Bài 2: Người khai sinh ngành vi phẫu thuật Việt Nam 

QĐND - Có những điều là hoang đường, không tưởng ngày hôm nay nhưng lại trở thành hiện thực trong ngày mai. Trong y học cũng có một câu chuyện như vậy, mang tên là vi phẫu thuật. Khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, Thiếu tướng, GS, TSKH Nguyễn Huy Phan đã dành tâm huyết cả đời để ứng dụng, phát triển kỹ thuật vi phẫu ở Việt Nam, thực hiện những ca vi phẫu đầu tiên ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Cho đến nay, câu chuyện về những nạn nhân bị đứt rời ngón tay, cẳng tay và thậm chí là đứt rời dương vật đã có thể yên tâm về một kết quả cứu chữa “có hậu”. Bởi từ năm 1981, lần đầu tiên ở Việt Nam, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bác sĩ Nguyễn Huy Phan thực hiện thành công việc nối một ngón tay đứt lìa khỏi bàn tay. 12 trường hợp sau đó, Khoa Phẫu thuật Thần kinh của Bệnh viện, dưới sự chỉ đạo của nhà khoa học Nguyễn Huy Phan đã thực hiện đều đặn kỹ thuật khâu nối các bó sợi thần kinh ngoại vi qua kính hiển vi phẫu thuật

Lịch sử ngành y học Việt Nam thừa nhận những đóng góp và công lao của Thiếu tướng Nguyễn Huy Phan - người khai sinh, xây dựng và phát triển ngành vi phẫu thuật. Ông cũng là người đề xuất, tiến hành nghiên cứu đề tài “Ứng dụng vi phẫu thuật trong ngoại khoa”.

Gia đình Thiếu tướng Nguyễn Huy Phan những ngày ở Chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu

Để thấy hết sự đóng góp của GS Nguyễn Huy Phan, chúng ta cần phải hình dung vào năm 1980, các nước có nền y học tiên tiến trên thế giới cũng mới chỉ phát triển kỹ thuật vi phẫu được hơn 10 năm. Việt Nam lúc đó lại đang gặp phải khủng hoảng kinh tế. Một sợi chỉ khâu vi phẫu lúc đó đáng giá hàng tạ gạo và nuôi sống được rất nhiều người. Bối cảnh đó, càng giúp chúng ta hôm nay thấy được nhiệt huyết, tầm nhìn vượt thời gian của GS Nguyễn Huy Phan khi ông quyết tâm tranh thủ sự giúp đỡ của các nhà khoa học quốc tế, đưa kỹ thuật vi phẫu về Việt Nam.

Vi phẫu thuật không phải là tiểu phẫu - phẫu thuật nhỏ. Vi phẫu thuật là những phẫu thuật sử dụng đến kính hiển vi với độ phóng đại thông thường từ 10 đến 20 lần để phẫu tích, khâu nối những mạch máu, thần kinh có kích thước chỉ khoảng 1mm, đường kính bằng những sợi chỉ từ 15 đến 42 micron (khoảng 1/10 đường kính của sợi tóc). Trong thực tế chiến trường và cuộc sống hằng ngày, người bệnh có thể gặp những tai nạn mà một phần của cơ thể bị đứt rời, đặc biệt là các ngón tay, cẳng tay, thậm chí bộ phận dương vật của bệnh nhân nam. Phẫu thuật kinh điển trước đó bó tay với bệnh nhân kiểu này vì dù có gắn kết lại các ngón tay, có khâu lại phần dương vật bị đứt rời với gốc của nó thì các mạch máu cũng đã bị đứt và không thể cấp máu để nuôi dưỡng những phần bị đứt rời đó. Năm 1970, vi phẫu thuật trên thế giới ra đời là để giải quyết vấn đề phức tạp đó.

