QĐND - Được mệnh danh là hòn đảo có nhiều sóng gió nhất, trong mùa biển động, sóng có thể tung bọt vào giữa đảo. Tuy nhiên, ngày An Bang đón nhận hàng, quà Tết từ đất liền, khu vực biển quanh đảo trở nên hiền hòa hơn nhiều, dù rằng đang giữa mùa biển động…

Sóng nhỏ coi như không có

Trước khi nhận nhiệm vụ ra Trường Sa tác nghiệp, tôi đã được đồng chí, đồng nghiệp có kinh nghiệm đi công tác ở các khu vực biển đảo chuyện trò, dặn dò và truyền đạt kinh nghiệm. Tôi ấn tượng nhất với những câu chuyện về sóng gió ở vùng biển đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa. Ở An Bang, ngay cả trong mùa biển lặng, vào quãng tháng 4, sóng vẫn lớn và gió vẫn to. Xuồng cập đảo chưa khi nào dễ dàng. Vào mùa biển động, sóng gió nơi ấy càng dữ dội hơn bội phần.

Tuy vậy, khi cùng đoàn công tác ra boong tàu chuẩn bị xuống xuồng vào đảo, tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy biển hiền hòa hơn những gì mình tưởng tượng rất nhiều. Mặt biển chỉ cồn lên những đụn sóng cao khoảng trên dưới một mét và tàu của chúng tôi tròng trành rất nhẹ. Phía xa xa, đảo An Bang nổi lên khum khum với bãi cát trắng bồi phía trước, nom hệt như một chú sò khổng lồ đang nhả lưỡi nếm thử vị mặn mòi của biển cả. Xuồng sẽ đưa chúng tôi cập đảo theo hướng chiếc “lưỡi sò” xinh xắn ấy.

Dẫu biển rất đỗi hiền hòa (chỉ gọi như vậy là “hiền hòa” đối với An Bang, nơi bộ đội ta “sóng to coi như sóng nhỏ, sóng nhỏ coi như không có”), nhưng với kinh nghiệm lâu năm đưa đoàn đi công tác ở vùng biển đảo Trường Sa, Thiếu tá Vũ Hồng Quảng liên tục nhắc nhở mọi người giữ vị trí ngồi ổn định, kẻo mất thăng bằng dẫn tới lật xuồng. Chúng tôi vào đảo bằng xuồng chuyển tải. Mặt biển không động mạnh, nhưng do bị ngắt thành 2 luồng qua hai bên đảo rồi “châu đầu” vào nhau ở khu vực bãi cát, nên càng vào gần đảo, sóng càng lớn và nguy hiểm hơn. Nếu không giữ được thăng bằng, xuồng chuyển tải rất dễ bị sóng đánh lật. Mặc dù chúng tôi ai nấy đều gắng sức ngồi như dán chặt vào đáy xuồng, nhưng càng lúc, chúng tôi càng thấy xuồng chao đảo mạnh. Có thời điểm, xuồng của chúng tôi bị nghiêng dễ tới 30 độ. Lúc ấy, tôi phải ghì chặt hai chân phía trước để không bị trôi sang mạn xuồng đối diện, mặt ai cũng lộ vẻ lo âu.

Kéo xuồng vào đảo An Bang.

Khi xuồng đưa chúng tôi gần vào tới đảo, dây nối với xuồng kéo được tháo ra và ném lên bãi cát, nơi đang có rất đông cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang chờ bắt dây. Họ hợp sức kéo rất mạnh. Xuồng chúng tôi nương theo sức sóng và sức người phi thẳng lên bãi cát. Chúng tôi lên đảo an toàn giữa những tràng pháo tay giòn giã, những tiếng thở phào nhẹ nhõm và những nụ cười rạng ngời hạnh phúc trên khuôn mặt lết bết cát trắng cùng nước biển của cán bộ, chiến sĩ An Bang.

Lần lượt những chuyến xuồng đưa các thành viên trong đoàn công tác, hàng và quà Tết được đưa vào An Bang như thế. Khi người, hàng và quà Tết đã lên đảo an toàn, Trung tá Vũ Minh Thân, Đảo trưởng đảo An Bang, nói lại với chúng tôi:

- Hôm nay, các anh vào đảo trong điều kiện thời tiết và sóng biển rất thuận lợi. Chưa hôm nào sóng biển "êm" như thế này kể từ đầu mùa biển động tới bây giờ. Trong các lần đưa quà Tết từ đất liền ra đảo gần đây, cũng chưa có năm nào biển “êm dịu” đến thế! Tuy nhiên, chúng tôi vẫn rất lo cho các thành viên trong đoàn, bởi chỉ một chút mất cảnh giác có thể gây mất an toàn ngay…

Tôi nhìn lại bộ áo quần mình đang mặc, thấy chỉ bị ướt chút ít, không đến mức ướt sũng như miêu tả của những người đã từng ra đảo An Bang, bất chợt nhớ lại phút giây âu lo trên xuồng. Biển ngỡ như êm ả dường ấy mà đã khiến chúng tôi và cả đồng chí, đồng đội của mình trên đảo thấy lo lắng cho sự an nguy của những người trên xuồng đến vậy. Khi biển động mạnh hơn, hẳn nhiên, sự vất vả của các anh chắc chắn sẽ tăng theo tỷ lệ thuận. Khó khăn là thế, sóng gió là thế, nhưng cán bộ, chiến sĩ trên đảo An Bang vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, những chuyến hàng, quà nói chung và hàng, quà Tết nói riêng từ đất liền cũng vẫn chưa lần nào lỡ hẹn với An Bang…

Đạp bằng sóng dữ

Trung tá Vũ Minh Thân tâm sự:

- Ở An Bang, sóng gió, biển động quanh năm. Biển bình thường đã động cấp 3, cấp 4. Nhiều hôm, biển động mạnh, sóng hất bụi nước biển bay vào tận sân nhà. Mỗi khi có áp thấp nhiệt đới, biển động mạnh hơn rất nhiều. Mỗi tháng, An Bang có ít nhất 10 ngày biển động như thế.

