Hương sẽ không có phần khai hội như mọi năm mà chỉ thực hiện nghi lễ dâng hương trang trọng, tiết kiệm”, tuy nhiên, không vì thế mà lễ hội Chùa Hương năm nay giảm đi sức hấp dẫn đối với người dân cả nước. Hàng vạn du khách trong và ngoài nước vẫn nườm nượp đổ về Chùa Hương để tham quan, thắp nén hương cầu chúc cho một năm mới bình an, thành đạt…
Tiếp thị từ Ngã Tư Sở!
Từ sáng mùng 2 Tết, đầu đường Nguyễn Trãi, Hà Nội (đoạn gần cầu vượt Ngã Tư Sở) đã xuất hiện những chiếc xe máy mang biển kiểm soát Hà Tây (đầu 33). Thoạt nhìn, người đi đường tưởng đây là những bác xe ôm đi “kiếm lộc đầu năm”. Hỏi ra mới biết, đây hầu hết là những “hướng dẫn viên du lịch” từ xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Tây đến đây để tiếp thị khách đi lễ hội chùa Hương. Nhác thấy bóng những chiếc xe du lịch có chở đồ lễ là những “hướng dẫn viên du lịch” này lập tức phóng theo để mời chào.
Anh Nguyễn Kiên ở thôn Yên Mỹ, xã Hương Sơn cho biết: mỗi năm có hàng trăm chủ đò ở xã Hương Sơn nhận phục vụ vận chuyển khách đi dự lễ hội Chùa Hương. Để đón được nhiều khách, các chủ đò phải ra tận thị trấn Tế Tiêu, Hà Đông và Ngã Tư Sở để mời chào khách đi đò. Khi đón được khách, chủ đò kiêm luôn việc mua vé xe, vé thắng cảnh, vé đò cho cả đoàn. Sau đó mặc cả thêm với khách để có thêm chút tiền bồi dưỡng.
Năm nay, Ban quản lý khu di tích Chùa Hương quy định mức thu phí lễ hội: giá vé tham quan 22.500đồng/người, giá vé đò 20.000đồng/người cho cả lượt vào và ra (phần vé đò, chủ đò được Ban quản lý hoàn trả sau khi trừ đi một phần nhỏ dành cho chi phí quản lý và in ấn vé). Tuy nhiên hầu hết khách tham quan đều trả thêm cho chủ đò từ 20 đến 50 nghìn đồng/chuyến, coi như đây là khoản phát lộc đầu năm. “Dù ít dù nhiều cũng là cái lộc đầu năm nên chủ đò cũng không dám kì kèo, ép khách. Nếu khách có ý kiến, các chủ đò sẽ bị Ban quản lý phạt ngay” – anh Kiên cho biết.
Quá tải đò và cáp treo
 |
Động Hương Tích |
Từ sáng sớm ngày khai hội, bến Đục đã đông kín khách từ các nơi đổ về dự lễ. Chủ đò HS-X2 002, Nguyễn Tiến Sáu cho biết: “Trung bình mỗi đò, một ngày cũng chỉ chở được một lượt khách vào và ra. Nếu chở đủ khách, chủ đò cũng chỉ thu được gần 40.000 đồng/lượt. Trong khi mỗi chuyến đi khá vất vả, bởi mùa này gió thổi nhiều, nếu không có kinh nghiệm khó có thể chèo tay một mạch trên chặng đường dài hơn 4 km”. Chính vì thế, các chủ đò ở đây thường phải chở thêm, chở ghép để nâng thu nhập. Trên dòng suối Yến từ bến Đục đến bến Thiên Trù không thiếu những chiếc thuyền chở từ 10 đến 20 du khách. Dù các đò phải chở quá tải, những cũng có không ít du khách phải chờ đò từ một đến hai tiếng.
Cùng với đò, tuyến cáp treo cũng quá tải bởi lượng khách quá đông. Mặc dù khi chưa được xây dựng, tuyến cáp treo ở Chùa Hương nhận được không ít lời chê bai cũng như phản đối dự án này, tuy nhiên khi được đưa vào sử dụng thì những người đi dự lễ chùa mới thực sự thấy tác dụng và hiệu quả của nó.
