Chúng tôi được phổ biến tiểu đoàn sẵn sàng đi làm nhiệm vụ mới. Xét cho cùng là một đơn vị phòng không chính quy, được thành lập từ lính của một sư đoàn huấn luyện bài bản sẵn sàng bổ sung cho chiến trường B nên việc được trên giao nhiệm vụ nặng nề hơn cũng là lẽ bình thường.  Về tiếp nhận, làm quen địa bàn thay dần nhiệm vụ tiểu đoàn chúng tôi là Tiểu đoàn pháo cao xạ 23B của tỉnh đội Thanh Hóa -  một đơn vị đã rất quen thuộc với biển, đường sông, đường bộ vùng Tĩnh Gia, Quảng Xương. Đại đội tôi chuyển về Tân Dân, một xã liền với Hải An, sát vào chân núi Bợm nơi có kênh Than, đoàn thuyền nan thanh niên xung phong đêm đêm vận chuyển hàng vào sâu phía trong. Tôi xem trên bản đồ địa hình dọc đường quốc lộ số 1 có một mảng màu vàng đậm kí hiệu một khu phố bám hai bên đường tên là Trường Xuân. Chắc là trước đây Trường Xuân giống một thị tứ còn bây giờ chỉ là một khu đất bằng địa, nhô lên vài mảnh nền xi măng có chôn gạch nghiêng như rào chắn trồng hoa. Một cây hoa dừa cát (còn gọi là hoa tứ mùa) hoa tím biếc nở quanh năm, lá thẫm tròn xanh bóng, gợi một sự mềm mại, mát mẻ, dịu dàng. Tôi nhớ đến những gì xôn xao, tiếng cười, tiếng hát, tiếng khóc của trẻ con bên bờ gạch trồng hoa và cái nền nơi ở nhỏ bé này.
Ảnh minh họa/Internet.

Người Tân Dân có chút gì đó khác với người Hải An. Trong làng nhiều học sinh hơn, các em rất hay hát, các cô dân quân cũng vậy, hay hát và hát rất hay. Có phải vì trước đây họ có một một cái phố nhỏ? Dù nhỏ vẫn là phố phường. Tôi lại được thay mặt chi đoàn vào địa phương liên hệ kết nghĩa. Và sau đó là các đêm liên hoan văn nghệ, chuyện trò mà bây giờ người ta gọi là giao lưu. Qua những tối giao lưu thật hồn nhiên, trong sáng tôi quen một cô gái họ Hồ có tên Mạnh. Mạnh cùng học với cô bé con gia đình đơn vị tôi đặt bếp ở Hải An. Mạnh cho tôi biết cô ấy có tên là M, Lê Thị Thanh M. Khác với M người nhỏ, cao, Mạnh đậm hơn, khuôn mặt bầu bĩnh, tự tin, có vẻ đàn chị so với M. Sau mỗi buổi học ở trường về, Mạnh thường hay ra trận địa, vào lán nói chuyện với tôi. Chúng tôi nói chuyện về đời học sinh. Tôi học xong phổ thông không vào đại học, mới xa mái trường nên suy nghĩ, cảm xúc gần giống nhau. Mạnh cẩn thận, khi nói chuyện thường có câu em với M và anh. Một buổi trưa đi học về Mạnh mang theo cả túi đựng sách vội vã ra chỗ tôi giọng hấp tấp:

- Em nghe nói trên Hải An Tiểu đoàn 23B bảo vệ pháo biển bị máy bay đánh vào trận địa hi sinh cả chục người có cả dân quân Hải An. Em sốt ruột quá. Anh lên xem.

Tôi xin đi lấy ngụy trang tiện đường chạy về trận địa cũ. Ngang qua gia đình đơn vị tôi đặt bếp nhà vắng hoe, không có ai. Tôi chạy ra trận địa cũ, cảnh tượng bom đạn tàn phá đập vào mắt tôi. Mấy hố bom ở ngay khu chỉ huy, công sự Tiểu đội 4 gần phía nhà M hầm pháo bị bom nổ bay đi một nửa. Tôi bước thêm mấy bước, các vũng máu còn chưa khô hết trong nửa hầm pháo còn lại. Tôi lạng chân ra phía rìa trận địa giật mình nhìn thấy một vật trên cành phi lao. Đến sát gốc cây chân như bị chôn đứng, chiếc áo đông xuân trắng còn mới máu khô cứng vắt trên bờ dứa dại. Chiếc áo nịt con gái một bên thấm máu và một bên trắng nhói buốt, gió vật vờ trên cành cao. Tôi cứ đứng im ở đấy như người mất hồn.

