Bài 4: Giải pháp đồng bộ, nhiệm vụ đột phá
QĐND - Một trong vấn đề cốt yếu để góp phần ổn định lòng dân, bảo đảm an ninh chính trị, giữ vững thế trận quốc phòng-an ninh ở huyện Mường Nhé hiện nay là phải tập trung chăm lo nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, thực hiện thật tốt chính sách an sinh xã hội. Để làm được việc này, cần phải có cái nhìn thực tế, toàn diện, xác định giải pháp đồng bộ đồng thời tập trung vào những nhiệm vụ đột phá để sớm cải thiện tình hình và mang lại hiệu quả, lợi ích tốt nhất cho nhân dân địa phương nhằm ổn định lâu dài, phát triển Mường Nhé.
Chăm lo “ba có” để tiến tới “hai đủ, ba không”
“Có thực mới vực được đạo” và có “an cư” mới “lạc nghiệp”. Đây là vấn đề không mới nhưng đặc biệt có ý nghĩa thời sự đối với huyện Mường Nhé trong thời điểm này. Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể trong huyện đã chú trọng quan tâm vận động, tuyên truyền và có nhiều biện pháp giúp dân định cư, định canh, ổn định cuộc sống, nhưng tình hình chưa chuyển biến tích cực như mong muốn.
 |
Chiến sĩ Đồn Biên phòng 411 với các cháu ở bản Huổi Khon, xã Nậm Kè.
|
Vẫn biết du canh du cư là một tập tục lâu đời của bà con dân tộc Mông. Thay đổi một tập tục đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào là việc không dễ và cũng không phải làm ngày một, ngày hai là xong. Tại huyện Mường Nhé, theo thống kê của cơ quan chức năng, chỉ sau 8 năm thành lập, số dân lúc đầu chỉ có 2,2 vạn người thì nay tăng lên hơn 6 vạn người, trong đó 2/3 dân di cư từ nơi khác đến và người Mông chiếm hơn 70%. Ông Thùng Văn Thân, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Mường Nhé cho biết: Tính theo tiêu chí mới, hiện nay tỷ lệ hộ đói nghèo của toàn huyện hiện chiếm hơn 78%.
Đến thăm một số gia đình người Mông, trong đó có gia đình anh Thào Trùng Phình ở bản Huổi Chạ, xã Nậm Vì, chúng tôi thấy đời sống của người dân nơi đây còn rất lam lũ. Nhà anh Phình có 8 người, vụ giáp hạt nào địa phương cũng phải cứu đói. Lý do là diện tích trồng lúa, ngô, sắn rất ít, nước tưới cho cây trồng lại thiếu triền miên. Từ thực tế đó, anh Phình mong muốn được chính quyền hỗ trợ thêm đất đai, xây dựng kênh mương dẫn nước để giúp dân làm ruộng lúa bậc thang.
Chúng tôi cho rằng, để giúp nhân dân các dân tộc thiểu số ở huyện Mường Nhé, nhất là người Mông sớm yên tâm làm ăn, gắn bó với nơi cư trú của mình, cùng với kiên trì, bền bỉ vận động, tuyên truyền, làm chuyển biến nhận thức cho bà con, cấp ủy và chính quyền địa phương cần tạo ra cơ chế, chính sách đồng bộ để giúp người dân nơi đây có nhà để ở, có đất sản xuất, có nước phục vụ sinh hoạt và trồng trọt, chăn nuôi. Một khi sở hữu “3 có” như thế, dần dần bà con sẽ “2 đủ” (đủ ăn, đủ mặc) để tiến tới chấm dứt “3 không” (không nghĩ, không muốn, không cần) du canh, du cư.
Mặt khác, để đồng bào Mông yên tâm làm ăn, hạn chế tiến tới không di dịch cư tự do làm xáo trộn tình hình, theo đồng chí Lầu Thị Mại, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Điện Biên: "Cần chăm lo cho đồng bào ngay từ các thôn bản nơi đồng bào đang sống. Nếu người Mông ở các nơi khác không ồ ạt kéo về Mường Nhé thì không có vụ việc tụ tập đông người như vừa qua. Chỉ sau mấy năm thành lập mà Mường Nhé từ hơn 2 vạn, lên hơn 6 vạn dân sẽ là bài toán khó với chính quyền địa phương. Vì vậy, các cấp chính quyền các địa phương có đồng bào sinh sống đều cần quan tâm chăm lo đồng bào từ cơ sở, nơi đồng bào cư trú".
