QĐND Online - Giai đoạn 2006-2010, Học viện Kỹ thuật quân sự (HV KTQS) đã chủ trì nghiên cứu 9 đề tài khoa học cấp Nhà nước, 22 đề tài cấp bộ, 9 đề tài cấp ngành, 161 đề tài cấp học viện (tăng so giai đoạn 2001-2005 lần lượt là 122%, 179,1% và 222,8% đề tài). Phong trào nghiên cứu khoa học đã được Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện quan tâm đầu tư, phát triển toàn diện, ngày càng đi vào chiều sâu, thu hút đông đảo các đối tượng tham gia và đạt chất lượng tốt, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của quân đội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

“Mặt trận” không tiếng súng

Đại tá Lê Kỳ Nam (ngoài cùng, bên phải), Trưởng Phòng KHCN của Học viện KTQS và các học viên, sinh viên đoạt giải thưởng VIFOTEC năm 2011

Nghiên cứu KHCN như “đãi cát tìm vàng” và là công việc chưa bao giờ dễ đối với bất cứ ai. Đó là công việc tốn nhiều mồ hôi, công sức và trí tuệ. Có người từng ví những người làm công tác nghiên cứu KHCN chẳng khác những người lính xung phong vào mặt trận, tuy mặt trận ấy không có tiếng súng, nhưng không kém phần khốc liệt và gian khó. Thực tế công tác nghiên cứu khoa học có các yêu cầu và đòi hỏi rất khắt khe về lực lượng, kinh phí, phương tiện, trang bị cũng như nhiều yếu tố liên quan khác. Mỗi người khi đã bước chân vào làm công tác nghiên cứu KHCN là chấp nhận đương đầu với khó khăn, thử thách đang chờ đợi ở phía trước.

Tại phòng thí nghiệm của HVKTQS, khi giới thiệu với chúng tôi về sản phẩm ca bin huấn luyện, một trong rất nhiều sản phẩm được nghiên cứu, thử nghiệp áp dụng thành công trong thực tiễn huấn luyện, đào tạo, Thiếu tá Nguyễn Trường Sinh, giảng viên bộ môn ô tô quân sự, Khoa Động lực cho biết: “Nhìn bằng mắt thường sản phẩm rất đơn giản, nhưng chứa đựng không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức, trí tuệ của nhiều người nghiên cứu. Yêu cầu tạo ra sản phẩm rất khắt khe, vừa phải hiện đại, chính xác, có nhiều tính năng, nhưng cũng phải dễ khai thác sử dụng, dễ bảo quản, tốn ít kinh phí sản xuất. Nếu áp dụng trong thực tiễn sẽ giảm thời gian, kinh phí trong huấn luyện bộ đội”.

Còn Trung tá Chu Anh Mỳ, giảng viên Khoa Hàng không vũ trụ kể với chúng tôi về khó khăn của những người làm công tác nghiên cứu KHCN: “Việc nghiên cứu cho ra đời một sản phẩm khoa học phải tiến hành công phu, qua nhiều khâu, nhiều bước và làm rất nhiều lần. Sản phẩm càng lớn, hàm lượng trí tuệ và chất xám càng cao, công sức càng nhiều, không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai. Đó là quá trình làm việc tỉ mỉ, công phu của tập thể và mỗi cá nhân. Sau khi thử nghiệm phải hiệu chỉnh hàng chục lần mới đạt ý định. Có được sản phẩm rồi phải nghiên cứu công nghệ sản xuất, rồi phải chuyển giao công nghệ với hàng núi công việc liên quan. Nhiều khi người nghiên cứu làm việc quên thời gian, quên cả việc gia đình là chuyện thường. Sản phẩm nghiên cứu KHCN là thành quả lao động cực kỳ nghiêm túc của tập thể và mỗi cá nhân. Giá trị của nó không chỉ có ý nghĩa vật chất mà còn có ý nghĩa động viên tinh thần lớn lao”.  

 Trung tá Chu Anh Mỳ, giảng viên Khoa Hàng không vũ trụ HVKTQS  và mô hình robot leo tường

