QĐND - Đến Trung tâm cơ sở Khuyết tật An Phúc, phường 15, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, điều cảm nhận đầu tiên của chúng tôi đó là sự ấm áp tình người. Tiếp chúng tôi, chị Hà Thị Hồng Hiệp quê ở xã Võ Su, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận cũng là một nạn nhân chất độc da cam. Chị đã 7 lần được các bác sĩ Bệnh viện Quân y 108 mổ khắc phục khuyết tật đôi chân. Chị được Trung tâm giao việc quản lý, hướng dẫn các thành viên của trung tâm.
Khi hỏi đến người phụ trách trung tâm, mọi người đều gọi ông Trần Hữu Quang bằng cái tên thân mật là “bố Quang". Chị Hiệp kể về "bố Quang" của chị trong niềm tự hào và xúc động: “Trước đây bố Quang là một người viết báo. Những lần đi tác nghiệp, bố gặp nhiều mảnh đời bất hạnh, nhất là các nạn nhân chất độc da cam, các trẻ khuyết tật... khiến bố nhiều đêm trăn trở. Cũng từ đó bố nuôi ý định thành lập một trung tâm để nuôi dưỡng, dạy nghề cho các em, giúp các em có thể tự lo cho bản thân mình. Sau những nỗ lực, tháng 10-2006, Trung tâm cơ sở Khuyết tật An Phúc chính thức được thành lập. Ban đầu cơ sở bộn bề khó khăn, thiếu thốn, gạo ăn nhiều khi hết, khiến bố Quang phải lo chạy từng bữa cho chúng em. Đã thế nhiều em ở trung tâm lại thường xuyên đau ốm, nhất là mỗi khi trái gió trở trời, di chứng do chất độc da cam phát tác, làm bố Quang luôn lo lắng. Thế nhưng cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và bằng tình thương, trách nhiệm của từng thành viên, trung tâm đã từng bước đứng vững".
 |
Các nạn nhân da cam Trung tâm cơ sở Khuyết tật An Phúc đang miệt mài làm hàng thủ công mỹ nghệ.
|
Mặc dù cuộc sống của các em còn nhiều gian khó nhưng hạnh phúc đã đơm hoa kết trái. Hiện Trung tâm có 3 cặp vợ chồng là các nạn nhân da cam, khuyết tật. Đó là hạnh phúc của anh Hồ Văn Đủ khiếm thị và chị Thi Diễm Thu người dân tộc Khơ-me cũng là người khiếm thị. Anh chị cưới nhau năm 2009. Đến nay, anh chị có một cháu trai Hồ Văn An 3 tuổi khỏe mạnh.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, cơ sở hiện có 30 người, đều là nạn nhân chất độc da cam, cùng mang trong mình những di chứng bởi chất độc da cam. Nhưng họ đều nỗ lực vượt lên từng ngày để trở thành những con người có ích.
Anh Nguyễn Minh Thắng năm nay 30 tuổi chưa lập gia đình. Anh bị di chứng khuyết tật liệt đôi chân, đi lại phải nhờ xe lăn, nhưng anh còn đôi tay khỏe và nghị lực, Thắng luôn chủ động giúp các bạn trong mọi sinh hoạt hằng ngày. Thắng không nề hà bất cứ việc gì từ rửa bát, giúp bạn vệ sinh, chăm sóc lúc ốm đau... Thắng kể: “Có ngày tôi đi cả chục cây số trong địa bàn TP Hồ Chí Minh để giới thiệu chào hàng và giao dịch với khách hàng và tìm mua nguyên vật liệu. Công việc tuy vất vả nhưng tôi rất thích và thấy người khỏe thêm...". Chúng tôi được biết Thắng vừa làm, vừa theo học năm thứ hai tại Khoa Quản lý Lao động, Trường Cao đẳng Lao động Xã hội TP Hồ Chí Minh. Ước mơ của Thắng là học lấy kiến thức để giúp đỡ các bạn cùng số phận vươn lên.
Còn anh Lê Văn Ở thì lại có năng khiếu bẩm sinh về âm nhạc. Anh bị di chứng không có hốc mắt từ lúc vừa sinh ra. Những tưởng dị tật ấy sẽ làm anh suốt đời phải ở trong bóng tối và sự im lặng. Nhưng anh đã học và sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ và trở thành thành viên xuất sắc trong ban nhạc “Da cam” của trung tâm. Ban nhạc này đã từng biểu diễn ở nhiều nơi và được khán giả mến mộ.
Vượt lên nỗi đau da cam, Trung tâm cơ sở Khuyết tật An Phúc không những là ngôi nhà chung của 30 nạn nhân chất độc da cam, khuyết tật mà còn là nơi làm ra gần 20 sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng như túi xách, bình hoa làm bằng hạt cườm, tre trúc khảm chữ thư pháp...
Mặc dù phía trước còn nhiều thử thách, nhưng với nghị lực của mình, các nạn nhân chất độc da cam tại Trung tâm cơ sở Khuyết tật An Phúc đã làm được điều kỳ diệu, đó là tạo ra một tập thể luôn biết vượt khó vươn lên.
Bài và ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN