Việc xóa "điểm đen" giao thông trên địa bàn cả nước được Cục Đường bộ (Bộ GTVT) xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên số 1 trong những tháng tới. "Cục Đường bộ sẽ tăng cường đầu tư kinh phí và nỗ lực cao nhất để hoàn thành kế hoạch"-Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Mai Văn Đức khẳng định như vậy.

Lộ trình và những "rào cản"

Nguy cơ thường trực tai nạn giao thông tại "điểm đen" phía bắc cầu Hoàng Long (Thanh Hóa). Ảnh: NGỌC VÂN

Theo Nghị quyết 32 của Chính phủ, ngành GTVT phải hoàn thành kế hoạch xóa "điểm đen" đã phát hiện trên hệ thống quốc lộ trước ngày 30-11-2007. Từ năm 2008, những "điểm đen" về TNGT được phát hiện phải xử lý xong trong khoảng 90 ngày, kể từ ngày hoàn tất hồ sơ…

Tuy nhiên, tại hội nghị triển khai Nghị quyết 32 của Chính phủ vừa tổ chức tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cũng thẳng thắn thừa nhận: Việc xử lý các "điểm đen" giao thông thời gian qua hiệu quả chưa cao, do nhiều vị trí bị xuống cấp về cơ sở hạ tầng. Tại một số địa phương, "điểm đen" sau khi được xử lý một thời gian lại "tái đen".

Theo đánh giá của Bộ GTVT, những năm qua, công tác cải tạo "điểm đen" đã được tiến hành thường xuyên; mỗi năm có từ 40 đến 80 điểm đã được xử lý. Hiện Cục Đường bộ đã hoàn chỉnh hồ sơ gần 60 "điểm đen" cần xử lý với kinh phí mỗi điểm từ vài chục triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập cần giải quyết như việc phối hợp giữa Bộ GTVT và các địa phương chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả; vướng mắc về trình tự, thủ tục xác định và tiến hành xử lý; tiến độ khắc phục, xử lý "điểm đen" thời gian qua nhìn chung còn chậm…

Quyết định số 13 (tháng 2-2005) của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc xác định và xử lý "điểm đen" quy định: Đối với "điểm đen" trên tuyến quốc lộ, khu quản lý đường bộ (hoặc Sở GTVT, Sở Giao thông công chính được ủy quyền quản lý đoạn quốc lộ) căn cứ báo cáo của đơn vị quản lý đường bộ trực thuộc tiến hành thẩm định bước đầu, lập hồ sơ phân loại ưu tiên và giải pháp xử lý trình Cục Đường bộ phê duyệt, cho phép đầu tư. Đối với các "điểm đen" trên đường địa phương, Sở GTVT, Sở Giao thông công chính tiến hành thẩm định bước đầu, lập hồ sơ ưu tiên và giải pháp xử lý trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt, cho phép đầu tư.

Để tồn tại các "điểm đen" là một trong các nguyên nhân dẫn đến TNGT, nhưng việc khắc phục vẫn chậm, nhiều điểm tồn tại hằng năm mà không được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết, mặc dù trình tự xử lý đã được Bộ GTVT quy định cụ thể. Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó cục trưởng Cục Đường bộ: Việc lập hồ sơ nhiều "điểm đen" chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là việc phân tích khoa học, xác định rõ nguyên nhân dẫn đến tai nạn. Vẫn còn tình trạng thụ động trông chờ, đùn đẩy trách nhiệm giữa khu quản lý đường bộ với chính quyền địa phương trong giải quyết "điểm đen", nhất là tại các nút giao thông giữa quốc lộ và đường do địa phương quản lý. Không ít "điểm đen" vẫn chỉ được "quan tâm giải quyết" bằng các văn bản kiến nghị và lại "rơi vào im lặng". Tình trạng mở đường, đấu nối tùy tiện từ khu dân cư, khu công nghiệp… ra quốc lộ làm phát sinh thêm nhiều "điểm đen" tai nạn.

Khó khăn lớn nhất trong thời gian qua là kinh phí giải quyết "điểm đen". Đối với các "điểm đen cấp bách", xử lý không phức tạp, như đặt biển báo, đèn tín hiệu, kẻ vạch sơn, làm gờ giảm tốc… cơ quan quản lý đường bộ và chính quyền địa phương có thể giải quyết nhanh. Còn các "điểm đen phức tạp", phải khảo sát, thiết kế, tìm nguồn vốn đầu tư… cùng thủ tục hành chính còn rườm rà, thì có khi hàng năm trời, việc xử lý một điểm vẫn "nằm trên giấy".

