Ngã ba Từ Hồ (đoạn quốc lộ 39) qua xã Dân Tiến (Khoái Châu, Hưng Yên) lòng đường biến thành chợ cóc. Ảnh: ANH THU

Hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường bộ trên địa bàn cả nước bị xâm phạm nghiêm trọng. Hàng loạt công trình nhà ở, lều quán, các khu công nghiệp, khu dân cư, khu kinh tế-dịch vụ bám dọc các tuyến đường; tình trạng đấu nối, mở đường ngang tùy tiện ra quốc lộ góp phần làm gia tăng tai nạn, ùn tắc giao thông, gây lãng phí vốn đầu tư xây dựng và làm giảm năng lực khai thác các tuyến đường bộ.

Quốc lộ , tỉnh lộ đều bị... “xâu xé”

Nhận xét trên có phần chua chát, nhưng nếu lấy tiêu chí về tiêu chuẩn đường (theo cấp kỹ thuật) để so sánh và hiện tại mặt chính những con đường đang bị xâm phạm không thương tiếc thì đó là một thực tế rõ ràng. Quốc lộ 5 rộng rãi ngày nào, tuyến đường mới mở Láng-Hòa Lạc hay quốc lộ 1 mới được nâng cấp… người dân dọc hai bên đường đã ào ạt lấn chiếm. Người ở sát đường thì mái che, mái vẩy, đổ vật liệu, lấn chiếm xây nhà tạm rồi “kiên cố hoá” thành cửa hàng, nơi ở. Nhiều nơi, người dân họp chợ, phơi rơm rạ, đổ phế liệu… phớt lờ quy định của pháp luật về ATGT. Không ít cán bộ cơ quan, doanh nghiệp, chính quyền địa phương (nhất là các ngành điện lực, bưu điện, cấp thoát nước, xăng dầu…) cũng vi phạm các quy định về hành lang an toàn đường bộ. Việc quản lý, sử dụng và bảo vệ đất hành lang an toàn đường bộ chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều địa phương giao đất, cho thuê đất, cấp phép xây dựng không đúng thẩm quyền, khi chưa có quy hoạch làm cho hành lang đường bộ càng trở nên phức tạp.

Quốc lộ 1 - tuyến đường huyết mạch qua 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì cả 30 địa phương đều lấy tuyến quốc lộ này làm đường trục đô thị, quy hoạch tới 130 thành phố, thị xã (chưa kể khu dân cư chưa xếp loại) và thị trấn với tổng chiều dài đô thị hóa là 550km. Từ vấn đề “lịch sử” này, để bảo đảm ATGT qua các khu đô thị, Nhà nước đã đầu tư một khoản kinh phí lớn cùng nhiều đất đai để làm các đường tránh, nhưng những đoạn đường tránh này sau khi xây dựng xong lại tiếp tục bị đô thị hóa.

Tình trạng mở rào chắn, dải phân cách, đấu nối trái phép quốc lộ với các công trình khác cũng diễn ra khá phổ biến. Quốc lộ 5 dài 106km, nhưng có tới 346 vị trí đấu nối, trong đó chỉ có 68 vị trí được cấp phép; bình quân cứ 300m có một vị trí đấu nối! Đây là một trong những nguyên nhân khiến quốc lộ 5 trở thành tuyến đường có số vụ tai nạn giao thông bình quân trên 1km cao nhất cả nước. Theo thống kê của Bộ GTVT, quốc lộ 1 từ Lạng Sơn đến Cà Mau có đến gần 6.000 công trình xây dựng trong đất hành lang giao thông đường bộ, trong đó 194 khu công nghiệp, hơn 2.100 khu dân cư, hơn 1.000 cửa hàng xăng, dầu, gần 2.400 công trình khác và bình quân cứ 300m có một đường nhánh.

Biết sai, vẫn “làm liều”

Lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn đường bộ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, phá vỡ quy hoạch phát triển giao thông đường bộ và quy hoạch khu dân cư đô thị, ảnh hưởng lớn đến tiêu chuẩn kỹ thuật các tuyến đường bộ. Với mong muốn thu hút đầu tư, đẩy nhanh phát triển kinh tế, nhiều địa phương đã bỏ qua các công đoạn quản lý, dẫn đến việc giao đất, cấp phép xây dựng khi chưa có quy hoạch được phê duyệt, chưa có kết cấu hạ tầng; đặc biệt là việc giao cho tổ chức, cá nhân tự lo mọi thủ tục từ giải phóng mặt bằng, cấp điện nước, mở đường vào vị trí đất được giao, làm cho cơ quan quản lý đường bộ rơi vào tình trạng “việc đã rồi”.