Thiếu tướng Nguyễn Huy Phan sinh ngày 14-7-1928 tại xã Dương Xá (Gia Lâm, Hà Nội). Năm 1946, khi mới là sinh viên năm thứ nhất Trường Y Hà Nội, ông tham gia chiến đấu bảo vệ Hà Nội với tư cách tự vệ kiêm cứu thương. Một lần đi kiểm tra công tác quân y trong lực lượng tự vệ Thủ đô, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp thấy ông còn trẻ nhưng tham gia cứu chữa thương binh rất tận tụy, lại có nhiều hiểu biết về ngoại khoa nên khuyên ông cố gắng tiếp tục học tập. Nghe theo lời khuyên đó, ngay sau khi thủ đô Hà Nội giải phóng năm 1954, ông trở lại trường học và năm 1955 thì đi nghiên cứu sinh tại Liên Xô. Năm 1959, ông trở thành tiến sĩ y học đầu tiên của Việt Nam.

Trong rất nhiều câu chuyện “huyền thoại có thật” về GS Nguyễn Huy Phan, có chuyện rằng: Năm 1969, chiến sĩ trẻ Trần Ngọc B, nhập viện trong tình trạng dương vật đã bị mảnh đạn tiện cụt. GS Nguyễn Huy Phan đã quyết định phải tái tạo lại cho được bộ phận đã mất. Vậy là ca phẫu thuật tạo hình dương vật đầu tiên ở Việt Nam được ông tiến hành với 6 lần mổ trong 7 tháng điều trị. Một chuyện tình hy hữu xảy ra. Cô y tá được giao nhiệm vụ chăm sóc anh thương binh nọ trong suốt quá trình điều trị đã đem lòng... yêu anh. Kết cục thật đẹp: B xuất viện trở về quê, đem theo cô y tá. Họ thành vợ, thành chồng, sống hạnh phúc với nhau, liên tiếp cho chào đời 3 đứa con khỏe mạnh... Sự thành công của ca phẫu thuật đầu tiên làm nức lòng GS Nguyễn Huy Phan và cộng sự - những học trò của ông. Đến năm 1979, thầy trò ông đã tiến hành thành công 25 ca phẫu thuật tạo hình dương vật.

Cũng năm 1979, Hội phẫu thuật tạo hình quốc tế tổ chức hội thảo khoa học tại Pa-ri đã đặc cách mời GS Nguyễn Huy Phan đến thuyết trình. Nhân cơ hội này, ông kiên trì vận động và thuyết phục bạn bè quốc tế hỗ trợ GS tiến hành đề tài “Ứng dụng vi phẫu thuật trong ngoại khoa”. Bà Vũ Ngọc Huệ, vợ ông kể rằng: “Để đưa kỹ thuật vi phẫu vào Việt Nam, cái thiếu nhất lúc đó là chỉ khâu. Một bác sĩ người Nhật, bạn ông gửi tặng một số chỉ khâu qua việc nhờ một nhà khoa học khác sang thăm Nhật “xách tay” về Việt Nam. Vì lúc đó, chỉ khâu vi phẫu là một thứ còn rất xa lạ nên vị khách cầm hộ khi đã mang về còn suýt quên. May sao, nhờ nhận được thư của người bạn nên cuối cùng, ông ấy cũng nhận được thứ mình đang rất cần”.

Kết quả của đề tài mà GS Nguyễn Huy Phan ấp ủ là chỉ sau một quãng thời gian ngắn, ông thu thập được một số tài liệu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau về vi phẫu, tổ chức một lớp huấn luyện cho 16 bác sĩ trẻ về lý thuyết cơ bản vi phẫu thuật. Về thực nghiệm, ông tổ chức một tổ thực nghiệm vi phẫu thuật tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 gồm một số bác sĩ trẻ thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau thường xuyên tiến hành thực nghiệm, tập mổ nối mạch máu, thần kinh… Về lâm sàng, ông trực tiếp thực hiện thành công việc nối một ngón tay đứt lìa khỏi bàn tay vào năm 1981. Về trang thiết bị tự chế, ông phối hợp với các kỹ sư của Nhà máy Z133 tham gia chế tạo thành công các dụng cụ vi phẫu thuật cơ bản như: Kẹp mạch sóng đôi, kìm cặp kim khâu, nỉa, kéo… Đặc biệt, Nhà máy Z133 đã chế tạo được máy đốt lưỡng cực và kim chỉ không chấn thương cỡ 10/0 – những vật dụng không thể thiếu trong vi phẫu thuật.

