Tôi có vinh dự được gần gũi với ông trong những tháng năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngay trên quê hương ông-mảnh đất Thừa Thiên-Huế. Ngày đó, ông đang là Chủ nhiệm Hậu cần Mặt trận B4. Với dáng vóc tầm thước, tóc luôn cắt ngắn, giọng nói sang sảng, ông thường xuyên có mặt ở những nơi khó khăn, ác liệt của chiến trường để cùng chỉ huy thống nhất phương án bảo đảm hậu cần cho các đơn vị. Cuối năm 1974, chiến trường Trị-Thiên vô cùng ác liệt bởi sự chống phá Hiệp định Paris của địch. Suốt dải đất từ miền tây Quảng Trị đến nam Thừa Thiên, thời gian đó, các đơn vị chủ lực và địa phương của ta phải thường xuyên chiến đấu chống lại sự lấn chiếm, chia cắt của kẻ thù để giữ vững vùng giải phóng. Việc bảo đảm lương thực, thực phẩm, vũ khí, khí tài và công tác quân y được đặt lên hàng đầu, là nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong điều kiện thời tiết khó khăn, mùa mưa kéo dài. Với trách nhiệm của người đứng đầu về công tác hậu cần của mặt trận, ông liên tục đi đốc chiến, hầu như không có ngày nào ở sở chỉ huy. Nơi nào khó khăn là ông có mặt. Đơn vị nào thiếu gạo, thiếu đạn, ông trực tiếp xuống tận nơi. Ông thường xuyên căn dặn anh em đồng nghiệp: “Kinh nghiệm của tôi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và 26 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thành phố Huế dịp Tết Mậu Thân là công tác hậu cần phải luôn đi trước một bước. Hậu cần không phải ở phía sau...”. Khi đó, nghe những lời ông chỉ đạo, tôi chưa mường tượng hết được công việc. Sau này, khi tổng kết chiến dịch, mọi người phát biểu khen ngợi công tác bảo đảm hậu cần, tôi mới thấy được giá trị của những kinh nghiệm ông nhắc nhở, chỉ đạo cán bộ cấp dưới và những gì ông đã tham mưu cho Đảng ủy, chỉ huy mặt trận trong những tháng, năm gian khổ đó.

Cán bộ, giảng viên Học viện Hậu cần thăm Thiếu tướng Trần Minh Đức (tháng 2-2018). Ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Ông là một con người thẳng thắn và trung thực. Có người nhận xét: Ông Trần Minh Đức rất nóng tính. Vâng, tôi thừa nhận điều đó. Nóng nảy, thẳng thắn, trung thực hòa quyện trong ông. Giai đoạn những năm 80, đầu những năm  90 của thế kỷ trước, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu lâm vào tình trạng khủng hoảng. Vào thời điểm nhạy cảm đó, nắm bắt được sự chỉ đạo của trên, ông chủ động cùng các cựu chiến binh (CCB) trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng trên địa bàn dân cư và nhất là cho thế hệ trẻ. Các đồng chí lãnh đạo của TP Hà Nội giai đoạn đó, mỗi lần nhắc đến, ai nấy đều cảm ơn ông về những phát biểu khúc triết, thẳng thắn, nhưng tính giáo dục, thuyết phục rất cao. Những năm sau này, khi tuổi cao, không tham gia Hội CCB TP Hà Nội, ông làm Trưởng ban liên lạc CCB Quân khu Trị-Thiên. Ông cùng các tướng lĩnh trong ban liên lạc phối hợp với cấp ủy, chính quyền và LLVT các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, soạn thảo cuốn "Lịch sử Mặt trận Trị-Thiên" và cuốn sách "Tết Mậu Thân-những ký ức không thể nào quên", ra mắt bạn đọc đúng dịp kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Đối với HVHC, mặc dù nghỉ hưu khá lâu nhưng ông luôn dành cho cán bộ, giảng viên, học viên của học viện những tình cảm trân trọng. Những dịp kỷ niệm lớn của đất nước và quân đội, ông thường dành thời gian đến nói chuyện, truyền thụ kinh nghiệm về công tác hậu cần trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ để cán bộ, giảng viên có thêm kiến thức thực tế, làm phong phú nội dung của bài giảng. Năm 2014, kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, khi đó ông đã hơn 90 tuổi nhưng với trí tuệ uyên thâm, nhớ rõ từng chi tiết của công tác bảo đảm hậu cần trong Chiến dịch Điện Biên Phủ để kể lại cho mọi người cùng nghe, cùng nghiên cứu, vận dụng. Chúng tôi, những cán bộ, giảng viên của HVHC sau này đều rất trân trọng và tâm đắc với những điều ông đã dành trọn cuộc đời tư duy để căn dặn chúng tôi về công tác hậu cần quân đội. Bước sang năm 2015, khi đến thăm và chúc Tết ông cùng gia đình, ông hẹn tôi dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ông sẽ đến nói chuyện với cán bộ, giảng viên, học viên của HVHC về những bài học công tác hậu cần trong kháng chiến chống Mỹ. Nhưng vì lý do sức khỏe nên ông chưa thực hiện được.

Thiếu tướng Trần Minh Đức đã ra đi, nhưng ông để lại trong lòng các tướng lĩnh, sĩ quan trong quân đội nói chung và cán bộ, giảng viên, công nhân viên, học viên, chiến sĩ của HVHC nói riêng sự tiếc thương vô hạn. Những cống hiến của ông đối với quân đội, với ngành hậu cần và HVHC; đặc biệt là những kinh nghiệm được ông rút ra và trực tiếp truyền thụ cho các thế hệ thầy, trò HVHC, đã và sẽ là những bài học sinh động, rất có ý nghĩa trong việc vận dụng vào điều kiện thực tiễn bảo đảm hậu cần phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Xin kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ ông-Thiếu tướng Trần Minh Đức, một con người mẫn cán, suốt đời tận tụy với công việc. 

Trung tướng, PGS, TS ĐẶNG NAM ĐIỀN, Nguyên Chính ủy Học viện Hậu cần