Ngoài kia, sóng biển đang dồn lên hệ thống kè chắn sóng, tung bọt lên cả đảo. Đó là lúc được coi là biển “êm” nhất ở An Bang.

Đối nghịch với mặt biển ầm ào ngoài kia, khung cảnh trong khuôn viên đảo An Bang rất yên bình và không kém phần thơ mộng với những người có tâm hồn lãng mạn. Dưới những tán lá bàng quả vuông xanh mướt, mát lành là những bộ bàn ghế uống nước được kê rất ngay ngắn, gọn gàng. Bồn trồng bàng được rải sỏi trắng, loại sỏi san hô trải qua nhiều năm giũa mài bởi sóng biển đã trở nên nhẵn bóng, sạch sẽ và óng ánh dưới những tia nắng xuyên qua từ kẽ lá. Không hiểu hữu ý hay vô tình, gần đó, cán bộ, chiến sĩ trên đảo dựng tấm pa-nô mang dòng chữ: “Súng không lau, súng mau han gỉ; Người không rèn, ý chí không cao”. Từ những cành san hô lởm chởm gai góc, sóng gió vẫn có thể giũa mài thành những viên sỏi bóng nhoáng, óng ánh tựa ngọc sáng thế kia. Con người ta lại càng làm được nhiều hơn thế, đặc biệt là các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió. Tinh thần thép của các anh cũng được giũa rèn, tôi luyện như vậy.

Quà Tết vượt sóng vào An Bang an toàn.

Thấp thoáng bên đầu hồi những tòa nhà là nhiều giàn mồng tơi mơn mởn, lá to như những chiếc đĩa cỡ lớn, dày dặn, kiêu hãnh đón những cơn gió lộng ào ào từ biển cả. Đến ngọn mồng tơi cũng dạn dày với sóng gió như thế, huống chi anh Bộ đội Cụ Hồ vốn luôn coi thường mọi khó khăn, gian khổ? Vậy nên, sóng gió với các anh chẳng phải là thử thách quá đỗi gớm ghê. Chả vậy mà khi trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí, bộ đội An Bang ai cũng khẳng định đã quá quen thuộc với sóng to, gió lớn ở An Bang, coi An Bang như ngôi nhà của mình. Trong ngôi nhà ấy, họ có những người đồng chí, đồng đội coi nhau như anh em ruột thịt, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, sát cánh bên nhau đạp bằng sóng gió, bắt sóng gió phải quy phục trước sức mạnh của ý chí và lòng quyết tâm, quả cảm của con người. Điều đó đã trở thành biểu tượng truyền thống trên các đảo của Việt Nam ta, đặc biệt là trên đảo An Bang.

Trao đổi với chúng tôi, chiến sĩ trẻ Trần Thanh Thu (19 tuổi, quê Bình Thuận) nói, khi mới ra đảo làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, anh đã rất bất ngờ khi chứng kiến cuộc sống của bộ đội trên đảo An Bang. Thu nói:

- Các anh ở đảo lâu năm thường xuyên động viên, hướng dẫn chúng em từng việc nhỏ. Em rất cảm động khi nghe các anh dặn dò: Mới ra đảo, chưa quen thì không nên ra ngoài một mình, kẻo bị ngã xuống biển mà nguy hiểm. Cảm giác đầu tiên của em khi đặt chân lên An Bang là sự cởi mở, thân thiện và chân tình của các anh. Điều đó khiến em liên tưởng tới tình cảm thương yêu, đoàn kết, gắn bó như người một nhà, làm em vơi bớt rất nhiều nỗi nhớ nhà…

Ý chí mạnh, quyết tâm cao được chắp thêm “đôi cánh” đoàn kết, yêu thương nhau. Có lẽ chính những điều đó đã giúp các anh chinh phục thành công sự hung bạo của thiên nhiên.

Mới đây nhất, cơn bão số 1, cơn bão hiếm hoi trong lịch sử quét thẳng qua phía Nam quần đảo Trường Sa, trong đó có đảo An Bang, gây biển động dữ dội, gió giật mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây, nhưng đã không để lại thiệt hại quá lớn tại An Bang. Với sức mạnh của ý chí và tình đoàn kết, ngoài những bộ phận trực, canh gác theo kế hoạch, toàn bộ lực lượng đều tham gia chống bão. Dưới mưa to, gió lớn, biển thét gào dữ dội bên cạnh, các anh vẫn phăm phăm căng bạt che chắn cho từng kẽ hở chuồng gà, vịt, lợn, chó và những vườn rau xanh. Không khuất phục được bộ đội ở An Bang, cơn bão số 1 vội vã lướt qua mà chỉ để lại vết tích nhỏ là một cành bàng quả vuông bị gãy…

Ngày mai kia, nơi cành bàng quả vuông bị gãy sẽ lại có thêm nhiều mầm non nhỏ vươn mình trong nắng, gió và sẵn sàng đối mặt với những cơn cuồng bạo của thiên nhiên. Tôi tin, và tôi chắc bất cứ người Việt Nam nào cũng có suy nghĩ như vậy, màu xanh bất diệt sẽ mãi xanh trên các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam, cho dù sóng to, gió lớn cỡ nào, như chân lý chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam, không thế lực nào có thể bẻ cong sự thật đó…

An Bang, ngày 16-1-2013

Bài và ảnh: MINH THẮNG