Việc phổ biến kết quả nghiên cứu đề tài khoa học đến các đối tượng trong toàn Học viện như làn gió mới thổi bùng ngọn lửa say mê tiến vào chinh phục tri thức, biến tri thức thành vật chất phục vụ đắc lực công việc của con người. Đã xuất hiện nhiều “Nhóm nghiên cứu khoa học” về các chuyên ngành ra đa, tên lửa, súng, pháo, khí tài quang học… trong học viên, sinh viên, với các ý tưởng nghiên cứu khá táo bạo. Trung bình mỗi năm, Học viện có từ 5 đến 10 nhóm nghiên cứu KHCN của học viên ra đời. Giai đoạn 2006 – 2010, toàn học viện đã có 678 đề tài nghiên cứu khoa học của học viên, sinh viên. Thành viên trong mỗi nhóm nghiên cứu KHCN chủ yếu cùng khoa. Riêng nghiên cứu robot thì cần phải có sự kết hợp của học viên, sinh viên nhiều chuyên ngành, trong đó chủ yếu là chuyên ngành cơ học và điện tử. Bắt đầu từ cuối năm học thứ ba trở đi, các học viên có thể bắt tay vào nghiên cứu KHCN cho đến lúc ra trường. Thông qua việc phối hợp nghiên cứu nhóm, các học viên có thể bổ sung kiến thức cho nhau để cùng hoàn thành các đề tài đạt chất lượng tốt hơn. Các học viên ra trường chưa nghiên cứu xong, các nhóm kế cận của các khóa sau sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện. Việc nghiên cứu của học viên được tiến hành dưới sự giám sát và giúp đỡ tận tình của đội ngũ giáo viên, giảng viên trong các khoa. Nhà trường cũng trích một phần kinh phí để hỗ trợ thêm cho các học viên trong nghiên cứu KHCN.

Như vậy, “Mặt trận” chinh phục đỉnh cao tri thức của HVKTQS chưa bao giờ trầm lặng nếu như không muốn nói là rất sôi động. Những người lính trên mặt trận ấy được ví như những người chiến sĩ xông pha trong các trận đánh mà mục tiêu chính là tri thức, tuy không có tiếng súng, không có đổ máu, nhưng không kém phần gay go và quyết liệt.    

Nụ cười sau những “trận đánh”

Trước những yêu cầu đòi hỏi cao của sự phát triển khoa học công nghệ và nhiệm vụ xây dựng quốc phòng, những năm qua, phát huy thế mạnh của một trường đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam, HVKTQS đã chủ trì nghiên cứu nhiều đề tài khoa học công nghệ (KHCN) có hiệu quả trong thực tiễn hoạt động quân sự và sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Một số đề tài có tiếng vang lớn, được đánh giá cao, như: “Nghiên cứu điều chế nitroxenlulo (NC) cho sản xuất thuốc phóng từ nguyên liệu xenlulo bông trong nước”, “Nghiên cứu thiết kế, chế thử máy thu – giải mã thích nghi cho tín hiệu giải mã chủ quyền quốc gia”, “Nghiên cứu cải tiến động cơ M503A lắp trên tàu tuần tiễu kiểu 206 của cảnh sát biển”, “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo kính ngắm bắn nhanh ban ngày dùng cho AK”, “Thiết kế, chế tạo thiết bị kiểm tra bắn chỉ thị bằng điểm đỏ quang học” và “Nghiên cứu chế tạo hệ thiết bị có khả năng tự động kiểm tra và đánh giá tình trạng kỹ thuật đài điều khiển SCALA phục vụ sửa chữa, hiệu chỉnh tại Đoàn 679/Quân chủng Hải quân”.

Một trong những hoạt động mới mà HVKTQS bắt đầu triển khai thực hiện có hiệu quả trong thời gian gần đây, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho đội ngũ các nhà nghiên cứu, đó là đã bước đầu xây dựng được mối quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học với Liên bang Nga và Ucraina theo Nghị định thư, với kinh phí gần 3 tỉ VNĐ.

Đánh giá kết quả nghiên cứu KHCN của Học viện, Đại tá Lê Kỳ Nam, Trưởng phòng Khoa học – Công nghệ môi trường cho biết: “Việc nghiên cứu KHCN đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, diễn ra sôi nổi và là nét đẹp truyền thống của Học viện”.

Việc phát huy tiềm năng, nguồn chất xám của đội ngũ giảng viên, học viên được Học viện quan tâm, đầu tư đúng mức. Hiện nay, Học viện có ba trung tâm nghiên cứu khoa học, là: Trung tâm nghiên cứu công nghệ thông tin, Trung tâm nghiên cứu công nghệ viễn thông và Trung tâm nghiên cứu công nghệ mô phỏng. Các trung tâm này gồm nhiều nhà khoa học đang phát huy tốt hiệu quả, cho ra đời nhiều sản phẩm nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị trong toàn quân.

