Cách đây 50 năm, ngày 12-3-1960, chiến sĩ cách mạng Hoàng Lê Kha bị chính quyền ngụy Ngô Đình Diệm sát hại tại Tây Ninh. 50 năm đã trôi qua, nhưng tấm gương bất khuất của ông vẫn được nhắc đến như một niềm tự hào về truyền thống cách mạng của nhân dân Tây Ninh.
Nạn nhân cuối cùng của Luật 10/59
Nhớ đến Hoàng Lê Kha là nhớ đến một giai đoạn lịch sử cực kỳ đen tối nhưng cũng vô cùng hào hùng của dân tộc. Sau năm 1954, ngụy quyền Sài Gòn, được đế quốc Mỹ ủng hộ đã cố tình chia cắt đất nước thành hai miền, không thực hiện các điều khoản đã cam kết trong Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam. Chúng thẳng tay đàn áp những người đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất nước nhà; những người đã tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và nhất là những người cộng sản. Khắp miền Nam đầy rẫy cảnh tù đày và chết chóc.
Đến năm 1959, để tự cứu lấy mình, nhân dân miền Nam đã vũ trang nổi dậy, đánh đổ chính quyền ngụy ở nhiều nơi, trừng trị nhiều tên tay sai gian ác. Để đối phó với phong trào nổi dậy của nhân dân ngày càng rộng lớn, chính quyền ngụy Sài Gòn đã tăng cường khủng bố và đàn áp. Hành động tàn bạo nhất mà chắc chắn đến muôn đời, nhân dân ta không thể quên là việc chúng ban hành Luật 10/59, kéo lê máy chém đi khắp nơi giết hại ngay tại chỗ những người yêu nước. Chiến sĩ cách mạng Hoàng Lê Kha đã sống và hoạt động trong bối cảnh đó và chịu cảnh “đầu rơi máu chảy” bởi công cụ giết người man rợ của thời trung cổ được chính quyền ngụy áp dụng.
 |
Tượng anh hùng Hoàng Lê Kha đặt tại Trường chuyên Hoàng Lê Kha (Tây Ninh). |
Hoàng Lê Kha sinh năm 1917, tại làng Trang Các, nay thuộc xã Hà Phong, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Với lòng yêu nước ông giác ngộ cách mạng từ rất sớm; ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1936 trong thời gian tham gia phong trào cách mạng tại Trường Bách nghệ Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc tại Sở Đạc điền Hà Nội, vừa làm việc, vừa tham gia các phong trào truyền bá quốc ngữ và các hoạt động yêu nước, đấu tranh đòi dân chủ khi Mặt trận Bình dân lên cầm quyền ở Pháp.
Năm 1940, nhiều cơ sở cách mạng ở Hà Nội bị lộ và bị khủng bố, Hoàng Lê Kha được chuyển vào hoạt động tại Sài Gòn. Tại đây, ông tích cực tham gia các hoạt động yêu nước của phong trào thanh niên, sinh viên thành phố. Nhiều người sống cùng thời nhớ rõ Hoàng Lê Kha lúc đó-một thanh niên vui tính, yêu văn nghệ, thích diễn kịch, từng thủ vai Nguyễn Trãi trong vở “Đêm Lam Sơn”, cùng nhiều nhân vật lịch sử khác trong các vở kịch có nội dung yêu nước đã được trình diễn ở Đa Kao, Gò Vấp và nhiều nơi khác trong thành phố, cũng như ở một vài tỉnh lân cận. Năm 1945, ông tham gia cướp chính quyền tại Sài Gòn và từ đó đến năm 1954, trở thành một trong những cán bộ chủ chốt của tỉnh Gia Định (sau này đổi thành Gia-Định-Ninh).
Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ông được phân công về hoạt động tại tỉnh Tây Ninh, được chỉ định làm Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, trực tiếp phụ trách thị xã Tây Ninh và huyện Châu Thành. Thời gian này, địch mở cuộc “chiến tranh đơn phương”, đánh phá cách mạng rất ác liệt. Ông cũng như nhiều cán bộ khác phải hoạt động trong những điều kiện cực kỳ gian khổ và nguy hiểm. Hoàng Lê Kha đã chịu đựng và vượt qua mọi gian nguy để gây dựng phong trào, phát triển lực lượng cách mạng. Tây Ninh lúc đó có phong trào quần chúng đấu tranh vũ trang khá mạnh, là một trọng điểm đối phó của địch. Ở đây đã nổ ra nhiều vụ phá tề, diệt ấp, tấn công đồn bốt địch, đem lại những thắng lợi ban đầu đầy ý nghĩa.
