QĐND Online – Chúng tôi tìm đến số nhà 22, đầu ngõ Hai Bà Trưng, phường Trần Hưng Đạo (TP Nam Định) vào giữa buổi trưa nắng gắt nhưng bà Nguyễn Thị Nguyệt vẫn chưa về. Lúc này, tại bến xe buýt trên đường Trần Hưng Đạo một cụ già hơn 70 tuổi, dáng người gầy ốm, lưng còng, làn da ngăm đen vẫn đội nón, tay khoác túi ni lông len lỏi giữa dòng người đông đúc để xin từng đồng bạc lẻ gửi lên Hà Nội cho cháu ăn học. Nhắc đến tên của bà, gần, xa ai cũng biết, không phải vì bà đi ăn xin mà bởi bà có một tấm lòng – một tình cảm thương yêu sâu nặng dành cho đứa cháu không cùng máu mủ ruột rà.

Hai mươi năm... một mình tần tảo nuôi cháu

Cách đây 20 năm, người đàn bà ấy đã không đành lòng bỏ rơi một đứa trẻ không cùng huyết thống. Hồi ấy, bà Nguyệt bán xôi ở gần khu nhà trẻ trên đường Nguyễn Du (TP Nam Định). Vào mỗi buổi sáng, bà lại thấy một người đàn ông trẻ tuổi chở xích lô, ẵm một bé gái vào gửi nhà trẻ. Đứa trẻ cứ lủi thủi chơi một mình rồi khóc suốt buổi đòi bố. Một lần, bà Nguyệt lại gần hỏi chuyện, người đàn ông ấy đã ngỏ ý nhờ bà trông con giúp một thời gian và hứa mỗi ngày sẽ qua thăm con và gửi bà 3.000 đồng để bà mua đồ ăn cho cháu. Thế nhưng, đến ngày thứ tư thì bà chả thấy người đàn ông ấy quay lại và từ đó bặt vô âm tín. Sau câu chuyện qua quýt giữa hai người, bà Nguyệt đã kịp biết được tên cháu gái là Phạm Thị Thu Thảo, 15 tháng tuổi.

Sau đó, một số người cùng chở xích lô với bố bé Thảo cho biết, hai vợ chồng người đàn ông ấy làm ăn vỡ nợ rồi bỏ vào Nam sinh sống. Thế là bà trở thành bà, thành mẹ bé Thảo. Ngôi nhà tạm bợ, tiền bán xôi ba cọc ba đồng, nhiều người khuyên bà nên gửi Thảo vào trại trẻ mồ côi, nhưng bà không đành lòng. Bà bảo, cuộc đời bà đã trải qua những năm tháng bơ vơ, không người thân thích nên bà hiểu nỗi buồn tủi, khó khăn và cô đơn ấy. Vậy nên, dẫu có khó khăn đến mấy, bà cũng phải nuôi Thảo trưởng thành, bù đắp cho Thảo tình thương yêu mà em thiếu thốn. Thế rồi, bữa rau, bữa cháo, hai bà cháu nuôi nhau cho đến khi Thảo vào đại học và giờ đã là cô sinh viên năm thứ hai Khoa Du lịch, Trường Đại học Mở Hà Nội..

Bà Nguyệt thường ngồi trước cửa ngóng cháu về.

Bà Nguyệt quê gốc ở làng Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên (Hà Nam). Mẹ bà mất sớm, bố lấy vợ hai rồi cùng hai anh trai bà vào Nam sinh sống từ những năm 1945. Sau đó, bà nghe tin, bố đã mất trong chiến tranh, hai anh trai bà tham gia kháng chiến và bị thất lạc. Từ đó, bà không có tin tức gì về họ nữa. Bà sơ tán lên Nam Định thuê nhà ở và bán xôi kiếm sống. Năm 1992, bà gặp bố con bé Thảo và từ đây, bà dành cả tình yêu thương, chăm sóc cho bé Thảo - người cháu không cùng huyết thống.

Cho đến tận bây giờ, bà vẫn không quên được cái đêm mùa đông năm 1997. Khi ấy, bé Thảo mới lên 7 tuổi. Giữa đêm, Thảo sốt cao, bà Nguyệt loay hoay không biết làm thế nào. Hàng xóm mách bà lên phố Năng Tĩnh nhờ bác sỹ về khám giúp. Thế rồi, giữa đêm lạnh như cắt da cắt thịt, bà đã đi bộ gần 2 giờ đồng hồ mới tìm được đến nhà bác sỹ. Rồi bà Nguyệt giở cho chúng tôi xem tập giấy khen của Thảo – niềm tự hào của bà: “Cháu Thảo học giỏi lắm. Năm nào cháu cũng được giấy khen của nhà trường đấy. Lần nào thi vào lớp chất lượng cao, cháu cũng đỗ cả. Năm vào lớp một, cháu được xếp vào lớp C (một trong ba lớp chất lượng cao), hai bà cháu vui quá, dắt nhau khoe khắp phố”.

