Các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang tập trung thu hoạch vụ lúa Đông-Xuân. Bên cạnh khó khăn thiếu nhân công gặt lúa là nỗi lo máy gặt đập liên hợp (GĐLH) bị kẻ xấu phá hoại...

“Sắt, đá tặc”?

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Ấp trưởng ấp Sà Co, xã Nhơn Bình, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long bức xúc nói:

- Vụ Đông-Xuân này do thiếu nhân công cắt lúa, bà con đề nghị chúng tôi tổ chức đi thuê máy GĐLH. Chúng tôi sang huyện Tam Bình thuê máy về gặt được vài ngày thì bỗng dưng máy vướng phải thanh sắt, đá (đá loại 4x6cm) được ghim vào đoạn tre hoặc gỗ cao khoảng 20-30cm trong ruộng lúa. Thế là chủ máy cương quyết không chịu gặt nữa vì sợ hỏng máy. Họ chỉ gặt với điều kiện, chủ ruộng phải đi rà soát, kiểm tra bảo đảm ruộng không có thanh sắt, đá. Yêu cầu này đối với chủ ruộng là rất khó thực hiện. Kết cục, 50 công lúa (5ha) ở ấp Sà Co chủ máy không dám gặt nữa, buộc phải thuê nhân công.

Máy GĐLH giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất và thời gian thu hoạch lúa (ảnh chỉ có tính minh họa).

Tình trạng máy GĐLH gặt phải sắt, đá không chỉ xảy ra ở xã Nhơn Bình (Vĩnh Long) mà còn xuất hiện ở nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL. Không ít chủ máy ở huyện Cái Bè, Cai Lậy (Tiền Giang) “dở khóc, dở mếu” cho biết, máy của họ thường bị “bẫy” bởi những cây sắt dài 20-30cm hoặc những viên đá trên mặt ruộng, người điều khiển máy không tài nào nhận ra. Ông Nguyễn Tuấn Đức, một chủ máy ở huyện Cái Bè, kể:

- Đang gặt, bỗng nghe thấy tiếng động lạ, tôi vội dừng máy. Kiểm tra, tôi phát hiện máy cắt phải thanh sắt phi 8, dài chừng 30cm. Hậu quả là máy bị hỏng lưỡi cắt, mất toi cả mấy triệu bạc. Máy cắt phải sắt thường bị hư hỏng lưỡi cắt, còn nếu gặp đá thì không chỉ mẻ lưỡi cắt mà còn làm hỏng dàn lưới lược lúa, dàn đưa lúa từ máy ra, sẽ làm thiệt hại từ 15 đến 20 triệu đồng. Cực hơn nữa là việc thay thế những phụ tùng này không hề đơn giản, bởi chẳng phải nơi nào cũng có bán, nhất là khi đưa máy tới làm ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Ông Danh Xế, ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng đầu tư hơn 450 triệu đồng mua chiếc máy GĐLH nhãn hiệu Kubota (Nhật Bản). Ông đưa máy tới huyện Vị Thủy, Hậu Giang để làm dịch vụ thu hoạch lúa cho bà con nông dân. Khi máy cắt chưa được 1ha lúa cho ông Hứa Văn Nhánh, ở ấp 5, xã Vĩnh Trung, thì dính phải hai thanh sắt cắm dưới ruộng. Vụ việc đã tiêu tốn của ông Xế xấp xỉ 10 triệu đồng.

Ông Lê Văn Phước, chủ máy GĐLH ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đưa máy sang xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng , tỉnh Kiên Giang làm dịch vụ cắt lúa. Hai ngày đầu, máy chạy an toàn, nhưng sang ngày thứ 3 cắt phải cọc sắt. Nói chuyện với chúng tôi, ông Phước vẫn chưa hết bực dọc: Máy gặp phải sắt, đá không chỉ làm tốn tiền bạc mà còn mất thời gian đi tìm mua phụ tùng thay thế, thời gian gặt cho chủ ruộng cũng phải chậm lại.

Chưa tìm được thủ phạm phá hoại

Nhiều nông dân cho biết, thanh sắt, đá xuất hiện trong ruộng lúa là do có người cố tình cắm vào để phá hoại. Theo nhận định, đánh giá của một số nông dân và cán bộ các địa phương, nguyên nhân ban đầu có thể xuất phát từ mâu thuẫn giữa 3 đối tượng là nhân công cắt lúa thuê, chủ các loại máy gặt khác và chủ máy GĐLH. Thời gian qua, máy GĐLH đã khẳng định được ưu điểm vượt trội trong thu hoạch lúa. Mỗi máy có trị giá từ 180 đến 220 triệu đồng, máy của Nhật Bản từ 350 triệu đến 450 triệu đồng. Mức giá thuê máy GĐLH ở ĐBSCL phổ biến khoảng 200.000 đồng/công lúa (1.000m2/công). Thuê máy GĐLH, chủ ruộng chỉ việc đứng ở bờ chờ vác lúa đã đóng thành bao về nhà. Trong khi đó, giá thuê nhân công cắt thủ công hiện khoảng 150.000 - 180.000 đồng/công. Tính trung bình mỗi công lúa nếu thuê người cắt, đập lúa, chủ ruộng phải chi phí khoảng 300.000 - 320.000 đồng/công. Ngoài lý do thuê nhân công cắt lúa, đập lúa chi phí sản xuất cao hơn, việc cắt, đập lúa thủ công còn tốn nhiều thời gian. Mỗi máy GĐLH gặt 50 công/ngày (5ha), trong khi đó nếu thuê nhân công cắt lúa chỉ được 1 công/người/ngày. Chính bởi những lý do như vậy nên nông dân ngày càng thích thuê máy GĐLH.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Nhơn Bình, huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) ,ông Võ Văn Tuấn cho biết:

- Đến nay, vẫn chưa thể tìm ra thủ phạm của hành vi phá hoại trên. Chúng tôi cũng chỉ mới tập trung tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục cho bà con về lợi ích của việc sử dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp, đặc biệt là việc sử dụng máy GĐLH để thu hoạch lúa.

 Hầu hết các vụ máy GĐLH cắt phải sắt, đá, các chủ máy đều trình báo công an địa phương nhưng vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Điều đáng chú ý là sau khi sự cố xảy ra, chủ máy GĐLH không nhận thu hoạch lúa nữa thì rất khó kiếm được nhân công cắt lúa, nếu có thì giá công cắt bị đẩy lên khá cao. Cho đến nay, việc truy tìm thủ phạm cắm sắt, đá trên ruộng lúa ở các tỉnh khu vực ĐBSCL vẫn còn chưa có kết quả, gây tâm trạng hoang mang, lo lắng. Bà con nông dân mong chính quyền sớm truy tìm kẻ phá hoại. Bởi hành vi này không chỉ gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, mất an ninh trật tự mà còn làm ảnh hưởng tới tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp, một chủ trương đúng đắn được Đảng và Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ cho nông dân thời gian qua.

Bài và ảnh: Nguyễn Kiểm