Ở đây không có nạn “phong bì”

Không ai muốn mình và người thân bị bệnh để phải vào nằm viện, nhưng có vào chăm sóc người thân điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Đắc Lắc, tôi mới hiểu tấm lòng vì người bệnh của các thầy thuốc ở đây.

Ngày trước, tôi thường nghe nói về những “tiêu cực” trong các bệnh viện, như: Vào viện phải có phong bì cho bác sĩ mới được chăm sóc tốt, bệnh nhân nghèo thường bị phân biệt đối xử… Khi vợ tôi là H’ Riết Niê bị bệnh tim, phải vào Bệnh viện Đa khoa Đắc Lắc điều trị, tôi rất lo. Nhưng sau 5 đợt đưa vợ vào điều trị ở Khoa nội của bệnh viện này, tôi thấy các thầy thuốc ở đây rất tốt, không có chuyện gây khó dễ để đòi “phong bì”. Hôm vợ tôi nhập viện, y tá dẫn tới từng khoa để khám, làm các xét nghiệm. Khi vợ tôi nằm điều trị, không những được các bác sĩ cấp thuốc, thăm khám thường xuyên, mà còn được ăn cơm miễn phí. Sự tận tình của y sĩ, bác sĩ làm vợ tôi và gia đình hết lo âu, tư tưởng thoải mái và bệnh tình mau khỏi. Tôi rất mong ngày càng có nhiều bệnh viện quan tâm chăm sóc người bệnh chu đáo như Bệnh viện Đa khoa Đắc Lắc.

Y VAN KNUL

(Buôn Ea Tiêu, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắc Lắc)

Những nghĩa cử cao đẹp

Cách đây gần 2 tuần, tôi và H’Biết cùng bị tai nạn giao thông trong lúc đi chợ. H’Biết bị thương vùng mặt, còn tôi bị gãy xương đùi và xương cẳng chân. Vào Bệnh viện Đa khoa Đắc Lắc chữa trị, tôi được các bác sĩ mổ nối lại những chỗ xương bị gãy; còn H’Biết sau khi điều trị một tuần, vết thương vùng mặt đã khỏi, vừa xuất viện ngày 9-10.

Tôi được biết, để điều trị lành cái chân bị gẫy như tôi phải tốn kém hơn chục triệu đồng, nhẹ như H’Biết cũng phải chi phí vài triệu. Nhưng những bệnh nhân người dân tộc thiểu số như chúng tôi không những được Bệnh viện Đa khoa Đắc Lắc điều trị miễn phí, mà hằng ngày còn được các chị ở “Bếp ăn tình thương” mang cơm đến tận giường bệnh phục vụ.

Trong hơn nửa tháng nằm viện, tôi thấy các y sĩ, bác sĩ còn tổ chức quyên góp trong nội bộ cán bộ, nhân viên của khoa và vận động những bệnh nhân có điều kiện ủng hộ, giúp đỡ một số bệnh nhân nghèo không nơi nương tựa. Có bệnh nhân đã được cứu sống vì nhờ có nhân viên của Bệnh viện hiến máu kịp thời.

Tôi rất cảm động khi biết chị Nguyễn Thị Bạch Đào là Điều dưỡng trưởng bệnh viện thường xuyên tranh thủ thời gian đi vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp, ủng hộ “Bếp ăn tình thương”, giúp hàng trăm bệnh nhân nghèo có bữa ăn miễn phí trong những ngày điều trị. Những nghĩa cử ấy thật cao đẹp. Thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, mong ngày càng có nhiều cơ sở y tế giúp người nghèo thiết thực như Bệnh viện Đa khoa Đắc Lắc.

H’ BÍP NIÊ

(Buôn Oa, xã Cư Huê, huyện Ea Kar, tỉnh Đắc Lắc)