Giáo dục-lâu dài và trước mắt
Xác định giáo dục có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao dân trí cho đồng bào, những năm qua, huyện Mường Nhé đã có nhiều cố gắng chăm lo sự nghiệp trồng người phát triển. Bà Trần Thị Hải, Phó trưởng phòng Giáo dục huyện Mường Nhé cho biết, toàn huyện hiện có 55 trường, 884 lớp với gần 18.708 học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông. Trong đó, 12.000 học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thuộc diện đói nghèo thường xuyên được trợ cấp mỗi tháng 14.000đồng/người và hơn 5000 học sinh bán trú dân nuôi được trợ cấp mỗi tháng 100.000đồng/người.
Tuy nhiên, khi biết huyện còn 432 phòng học tạm (chiếm 42%) trong tổng số 1.009 phòng học hiện có, chúng tôi rất trăn trở. Bởi vì, dù có tiền trợ cấp, có chí học hành, nhưng vào những lúc mưa to, gió lớn, sương sa giá rét, nhiều em học sinh dân tộc liệu có đủ kiên nhẫn vượt núi, trèo đèo, lội suối đến học hành ở những căn phòng tranh tre nứa lá kia không? Hôm đến xã Chà Cang, thầy Mai Xuân Kiên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nậm Bồ bộc bạch với chúng tôi trong tâm trạng khá buồn:
- Nhà trường có 16 điểm trường, nhưng mới chỉ có 4 điểm được xây dựng, còn chủ yếu do các thầy cô giáo và phụ huynh học sinh tự làm. Nhiều phòng học, bàn ghế còn rất sơ sài. Nhiều em học sinh mới 7, 8 tuổi, nhà ở xa về điểm trường học mà không có chỗ ở nội trú nên phải sống tạm bợ trong những túp lều tuềnh toàng. Đó là lý do khiến có lúc các em thiếu an tâm học tập, ảnh hưởng khá lớn đến chất lượng giáo dục. Còn đội ngũ nhà giáo chúng tôi phần đông ở dưới xuôi lên công tác, không có nhà công vụ đành phải đến ở nhờ những căn nhà chật hẹp của dân.
 |
Bộ đội Trung đoàn 82 (Quân khu 2) làm phòng học mới tại Trường Tiểu học xã Nậm Vì.
|
“Là người con của Mường Nhé, tôi mong “cái chữ” ngày càng đến nhiều hơn với dân bản”. Đó là lời tâm sự chất phác của Trung tá Pờ Chí Lình khi anh nói về ước nguyện, khát khao của bà con các dân tộc huyện Mường Nhé. Anh Lình nói rằng, chỉ một bộ phận nhỏ người Mông nhẹ dạ nghe theo kẻ xấu mà cho con em mình bỏ học giữa chừng, còn lại phần lớn bà con vẫn mong muốn trẻ em được học hành đến nơi đến chốn. Vì ai cũng hiểu một điều giản dị rằng, không được học hành thì cái đầu suốt đời tối tăm và ngày ngày tháng tháng cứ quẩn quanh trong “vòng kim cô” của đói nghèo, lạc hậu.
Kinh nghiệm thực tiễn và các nghiên cứu đã đúc kết rằng, một quốc gia nói chung, một địa phương nói riêng, muốn phát triển mạnh mẽ, cần coi trọng cả 4 yếu tố: Nguồn vốn, đất đai, nguồn lực con người và khoa học công nghệ. Đối với huyện Mường Nhé, đầu tư chăm lo phát triển toàn diện giáo dục ngay từ bây giờ chính là đang tạo ra một thế hệ chủ nhân mới đủ sức đảm đương, gách vác trọng trách đưa địa phương thoát khỏi tình trạng kém phát triển, từng bước bứt ra khỏi danh sách 62 huyện nghèo nhất nước.
Tiếp tục mở mang, cải thiện cơ sở hạ tầng
Trong 4 yếu tố cần thực hiện đồng bộ là “điện, đường, trường, trạm”, thì ở huyện Mường Nhé, mở mang, cải tạo, hoàn thiện hệ thống đường giao thông phải coi là giải pháp cấp bách cần ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sau 9 năm thành lập, nhiều tuyến đường ở huyện đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng, trong đó có tuyến đường trọng điểm Si Pa Phìn - Mường Nhé và hầu hết các xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã. Thế nhưng, thực tế đường giao thông ở đây đi lại còn nhiều khó khăn. Hiện nay, trong số 112 xã của tỉnh Điện Biên chỉ duy nhất còn xã Na Cô Sa của huyện Mường Nhé chưa có đường ô tô đến trung tâm xã. Theo ông Nguyễn Đình Giang, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Điện Biên, trong số 588 tuyến đường (dài gần 4.900km) giao thông miền núi của tỉnh, có tới gần 60% đường đến xã, bản không đi lại được (hoặc đi lại cực kỳ khó khăn) khi bước vào mùa mưa. Thực tế đó hiển hiện rất rõ khi chúng tôi lên Mường Nhé mới đây. Chỉ sau một trận mưa rào, nhiều con đường vào các bản ở xã Nậm Kè, Chà Cang, Nậm Vì, Mường Nhé… chỗ thì trơn thuồi luồi, đoạn thì lầy lội, nơi lại bị đất đá trên đồi núi đổ xuống chồng chất khiến cho việc lưu thông của các phương tiện giao thông, nhất là xe máy của bà con địa phương hết sức gian nan, cực nhọc.