 |
Một góc Trường chuyên Hoàng Lê Kha hiện nay. |
Trong khi phong trào cách mạng đã chuyển sang giai đoạn đấu tranh vũ trang thì chẳng may, ngày 5-8-1959, ông bị sa vào tay địch ở ngoại vi thị xã Tây Ninh. Bắt được Hoàng Lê Kha, ngụy quyền Sài Gòn thừa biết rằng không thể nào khuất phục được con người sắt đá này. Ngày 2-10-1959, tại pháp đình tỉnh Tây Ninh, tòa án quân sự đặc biệt của chính quyền ngụy Sài Gòn đã mở phiên tòa xét xử Hoàng Lê Kha. Tại phiên tòa, ông đã thể hiện khí phách của người cộng sản kiên cường, có học vấn, rất tự tin vào con đường chính nghĩa của mình. Không yêu cầu luật sư biện hộ, ông đã lên án bản chất phản dân, hại nước của bè lũ Ngô Đình Diệm; tố cáo tội ác của chúng và dõng dạc tự hào mình là một đảng viên cộng sản. Nhiều tờ báo Sài Gòn, ngày hôm sau đồng loạt đăng tải tin tức và bài vở về sự kiện này đều chung nhận xét: "Hoàng Lê Kha rất bình tĩnh, trả lời rành mạch, không từ chối việc làm của mình”. Đặc biệt, tờ nhật báo Buổi sáng số ra ngày 3-10-1959 có in ảnh Hoàng Lê Kha cùng một người bạn tù của ông cũng bị đưa ra xét xử trong ngày hôm ấy, bên cạnh có bài tường thuật về phiên tòa khá dài và chi tiết với lời kết thúc như sau: “Trong 5 phiên toà quân sự đặc biệt, từ Vĩnh Bình, An Xuyên, Cần Thơ, Kiến Phong và đến nay là Tây Ninh, có thể nói 2 bị can trong phiên xử hôm qua mới là 2 bị can thẳng thắn nhận tội giữa tòa và rất bình tĩnh khi nhận án, suốt trong phiên xử, cả 2 không lần nào xin sự khoan hồng nơi tòa”. Phóng viên Kim Mai, người viết bài tường thuật này đã không giấu được sự kinh ngạc và thán phục.
Sống mãi với non sông
Kết án tử hình Hoàng Lê Kha, ngụy quyền Sài Gòn không lường hết những hậu quả bất lợi cho chúng. Bản án đã gây nên sự phẫn nộ khắp nơi trong nước. Đồng bào miền Bắc đã liên tục mít-tinh, biểu tình, gửi nhiều kiến nghị đến Ủy ban quốc tế giám sát đình chiến ở Việt Nam đòi trả tự do cho Hoàng Lê Kha cùng những người yêu nước khác, đòi hủy bỏ bản án giết người, đòi lật đổ ngụy quyền Sài Gòn và đòi chấm dứt sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam… Nhân dân và các lực lượng yêu nước ở miền Nam đẩy mạnh các hoạt động vũ trang tiêu diệt địch, riêng tại tỉnh Tây Ninh còn có một số hoạt động nhằm giải thoát cho người cán bộ lãnh đạo yêu quý của mình. Một số nhân sĩ trí thức yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, một số tổ chức quốc tế tiến bộ như Hội đồng Hòa bình thế giới, Hội luật gia dân chủ quốc tế... cũng đã lên tiếng tiếp sức cho làn sóng đấu tranh của nhân dân ta. Làn sóng đấu tranh mạnh mẽ đó tuy không ngăn chặn được hành động tội ác của bè lũ Ngô Đình Diệm, nhưng cũng đã làm cho chúng lúng túng và lo sợ. Rạng sáng ngày 12-3-1960, tức ngày rằm tháng 2 năm Canh Tý, chúng đưa Hoàng Lê Kha ra pháp trường. Cuộc hành quyết diễn ra một cách vội vàng và lén lút. Ông bị hành hình bằng máy chém và là nạn nhân cuối cùng của cực hình này. Bị dư luận trong nước cũng như trên thế giới lên án nặng nề, ngụy quyền Sài Gòn phải từ bỏ cái công cụ giết người quá man rợ đó, không dám tiếp tục sử dụng. Hiện nay, nó đang được trưng bày như một chứng tích của tội ác tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hoàng Lê Kha ngã xuống năm ông 44 tuổi. Ông để lại biết bao thương tiếc và cảm phục trong lòng đồng bào, đồng chí, bạn bè và người thân. Ông được Đảng, Nhà nước ta truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 1997. Chính quyền và nhân dân Tây Ninh đã xây dựng khu tưởng niệm rất trang trọng chính nơi ông đã ngã xuống. Trên tấm bia đá đỏ rất lớn đặt trước pho tượng của ông, khắc ghi tiểu sử và dòng chữ: “Ông là người tận trung với Đảng, hiếu với dân, kiên cường, bất khuất trước kẻ thù. Ông sống giản dị, thủy chung, được nhân dân tin yêu, tận tụy với nhiệm vụ đến hơi thở cuối cùng. Gương hi sinh lẫm liệt của ông đã nung nấu sục sôi lòng căm thù giặc, thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào Tây Ninh và cả nước. Liệt sĩ Hoàng Lê Kha sống mãi với non sông”.
Để tưởng nhớ Hoàng Lê Kha, năm 1962, Tỉnh ủy Tây Ninh quyết định lấy tên của ông đặt cho một ngôi trường và một xưởng in trong vùng giải phóng. Tên xưởng in vẫn được duy trì cho đến ngày nay và trường chuyên của tỉnh hiện nay cũng được vinh dự mang tên anh hùng Hòang Lê Kha. Đây là một trong những trường chuyên có chất lượng đào tạo được đánh giá cao của cả nước.
Bài và ảnh: Hoàng Nghĩa – Vân Đình