Cách đây hơn chục ngày, trước lúc được ra viện, bác Bạch Tiến Minh, 79 tuổi, ở xã Phi Mô (Lạng Giang, Bắc Giang) bịn rịn không muốn chia tay đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng Khoa Phẫu thuật tim mạch - Viện Tim mạch (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Bác xúc động và chân thành đề xuất mọi người cùng chụp chung một tấm ảnh để lưu giữ lại những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời…
Vẹn nguyên cảm xúc, bác Minh kể: “Theo lẽ thường, bệnh nhân nằm viện chữa bệnh thường mong sớm được khỏe mạnh, ra viện “càng nhanh, càng tốt”. Thế nhưng, với tôi thì khác. Khi ra viện, tôi cảm nhận được một nỗi buồn kỳ lạ, khó tả…”. Đấy là tình cảm đặc biệt mà bác Minh dành cho những cán bộ, y sĩ, bác sĩ đã hết lòng quan tâm, chữa trị cho mình trong thời gian qua. Bác Minh nhập viện đúng dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, với tình trạng tâm lý bất ổn, sức khỏe suy sụp do bị phình động mạch chủ bụng, với đường kính 5,8cm, dài 9,7cm.
Bác Minh (chính giữa, hàng trước) trong ngày ra viện, cùng các y sĩ, bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim mạch, Viện Tim mạch - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Dù đang trong thời gian nghỉ lễ nhưng PGS. TS Lê Văn Trường, Viện trưởng, cùng các đồng chí lãnh đạo Viện tim mạch thường xuyên đến giường bệnh kiểm tra, thăm khám, động viên từng bệnh nhân. Đội ngũ các y sĩ, bác sĩ thực hiện nhiệm vụ theo phân công luôn trực 24/24; hết lòng quan tâm chăm sóc bệnh nhân với thái độ ân cần, chu đáo, lễ phép như thể họ đang chăm sóc chính người thân trong gia đình. Đón nhận sự quan tâm và tình cảm đó, bác Minh đã lấy lại niềm tin và an tâm hơn trước khi bước vào ca phẫu thuật động mạch chủ bụng. Sáng 4-5-2017, trước khi lên bàn mổ ít phút, bác đã viết một bài thơ đầy cảm xúc, trong đó có đoạn:
“…Niềm tin mãnh liệt trong tôi/ Lương y từ mẫu là người hồi sinh/ “Cháu con” phụng dưỡng tận tình/ Vạn sự tốt lành, ca mổ thành công/ Xua tan băng giá, bão giông/ Bình minh tỏa sáng, xuân hồng rực tươi...”.
Và niềm tin đã thành sự thật. Ngay trong ngày 4-5, ca mổ đã diễn ra thành công tốt đẹp. Chỉ sau đó một tuần, bác Minh ổn định sức khỏe và được ra viện. Theo bác Minh, việc dùng cụm từ “cháu con” trong bài thơ, một phần để nói về tình cảm dành cho con cháu trong gia đình, nhưng đồng thời cũng là cách gọi đối với đội ngũ các y sĩ, bác sĩ ở Viện Tim mạch 108. Bởi lẽ, kể từ khi nhập viện cho đến tận bây giờ và mãi về sau, bác tâm nguyện, rằng bản thân đã có thêm những người con, người cháu đang công tác ở Viện Tim mạch 108.
Chia sẻ về công việc, bác sĩ Nguyễn Quốc Hưng cho biết, từ nhiều năm nay, ở Viện Tim mạch lúc nào cũng có rất nhiều bệnh nhân chờ phẫu thuật. Trong số đó, phần đông là bà con nông dân nghèo và người cao tuổi. Khi vào Viện Tim mạch 108, cũng có nghĩa là bệnh nhân đã được chỉ định làm các thủ tục để phẫu thuật, do đó, cán bộ, y sĩ, bác sĩ ý thức rất rõ trách nhiệm trước hoàn cảnh khó khăn và sự khắc nghiệt, mong manh trong “ranh giới sinh tử” của mỗi người bệnh. Anh Hưng, trải lòng:
- Mỗi con người chỉ có một trái tim, cho nên khi nó bị hỏng, bị bệnh thì ta phải nâng niu, bảo vệ nó bằng chính trái tim của mình. Hay nói theo cách khác, chúng tôi nhận thức rất rõ: Mỗi bác sĩ, nhân viên phải biết yêu thương người bệnh bằng cả trái tim mình; đối xử với bệnh nhân bằng trái tim thật sự khỏe khoắn – đó là trái tim nhân văn, nhân đạo và thật sự trong sáng.
Thật đúng vậy, phải có trái tim khỏe như phân tích của bác sĩ Hưng mới giúp các y sĩ, bác sĩ chữa lành cho những trái tim không may mắn. Đó cũng là lý do, từ nhiều năm nay, ở Viện Tim mạch, yêu cầu cao về việc rèn luyện y đức được Đảng ủy, lãnh đạo đơn vị đặt lên hàng đầu. Điều đó giúp đội ngũ y sĩ, bác sĩ nhận thức, phấn đấu rèn luyện hướng đến những tiêu chí đạo đức nghề nghiệp hết sức cụ thể, khắt khe; để không chỉ trở thành những bác sĩ sáng ngời y đức mà còn là những quân nhân cách mạng hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.
Tìm hiểu được biết, gần đây, trung bình mỗi năm, Viện Tim mạch, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 thực hiện khoảng 300 ca mổ tim và phẫu thuật mạch máu. Đây là một trong số rất ít cơ sở y tế ở nước ta thực hiện được những kỹ thuật mổ tim tiên tiến của thế giới; là địa chỉ lớn của những trái tim không may mắn và mạch máu thiếu lành lặn. Do đó, không chỉ bác Minh mà nhiều bệnh nhân khác đều “để lại tình cảm, mang về niềm tin” sau thời gian điều trị, chữa bệnh tại đây. Chị Bạch Thị Hương, con gái bác Minh, chia sẻ: “Chẳng ai muốn được gặp bác sĩ trong bệnh viện như trường hợp của bố tôi; nhưng chắc chắn, sau lần “gặp gỡ” vừa qua, chúng tôi đã dành tình cảm và lòng kính trọng đặc biệt cho đội ngũ y sĩ, bác sĩ Viện Tim mạch. Rất mong được gặp lại các anh, các chị trong cuộc sống sâu nặng nghĩa tình này!”.
Nói đến đó, chị Hương, cùng các thành viên trong gia đình bác Minh lại vồn vã kể thêm về các đồng chí lãnh đạo của Viện Tim mạch - những con người không chỉ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, mà còn gần gũi, lo toan, đôn đốc, nhắc nhở cấp dưới và người bệnh trong công tác và tình cảm. Mọi người cũng “điểm danh” những bác sĩ trẻ trung đẹp người, đẹp tính, đẹp nết - một vẻ đẹp trí thức, lịch lãm và dễ gần, dễ mến. Và rồi họ kể về những nữ nhân viên khó tính, có chút nguyên tắc đôi khi đến khó chịu, nhưng “luôn tay, luôn chân” miệt mài, cần mẫn hướng dẫn người bệnh tự chăm sóc chính mình, quét dọn vệ sinh, chăm lo, gìn giữ một không gian sạch, yên tĩnh trong khuôn viên Viện Tim mạch…
Và còn nữa, còn nữa những trái tim khỏe khoắn, nhân đạo, đáng kính, đáng quý ở Viện Tim mạch “một linh tám”…!
Bài và ảnh: NGUYỄN SONG TUÂN