Nhìn vóc dáng mảnh mai, gầy yếu của chị, tôi không khỏi ngạc nhiên và tự hỏi sức mạnh nào đã giúp chị có được quyết định và việc làm can đảm, cao đẹp đến thế - một việc làm khiến không chỉ cộng đồng trong nước mà rất nhiều người nước ngoài cảm động,  ngưỡng mộ.

Muôn vàn gian khó

Cách đây gần ba năm, câu chuyện về một cháu bé vừa chào đời đã bị mẹ đẻ vứt bỏ trong vườn, bị thú rừng ăn mất một chân và bộ phận sinh dục, kiến bu đầy người, toàn thân tím tái không còn chút sự sống đã khiến bao người rưng rưng nước mắt. Sau 72 giờ, cháu bé mới được phát hiện và đưa tới bệnh viện Tam Kỳ - tỉnh Quảng Nam cấp cứu. Và kỳ lạ thay cháu vẫn còn sống…

Mẹ Mai Anh đưa Thiện Nhân từ nhà trẻ về.

Đọc những thông tin trên, cũng như biết bao người khác, chị Trần Mai Anh rất xúc động. Nhờ biết tiếng Anh, chị đã gửi email tới các bệnh viện danh tiếng và các tổ chức nước ngoài hỏi về việc chữa trị cho cháu. Các giáo sư nước ngoài cho biết việc chữa cho cháu thành người đàn ông bình thường là vô cùng khó khăn, phức tạp, tốn kém và phải kéo dài cả chục năm cho tới khi cháu trưởng thành. Cuối năm 2007, chị Mai Anh đã lặn lội vào huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam tìm thăm và đưa cháu bé đi khám. Các bác sĩ cho biết không phẫu thuật và chữa trị kịp thời cháu sẽ bị nhiễm trùng nặng đường tiết niệu, sẽ cong vẹo cột sống. Chị Mai Anh cùng nhiều bà mẹ khác đã cố công tìm một gia đình khá giả nhận nuôi và chữa trị cho cháu, nhưng chưa tìm được. Hình ảnh cháu bé ốm yếu, cụt một chân, mất bộ phận sinh dục, lê dưới nền đất, gương mặt gầy, thiếu ăn nhưng ánh mắt rất đẹp, buồn như biết nói ám ảnh chị cả trong giấc ngủ. Trái tim nhân hậu, cảm động của chị run rẩy. Chị cảm thấy như mình đã bỏ rơi mất một đứa con. Chị đã có hai con trai xinh xắn, ngoan ngoãn là Thiên Minh và Hải Minh.  Nghe mẹ kể có em bé bị bỏ rơi trên núi, bị súc vật cắn, hai con chị xin với mẹ: “Mẹ ơi, bao giờ mẹ đón em về với chúng con”.  Không thể muộn hơn được nữa, phải chữa trị cho cháu, vợ chồng chị đã quyết định nhận cháu làm con nuôi, đổi họ cho cháu là Phùng Thiện Nhân, họ của chồng chị-anh Phùng Quang Nghinh.

 “Khi quyết định đón Thiện Nhân về, tôi chỉ có suy nghĩ: Lo ăn, lo mặc, lo chữa trị cho cháu. Vậy nhưng khi bế cháu ra khỏi làng, cháu cứ ngoái đầu lại và khóc rất to. Lúc đó tôi vô cùng bối rối. Ra đến Hà Nội, Thiện Nhân khóc càng nhiều, khóc suốt ngày suốt đêm, không theo ai ngoài anh Thiên Minh, con trai đầu của tôi, cháu cứ ôm chặt lấy anh, kể cả trong giấc ngủ”, chị Mai Anh nhớ lại.

Những đêm đầu, cơn đau nhức giằng xé cơ thể cháu, chị Mai Anh thức trắng đêm, âu yếm, vỗ về, ôm con vào lòng, chị nói: "Chỉ muốn gồng mình, trút hết sức lực, và tình yêu thương để cháu đỡ cơn đau" - người chị gầy sọp đi từ 49 - 50 kg chỉ còn 42, 43kg...

