QĐND - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trong ký ức của những người tham gia Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971 chắc chắn sẽ còn đọng mãi cảnh tượng về sự tháo chạy hoảng loạn của quân ngụy Sài Gòn trong cuộc hành quân với bí danh “Lam Sơn 719”. Thất bại thảm hại của cuộc hành quân này đã góp phần làm lung lay chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, mở ra thời cơ mới thuận lợi cho cách mạng 3 nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia).

Kỳ 1: Tọa sơn nghênh mãnh quỷ

Sau khi buộc phải chấm dứt ném bom miền Bắc, Mỹ đã nỗ lực tập trung lực lượng không quân chiến thuật của Hạm đội 7, không quân chiến lược B52, nhằm đánh phá đường hành lang, vận chuyển chiến lược của ta. Mặc dù đã làm cản trở trong việc tiếp tế và phá được một số kho tàng của ta, nhưng ý đồ của Mỹ vẫn không thực hiện một cách triệt để. Chính vì vậy, trong tư duy của giới quân sự Mỹ mà nòng cốt là hội đồng an ninh quốc gia đã cố vấn cho Tổng thống Mỹ Ních-xơn là phải đánh phá việc bảo đảm hậu cần của ta ngay từ gốc. Chính vì vậy, cuối năm 1970, Mỹ đã chủ trương tiến hành cuộc hành quân “Lam Sơn 719” đánh vào Đường 9 - Nam Lào, cắt tuyến vận chuyển chiến lược của ta, làm cho lực lượng vũ trang ta ở miền Nam suy yếu, không thể đánh tập trung quy mô lớn trong mùa khô 1971, 1972 để Mỹ dễ dàng thực hiện âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh” giành lại thế chủ động trên chiến trường.

Để thực hiện cuộc hành quân quy mô lớn này, Mỹ - ngụy đã tập trung một lực lượng lớn gồm nhiều đơn vị cơ động, chiến lược tinh nhuệ nhất của quân ngụy, có sự chi viện rất mạnh của không quân Mỹ, cụ thể bao gồm: 3 Sư đoàn (Sư đoàn Dù, Sư đoàn Thủy quân lục chiến, Sư đoàn Bộ binh 1) liên đoàn 1 biệt động quân, Trung đoàn 4, 5 thuộc Sư đoàn bộ binh 2, 4 thiết đoàn thiết giáp (4, 7, 11, 17). Quân Mỹ hậu thuẫn phía sau và tham chiến cùng quân ngụy với 12 tiểu đoàn bộ binh và bộ binh cơ giới bao gồm: 5 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 101 dù; 4 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 1; Sư đoàn 5 bộ binh cơ giới và 3 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn A-mê-ri-cơn, 8 tiểu đoàn pháo binh (155 đến 175mm). Hơn 600 máy bay các loại, trong đó có 500 máy bay lên thẳng và lên thẳng vũ trang, đây là số lượng máy bay lên thẳng tham gia chiến đấu lớn nhất và duy nhất trong một chiến dịch kéo dài 3 tháng của cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Ngoài ra còn có 300 máy bay phản lực hầu hết là tiêm kích bom, 50 máy bay vận tải (C130, C123) và 50 máy bay chiến lược B52 sẵn sàng tham chiến.

Bộ đội Việt - Lào truy kích địch trên Đường 9. Ảnh tư liệu.

Kế hoạch tác chiến của địch là nhanh chóng đánh chiếm Sê Pôn, chiếm giữ đoạn đường Bản Đông - Sê Pôn đánh phá kho tàng, đường sá xung quanh Sê Pôn, phía bắc lên tới Kho Vinh, Na Thôn, phía tây nam đến Mường Phìn nhằm phối hợp với lực lượng ngụy Lào từ phía tây tiến sang. Tiếp đó cơ động lực lượng xuống đánh phá kho tàng khu vực từ Sa Đi, Mường Noọng, A Túc đến A Sầu, A Lưới thuộc tỉnh Thừa Thiên. Thời gian địch dự định cuộc hành quân khoảng 90 ngày, kết thúc trước mùa mưa ở Nam Lào (tháng 5 năm 1971). Cụ thể gồm 4 giai đoạn:

Giai đoạn 1, từ ngày 30-1 đến ngày 7-2-1971, thực hiện cơ động lực lượng, chiếm lĩnh trận địa xuất phát tấn công.

Giai đoạn 2, từ ngày 8 đến ngày 14-2-1971, tiến công chiếm các mục tiêu Bản Đông và Sê Pôn.