Buổi tối, đại đội tôi nhận lệnh cơ động gấp ra nam phà Ghép bảo vệ cho tiểu đoàn pháo tầm xa vượt phà đi nhận nhiệm vụ mới. Đi chiến trường miền Nam. Lệnh rõ hơn xếp tất cả quân trang, vũ khí bộ binh, trang bị kĩ thuật lên xe, đơn vị không quay lại trận địa này nữa.

Tôi thẫn thờ cầm xẻng pháo xúc cát dỡ lấy các tấm hòm đạn lát hầm. Mạnh ào đến nói nhỏ vào tai tôi:

- Hắn không bị sao đâu. Nó bảo chia tay anh. Nó nhớ hơi anh vì đã giặt bộ quân phục của anh đấy.

- Nhà hắn anh chị làm cán bộ Nhà nước, bắt hắn lên ở gần trường từ hôm trước.

 Thế là không gặp được M. Tôi không ngờ phải mấy chục năm sau mới có dịp gặp lại khi M đã là cô giáo và là mẹ của hai đứa con khôn lớn. Chồng M làm quản lí khách sạn của tỉnh ở Sầm Sơn.

Mạnh giúp chúng tôi xếp đồ lên chiếc xe Gaz 63 bánh đơn cao nghều. Đại đội đi theo đội hình chiến đấu tiến ra nam phà Ghép. Bến phà Ghép thời đó hay bị máy bay đánh đêm và pháo Mỹ từ tàu biển bắn vào. Tôi nghĩ miên man, pháo biển, pháo cao xạ mới bị đánh, các phương tiện trên tàu rất hiện đại nhất định chúng theo rồi. Mọi động tĩnh của đơn vị pháo có uy lực lớn của ta, những khẩu đại pháo do xe xích hạng nặng kéo khó tránh được các phương tiện nghe nhìn cực kì hiện đại của địch. Tôi nói với các bạn trinh sát phải chọn nơi đỗ xe gần mé đường. Nếu tàu Mỹ từ ngoài biển pháo kích lăn xuống rãnh nước tránh mảnh. Anh Dương cũng đồng ý với phương án của tôi. Mấy khẩu pháo vừa đặt xong, pháo từ biển bắt đầu bắn vào. Chúng bắn từ giữa sông vào đến đầu bến rồi rộng ra hai bên đường đầu phà phía nam. Lửa nổ lóa mắt trong khu đặt pháo của đại đội tôi. Trong tiếng nổ chát chúa tôi nghe tiếng anh Dương:

- Các khẩu đội cho bộ đội nằm dưới thân pháo.

- Bộ phận chỉ huy, y tá, quân khí nằm rải ra hai bên đường.

Ai đó kêu lên:

- Lăn sang mé đường phía tây.

Đợt pháo nữa nổ trong khu đặt pháo lộ thiên của đại đội. Nhiều tiếng kêu. Giọng anh Dương át tất cả:

- Khẩu đội nào có thương vong báo ngay.

Tiếng đáp lại:

- Khẩu đội một bị thương.

- Đưa ngay sang phía tây tránh phía biển. Không ai được chạy.

Vẫn tiếng anh Dương:

- Khi địch ngừng bắn khẩu nào chưa xong cho đặt pháo ngay.

- Sẵn sàng nổ súng khi máy bay tấn công đơn vị bạn đang vượt sông.