Thế rồi với tình thương yêu, chăm sóc hằng ngày của bố mẹ, của hai anh, của bà ngoại, bà nội và của tất cả các mẹ, các cô chú, anh chị tới thăm đã giúp cháu hòa nhập rất nhanh vào cuộc sống. Chị Mai Anh đã khóc khi nghe tiếng gọi mẹ lần đầu của cháu và khi lần đầu tiên đỡ cháu Thiện Nhân tập đứng thăng bằng với cái chân giả. Cháu đòi phải mẹ tắm, đòi bố xúc cho ăn, đòi được hai anh chiều chuộng và rất hay úp mặt xuống bàn làm nũng khi không được như ý. Tâm hồn non nớt của cháu thấm rất nhanh những điều mẹ Mai Anh dạy bảo hằng ngày. Cháu dần biết rõ những khiếm khuyết, thiệt thòi trên cơ thể của mình, và nghe lời mẹ dạy, cháu không mặc cảm mà mạnh dạn hòa nhập vào cuộc sống. Cháu được đi học mẫu giáo như tất cả các người bạn bình thường khác, vui chơi cùng các bạn; được dự khai giảng, bế giảng năm học; được đi công viên, đi xem xiếc cùng các bạn; cháu xung phong lên hát và hăng hái trả lời câu hỏi của cô giáo. "Khó nhất là dạy cho cháu đánh răng", chị Mai Anh nhớ lại hai mẹ con soi mặt vào gương. Tôi "làm mẫu, để cháu nhìn, kẹp bàn tay mẹ vào tay của cháu rồi đẩy nhẹ". Dần dần cháu đã tự đánh răng buổi sáng, tự xúc cơm ăn, chịu khó đau đớn tập đi với chiếc chân giả của mình... Cháu đã có được một tổ ấm mới đầy tình yêu thương. Cháu có một gia đình mới rộng mở hơn với hàng trăm bố mẹ, anh chị em khắp nơi trên thế giới. Một cuộc sống mới đầy nhân ái như cổ tích giữa đời thường đã đến với cháu trên hành trình gian nan của cuộc sống…

Vượt lên tất cả

Vẫn biết cuộc sống luôn đầy cam go, gia đình bé mọn với hai đứa con trai đang tuổi ăn, tuổi lớn, bạn bè chị Mai Anh khi biết tin gia đình chị quyết định giữ nuôi cháu Thiện Nhân đã tiếng bấc, tiếng chì: "Nhà có dư dả gì cho cam, lo cho hai thằng con trai đã quá vất vả giờ lại nhận nuôi thêm một quý tử nữa liệu có ổn không? Mà thằng bé Thiện Nhân ấy còn mất một chân, cơ thể  vẫn bị giày vò bởi vết thương do thú rừng cắn". Để chăm lo cho cháu, gia đình chị Mai Anh đã phải đi thuê căn hộ trong ngõ 11 phố Nhà Chung để cháu đi học gần trường hơn, cho thuê căn nhà cũ ở ngoài bãi Phúc Xá được 6 triệu đồng, chị phụ thêm 3 triệu đồng nữa để có một mái ấm tàm tạm, khéo sắp đặt đủ sinh hoạt cho 5 người. Để kiếm thêm tiền nuôi các con, chồng chị, anh Phùng Văn Nghinh phải làm thêm ngoài giờ, cứ tối về lại chạy xe máy chở quần áo thời trang do chính Mai Anh thiết kế và tổ chức sản xuất giao cho các "shop" ở Hàng Ngang - Lương Văn Can, Trần Nhân Tông.