Nếu huyện Mường Nhé được tập trung đầu tư để có hệ thống giao thông liên hoàn, tỏa rộng đến khắp các xã, thôn, bản, điểm dân cư sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa cho nhân dân địa phương; đồng thời là cơ hội để mở mang, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, rút ngắn khoảng cách phát triển và tăng cường hợp tác thương mại giữa Mường Nhé với các huyện lân cận của tỉnh Điện Biên và Lai Châu.
Thay lời kết
Mỗi khi đến với đồng bào vùng cao biên giới ở Mường Nhé, chúng tôi không khỏi chạnh lòng, trăn trở bởi cuộc sống của phần lớn của người dân nơi "cuối trời Tây Bắc” vẫn còn nhiều gian truân, vất vả. Đến thăm một số gia đình người Mông ở địa phương, thấy đời sống thường nhật của đồng bào còn lam lũ quá. Khá nhiều bà con vẫn chưa biết hoặc chưa nói thành thạo tiếng phổ thông, nhất là những người ở lứa tuổi trung, cao niên và phụ nữ. Trong khi đó, diện tích đất rộng, dân cư sinh sống không tập trung, địa hình đồi núi chia cắt, một số tập tục lạc hậu tồn tại dai dẳng và một số phần tử xấu vẫn lén lút tuyên truyền đạo trái phép, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, chia rẽ mối quan hệ đoàn kết quân dân.
Trong cộng đồng 54 dân tộc anh em cư trú trên đất nước ta, dân tộc Mông đã đóng góp nhiều giá trị văn hóa đặc sắc và quý báu. Người Mông vốn có đức tính cần cù, siêng năng, chất phác, nhưng họ mang trong mình đặc tính là nói điều gì thường bất biến, tin điều gì thì rất sâu sắc, tha thiết và mãnh liệt. Để làm thay đổi cả một quan niệm sống đã ăn sâu bám chắc vào nếp nghĩ, phong tục, tập quán hàng ngàn đời nay của đồng bào là một quá trình lâu dài, khó khăn và đòi hỏi phải thực hiện khéo léo, bền bỉ và nhẫn nại. Công tác dân vận của các lực lượng trong đó có các đội công tác của quân đội là rất cần thiết, cần tiến hành lâu dài, tích cực, chủ động và hiệu quả hơn. Trước mắt, các bộ, ngành ở Trung ương và các cấp ủy, chính quyền, các lực lượng dân vận cùng toàn bộ hệ thống chính trị ở Điện Biên cần đặc biệt quan tâm đến đồng bào Mường Nhé, triển khai thực hiện tốt nhất chỉ đạo ổn định và phát triển Mường Nhé của chính phủ. Việc lo ăn, mặc, ở, học hành, đi lại của đồng bào cần làm ngay. Tiếp theo và cùng với đó là việc hoạch định dân cư, phân bổ đất đai, quy hoạch sản xuất... để Mường Nhé ổn định và phát triển cùng cả nước.
Ngày 16-6-2011, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo một số bộ, ngành Trung ương và tỉnh Điện Biên hỗ trợ, giúp đỡ huyện Mường Nhé sớm ổn định và phát triển, trong đó có mục tiêu: Không có hộ đói, giảm nghèo nhanh và bền vững, phấn đấu mỗi năm giảm từ 4 đến 5% số hộ nghèo. Cùng với đầu tư xây dựng một số tuyến đường từ bản đến đường trục của xã, đẩy mạnh xây dựng công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu, công trình công cộng tại các bản phục vụ sinh hoạt và sản xuất của nhân dân (trường học, trạm xá, điện, thủy lợi nhỏ…); Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, bảo đảm ổn định chính trị xã hội, xây dựng thế trận quốc phòng-an ninh.
|
Bài và ảnh: BỘ HẢI và DÂN THÀNH TRƯỜNG
Bài 1: Bình yên cuối trời Tây Bắc
Bài 2: Bộ đội là chỗ dựa tin cậy
Bài 3: Vun trồng “cái gốc”
Tin liên quan
* Đoàn nhà báo quốc tế tìm hiểu về vụ việc tại Mường Nhé
* Mường Nhé đã ổn định trở lại
* Xung quanh việc tập trung đông người ở bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên
* Để Mường Nhé phát triển bền vững