Đợt pháo kích kéo dài nửa tiếng đồng hồ, đã nghe tiếng loa từ phà, pháo địch bắn thưa dần, những khẩu pháo lớn trùm bạt, xe xích cắm cành phi lao dày đặc nguỵ trang lăn xuống con phà ghép đôi. Lệnh phát ra: Tất cả giảm thiểu tiếng động, cả bên pháo cao xạ, nhà phà, và đơn vị pháo mặt đất từ đầu làng Hải Châu sẵn sàng hành tiến. Khẩu đại pháo cuối cùng qua sông. Anh Dương phát lệnh đại đội xuống phà, vượt sông, bảo vệ đoàn pháo cho đến khi rẽ sang đường 15. Anh em tôi thì thầm “Đi B” chuẩn bị cho mùa khô 1967-1968.

Đội hình hành quân dừng nghỉ ở khu vực rừng thông. Lính chúng tôi pháo cao xạ, pháo mặt đất ôm nhau chia tay hẹn ngày toàn thắng. Anh Dương phổ biến lệnh mới:

- Đại đội ta chiếm lĩnh trận địa trong thị xã Thanh Hóa, áp sát phía nam cầu Hàm Rồng.

Được tham gia bảo vệ cầu Hàm Rồng đối với chúng tôi là một vinh dự lớn lao. Tuy chưa vào trận địa chốt nhưng chúng tôi được giao đánh tiêu diệt các tốp từ phía Ghép, Sầm Sơn vào công kích cầu (hướng 34) và đánh các tốp từ phía núi Mật đánh trận địa chốt quan trọng trên đồi C4.

Sáng tinh mơ, tôi trực tiếp dẫn pháo theo con đường nhỏ hai bờ bó gạch; cả hai phía đều có hồ nước.

Xong việc, tôi vội vã trở về trận địa. Các pháo thủ đang dùng cuốc chim bổ phá nền gạch. Anh Nhung đại đội trưởng cầm cây cờ chỉ huy đứng xạng chân nói to:

- Đào sâu xuống. Vun gọn gạch vỡ thành bờ công sự.

Anh quát:

- Làm như mèo mửa thế à? Ra hồ múc nước tưới ướt. Lấy đất đắp bên ngoài. Để vậy bắn một loạt bụi đã mù trận địa, bịt chặt mắt mình.

- Máy bay nó cho một quả rốc-két thì chỉ mảnh gạch, ngói đã đủ thương vong cả tiểu đội. Còn đánh chác ra cái khỉ gì!

Trời mùa đông mù rất thấp. Cứ một lúc lại một chiếc AD6, loại máy bay lái tự động, đánh được trong mọi thời tiết ở độ cao mấy trăm mét từ biển bay vào, tiếng máy bay lộng óc, thắt ruột. A6A rải bom toạ độ khu núi Mật, địa điểm bà con, cán bộ thị xã Thanh Hoá sơ tán và trú ẩn rất đông. Chúng ném bom toạ độ từ hồi đêm. Để chuẩn bị chiến dịch đánh lớn vào cầu Hàm Rồng bộ chỉ huy Mỹ cho máy bay đánh vào dân gây hoang mang và giảm bớt lực lượng hợp đồng chiến đấu với trung đoàn pháo cao xạ chốt bảo vệ cầu từ đầu cuộc chiến tranh (Trung đoàn 228 sau được gọi là Đoàn Hàm Rồng).

Anh Nhung giao cây cờ chỉ huy cho anh Dương đứng vào hầm ở vị trí “cố vấn”. Anh Dương giơ cao cây cờ chỉ huy. Ngay lúc ấy một chiếc A6A bay cắt ngang trận địa rất thấp, tôi nhìn rõ ra-đa sục mặt đất úp xuống. Anh em tôi gọi là cái rậm, ở xa thì bảo là cái râu máy bay. Bom nổ thành dây dài phía núi Mật. Tôi nghe rõ cả tiếng đá lở. Anh Dương giọng xúc động:

- Không nhìn thẳng máy bay, ta bắn theo màu đạn để bảo vệ đồng bào thị xã đang sơ tán trong chân núi Mật. Bom đạn Mỹ đã giết hại nhiều dân thường. Bắn mãnh liệt. Dù phải hi sinh là hi sinh bảo vệ đồng bào.

Anh nhắc lại từng tiếng:

- Pháo để sẵn góc bắn 25 độ.

- Khẩu đội trưởng kiểm tra xem tầm bắn có vướng nhà tầng nào không?

Báo cáo cả khu chỉ có mỗi nhà ba tầng trường thể thao ấy thôi.