Ga đầu tiên của tuyến cáp treo nằm cạnh chùa Thiên Trù, trong những ngày đầu năm, từ sáng sớm đã đông kín người xếp hàng mua vé. Những khách đã mua được vé vẫn phải xếp hàng khá lâu để được ngồi trên chiếc “bong bóng” (những người dân ở đây gọi những toa cáp treo như thế). Tuy nhiên khi được ngồi trên cáp treo, chỉ mất mười phút là khách đã có thể đặt chân lên đến Hương Tích, trong khi nếu đi bộ nhanh từ Thiên Trù cũng phải mất hàng giờ.
Vẫn còn những điều chưa đẹp
Trong những năm gần đây, địa phương và Ban quản lý di tích Chùa Hương đã có những biện pháp mạnh để phòng, chống nạn xây chùa giả thu tiền công đức của du khách, nạn ăn xin, đặc biệt là nạn bói toán, hành nghề mê tín dị đoan trong khu vực quần thể di tích Chùa Hương. Năm nay, Tỉnh cũng có văn bản nghiêm cấm việc lợi dụng tổ chức lễ hội để phục hồi các hủ tục mê tín dị đoan; kiên quyết loại bỏ các biểu hiện thương mại hóa lễ hội như: đấu thầu, thu phí không hợp lý; sử dụng không đúng nguồn thu công đức, từ thiện tại các di tích… Tuy nhiên tại một số điểm trong quần thể di tích Chùa Hương vẫn có một số đối tượng lén lút hành nghề rút thẻ, bói toán.
Ngay trong động Thuỷ Tiên - một động nhỏ nằm sát đường từ Thiên Trù tới Hương Tích vẫn có một người đàn ông khoảng 40 tuổi, mặc áo nâu, lén lút mời du khách rút thẻ. Mỗi lần rút thẻ, khách phải “đặt lễ” 5000 đồng. Sau khi đặt lễ, người đàn ông này rút sấp thẻ được dấu trong vách núi cho khách rút.
Tại một số điểm khác cũng xuất hiện hình thức phát lộc “Khai quang trí tuệ”. Mỗi người được phát lộc phải đặt lễ từ 10.000 đến 20.000 đồng. Lộc là một bài cúng qua loa, kèm theo một cuốn vở mỏng tang, bìa đỏ, có dòng chữ “Khai quang trí tuệ” và một chiếc bút bi Hồng Hà. Chẳng biết sự linh nghiệm của việc phát lộc này đến đâu, nhưng chỉ trong vòng chưa đầy một giờ, người đàn ông phát lộc tại chùa Phật Tích đã phát lộc được cho hơn chục lượt khách và thu về hàng trăm nghìn đồng tiền lễ.
Gần động Hương Tích, cũng có rất nhiều “thầy tướng”, ngồi trên những chiếc trõng tre, bên cạnh là tấm biển nhỏ ghi dòng chữ “Xem tướng tay”, phía trước là những nam, nữ thanh niên xếp hàng, chìa tay chờ được thầy “phán”…
Chùa Hương những ngày đầu năm, dù có thể còn một số điều chưa đẹp, nhưng với những ai đã từng thân thiết với mỗi mùa lễ hội Chùa Hương đều phải công nhận rằng sau mỗi năm, khu di tích Chùa Hương lại có những đổi thay mới, đẹp hơn, văn minh hơn, tiện lợi hơn cho du khách. Rời Chùa Hương ra về, ngồi trên chiếc thuyền ngược trở ra bến Đục, theo dòng suối Yến trong vắt, mỗi du khách đều thấy lòng mình hướng thiện hơn, thanh thản hơn và tin tưởng rằng: năm mới này mình sẽ làm được nhiều việc có ích hơn cho gia đình và xã hội.
Bài và ảnh: Ngọc Trâm - Phú Sơn