Quá trình xông pha vào mặt trận nghiên cứu, HVKTQS đã thu được nhiều kết quả đáng mừng, cổ vũ mạnh mẽ phong trào say mê nghiên cứu KHCN. Giới thiệu với chúng tôi về sản phẩm “Robot leo tường” – một trong rất nhiều sản phẩm khoa học tiêu biểu của HVKT thời gian qua, Trung tá Chu Anh Mỳ kể: Sản phẩm này là thành quả lao động trong hơn hai năm của bốn người. Robot làm bằng hợp kim nhôm, nặng khoảng 3,5 kg, hoạt động dựa trên nguyên lý khí động lực học, có thể leo tường thẳng đứng cao từ 10 đến 15 mét, đồng thời rẽ được sang phải, sang trái và hoạt động liên tục trong thời gian 30 phút đến một giờ. Hiện nay sản phẩm đang trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu. Robot có khả năng ứng dụng trong rộng rãi trong các hoạt động quân sự, nhất là trong trinh sát, phát hiện mục tiêu trên cao, tiếp cận mục tiêu ở cự ly gần mà không sợ bị lộ, sau đó chụp ảnh, truyền dữ liệu về trung tâm. Có thể tung lựu đạn nổ, lựu đạn khói để tiêu diệt hoặc giúp các lực lượng khác khống chế mục tiêu, tránh thương vong…

Thượng sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, học viên năm thứ sáu, tác giả của công trình nghiên cứu “Thiết kế hệ thống giám sát và điều khiển, sử dụng công nghệ GPS/GPRS”, được Bộ Giáo dục và đào tạo tặng giải nhì tài năng khoa học trẻ Việt Nam, năm 2011 say sưa nói về tác dụng của đề tài: Nếu ứng dụng thực tiễn, sản phẩm em nghiên cứu có thể giúp điều khiển, giám sát robot qua mạng, điều khiển thiết bị bay không người lái trong hoạt động quân sự, ngoài ra có thể ứng dụng trong các lĩnh vực khác, như: làm hệ thống giám sát, quản lý xe taxi, phương tiện vận chuyển hàng, hệ thống điều khiển, báo động tương tác SMS, GPRS, hay thiết bị truyền nhận số liệu qua mạng, GPRS modem…

Trong giai đoạn 2006-2010, các tổ chức và cá nhân của Học viện đã được tặng 9 bằng khen của Bộ Quốc phòng, 02 giải nhì, 01 giải ba và 01 giải khuyến khích giải thưởng KHCN Vifotec, 01 huy chương đồng ở trẻ lãm sáng tạo quốc tế lần thứ 4 tại Seoul – Hàn quốc năm 2008; 01 giải thưởng “Nhân tài đất Việt”, 01 giải nhì – giải thưởng “Trí tuệ Việt Nam”, 01 Bằng khen của Techmart Thái Nguyên cho sản phẩm triển lãm. Được Bộ Giáo dục và đào tạo tặng 3 Bằng khen tập thể của Học viện và 87 học viên, sinh viên đoạt giải. Sinh viên, học viên của học viện đạt 3 giải nhất, 5 giải nhì, 12 giải ba và 10 giải khuyến khích của giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội”, riêng “Quỹ hỗ trợ Vifotec” tặng 9 giải nhì, 8 giải ba và 32 giải khuyến khích.

Trong hoạt động thi Robocon, các đội tuyển của học viện đã đạt 1 giải nhì, 1 giải ba toàn quốc, 1 giải ý tưởng, 1 giải cho Robot tự động tốt nhất, 2 giải công nghệ và 1 giải robot bằng tay tốt nhất, đã có 1 đội được giải đội quân sự thi đấu xuất sắc nhất. Cũng trong giai đoạn này, HVKTQS đã thực hiện 451 hợp đồng dịch vụ khoa học công nghệ, với tổng giá trị là 76 tỉ VNĐ, tạo ra hàng trăm khối vật tư kỹ thuật phục vụ sửa chữa cho các khí tài tên lửa, ra đa, tác chiến điện tử của quân chủng Phòng không – Không quân, Hải quân và Binh chủng Tăng Thiết giáp.

Đại tá Lê Kỳ Nam cho chúng tôi biết thêm: Học viện có đội ngũ các nhà nghiên cứu KHCN khá đông đảo, ở nhiều khoa, nhiều tổ bộ môn và có cả các đồng chí đang là học viên. Trong số đó, nhiều đồng chí có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, có học hàm giáo sư, phó giáo sư. Các đồng chí này không chỉ làm công tác giảng dạy, mà còn trực tiếp chủ trì nghiên cứu, tham gia nghiên cứu nhiều đề tài khoa học trọng điểm quốc gia, cấp Nhà nước, cấp bộ.

Với những kết quả và thành tích đạt được trong công tác nghiên cứu KHCN, hy vọng trong tương lai gần, HVKTQS sẽ xứng đáng trở thành trung tâm đào tạo đại học và NCKH chất lượng cao quan trọng của quân đội, Nhà nước, từng bước hướng tới mục tiêu trở thành trường đại học có đẳng cấp cao theo tiêu chuẩn khu vực và tiếp cận chuẩn quốc tế.

Bài, ảnh: Mạnh Thắng