- Ngắm tà trên nóc nhà tầng thể thao năm li giác!

- Chuẩn bị…

Chúng tôi nổ súng từng điểm xạ ngắn. Những chiếc A6A lái tự động, có hai tên giặc lái, chuẩn bị sẵn phần tử bay, phần tử cắt bom vẫn lao vào rải bom. Một chiếc máy bay 24 quả bom. Bom nổ đập vào núi ập oàng không dứt.

Chỉ một lúc sau hai chiếc xe bò chở thi hài bà con bị bom sát hại đi qua trận địa chúng tôi. Đứng ở vị trí gần đường tôi hỏi được đây là số bà con bị chết ban đêm. Ở chiếc xe đi trước một số thi hài đã được đặt trong quan tài. Trên chiếc xe 6 người chết được phủ lên tấm bạt rách lỗ chỗ vì mảnh bom, mảnh đá vỡ bắn vào. Những bàn chân thò ra ngoài tấm bạt dính đầy đất vàng và bụi đá trắng. Ngực tôi tức thở, trái tim như bị co thắt lại.

Những chiếc xe bò chở người chết trong ngày hôm ấy tôi không dám đếm xem là bao nhiêu. Một không khí tang tóc và đớn đau phủ lên trận địa chúng tôi. Trong đời lính chiến tôi đã trải qua hàng trăm trận đánh. Có những trận đánh kết thúc trận địa chỉ còn mấy người như trận giữa năm 1968 ở Bến Thủy - Thành phố Vinh, anh Xương Đại đội phó người Hoằng Hoá vốn là thầy giáo tôi rất yêu kính đã hi sinh, thần kinh tôi cũng không bị chấn động mạnh bằng trận đánh này. Những chiếc xe chở xác đồng bào mình lộc cộc đi qua trận địa, những người đẩy xe mặt nhoè nhoẹt nước mắt, đầu rũ xuống, trời mùa đông lạnh ngắt, mưa mù mịt, chúng tôi đều cảm thấy mình có lỗi. Lỗi lớn nhất là không bảo vệ được bố mẹ, các anh, chị, em mình!…

Sau này nhiều lần về Thanh tôi một mình lặng lẽ đi tìm khu trận địa mùa đông vừa chiếm lĩnh, vừa đánh máy bay địch gần chân núi Mật mà chưa lần nào tìm ra. Chỉ đến lần vừa rồi, đầu năm 2008 dự trại viết của Chi hội nhà văn công an ở cùng có nhà văn Từ Nguyên Tĩnh, Lê Xuân Giang. Anh Lê Xuân Giang là chính trị viên đại đội trên đồi C4 Hàm Rồng, anh Từ Nguyên Tĩnh là chiến sĩ và là bạn của anh Giang. Được nghe các anh nói lại tôi mới thấy an lòng.

Đợt đó, chiến dịch đó diễn ra khốc liệt. Đại đội chốt trên đồi C4 vãn người. Các trận địa Đồng Đá, Nam Ngạn, Yên Vực cũng mất nhiều anh em mình. Điều lớn nhất là ta giữ được cầu Hàm Rồng. Khí phách người Hàm Rồng bất tử - cây cầu bất tử. Lần ấy tôi đã đứng trên cầu dưới trời mưa nặng hạt hát bài “Chào sông Mã anh hùng”. Tôi đứng tựa vào thành cầu, tựa vào truyền thống, tựa vào lịch sử, tựa vào đồng đội, đồng bào tôi để hát về sông Mã, về Hàm Rồng, về xứ Thanh bất diệt.

Vâng, với thời gian ta có thể quên đi nhiều thứ để hướng tới tương lai song với Hàm Rồng - Một biểu tượng anh hùng chói lọi của thời kì chống Mỹ, cứu nước thì sẽ không bao giờ quên. Không bao giờ…!!!

Bút kí lịch sử của  Đại tá, nhà văn ĐÀO THẮNG

Về xứ Thanh (kỳ 4)

Về xứ Thanh (kỳ 3)

Về xứ Thanh (kỳ 2)

Về xứ Thanh (kỳ 1)

Kỳ 6: Giải mã sau 40 năm