Sinh ra tại xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, một vùng quê còn nhiều khó khăn ở ngoại thành Hà Nội, ngay từ nhỏ, Nguyễn Quang Uy đã thể hiện mình là người cần cù, ham học hỏi với thành tích học tập đáng nể. Có lẽ chính thói quen yêu tri thức, thích khám phá từ nhỏ đã góp phần xây dựng nên một PGS, TS cháy hết mình cho khoa học.
Một nhà khoa học bền bỉ và đầy khát vọng đổi mới
Điểm nhấn quan trọng trong hành trình phát triển chuyên môn của PGS, TS Nguyễn Quang Uy là khi anh được nhận học bổng và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Ireland-một quốc gia nhỏ nhưng có nền giáo dục bậc cao nổi tiếng về tính nghiêm túc và thực tiễn. Quá trình học tập tại môi trường quốc tế đã giúp anh hình thành tư duy nghiên cứu hiện đại, trau dồi phong cách làm việc chuyên nghiệp và tiếp cận được các xu hướng khoa học tiên tiến. Những kiến thức và kinh nghiệm quý báu thu nhận từ hành trình là nghiên cứu sinh sau này trở thành nền tảng vững chắc giúp anh không chỉ phát triển bản thân mà còn truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học trò.
 |
PGS, TS Nguyễn Quang Uy (thứ tư từ phải sang) trong buổi bảo vệ luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh do anh hướng dẫn. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Sau khi về nước, Nguyễn Quang Uy nhanh chóng khẳng định năng lực chuyên môn và vai trò của mình trong cộng đồng học thuật. Anh lựa chọn Khoa học máy tính là hướng đi chính cho nghiên cứu của mình. Các hướng nghiên cứu đều nhằm giải quyết những vấn đề nóng về ứng dụng AI trong phát hiện bất thường, thị giác máy, an toàn thông tin. Các kết quả đạt được có thể ứng dụng rộng rãi trong các bài toán thực tế như giám sát an ninh mạng, phòng, chống gian lận, phát hiện bệnh, nhận diện khuôn mặt, phát hiện đối tượng đến giám sát giao thông, robot thông minh.
Cho đến nay anh đã có 60 bài báo quốc tế, trong đó có tới 12 bài báo đăng trên tạp chí ISI (Viện Thông tin Khoa học - Institute for Scientific Information tại Hoa Kỳ) với nhiều lượt trích dẫn. Ngoài ra, anh cũng đã chủ trì và bảo vệ thành công 2 đề tài Nafosted gồm “Các phương pháp ngữ nghĩa và thống kê trong học và tối ưu phỏng tiến hóa sinh học”, "Phát hiện bất thường sử dụng mạng nơ ron học sâu”. Đây là những đề tài nghiên cứu cơ bản quan trọng làm cơ sở cho rất nhiều nghiên cứu khác. Đồng thời anh cũng đang chủ trì thực hiện đề tài của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (Quỹ VINIF) về “Mạng nơ ron tự mã hóa phân tách cho phát hiện bất thường”. Với những uy tín trong nghiên cứu khoa học có được, anh thường xuyên được mời tham dự làm diễn giả cho nhiều hội thảo trong và ngoài nước. Năm 2019, chỉ 8 năm sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ, anh đã trở thành Phó giáo sư.
Mặc dù đã có nhiều thành quả trong nghiên cứu, Nguyễn Quang Uy vẫn không ngừng phấn đấu chinh phục những tri thức mới. Khi được hỏi về những dự định sắp tới, anh tiết lộ: “Tôi đang rất quan tâm đến hai lĩnh vực, đó là trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI): Hướng đi hiện đại, tiềm năng tạo ra các mô hình máy có khả năng tự sinh ra văn bản, hình ảnh, âm thanh có chất lượng cao như con người và Mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs): Cốt lõi của các ứng dụng trợ lý ảo, chatbot, dịch máy và phân tích ngôn ngữ tự nhiên-công nghệ đang được các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như OpenAI, Google, Meta đầu tư mạnh mẽ. Mặc dù là những lĩnh vực khó nhưng đó mới chính là nơi dành cho những nhà nghiên cứu khoa học".
 |
PGS, TS Nguyễn Quang Uy là báo cáo viên mời tại Hội thảo ứng dụng tối ưu trong trí tuệ nhân tạo tại Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Trong nghiên cứu không có chỗ cho sự hời hợt
Nếu quan sát phong thái đời thường của Nguyễn Quang Uy, người ta luôn thấy anh là người bình dị, mộc mạc với giọng nói từ tốn. Tuy nhiên, trong công việc, anh luôn đặt ra yêu cầu và mục tiêu cao, không ngừng cập nhật các xu hướng mới nhất của khoa học-công nghệ toàn cầu. Phong cách làm việc của anh rất kỹ lưỡng, cẩn trọng và không chấp nhận sự hời hợt. Một nghiên cứu sinh anh hướng dẫn đã chia sẻ: “Thầy rất hiền nhưng riêng trong nghiên cứu thì vô cùng nghiêm khắc. Em nhớ mãi lần đầu nộp bài báo, thầy gắt lên: Viết kiểu này thì làm sao nộp được tạp chí thứ hạng cao? Trong nghiên cứu không có chỗ cho sự hời hợt. Từ lần ấy, em luôn cẩn thận và có trách nhiệm hơn với từng câu chữ mình viết. Nhưng phía sau sự nghiêm khắc đó, thầy cũng là một người rất tâm lý, luôn quan tâm đến tâm trạng và sức khỏe tinh thần của học trò. Nhiều bạn cũng chia sẻ với em, thầy thường xuyên hỏi han, động viên những bạn gặp áp lực trong quá trình làm nghiên cứu, giúp họ cảm thấy an tâm và có thêm động lực vượt qua khó khăn”. Có lẽ chính vì cách truyền lửa tới học trò ấy mà nhiều học viên, nghiên cứu sinh đã tìm đến anh nhờ hướng dẫn. Nhiều đồng nghiệp khi làm việc với anh đã có được cho mình những lời khuyên quý báu.
Hiện nay, anh đang chủ trì Nhóm nghiên cứu mạnh "Công nghệ tính toán thông minh", một tập thể học thuật đi đầu trong các nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và an toàn thông tin. Nhóm đã thực hiện thành công nhiều công trình nghiên cứu và hiện nay vẫn tiếp tục hoạt động rất tích cực.
 |
PGS, TS Nguyễn Quang Uy (thứ hai từ phải sang) tại Lễ ký kết tài trợ các dự án khoa học-công nghệ với Quỹ VINIF. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Khi được hỏi về lý do để có thể thường xuyên duy trì cường độ nghiên cứu khoa học hiệu quả, anh cười nói: “Có lẽ mỗi nhà nghiên cứu cần luôn giữ đam mê nghiên cứu như là động lực chính để nâng cao trình độ, thường xuyên cập nhật các xu hướng công nghệ mới trên thế giới và phải luôn đặt mục tiêu và yêu cầu cao trong nghiên cứu”.
Khi được hỏi về mơ ước của bản thân, anh chia sẻ với sự khiêm nhường nhưng đầy quyết tâm: “Tôi mong muốn tiếp tục thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu chất lượng, tạo ra nhiều sản phẩm khoa học có giá trị ứng dụng thực tiễn, góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu của Học viện và đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước”.
NGUYỄN TRUNG TÍN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.