Giai đoạn 3, từ ngày 15-2 đến ngày 12-3-1971, lùng sục, đánh phá kho tàng.

Giai đoạn 4, từ ngày 13-3 đến đầu tháng 5-1971, chuyển xuống đánh phá các kho tàng phía nam từ Sa Đi, Mường Noọng, A Túc đến A Sầu, A Lưới.

Để phục vụ cho kế hoạch hành quân chính thức, ngay từ tháng 11-1970, địch đã tiến hành một kế hoạch nghi binh lớn, tung tin chuẩn bị tiến công ra miền Bắc (Nam Quân khu 4) nhằm đánh lạc hướng, phân tán sự chuẩn bị và kế hoạch đối phó của ta trên hướng tấn công chính của chúng. Địch hy vọng, với kế hoạch tác chiến như trên, chúng sẽ đạt được mục đích cuộc hành quân, sẽ nhanh chóng chặn được tiếp tế, phá được kho tàng của ta, tránh được tác chiến lớn với chủ lực của ta, địch cho rằng đối tượng tác chiến chủ yếu của chúng ở đây là bộ đội bảo vệ hành lang và kho tàng, còn chủ lực của ta vừa bị phân tán không thể cơ động đến kịp.

Để đối phó với địch, quyết tâm của ta là bằng mọi giá phải bảo vệ bằng được Đường mòn Hồ Chí Minh; bất luận hoàn cảnh nào cũng phải sẵn sàng để đánh địch trên các hướng, nếu địch đánh ra Đường 9 thì đó là cơ hội cho ta tiêu diệt chúng. Ở khu vực này địch và ta đều có thể tác chiến lớn hiệp đồng binh chủng. Tuy nhiên, địch ít có thuận lợi hơn ta vì tác chiến xa căn cứ hậu phương chiến lược. Với ta, đây là chiến trường nối liền với hậu phương, ta có nhiều điều kiện phát huy sức mạnh của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến, thuận lợi cho tập trung nhiều lực lượng, nhiều binh chủng đánh những trận hiệp đồng tiêu diệt lớn, hơn nữa lại là chiến trường hoạt động quen thuộc của nhiều sư đoàn chủ lực của ta đặc biệt là Sư đoàn 304 suốt từ năm 1968 đến 1971 liên tục hoạt động ở địa bàn Đường 9 - Nam Lào cùng với các đơn vị tại chỗ thuộc Đoàn 559. Các đơn vị tham gia chiến dịch như: Sư đoàn 304, Sư đoàn 308, Sư đoàn 320, Sư đoàn 324, Sư đoàn 2… tổ chức các đoàn cán bộ đi chuẩn bị chiến trường.

Trong lúc công tác chuẩn bị chiến trường của ta đang diễn ra khẩn trương thì ngày 27-1-1971 địch tập trung các hoạt động nghi binh vào khu vực nam Quân khu 4. Trên hướng mặt trận Đường 9 Bắc Quảng Trị, địch tung nhiều toán biệt kích, thám báo ra khu vực ven Đường 9 thăm dò lực lượng ta, đồng thời cho quân nống ra 4 xã bờ nam sông Bến Hải dọc theo khu phi quân sự.

Sau khi địch đánh phá ác liệt vào các mục tiêu ven Đường 9 và sâu vào các tuyến vận tải của ta ở phía tây bắc Đường 9 lên giáp biên giới Việt - Lào, ngày 30-1 một trung đoàn hỗn hợp của Sư đoàn bộ binh số 9 Mỹ mở trận càn “Đi-nê-cu-ni-on” dọc Đường 9 phía nam khu phi quân sự, chiếm lại khu vực Khe Sanh để làm bàn đạp cho cuộc tiến công sang Nam Lào và nghi binh cho quân ngụy Sài Gòn mở cuộc hành quân “Lam Sơn 719” đánh sang khu vực Đường 9 - Nam Lào.

Ngay sau khi địch triển khai lực lượng, theo chỉ thị của Bộ, Bộ tư lệnh mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị do đồng chí Nguyễn Anh Đệ làm tư lệnh đã khẩn trương cơ động lực lượng đánh địch nhằm tiêu hao một phần sinh lực, phương tiện, làm chậm bước tiến của địch tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực bộ triển khai lực lượng đánh địch trên các hướng.

Do đó, khi cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của địch bắt đầu, cũng là lúc Bộ Chính trị chỉ thị cho Quân ủy Trung ương: “Nhất thiết phải đánh thắng trận này dù có phải động viên sức người, sức của và hy sinh như thế nào, vì đây là một trận có ý nghĩa về chiến lược”.