Chị Mai Anh chia sẻ, tuy phải nuôi dạy hai cậu con trai còn nhỏ nay lại thêm bé Thiện Nhân, nhưng chị hạnh phúc vì không đơn độc. Đồng hành với gia đình chị và bé Thiện Nhân là hàng trăm người mẹ, người cha, hàng triệu trái tim nhân ái đang hướng về họ. “Thiện Nhân Hội” được các ông bố, bà mẹ lập ra không chỉ ở Hà Nội mà còn ở Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh với các thành viên cả trong và ngoài nước nhằm trao đổi những mối quan tâm trong việc nuôi dạy cháu, gây quỹ chữa bệnh, mong cháu Thiện Nhân được học hành thành đạt, nên người... Thiện Nhân có một website riêng do mẹ Mai Anh lập, cả tiếng Việt, tiếng Anh (http:thiennhan.info) với lượng truy cập cả trong nước và ngoài nước rất đông đảo. Hầu hết các báo ở trong nước: báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử và các trang mạng đều có những bài viết, phim ảnh mong mọi người hãy quan tâm tới cậu bé có số phận đau đớn, kì lạ và sức sống mãnh liệt này và biểu dương việc làm nhân ái của chị Mai Anh. Nhờ thế, các phương tiện truyền thông của nhiều nước cùng nhiều giáo sư y khoa nổi tiếng của Mỹ đã biết và quan tâm đến số phận của bé Thiện Nhân. Đã có hàng trăm bài báo và các kênh truyền hình tại Việt Nam, Xin-ga-po, Thái Lan, Hàn Quốc, Anh, Mỹ, Đức, Nhật… đưa tin về Thiện Nhân.

Biết cháu đã mất toàn bộ bộ phận sinh dục, nhiều người khuyên nên phẫu thuật chuyển đổi giới tính cho cháu thành con gái nhưng chị Mai Anh không chịu: “Ông trời đã sinh ra cháu, muốn cháu là con trai. Hãy giữ lấy ý nguyện ấy, hãy cứu chữa và giúp cháu trở thành người đàn ông bình thường để sau này cháu có thể có gia đình và có con”. Với trái tim nhân ái và niềm mong muốn mãnh liệt ấy, chỉ trong vòng hơn một năm qua, người phụ nữ nhỏ nhắn, mảnh mai này đã đưa cậu con nuôi của mình tới 14 bệnh viện trong và ngoài nước để làm chân giả, để phẫu thuật chữa trị cho cháu, trong đó có 2 bệnh viện ở Thái Lan và 3 bệnh viện tại Mỹ. “Cậu bé kì diệu đến từ Việt Nam xa xôi cùng người mẹ trẻ giàu lòng nhân ái” - Cụm từ đó được nhắc nhiều lần trên các trang báo lớn và trên màn ảnh của các hãng truyền hình lớn của Bắc Mỹ. Tháng 8 năm 2008, lần đầu tiên Thiện Nhân theo mẹ Mai Anh đặt chân xuống sân bay thành phố New Hamppshire của nước Mỹ xa xôi. Ba hãng truyền hình và nhiều phóng viên Mỹ đã đón để ghi hình, phỏng vấn ở sân bay, họ vô cùng ngạc nhiên khi thấy Thiện Nhân khi đó mới 2 tuổi, cụt một chân mẹ phải bế trên tay nhưng gương mặt vẫn tươi tắn đã biết nở nụ cười và giơ tay chào mọi người. Các phóng viên cũng ngỡ ngàng khi thấy mẹ nuôi của Thiện Nhân bé nhỏ, ăn mặc hết sức giản dị, không chút trang điểm, thân thiện trả lời trực tiếp bằng tiếng Anh mọi câu hỏi của các nhà báo. Khi được hỏi chị học tiếng Anh ở đâu vậy, chị Mai Anh đã trả lời: “Tôi học tiếng Anh ở Việt Nam. Đất nước chúng tôi giờ đây có điều kiện học tập tốt nhất cho tất cả mọi người".

