 |
Một trong những khu tái định cư cho các hộ dân đang nằm trong phần đất của Trường bắn quốc gia khu vực I, tại xã Vân Sơn, huyện Sơn Động. Ảnh: TIẾN DŨNG |
Để phục vụ một đợt huấn luyện bắn đạn thật, Trường bắn quốc gia khu vực I (đóng tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) lại phải vất vả huy động “tổng lực” cán bộ, chiến sĩ đến từng nhà của hơn 1.000 hộ dân hiện đang cư trú trong khu vực đất của Trường bắn để vận động người dân di chuyển ra khu vực an toàn, tránh để xảy ra những tai nạn đáng tiếc trong quá trình bắn đạn thật… Điều đáng nói là thực trạng này đã diễn ra từ hơn 20 năm nay, gây vất vả và tốn kém không ít tiền của cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị.
Hơn 1.000 hộ dân tái định cư trái phép, mất an toàn nghiêm trọng
Trường bắn quốc gia khu vực I được thành lập năm 1980, với tổng diện tích hơn 29.000ha, nằm trên địa bàn của 13 xã thuộc 4 huyện: Lục Ngạn, Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) và Lộc Bình, Na Dương (tỉnh Lạng Sơn). Diện tích đất thuộc khu vực trường bắn chủ yếu là đất rừng, chỉ có một số ít hộ dân sinh sống (thời điểm năm 1980).
Do công tác quản lý lỏng lẻo của các xã trong địa bàn khu vực trường bắn, từ năm 1982 nhiều hộ dân vốn ở trong khu vực đất của trường bắn (đã được di chuyển đến nơi ở mới) và những hộ dân ở nơi khác đã lấn chiếm, tái định cư trái phép trên phần đất của trường bắn quản lý. Theo thống kê của Ban quản lý di dân tái định cư của tỉnh Bắc Giang, đến nay, số lượng các hộ dân sống trong khu vực đất của trường bắn đã lên tới hơn 1.000 hộ; chủ yếu sinh sống ở những vị trí thường xuyên sử dụng cho việc bắn đạn thật, rất dễ gây mất an toàn.
Ngày 6-8, chúng tôi có mặt tại khu vực Trường bắn quốc gia khu vực I, khi đơn vị đang phối hợp với Bộ tư lệnh Binh đoàn Hương Giang phục vụ bắn đạn thật cho hội thi chính trị viên, tiểu đoàn trưởng giỏi. Thượng tá Trịnh Ngọc Dũng, Phó chính ủy trường bắn cho biết:
- Để bảo đảm an toàn cho hội thi, nhất là trong quá trình bắn đạn thật, cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị phải dậy từ 3 giờ sáng, tổ chức, phân công nhau đến từng hộ để vận động nhân dân di chuyển đến nơi an toàn. Đối với các cán bộ, chiến sĩ hằng ngày tiếp xúc với các loại bom, đạn, hiểu rõ mức độ nguy hiểm và độ sát thương của từng loại bom đạn gây ra thì hết sức lo lắng cho những người dân sống trong khu vực. Nhưng ngược lại, nhiều người dân lại coi thường tính mạng của mình đến mức chây ỳ, tìm mọi cách ở lại, không chịu di chuyển. Thậm chí, có người còn chống đối các cán bộ đến làm nhiệm vụ.
Việc vận động người dân di chuyển khi có diễn tập, hội thao… vất vả một, thì việc dò tìm, làm “sạch” vật liệu nổ trên đất trường bắn lại khó khăn gấp nhiều lần. Trong quá trình bắn, đặc biệt là trong các bài bắn có sử dụng loại đạn có sức công phá lớn, nhà trường phải cử cán bộ theo dõi “đếm đạn” những quả không nổ. Kết thúc đợt bắn phải lập tức tiến hành xử lý những đầu đạn đó.