Khi hành lang an toàn tuyến đường bị lấn chiếm, đường tự “nhỏ đi”, nghĩa là nhiều hoạt động thường ngày của người dân đều diễn ra ở sát mép đường, trên mặt đường… cản trở đáng kể tốc độ lưu thông của phương tiện cơ giới, hạn chế tầm nhìn, tạo ra nhiều yếu tố bất ngờ, gây mất ATGT, làm mất tính chất của các trục đường giao thông quốc gia. Tuyến đường Láng-Hòa Lạc, từ km 13 đến km 17 một phần mặt đường đã biến thành chợ… nông sản từ vài năm nay. Khi chúng tôi hỏi: Việc bán hàng dưới đường có vi phạm hay không, chị Khuất Thị Hồng (quê ở Phúc Thọ, Hà Tây) đang bày một xe khoai lang bán trên đường vẫn “vô tư” trả lời: “Không biết”. Chị còn hào hứng kể: “Hôm trước, có chiếc xe du lịch qua đây, đường đông, tránh xe ngược chiều, quệt đổ một xe trứng, còn phải đền nữa là…”.

Vi phạm lấn chiếm hành lang giao thông diễn ra phổ biến, nhưng mức xử phạt hiện nay còn nhẹ, không có tính răn đe. Chính quyền nhiều địa phương thiếu kiên quyết khi giải tỏa, cưỡng chế vi phạm; đặc biệt để các chợ tạm, chợ cóc ngang nhiên lấn chiếm lòng lề đường, tạo nên những “điểm nóng” về trật tự ATGT. Đã có rất nhiều chiến dịch ra quân, giải tỏa hành lang an toàn đường bộ, nhưng chỉ một thời gian ngắn, kết quả lại như “ném đá ao bèo”.

Ra quân quyết liệt, đồng bộ

Để xảy ra tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép các công trình trong hành lang có nhiều nguyên nhân, nhưng rõ ràng còn thiếu đồng bộ trong triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ. Các công trình vi phạm đa dạng, tồn tại cả những yếu tố lịch sử (như nhà ở có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) việc xử lý dứt điểm đòi hỏi có sự chung tay của nhiều ngành, nhiều lực lượng. Chúng tôi đã có buổi làm việc với Ban An toàn giao thông, Thanh tra giao thông, Sở GTVT tỉnh Hưng Yên; ghi nhận những nỗ lực của các ngành trong bảo đảm an toàn hành lang giao thông các tuyến quốc lộ 5, 38, 39… qua địa bàn tỉnh, nhưng tình hình vi phạm vẫn phức tạp, nhất là tình trạng xây nhà, làm mái vẩy, mái che, lấy hè đường làm nơi buôn bán, kinh doanh. Chánh thanh tra Sở GTVT tỉnh, ông Nguyễn Minh Phương cho biết: Tỉnh đã cho UBND các huyện, xã thống kê số hộ dân ven đường để xây dựng kế hoạch tái định cư, giải tỏa thông thoáng hành lang. Sở GTVT cũng đang khẩn trương quy hoạch đường gom, thống nhất những điểm đấu nối để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.

Bộ GTVT đã trình Chính phủ đề án lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền các cấp và đề xuất các giải pháp thực hiện. Theo “dự án” này, từ nay đến hết quý 1-2008, giải tỏa toàn bộ lều, quán, công trình xây dựng trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ đã được bồi thường, công trình tái lấn chiếm dọc quốc lộ 1 và khu vực lân cận nút giao giữa các đường nhánh với quốc lộ 1; trên các tuyến quốc lộ khác, đường địa phương hay xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông. Kinh phí thực hiện cũng được “phân cấp” rõ: Công trình giải tỏa trên các tuyến quốc lộ do ngân sách Trung ương cấp; công trình trên tuyến đường địa phương, chi từ ngân sách địa phương.

Tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ những năm qua chiếm từ 95% đến 98% cả về số vụ và số người chết do TNGT trong toàn quốc, mà tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ là một trong những nguyên nhân trực tiếp. Sự ra quân đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương giải tỏa, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ là đòi hỏi cấp bách, không những góp phần giảm thiểu TNGT mà còn lập lại trật tự kỷ cương trong thực hiện Luật Giao thông đường bộ.

Nhóm phóng viên Quốc phòng-an ninh