Hành trình trở thành người đàn ông đích thực của bé Thiện Nhân

Ca phẫu thuật niệu đạo cho Thiện Nhân do các giáo sư, bác sĩ ở bệnh viện Dartmouth ở bang New Hamppshire Hoa Kỳ tiến hành đã thành công tốt đẹp, Thiện Nhân đã có thể tự đi tè không còn phải đóng bỉm suốt ngày đêm nữa. Thiện Nhân đã được mẹ Mai Anh đưa tới bệnh viện chuyên khoa ở Chicago để khám, làm chân giả và tư vấn việc chữa trị lâu dài. Trùng thời gian đó, tại Mỹ đã diễn ra cuộc hội thảo với sự tham dự của nhiều giáo sư hàng đầu thế giới về các tiến bộ mới của y khoa/khoa học, trong đó có đề cập đến các trường hợp như của Thiện Nhân. May mắn có mặt, chị Mai Anh đã trình bày lại sự việc và trả lời các câu hỏi về bé Thiện Nhân. Xúc động với số phận đau đớn, kì lạ của cháu bé, cảm động với người mẹ nuôi bé nhỏ đầy lòng nhân ái cũng như mong đợi của bao tấm lòng ở Việt Nam đang dành cho cháu, các giáo sư Mỹ đã đồng ý giám sát quá trình tái tạo bộ phận sinh dục phức tạp của Thiện Nhân. “Các giáo sư Mỹ nói đùa khi thấy tôi lo lắng là Thiện Nhân có thể trở thành một “super man” (siêu nhân)” - Chị Mai Anh xúc động nói với tôi, giọng nói nhẹ nhàng của chị chất chứa một niềm tin không lay chuyển: "Cháu Thiện Nhân sẽ được cấy tinh hoàn". Tháng 9 vừa qua, sau gần 30 giờ bay và phải transit qua 4 sân bay, chị và bé Thiện Nhân mới tới được Bệnh viện nhi Texas - một trong những bệnh viện nhi hiện đại và lớn nhất nước Mỹ... Các giáo sư, bác sĩ ở đây đã tổng kiểm tra, thử các test và khẳng định: Sẽ khôi phục lại tinh hoàn cho cháu.

Rồi chị và bé Thiện Nhân sẽ còn nhiều lần phải trở lại nước Mỹ để tiếp tục phẫu thuật theo dự tính không ít hơn 20 lần, cũng như đầu năm tới phải sang Đức trong hành trình chữa trị lâu dài và gian khó cho bé… với ước mong cháu sẽ trở thành người đàn ông đích thực. Cũng quá may mắn cho cháu, người mẹ cháu - chị Mai Anh đã là một nhà báo, thạc sĩ khoa học cử nhân tiếng Anh, hiện là biên tập viên chính của Tạp chí Heritage và Fasshion của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam.

Biết được về câu chuyện này, một đồng chí lãnh đạo Nhà nước ta đã thốt lên: “Có những chuyện đau đớn, kinh hoàng như thế. Nhưng lại có những tấm lòng nhân ái cao đẹp sẵn sàng dang tay đón nhận, sẻ chia. Xã hội chúng ta nhân văn như thế". Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã tặng Bằng khen cho gia đình chị Trần Mai Anh. Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ mồ côi và tàn tật thành phố Hà Nội Đinh Hạnh thì bày tỏ lòng khâm phục: "Thú dữ còn không nỡ bỏ rơi con, càng trách mẹ đẻ cháu Thiện Nhân, tôi càng khâm phục cháu Mai Anh. Mai Anh đã dang rộng vòng tay cưu mang, đùm bọc, săn sóc bé Thiện Nhân nên người".

Còn ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong châu Á thì viết về chị Mai Anh: "Đã có rất nhiều người ủng hộ "Cậu bé kì diệu" nhưng tôi ngưỡng mộ nhất là Mai Anh, mẹ nuôi của cháu. Chị đã vượt qua những lo toan hằng ngày với gia đình nhỏ của mình, nhận bé về nuôi với tình yêu, hi vọng và ước nguyện bé sẽ có một cuộc sống bình thường như bao người khác. Đây quả là một hành động cao đẹp".

Cuộc sống luôn luôn chứa đựng những điều có thể và không thể. Chính trái tim bình dị và hành động can đảm của con người đã biến được cái không thể thành cái có thể. Gia đình chị Trần Mai Anh cùng với tấm lòng nhân ái của cả một cộng đồng đang trong hành trình làm nên sự thay đổi kì diệu đó. Câu chuyện cổ tích giữa đời thường này giống như một dòng suối trong lành chảy giữa cuộc sống còn bộn bề khó khăn nhưng cũng đầy ước vọng của chúng ta.

Bài và ảnh: NGUYỄN TIẾN PHÚ