Theo Quốc lộ 1A, chúng tôi tìm đến làng hoa Phù Đổng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) để gặp bác Ngơi. Hễ cứ đặt chân đến bất kỳ đâu của Phù Đổng, hỏi nhà bác Ngơi thì cả làng đều rõ. Họ gọi ông với cái tên thân mật “bác Ngơi” bởi lẽ, ông tiên phong mang nghề về cho Phù Đổng, là tấm gương về nỗ lực hết mình, cống hiến trọn vẹn cho các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của xã Phù Đổng; được nhân dân trong xã tôn vinh là hộ sản xuất có mô hình kinh doanh giỏi, góp phần xây dựng xã Phù Đổng vững mạnh, đoàn kết.
Người mang “nghề” về Phù Đổng
Đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Nguyễn Bá Ngơi (sinh năm 1952) vẫn giữ vai trò Chủ tịch Hiệp hội làng nghề làm vườn sinh vật cảnh và trang trại Phù Đổng, kiêm Giám đốc Công ty TNHH Phù Đổng Xanh, chuyên cung cấp, thi công các khuôn viên cây xanh cho khu cụm công nghiệp, khách sạn, nhà riêng…
Từ năm 1970 đến 1975, cũng như bao thanh niên ưu tú trên cả nước, ông xung phong lên đường nhập ngũ, bảo vệ Tổ quốc. Ngày ấy, ông tham gia chiến đấu tại Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 2, Sư đoàn 324 tại chiến trường Quảng Trị.
Ngày đất nước giành được độc lập, chàng thanh niên 23 tuổi trở về quê hương với bao khát vọng, hoài bão. Thế rồi cơ duyên đến, ông Ngơi gắn bó với nghề cây cảnh; nhưng để thành danh với nghề và có nhiều đóng góp cho địa phương lại là cả một hành trình phấn đấu, hoàn thiện bản thân không ngừng nghỉ trong suốt những năm tháng vất vả.
 |
Ông Nguyễn Bá Ngơi hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội làng nghề làm vườn sinh vật cảnh và trang trại Phù Đổng. |
Ông Nguyễn Bá Ngơi tâm sự: “Những năm 1980-1990, tôi phải bươn chải mưu sinh nhiều nghề vì cuộc sống gia đình hết sức khó khăn. Nhìn thấy các cụ cao niên có thú chơi cây cảnh lâu năm ở làng, tôi cứ thế bị thu hút và say mê với nghề. Cái nghề vừa vui tuổi già, vừa cho giá trị kinh tế cao. Do đó, tôi theo các tiền bối tập làm cây thế, bonsai và phát triển thêm nhiều loại hoa, cây ươm… giá rẻ phục vụ nhu cầu xã hội với mục đích thu hồi vốn nhanh để đầu tư cho những cây thế lạ, giá trị cao”.
Theo ông Ngơi, Hội làm vườn Phù Đổng thành lập từ năm 1987. Đến năm 2009 khi giữ vai trò Chủ tịch Hiệp hội làng nghề làm vườn sinh vật cảnh và trang trại Phù Đổng thì mới đổi tên thành “Hội làm vườn - sinh vật cảnh Phù Đổng”.
“Năm 2013, làng nghề sinh vật cảnh Phù Đổng xin gia nhập hội làng nghề Việt Nam. Đến năm 2014, làng nghề mới được công nhận là làng nghề truyền thống tiêu biểu và được gọi là "Hiệp hội làng nghề làm vườn - sinh vật cảnh và trang trại Phù Đổng”, ông Ngơi kể.
Mục tiêu của ông Ngơi hướng đến khi ấy là phát triển nghề làm vườn trồng hoa, cây cảnh và chăn nuôi bò sữa là mũi nhọn chính để phát triển kinh tế địa phương, bám sát vào thực tiễn của Nghị quyết số 53/2013/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 “khuyến khích cơ giới hóa nông nghiệp, tiếp tục dành nguồn lực và huy động người dân tham gia đóng góp, triển khai tập trung, hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới”.
Những ngày mới thành lập Hội là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với ông Nguyễn Bá Ngơi. Hội chỉ có 12 hội viên trồng hoa, cây cảnh, làm vườn với quy mô nhỏ lẻ. Để mọi người tin tưởng vào mình, ông tận dụng hết diện tích đất vườn sẵn có của gia đình, đến khi có số lượng lớn mới vận động người dân mở ra nhiều vườn ươm khác nhằm đa dạng hóa mẫu mã, chủng loại đáp ứng nhu cầu của thị trường.
 |
“Muốn người làm nghề say nghề, tâm huyết với nghề thì trước hết phải sống được bằng nghề. Như vậy thì nghề mới hưng thịnh lâu bền”, ông Ngơi nhấn mạnh với vai trò là người đứng đầu của Hội.