Ước mong lớn nhất là thấy cháu thành đạt

Chúng tôi không khỏi ái ngại khi đứng trước nhà của hai bà cháu Thảo. Ngôi nhà chỉ rộng chừng hơn 6m2, tối tăm, ẩm thấp và được chắp vá bằng mọi thứ chất liệu: gạch, ngói, tôn, áo mưa và bao tải rách... Trong nhà không có gì đáng giá ngoài chiếc tủ gỗ ọp ẹp và chiếc giường tre đã cũ. Trên giường, vẫn còn nguyên đĩa cơm nắm khô khốc, được che đậy cẩn thận trong chiếc rổ nhựa. Bà bảo, sáng nào bà cũng nắm cơm để đó rồi đi xin, lúc nào đói bụng thì về bà  nhà ăn qua quýt rồi lại đi.

Vừa trò chuyện với chúng tôi, bà vừa sắp lại ngay ngắn những tờ tiền lẻ - thành quả của một ngày bà lang thang trên khắp nẻo đường TP Nam Định. Khi chúng tôi hỏi về Thảo, bà Nguyệt đã khóc. Nước mắt lăn dài trên hai gò má rồi nhỏ xuống làm ướt cả sấp tiền lẻ bà đang cầm trên tay. Bà không khóc vì cơ cực mà đó là những giọt nước mắt thương, nhớ cháu. Thế rồi, như sực nhớ ra, bà Nguyệt khoe: “Cháu Thảo nhắn là mai cháu về thăm tôi đấy. Cháu ngoan và thương tôi lắm. Phải đến mấy tháng rồi, hai bà cháu không được gặp nhau. Tôi phải dành dụm tiền để cho cháu ăn học nên không lên Hà Nội thăm cháu thường xuyên được”. Hôm nay, bà Nguyệt phấn khởi lắm, bà xin được đến hơn 70.000 đồng. Bà bảo, mai Thảo về, bà sẽ dẫn Thảo đi mua một cái ô che mưa và một chiếc bàn học nhỏ.

Căn nhà của bà Nguyệt rộng chừng 6m2 đưọc lợp bằng đủ loại chất liệu.

Đôi mắt bà Nguyệt đã mờ và thâm quầng vì lo toan và vì những lần đi xin bị té ngã giữa đường. Đôi mắt ấy ướt nhoè khi bà kể cho chúng tôi nghe về những khó khăn của buổi đầu bé Thảo cắp sách đến trường. Ngày ấy, tự bà đi xin học cho cháu, lo cho cháu từng bữa ăn, giấc ngủ. Thảo đi học, sáng nào bà cũng dậy thật sớm, rang cơm nguội cho cho Thảo ăn vì sợ cháu đi học đói bụng. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, người đàn ông năm đó vẫn không trở về, Thảo đã học hết cấp 3, bà thì ngày càng già yếu. Những ngày ốm đau, bà sống nhờ vào tình thương yêu, đùm bọc của hàng xóm láng giềng. Khi khỏe lại, bà quyết định chống gậy ra đường đi xin để có tiền nuôi cháu ăn học. Đã hơn 4 năm nay, ngày nắng cũng như ngày mưa, dù khoẻ hay ốm, bà vẫn không bỏ một buổi đi xin nào. Bà sợ, nếu bà nghỉ, cháu bà sẽ thiếu tiền đóng học. 4 năm, bà chỉ ăn cơm nắm, bánh mỳ, tằn tiện nuôi cháu.

Tốt nghiệp cấp 3, Thảo xin bà được lên Hà Nội dự thi đại học. Dù biết rằng, học xa sẽ rất tốn kém nhưng bà Nguyệt vẫn động viên cháu ôn thi. Những ngày hè mất điện, bà ngồi cả đêm quạt cho Thảo học bài. Và rồi, bà Nguyệt đã không cầm được nước mắt khi Thảo nhận được giấy báo trúng tuyển của Trường Đại học Mở Hà Nội. Bà vui vì Thảo đỗ đạt, bà cũng lo về chặng đường khó khăn trước mắt. Nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm, chính quyền địa phương, bà cũng gom được 800 nghìn đồng đưa cháu lên Hà Nội nhập học. Từ đó, cứ hai tháng, bà lên Hà Nội thăm Thảo một lần. Lần nào đi, bà cũng lục sục cả đêm sắp đồ ăn mang lên cho Thảo vì bà thương cháu ở Hà Nội thiếu thốn. “Từ nhỏ, Thảo đã thường xuyên bị đau đầu nên tôi phải mua thuốc mang lên cho cháu. Tôi mua cả thuốc nhỏ mắt nữa vì nó học hành căng thẳng lắm. Nó thích ăn thịt gà và dưa hấu, lần nào lên Hà Nội, tôi cũng mua. Cũng may, cô bán hàng ở chợ thương hoàn cảnh hai bà cháu nên lấy rẻ thôi. Tôi ở nhà ăn gì cũng xong, chỉ thương cháu thôi”, bà Nguyệt chia sẻ.

Trước mắt, còn rất nhiều khó khăn mà bà Nguyệt phải trải qua cho đến khi Thảo thật sự trưởng thành. Thế nhưng, bà luôn vững tin rằng, bà có đủ sức để tiếp tục nuôi Thảo ăn học, vì bà khao khát đến ngày, bà được lên Hà Nội và nhìn thấy cháu bà khoác áo cử nhân.

Bài, ảnh: Nguyễn Oanh