“Hiện nay, mỗi năm trung bình đơn vị phục vụ từ 50 đến 60 cuộc diễn tập, hội thao lớn nhỏ nên hầu hết cán bộ, chiến sĩ của trường bắn đều phải “căng” hết sức ra làm việc, đa số cán bộ sĩ quan đều phải bỏ phép” -Thượng tá Trịnh Ngọc Dũng nói.
Di dân có dễ không?
Dự án di dân, tái định cư Trường bắn quốc gia khu vực I được thực hiện trong thời gian 5 năm (2005-2009) với tổng mức đầu tư là 585 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành giai đoạn 1, di dân, tái định cư cho 140 hộ dân ra khỏi khu vực trường bắn, (gồm 13 xã thuộc hai huyện Sơn Động và Lục Ngạn). Hiện nay, tỉnh đang tổ chức thực hiện giai đoạn 2 của dự án, với mục tiêu di chuyển hơn 1.000 hộ dân còn lại.
Theo dự án, mỗi năm tỉnh Bắc Giang được cấp 130 tỷ đồng từ nguồn Trái phiếu Chính phủ để thực hiện di dân, tái định cư. Tuy vậy, do ngân sách trung ương cấp chậm, chưa bảo đảm so với mức phân kỳ của dự án nên đến nay, việc thực hiện di dân, tái định cư ở tỉnh Bắc Giang đang gặp khó khăn, ảnh hưởng tới đời sống sản xuất, sinh hoạt của bà con các dân tộc trong khu vực Trường bắn quốc gia khu vực I. Mặt khác, do chậm di dân, sau mỗi năm, số hộ, số nhân khẩu tại các xã này đều tăng hơn, số người trong diện phải di dân nhiều hơn, ảnh hưởng tới ngân sách đầu tư hỗ trợ di dân.
Thượng tá Đặng Ngọc Trường, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Trường bắn quốc gia khu vực I cho biết:
- Từ năm 1982, các tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang đã thành lập ban quản lý dự án di dân tái định cư cho các hộ dân nằm trong đất trường bắn nhưng do công tác quản lý yếu kém, nhiều hộ dân đã tái định cư trái phép trở lại, khiến cho số hộ dân sinh sống trong khu đất trường bắn ngày một tăng. Nhiều hộ dân đang nằm trong khu vực di dân, trả lại đất cho trường bắn nhưng vẫn được chính quyền địa phương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc này càng gây khó khăn cho việc di dân. Điển hình là vụ việc khiếu kiện của các hộ dân xã Biện Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cuối năm 2006. Nguyên nhân là do, năm 1993, khi xác định mốc địa giới hành chính giữa xã Biện Sơn và khu vực trường bắn, xã Biện Sơn và huyện Lục Ngạn đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 5 hộ dân nằm trong khu vực đất trường bắn (đây đều là những hộ dân đã từng được di chuyển theo chính sách di dân tái định cư trở lại lấn chiếm bất hợp pháp). Mặc dù ngay sau đó UBND huyện Lục Ngạn đã ngừng ngay việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ đang có tranh chấp nhưng cũng đã gây nên những khó khăn không nhỏ cho việc đền bù, di chuyển các hộ dân khác trong khu vực.
Thượng tá Trịnh Ngọc Dũng, Phó chính ủy trường bắn nói:
- Chúng tôi chỉ thực hiện được chức năng quản lý diện tích đất được giao và bảo đảm an toàn trong khu vực trường bắn, còn việc di chuyển các hộ dân ra khỏi trường bắn lại do Ban quản lý di dân tái định cư của địa phương đảm nhiệm. Trong khi các cấp, các ngành đang từng bước nghiên cứu các phương án di dân sao cho hợp lý, tiết kiệm thì chính những hộ dân này lại đang tách khẩu thành nhiều hộ; các cán bộ, chiến sĩ của Trường bắn vẫn phải thức khuya, dậy sớm để bảo đảm an toàn cho các hộ dân. Do sự cố gắng rất cao của cán bộ, chiến sĩ đơn vị mà 5 năm gần đây (2002-2007) đã không để xảy ra một vụ tai nạn nào cho người dân.
PHÚ SƠN