|
Cơ duyên đến với ông Ngơi vào năm 2005 khi ông được giới thiệu làm trang trí hoa cây cảnh cho Đại sứ quán Mỹ. "Tiếng lành đồn xa" nên ông đã ký được hợp đồng với nhiều đại sứ quán khác và các khách sạn cao cấp trong nội thành Hà Nội. Năm 2006, gia đình ông thành lập công ty riêng, hoạt động ngày một vững mạnh, mỗi năm thu lãi 600 triệu đồng từ nghề cây cảnh, hoa trang trí.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình và cộng đồng, cùng với Hội làm vườn-sinh vật cảnh Phù Đổng, ông Ngơi đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc gìn giữ, khôi phục nghề địa phương, giúp người dân Phù Đổng chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp sang phát triển làng nghề trồng hoa cây cảnh, sinh vật và trang trại.
Đến nay, Hiệp hội làng nghề làm vườn - sinh vật cảnh và trang trại Phù Đổng có 150 hội viên các hộ của xã Phù Đổng, sinh hoạt ở 5 chi hội, thu hút 80% số hộ của xã Phù Đổng. Năm 2010, Hội có trụ sở tiện nghi với 1.500m2 vườn trưng bày giới thiệu sản phẩm.
Người giữ chữ “tín”
Ông Trần Xuân Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Phù Đổng cho hay: “Ông Nguyễn Bá Ngơi là một trong những hộ sản xuất kinh doanh nòng cốt; người đứng đầu hiệp hội cây cảnh, trang trại ưu tú của địa phương. Tấm gương của ông đã giúp cho hàng nghìn hộ dân của xã Phù Đổng thoát nghèo, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng nông nghiệp. Có thể thấy, ông chính là người giữ chữ "tín" trong kinh doanh, sản xuất và luôn sẵn sàng chia sẻ thành công với mọi người”.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Phù Đổng, thống kê của xã cho thấy đến cuối năm 2020, nhân dân xã Phù Đổng đã chuyển đổi hơn 266,5ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao; trong đó có 87,5ha trồng hoa, cây cảnh. Giá trị thu nhập đối với hoa, cây cảnh đạt hơn 900 triệu đồng/ha/năm.
Năm 2020, lợi nhuận từ nghề trồng hoa giấy đạt hơn 82 tỷ đồng và thu nhập bình quân người làm nghề trồng hoa giấy đạt 10,2 triệu đồng/người/tháng, cao hơn 2 lần so với thu nhập bình quân của người làm nông nghiệp hoặc dịch vụ khác (5,8 triệu đồng/người/tháng).
Ghi nhận những nỗ lực, đóng góp tích cực của ông Nguyễn Bá Ngơi, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Trịnh Thế Khiết cho biết: “Trong số những hội viên tiêu biểu, ông Ngơi luôn là nông dân giỏi, hết lòng vì phong trào nông dân vượt khó, tương trợ nhau cùng làm giàu chính đáng. Bằng uy tín cá nhân, ông Ngơi đã vận động được từ 10 đến 15 người tham gia Hội Nông dân. Không những vậy, ông cũng đóng góp hàng trăm triệu đồng xây dựng đường làng, ngõ xóm, góp phần xây dựng hội vững mạnh”.
 |
Bằng khen của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng ông Nguyễn Bá Ngơi, là nông dân tiêu biểu, xuất sắc trong lao động, sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc năm 2020. |
Những tấm Giấy khen đạt danh hiệu Nông dân điển hình tiên tiến, danh hiệu Gia đình văn hóa tiêu biểu, Giấy chứng nhận đạt Danh hiệu Người tốt-việc tốt năm 2012, Hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố năm 2010, 2014, Bằng khen của UBND thành phố tặng vì đã có nhiều thành tích trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi; Danh hiệu Người tốt, việc tốt tiêu biểu năm 2012, 2014; Gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt trong phong trào thi đua yêu nước Hội Nông dân thành phố giai đoạn 2010-2015… chính là minh chứng cho thấy sự cống hiến của ông Nguyễn Bá Ngơi đã được các cấp, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao.
 |
Năm 2016, ông Nguyễn Bá Ngơi được phong tặng Danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam, ngành nghề sinh vật cảnh. |
Bên cạnh đó, ông còn được khen thưởng và trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác như: Bằng khen của Trung ương Hội làm vườn Việt Nam; Doanh nhân Việt Nam làm theo lời Bác năm 2011; Cúp Bảng vàng doanh nhân xuất sắc đất Việt năm 2010; hai lần được Chủ tịch nước khen thưởng (năm 2013, 2014)…
Ông Nguyễn Bá Ngơi Ngơi chính là tấm gương nông dân tiêu biểu trong thời đại mới, sống không chỉ cho riêng mình mà luôn hướng đến cộng đồng, góp một phần sức nhỏ cùng nhân dân xã Phù Đổng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp hơn.
Bài và ảnh: HỒNG PHÚC