Để thực hiện tư tưởng chỉ đạo tác chiến của Bộ Chính trị, ngày 6 tháng 2 năm 1971 Bộ quyết định thành lập Bộ tư lệnh mặt trận Đường 9 - Nam Lào (Bí danh Bộ tư lệnh 702). Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng và Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị được cử làm Tư lệnh và Chính ủy chiến dịch. Đại tá Cao Văn Khánh làm Phó tư lệnh, Đại tá Hoàng Phương làm Phó chính ủy. Đây là Bộ tư lệnh có đủ quyền hạn và khả năng chỉ huy, tất cả các lực lượng tham gia chiến dịch và tổ chức hiệp đồng với các chiến trường có liên quan như: Bộ tư lệnh B70, Đoàn 559, Bộ tư lệnh Đường 9 Bắc Quảng Trị, B4, Quân khu 4, lực lượng vũ trang của bạn ở Nam Lào. Đồng thời Quân ủy Trung ương giao cho Đảng ủy và Bộ tư lệnh chiến dịch nhiệm vụ cụ thể là:

Tiêu diệt lớn và làm tan rã thật nhiều quân ngụy, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng. Tiêu diệt và tiêu hao một bộ phận quân Mỹ, đánh cho địch một đòn chí mạng.

Giữ vững tuyến vận chuyển chiến lược, bảo vệ tốt kho tàng của ta. Đây là một nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, một điểm đặc biệt của chiến dịch cần hết sức coi trọng và quán triệt đầy đủ trong thực hành.

Phối hợp với các chiến trường, tạo điều kiện cho các chiến trường khác đẩy mạnh tiến công địch toàn diện, nhất là đánh phá “bình định” của địch.

Bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, bảo đảm hậu phương lớn luôn vững vàng trong mọi tình huống.

Trận này nhất định phải đánh thắng vì là một trong những trận có ý nghĩa quyết định về chiến lược; phải nhân cơ hội này mà rèn luyện bộ đội chủ lực trưởng thành lên một bước mới trong tác chiến tập trung lớn có nhiều binh chủng hiệp đồng chiến đấu.

Sau một thời gian chuẩn bị cho nhiệm vụ chiến đấu, tổ chức luyện tập theo phương án, lần lượt các đơn vị bí mật hành quân vào chiến trường, chiếm lĩnh các khu vực sẽ tác chiến, kiên trì chờ địch, giấu quân tránh thám báo và máy bay trinh sát địch lùng sục phát hiện lực lượng ta. Đồng thời tổ chức cho bộ đội ăn tết sớm để sẵn sàng bước vào những trận đánh lớn ác liệt dài ngày. Bộ đội ta lặng lẽ, háo hức chuẩn bị chờ quân địch tới, một không khí lạc quan, chủ động và tự tin hiện lên nét mặt của từng cán bộ, chiến sĩ.

Từ khu vực Khe Sanh, nơi triển khai chiếm lĩnh trận địa xuất phát tấn công, ngày 8 tháng 2 năm 1971, địch mở cuộc hành binh ào ạt tiến công vượt biên giới Việt - Lào với 6 trung, lữ đoàn quân ngụy, trên 3 hướng:

Hướng chủ yếu do chiến đoàn đặc nhiệm gồm Lữ đoàn dù số 1, hai Thiết đoàn 11, 17 tiến công theo trục Đường 9 bằng cơ giới và thiết giáp; Tiểu đoàn 9 thuộc Lữ đoàn dù số 1 cơ động bằng máy bay lên thẳng, đổ bộ đánh chiếm Bản Đông.

Hướng thứ yếu gồm Lữ đoàn dù số 3 ngụy và tiểu đoàn biệt động quân do Đại tá Nguyễn Văn Thọ chỉ huy cơ động bằng máy bay lên thẳng đổ quân đánh chiếm và thiết lập các căn cứ hỏa lực ở các điểm cao 500, 316, 655 (Phu A Rinh) 543, 532, 546, 570, 611.

Hướng thứ yếu khác do Sư đoàn 1 bộ binh ngụy đảm nhiệm đánh chiếm đồi Cô Bốc các điểm cao 619, 537, 550, 532, 540.

Phút chốc trên bầu trời và dưới mặt đất không còn yên tĩnh nữa bởi hàng trăm máy bay lên thẳng, máy bay phản lực, xe tăng cơ giới địch ầm ầm tiến quân làm rung chuyển bầu trời, mặt đất. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch bắt đầu.

Kỳ 2: Còn người còn chốt, bị thương không rời trận địa

Thiếu tướng Lê Mã Lương