Cần sự phối hợp đồng bộ

Thực tế cho thấy, để giải quyết sớm, hiệu quả các "điểm đen", nhất thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhất là giữa ngành GTVT, công an và chính quyền các địa phương. Việc bảo đảm hạ tầng giao thông do ngành giao thông chịu trách nhiệm, có sự phối hợp của ngành công an trong tổ chức giao thông. Còn việc bảo đảm hành lang an toàn, chống lấn chiếm, che khuất tầm nhìn, mở đường trái phép… thì chính quyền địa phương phải vào cuộc. Đại tá Nguyễn Phi Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho biết: Các "điểm đen" trên địa bàn tỉnh chủ yếu do lòng đường hẹp, không có dải phân cách, thiếu hệ thống chiếu sáng, hoặc do đường dốc, cua gấp, bị che khuất tầm nhìn… Trên địa bàn tỉnh, hiện mới chỉ 1/3 số tuyến quốc lộ (chủ yếu là quốc lộ 51) được lắp đặt dải phân cách; hệ thống chiếu sáng chỉ có ở những đoạn qua thành phố, thị trấn. Trước đây, đoạn quốc lộ 1A dài 4km qua huyện Trảng Bom là một "điểm đen" về TNGT. Từ cuối năm 2005, sau khi được lắp đặt dải phân cách, biển báo và tăng cường lực lượng CSGT tuần tra,

Theo đánh giá của Bộ GTVT, những năm qua, công tác cải tạo "điểm đen" đã được tiến hành thường xuyên; mỗi năm có từ 40 đến 80 điểm đã được xử lý. Hiện Cục Đường bộ đã hoàn chỉnh hồ sơ gần 60 "điểm đen" cần xử lý với kinh phí mỗi điểm từ vài chục triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập cần giải quyết như việc phối hợp giữa Bộ GTVT và các địa phương chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả; vướng mắc về trình tự, thủ tục xác định và tiến hành xử lý; tiến độ khắc phục, xử lý "điểm đen" thời gian qua nhìn chung còn chậm…

kiểm soát, đã giảm hẳn về số vụ TNGT và không còn xảy ra tai nạn nghiêm trọng.

Ngã ba từ thị trấn Đồng Văn, tỉnh Hà Nam đi cầu Yên Lệnh về Hưng Yên là một "điểm đen" thường xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông nhiều giờ trên tuyến quốc lộ 1A. Cùng với việc phối hợp với ngành GTVT, phân khu quản lý đường bộ mở rộng đường, đặt dải phân cách cứng, Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Nam chỉ đạo Công an huyện Duy Tiên triển khai lực lượng thường xuyên ứng trực. Nhiều tháng qua, tại điểm này hầu như không xảy ra TNGT, tình trạng ùn tắc giao thông cũng giảm đáng kể, không xảy ra ùn tắc kéo dài.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu cả nước về chủ động xóa "điểm đen" giao thông bằng hình thức xây cầu vượt, giải phóng lòng, lề đường, tăng cường các chốt kiểm soát giao thông. Đến nay, đã có hơn 50 "điểm đen" trên địa bàn thành phố được xóa, đạt 80% kế hoạch. Tuy nhiên một số điểm sau một thời gian giải quyết lại "tái đen". Theo ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông công chính thành phố: Với thực trạng quá tải giao thông, giải quyết các "điểm đen" đã khó, duy trì không để "tái đen" còn khó hơn. Để làm được điều này, phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan chức năng với địa phương, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục.

Trong điều kiện kinh tế đất nước chưa đủ khả năng xây dựng mới, nâng cấp toàn bộ hệ thống giao thông theo kịp sự phát triển của xã hội, thì những giải pháp mang tính cấp bách kiềm chế TNGT, như xử lý các "điểm đen" là hết sức cần thiết. Giải quyết và không để phát sinh các "điểm đen" phải được tính đến ngay từ khi khảo sát, thiết kế, quy hoạch, xây dựng đường sá, các khu sản xuất, thương mại, khu dân cư… và đặc biệt là việc phối hợp giữa các ngành chức năng tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông. Xóa nhanh các "điểm đen" là việc làm cấp thiết, nhưng phải bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh chạy theo chỉ tiêu, "phong trào" và điểm đen sau xử lý lại… "tái đen".

NHÓM PHÓNG VIÊN QUỐC PHÒNG-AN NINH

Bài 3: Không để quốc lộ thành… "đường làng"