QĐND - Thời điểm xế chiều là lúc nhộn nhịp nhất của một làng quê Kinh Bắc: Những phụ nữ đi đánh giấy giáp bên Đồng Kỵ đạp xe về làng, màu áo xanh công nhân khu công nghiệp Vsip thay ca, thi thoảng lại xuất hiện vài chiếc xe thồ chở lúa từ vụ gặt… Trong dòng chảy ấy, có một người đàn ông cao lớn phóng xe gắn máy với chân gỗ bên trái, sau lưng khoác theo chiếc túi đựng vợt cầu lông khiến tôi chú ý. Người dân trong làng nói lại: “Ông Ngọ, một thương binh ở xóm Miếu đang đi đánh cầu lông đấy”.
Tôi tìm đến nhà CCB Nguyễn Văn Ngọ lúc ông đang loay hoay với khu nhà trọ đang dở dang phía sau vườn nhà, chốc chốc lại có vài tiếng người í ới mua hàng trước ngõ. Gần như người thương binh này không rời mắt được với đống sắt thép, phân đạm, xi măng, gạch ngói… vừa để bán, vừa để dùng này.
“Không biết mình mất chân”
Ông Ngọ nhớ lại buổi sáng tháng 2-1978, ông được giao phối hợp với 3 chiến sĩ trẻ đi trinh sát tại một khu rừng thuộc tỉnh Công-pông-chàm, giáp Tây Ninh: “Thời điểm đó ở biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia đâu đâu cũng chi chít mìn của Pôn Pốt cài. Tuy đã rất cẩn thận song vô tình mũi giày trái của tôi chạm vào ngòi nổ của một quả mìn cài ngay dưới rễ cây. Thế là “đùng một cái”! Ba chiến sĩ trẻ đi cùng ngỡ là biệt kích liền nằm phịch xuống đất. Tôi cũng đoán vậy nhưng bất chợt cảm thấy người mình chới với, rồi sửng sốt khi nhìn xuống thì nhận ra bàn chân trái của mình đã bay đi đâu mất. Chiếc chân lành lặn giờ chỉ còn là khúc xương trắng róc hết thịt, máu chảy ròng ròng.
Quả thật lúc đó tôi mới biết mình bị mất chân vì không thấy đau. Tôi ngồi xuống, dùng tay bóp chặt đùi trái làm máu phun ra từng tia mà đầu vẫn kịp nghĩ: “May mà mình bước nhanh, toàn bộ cơ thể đã ngả về phía trước nếu không thì tan xác”, xong lại tiếp tục lấy thắt lưng, xé áo ra buộc chặt đến lúc máu chỉ còn nhỏ giọt. Khi một chiến sĩ tên là Nam cõng tôi ra khỏi rừng, cái xương ống vẫn còn treo lủng lẳng, kéo lê trên mặt đường. Đến lúc này, máu vì không chảy được nên ứ lại, “tức”, thần kinh bắt đầu giật, cảm giác đau xuất hiện, dằn vặt dữ dội. Sau 2 tiếng đồng hồ vật lộn với cơn đau giật, tôi mới được đưa đến một cái chốt…”.
 |
Thương binh Nguyễn Văn Ngọ hăng say đánh cầu lông hằng chiều. Ảnh: Thi Lê.
|
Vậy là cái “dẫm chân” định mệnh đã khép 7 năm chiến đấu của CCB Nguyễn Văn Ngọ ở tuổi 24, khép lại những tháng năm gắn bó với các đồng đội tại Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3.
Hành trình tìm lại cuộc sống
Giây phút gặp lại người thân sau khi bị mất chân trái tại Viện 9, Vĩnh Yên, Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc) vẫn in hằn trong tâm trí ông như dấu mốc khởi đầu một giai đoạn sống mới.
An dưỡng một năm ở Hà Nam, CCB Ngọ mới trở về quê. Ông quyết định tập đi xe đạp để lấy lại sức khỏe. Mỗi bận tập là “một chiếc quần mới ra đi” vì cứ ngồi lên là ngã nhưng vì thế mà “cái chân bất lực tuân theo sự chỉ bảo của mình”. Cuối năm 1979, khi vợ vừa sinh con gái đầu lòng được vài tháng thì xã cho ông một mảnh ao gần cánh đồng. Vợ chồng lấp ao để xây nhà riêng. Chỉ với cái gàu buộc dây được người thương binh ngồi một chỗ kéo vào, đổ đất xuống ao mà một túp lều tre đã được dựng lên trên nền đất mới.
Đến vụ gặt, ông ở nhà tắm rửa, quấy bột cho con, nuôi thêm con gà, con lợn, nấu rượu để vợ ra đồng. Có lần một tay vừa bế con kèm thêm phích nước nóng, một tay chống nạng, ông đi qua giếng thì bị trượt ngã. Vậy là vứt luôn phích nước, con vẫn giữ chặt trên tay mà người bố nằm vắt ngang miệng giếng. Tuốt lúa, phơi lúa cũng đến tay ông. Không vác được thì ông dùng dây buộc vào bụng rồi kéo lê bao thóc, hoặc ngồi xuống đẩy, ủi cho thóc rải giữa sân. Càng làm việc lại càng khỏe ra!
Ông rất cảm ơn người vợ, vốn là bộ đội Phòng không - không quân phục viên. Ông nói: “Mùa đông, bà ấy quấn chặt cái áo bông xanh của tôi lên người, một mình thồ lúa từ đồng về, còn buôn thóc giống bên Gia Lâm, ai mướn công gì - cày, cấy, gặt, gánh… bà đều làm hết”.
Cứ thế, tích tiểu thành đại, phải mất 20 năm thương binh Nguyễn Văn Ngọ mới ổn định được cuộc sống. Trong thời gian đó, 2 người con tiếp tục ra đời, túp lều tranh lợp rơm, chuyển sang nhà lợp ngói, rồi mái bằng, xây sửa 6, 7 lần mới được như hôm nay. Nay làng bán ruộng để Nhà nước xây dựng khu công nghiệp, 7 phòng trọ cho công nhân thuê vẫn do tay của ông vác gạch, khuôn cát, xây, trát..
Môn cầu lông đến với ông cũng vì “sự quấy rầy thỉnh thoảng của vết thương cũ”. Ông Ngọ kể có những lúc phải lấy xe gắn máy ra “chở vợ đi cấp cứu mình” hoặc lắp chân gỗ vào đi cho đến sáng mệt bã người để quên sự đau đớn. 10 năm nay, mỗi khi thấy ông thương binh cụt chân chạy xông xáo trên sân cầu lông, người dân thôn Phù Lộc, xã Phù Chẩn, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh lại rỉ tai nhau: “Ông Ngọ mà chạy còn khỏe hơn cả thanh niên”.
LÊ NA