Ông Trung dẫn tôi lên con tàu composite. Theo ông, con tàu này đi thật êm, chịu được sóng cấp 7, có thể vươn khơi đến nơi xa nhất vùng biển nước ta. Ông chủ cắt nghĩa việc đánh bắt xa bờ rất có lợi vì các loại hải sản có giá trị kinh tế cao đều nằm xa bờ, tuy chi phí bỏ ra lớn nhưng lãi thu về cũng lớn. Tính ra một chuyến đi biển kéo dài ít nhất 15 ngày, tàu đầy cá có thể lãi tầm 200 triệu đồng, nếu may mắn gặp đàn cá lớn, chuyến đi biển kéo dài hơn có thể lên đến tiền tỷ. Đánh bắt gần bờ với tàu nhỏ đi ít ngày, chủ yếu là cá tạp, tiền bán cá chỉ đủ bù tiền dầu máy, lời lãi giỏi lắm được 200.000 đồng/ngày/người. Lúc tàu chuẩn bị xuất phát, tôi thấy lạ là ông Trung lại đi xem xét hồi lâu trên cả tàu vỏ gỗ nhỏ hơn neo bên cạnh. Hỏi ra tàu vỏ gỗ cũng là sở hữu của ông. Ông kêu đánh cá dài ngày, hiệu quả cao hơn thì phải có thêm một tàu nữa. Ông bảo tôi cứ đi xem đánh cá rồi sẽ biết vì sao lại cần đến tận hai tàu.

leftcenterrightdel
 Minh hoạ: Tô Ngọc.
Tàu lướt nhanh ra biển, đất liền xa dần, cuối cùng chỉ còn là một vết mờ đằng sau lưng, đối diện lúc này là mặt nước mênh mông, ảo ảnh như thấy chân trời và mặt biển chạm vào nhau. Nắng chiều vàng ong khảm trên mặt biển những lấp lánh màu bạc, đẹp và buồn, nỗi buồn khi con người nhỏ bé giữa biển trời bao la. Khi đêm xuống, nhiệt độ giảm, mát dịu hơn với những con gió mạnh. Bữa cơm tối đầu tiên trên biển với cơm dẻo, canh rau vẫn còn tươi xanh và ngon nhất là mấy chú cá dính mồi câu được thả vu vơ. Chút gừng tỏi ớt và chanh trộn với phi lê cá băm nhuyễn, vậy là đã có món gỏi cá biển tươi, ngon mà có lẽ không sơn hào hải vị nào trên đời sánh bằng. Tôi nhớ về thời bé sống ở một thành phố tỉnh lẻ, cả ngày bị nhốt trong nhà, thế giới ngoài kia hiện lên thông qua… màn hình ti vi. Có lần, tôi xem một chương trình khám phá biển đảo của nước ngoài, nhân vật trải nghiệm đánh cá ngoài biển, câu được cá, liền lấy con dao đa năng cắt ngay lườn cá tươi còn giần giật, vắt chanh, rắc muối và ăn sống, khuôn mặt ông ta đầy khoái cảm. Ước ao ra biển, được trải nghiệm sự phóng khoáng của lối sống gắn liền với biển cả cứ đeo bám tôi mãi và rồi mọi thứ đều là hiện thực lúc này, không ngờ đến nhanh vậy.

Đêm dần về khuya, những ngư dân đánh bài giải trí, tôi lại ngồi hàn huyên cùng ông chủ tàu. Nhiều đời gia đình ông theo nghề biển. Ông gắn bó với biển từ khi lên 10 đến nay cũng gần 40 năm. Tích cóp mãi rồi cũng có tàu riêng, vỏ gỗ, công suất máy thấp, dần dần mới khá lên làm chủ hai tàu như bây giờ. Nghề đi biển bao đời nay phải đối diện với nhiều chuyện nào là thiên tai, nhân tai, lực lượng theo nghề giảm, bị ép giá… Cách đây 10 năm, một tàu vỏ gỗ của ông gặp bão, chìm dưới đáy biển, may được Nhà nước hỗ trợ vay vốn để đóng được tàu mới. Ông tin với kinh nghiệm của mình sẽ sớm trả được các khoản vay. Nhưng nghề đi biển còn phụ thuộc nhiều ở may rủi nữa. Ông tâm sự, cũng chỉ làm nghề hơn chục năm nữa là “rửa tay gác kiếm”, tìm nghề khác trên đất liền an dưỡng tuổi già. Nghĩ hơi tiếc là những đứa con của ông không ai theo nghề biển cả, nhưng biết đâu điều đó lại là tốt cho mấy đứa nhỏ? Nói thì nói vậy, ông vẫn tin biển bạc nhiều cá ngoài kia là một thế giới đầy hấp dẫn, hy vọng có nhiều bạn nghề trẻ đang làm trên thuyền của ông sẽ quyết tâm trở thành ông chủ tàu cá vươn khơi bám biển.

