Thời gian mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam ở Ai-len chỉ có 36 giờ. Thế nhưng với cường độ làm việc khẩn trương, sự chuẩn bị chu đáo cả của ta và của bạn, sau 36 giờ vàng ngọc ấy, quan hệ của hai nước đã nâng thêm tầm cao mới.

Riêng với những người lần đầu tới Ai-len như tôi, cảm nhận về quốc đảo nhỏ bé giữa đại dương mênh mông này thật diệu kỳ...

Nhìn trên bản đồ thế giới, đất nước Ai-len thật nhỏ bé nằm ở cực Tây-Bắc châu Âu, xung quanh là đại dương mênh mông. Diện tích của Ai-len chỉ có hơn 70.280 ki-lô-mét vuông. Dân số của Ai-len chỉ có hơn 4 triệu người. Ai-len đã từng là quốc gia lạc hậu nhất châu Âu, GDP tính theo đầu người chỉ bằng 60% mức trung bình của châu Âu. Tài nguyên thiên nhiên của Ai-len không có gì đáng kể. Vậy mà giờ đây, GDP của Ai-len tính theo đầu người đã vươn lên đứng ở vị trí thứ 4 thế giới, chỉ sau Lúc-xăm-bua, Na Uy và Mỹ (tính theo sức mua PPP) hoặc thứ 8 nếu tính theo giá trị tuyệt đối. Trong hơn 20 năm qua, Ai-len đã duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao hàng đầu thế giới. Cộng hòa Ai-len đang là một hình mẫu đối với các nước đang phát triển.

Một góc thành phố Đu-blin.
Không chỉ có vậy, quốc gia nhỏ bé này còn rất tích cực tham gia đóng góp vào mục tiêu 0,7% GNP của Liên hợp quốc. Trong chiến lược phát triển viện trợ công bố, Ai-len đã nhấn mạnh ưu tiên dùng tiền viện trợ cho các chương trình hợp tác phát triển của các nước riêng lẻ, viện trợ khẩn cấp và tăng đóng góp cho các cơ quan Liên hợp quốc. Việt Nam là nước châu Á duy nhất trong danh sách ưu tiên nhận ODA của Ai-len. Trong giai đoạn 2007-2010, Ai-len cam kết sẽ dành 87,5 triệu ơ-rô viện trợ phát triển cho Việt Nam, tập trung vào xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người khuyết tật, nhất là trẻ em và hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

Sự tăng trưởng kinh tế kỳ diệu của Ai-len được bắt đầu bằng sự chuyển dịch kinh tế, chuyển đổi mạnh từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp và dịch vụ, trong đó ưu tiên thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài và tập trung sản xuất hàng xuất khẩu. Ai-len còn có chính sách thu hút nguồn vốn từ người Ai-len ở nước ngoài, khuyến khích họ đầu tư về Tổ quốc mình. Kinh nghiệm phát triển kinh tế của Ai-len được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ ta đặc biệt quan tâm.

Tuy Việt Nam và Ai-len mới thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1996, nhưng quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước đã có những bước phát triển rất tích cực. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước ngày càng tăng. Tại các một số trung tâm thương mại và siêu thị lớn của thủ đô Đu-blin, chúng tôi đã gặp nhiều hàng hóa có mác nhãn "Made in Vietnam", nhiều nhất là quần áo và giày dép, trong đó có những chiếc áo sơ mi có giá tới 30 ơ-rô (tương đương với khoảng 600.000 đồng tiền Việt Nam). Tại thủ đô Đu-blin, thỉnh thoảng, chúng tôi cũng gặp được người Việt Nam.

Biết tôi là phóng viên báo Quân đội nhân dân, ông Thái Văn Nga, Phó chủ tịch Hội liên hiệp Văn hóa Việt Nam-Ai-len và nhiều người dân Ai-len rất phấn khởi vì "được làm quen với một cán bộ quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng". Ông Nga cho biết: Tại Ai-len hiện có khoảng 3.000 người Việt Nam đang học tập, làm ăn, sinh sống. Người Việt Nam ở Ai-len đều đoàn kết, cùng nhau hướng về Tổ quốc. Ai-len và Việt Nam có những nét tương đồng, họ rất yêu mến Việt Nam, đặc biệt rất kính trọng quân đội Việt Nam.

Các ông Thái Văn Nga và Đinh Đình Thủy, Việt kiều quê ở Đồ Sơn (Hải Phòng) đã tình nguyện hướng dẫn chúng tôi thăm thủ đô Đu-blin. Thành phố Đu-blin được quy hoạch khá bài bản với dòng sông ở giữa nước trong xanh. Bên bờ sông và cắt ngang dòng sông là các đường phố rộng, thoáng, cạnh đó là những ngôi nhà cổ kính. Kiến trúc của Đu-blin được kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.

36 giờ ở Ai-len, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam được bạn đón tiếp trọng thể và nồng nhiệt. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội đàm chính thức với Thủ tướng Béc-ti A-hơn và tiếp nhiều quan chức, doanh nghiệp của Ai-len. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đến thăm trường đại học Đu-blin (UCD), nơi có khá nhiều sinh viên Việt Nam đến học tập. Thủ tướng Việt Nam đã động viên các sinh viên Việt Nam và các nước bạn cố gắng học tập, cống hiến nhiều hơn cho Tổ quốc.

Người đứng đầu Chính phủ Ai-len và đại đa số người dân của quốc đảo này đều có cảm tình với Việt Nam. Đồng chí Trần Quang Hoan, Đại sứ Việt Nam tại Anh kiêm nhiệm Ai-len kể lại rằng, cuối tháng 1 vừa qua, khi đến trình thư ủy nhiệm, Tổng thống Ai-len Ma-ri Mác A-li-xơ đã bày tỏ sự ngưỡng mộ và kính trọng của mình đối với đất nước và con người Việt Nam. Bà Tổng thống cho biết nhiều người Ai-len đến tham quan hoặc làm việc tại Việt Nam trở về đều có những ấn tượng sâu sắc về đất nước Việt Nam tươi đẹp và con người Việt Nam hiền hậu, cởi mở, hiếu khách.

36 giờ ở Ai-len, xứ sở diệu kỳ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân cùng đoàn đại biểu cao cấp Chính phủ Việt Nam đã góp phần làm cho bạn hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam, khơi thêm dòng chảy trong quan hệ đầu tư, thương mại, hợp tác giữa hai nước, góp phần đưa quan hệ hữu nghị vốn đã rất tốt đẹp giữa Việt Nam và Ai-len lên tầm cao mới.

ĐỖ PHÚ THỌ (Bài của phóng viên báo Quân đội nhân dân từ Ai-len)