Đến nay, bằng những nỗ lực không ngừng của thế hệ học trò ban đầu do GS Nguyễn Huy Phan đào tạo, ngành vi phẫu thuật Việt Nam không chỉ bó hẹp trong những trường hợp tai nạn ban đầu. Vi phẫu thuật ở Việt Nam thực sự mang đến những điều kỳ diệu trong lĩnh vực phẫu thuật tạo hình, sửa chữa, tái tạo những di chứng, những khiếm khuyết do bẩm sinh và mắc phải. Một trong những ví dụ kinh điển về giá trị của vi phẫu thuật là việc tạo hình lại dương vật cho những trường hợp khiếm khuyết do bẩm sinh hoặc bị cắt. Thay bằng mất vài lần phẫu thuật theo phương pháp kinh điển, với phẫu thuật vi phẫu chỉ cần 1 lần, chất lượng lại tốt hơn. Hay những trường hợp liệt một nhóm cơ vận động, bằng kỹ thuật chuyển ghép cơ co nối thần kinh, mạch máu vi phẫu có thể trả lại chức năng vận động và khả năng lao động cho người bệnh, điều mà trước kia được coi là hoang đường. Hay việc dùng cả một mảng da lớn lành lặn ở những vùng kín đáo ở lưng, đùi thay thế cho những sẹo bỏng chằng chịt ở vùng cổ, mặt, giúp người bệnh có thể ăn uống, hít thở bình thường và quan trọng hơn là hòa nhập cộng đồng.

Còn rất nhiều những câu chuyện tuyệt vời về giá trị mà vi phẫu thuật mang đến cho con người, chính xác hơn là cho những người bệnh mà bản thân họ, thậm chí nhiều bác sĩ không làm trong chuyên ngành có thể hình dung được. Những thành công, giá trị của vi phẫu thuật mở ra một kỷ nguyên mới cho nền ngoại khoa nói riêng và y học nói chung. Rất nhanh chóng và cập nhật, ngày nay, vi phẫu thuật đã được ứng dụng trong nhiều chuyên khoa của bệnh viện như: Phẫu thuật tạo hình – mặt hàm, chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật thần kinh - sọ não... Để có được thành tựu đó, các chuyên gia đầu ngành của ngành vi phẫu thuật Việt Nam hiện nay thường nhắc đến niềm tin mà người thầy – GS Nguyễn Huy Phan đã truyền lửa cho họ trong những ngày đầu bước vào nghiên cứu.

Những hoạt động tích cực của GS Nguyễn Huy Phan cũng là cơ sở quan trọng để tháng 3-1991, bộ môn Phẫu thuật Tạo hình được thành lập tại Trường Đại học Y Hà Nội mà chính GS Nguyễn Huy Phan là Chủ nhiệm bộ môn đầu tiên. Sau ông là người cộng sự: PGS, TS Nguyễn Bắc Hùng tiếp tục đảm nhận xuất sắc nhiệm vụ đó. Từ năm 1995, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nơi ông gắn bó cả cuộc đời và sự nghiệp, bộ môn Phẫu thuật – Tạo hình cũng được thành lập. Những người học trò của ông đến nay đã phát triển lớn mạnh, đang kế tục hoài bão của ông, đưa chuyên ngành vi phẫu thuật tạo hình lớn mạnh ngang tầm quốc tế.

Bài và ảnh:
Nhóm phóng viên CTĐ,CTCT
 

Bài 1: Tướng quân dập dịch, diệt sốt

Bài 3: Một đời làm theo lời Bác