Qua mấy ngày lênh đênh, tàu đến vùng biển dòng hải lưu chảy, có thể có đàn cá lớn. Trời vừa dựng sáng, các ngư dân đã dậy chuẩn bị cho ngày làm việc đầu tiên. Người lo nấu cơm, người kiểm tra máy, riêng ông Trung làm lễ cúng biển. Đồ cúng có đĩa muối. Cúng xong, ông ném muối xuống biển. Đó là hành động biểu tượng của những ngư dân trả nghĩa biển, lấy đi của biển cá thì trả lại muối.

Thuyền trưởng chỉ huy cho hai chiếc tàu của mình chạy song song, cách nhau khoảng 5 hải lý để quan sát đàn cá thì bỗng nhiên gặp bó chà (bó cây tre trôi trên biển), thường ở dưới đó sẽ có cá. Tàu dừng lại và bật máy dò cá lên tìm kiếm, phát hiện có đàn cá đang ở dưới đó. Ông Trung thốt lên: “Hên quá! No ấm đây rồi!” Nhưng không thả lưới vội mà phải tiến hành giữ đàn cá, tăng tốc tàu vượt lên rồi mới vây lưới. Nhanh chóng bao trọn đàn cá, và cứ thế lần lượt múc cá lên. Hết đợt này đến đợt khác, tôi nhìn đã thấy nản, huống chi làm việc cật lực hơn chục tiếng đồng hồ liền. Đến đêm mới đem cá được vào các hầm. Tàu lớn lập tức chở cá về bờ bán. Tôi chuyển sang tàu vỏ gỗ nhỏ hơn. Tàu có nhiệm vụ tiếp tục theo dõi, giữ cá dụ chúng gom đàn thêm, chờ tàu lớn quay ra đánh tiếp.

Tàu chạy mấy ngày mới về cảng cá để bán. Bổ sung dầu, xay đá, thêm lương thực để quay ra biển ngay. Cứ thay phiên nhau, tàu nhỏ vào bờ chở cá, tàu lớn ở lại đánh bắt tiếp. Chỉ một đàn cá, với hai chiếc tàu thay phiên nhau hiệp đồng chặt chẽ và đã đánh được gần 50 tấn cá, thu hơn 500 triệu đồng. Đến giờ tôi hiểu vì sao lại dùng đến hai tàu. Hai chiếc đi cùng một lúc, đến ngư trường cùng tỏa đi tìm đàn cá. Ông Trung đã học được bí quyết “giữ chân” đàn cá và chờ tàu lớn quay trở ra buông lưới đánh bắt tiếp, cứ như vậy mà đánh bắt, có khi kéo dài một tháng mới bắt hết đàn cá. Tốc độ tàu chạy, cách giữ sao cho thật hài hòa với dòng hải lưu, để con cá bị dụ theo mồi và nó mới ở lại lâu, tiếp tục gom thêm đàn. Quá trình dẫn dụ đàn cá, tuyệt đối tránh xa các rạn đảo, nếu như thuyền trưởng dẫn đàn cá đi vào sát đảo, lập tức cả đàn cá sẽ biến mất. Đồng thời cũng phải biết cách xua đuổi cá heo bằng cách ném ớt bột xuống biển. Thảo nào trên tàu có hàng chục cân ớt bột mà tôi tưởng là các ngư dân quen ăn cay mua để dùng dần.

Tôi tóm tắt cách đánh cá của ông Trung theo cách hiểu của tôi, đúng là nghề nào cũng có những kỹ thuật riêng, hiểu hướng gió, dòng chảy, tập tính của đàn cá… mà chắc chắn người ngoại đạo như tôi vẫn thấy tù mù. Cũng lẽ thường, 40 năm đi biển, cả cuộc đời gắn bó với biển, đôi khi phó mặc mạng sống cho biển, không sành, không giỏi mới là lạ.

Rồi cái ngày trở về đất liền cũng đến. Tạm biệt những ngư dân hiền lành, chất phác, tôi trở về với đời sống hằng ngày mà vẫn mang trong mình nỗi nhớ biển khơi: Nhớ mùi cá, nắng gió biển khơi, sinh hoạt trên tàu… Ngẫm nghĩ lại mấy ai được trải nghiệm may mắn, vui vẻ như tôi, chợt thấy mình đã làm được nhiều hơn ước mơ thời thơ ấu của mình.   

Tùy bút của AN ĐỊNH