Trời không phụ lòng người

NSND Hương Thơm tên thật là Nguyễn Thị Thơm, là một người con của quê hương Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Chị bảo, gia đình và dòng họ chẳng ai theo nghệ thuật, quanh năm chỉ tiếp xúc với ruộng đồng nắng mưa. Nhưng từ nhỏ, chị vốn đã yêu thích hát ca, mê lắm những câu dân ca của bà, của mẹ và những làn điệu hò sông Mã quê hương nên chẳng biết tự bao giờ, cái máu nghệ thuật nó ngấm vào chị để đưa chị trở thành nghệ sĩ tuồng như bây giờ.

Nhắc đến cơ duyên đến với ánh đèn sân khấu, tôi cảm nhận niềm hạnh phúc xen lẫn tự hào trong ánh mắt của chị. Chị tâm sự: “Ngày nhỏ yêu thích hát ca cho vui vậy thôi chứ đâu có ước mơ hay dự định trở thành nghệ sĩ, đứng trên sân khấu và gắn bó với nghệ thuật. Thời đó, cuộc sống khó khăn, vất vả thiếu thốn chẳng nghĩ gì xa xôi đâu vì nhà tôi nghèo lắm”. Nhưng đúng là định mệnh, tình cờ chị được các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Trung ương “khai quật” trong một lần đi tuyển diễn viên tại địa phương. Chị nhớ lại lúc đó, chị còn là cô thôn nữ mới lớn đang gánh thóc lên huyện nộp thuế, thấy có đoàn văn công về vui quá ghé vào xem, có lẽ thấy khuôn mặt có nét hợp và bắt sân khấu chăng nên NSND Tiến Thọ và cô Bùi Liên trực tiếp mời dự tuyển. Lúc đó, mình chị chưa hiểu tuồng là gì, chưa xem tuồng bao giờ, các cô chú động viên hát được thể loại gì cứ hát thoải mái, không ngờ lại trúng tuyển ngay.

leftcenterrightdel
 NSND Hương Thơm hóa thân trên sân khấu.
Thấm thoắt thời gian thoi đưa, tính đến nay chị cũng đã gắn bó với môn nghệ thuật này hơn 30 năm. Trải qua bao khó khăn vất vả, những tháng ngày mồ hôi, nước mắt đổ trên sàn tập để chỉ mong sống trọn với đam mê và cống hiến cho khán giả những vai diễn, vở diễn tuyệt vời nhất.

Những ai yêu thích và theo dõi nghệ thuật tuồng sẽ không thể quên những vai diễn để đời của chị như: Vai Mộc Quế Anh, Đào Tam Xuân, Hồ Nguyệt Cô, Lý Chiêu Hoàng, Ái Nương... Chị bảo chị yêu thương tất cả nhân vật mà mình hóa thân và luôn có cảm giác xúc động trong từng vai diễn. Khi hóa thân vào các vai diễn trên sân khấu, chị cảm giác mình không còn là chính mình nữa, nỗi đau nhân vật, nước mắt của nhân vật cũng là nỗi đau của chính mình. Nhưng có lẽ vai diễn mà chị trăn trở, nặng lòng hơn cả có lẽ là vai Quận chúa Ngọc Hoa.

Khi nhận vai diễn này chị còn khá trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm, lại được giao vai diễn có sức nặng mà lại diễn cùng với toàn nghệ sĩ gạo cội, những người thầy của mình. Chị thấy lo lắng, áp lực lắm vì vai diễn đòi hỏi sự thuần thục, nhuần nhuyễn và chính xác trong từng động tác, cử chỉ, ánh mắt, nhất là màn “đánh tóc” vô cùng khó. Thời gian và cường độ tập luyện căng thẳng, tập trung cao độ, một sự cố xảy ra trong lúc luyện vở đó là chị bị một cú ngã rất nguy hiểm khi thực hành miếng đánh mạo hiểm, rất may sau thời gian điều trị, vết thương đã khỏi và mọi người còn nói vui rằng, chắc chị được “tổ nghề” thương phù hộ nên mới tai qua nạn khỏi.

Nói đến thành tích, giải thưởng mà chị mang về cho cá nhân cũng như nền nghệ thuật tuồng của dân tộc nước nhà, có lẽ giới nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực sân khấu truyền thống đều kính nể và coi chị là tấm gương sáng để phấn đấu noi theo. Không chỉ là nghệ sĩ tuồng tài năng, với cương vị là Phó giám đốc, Chủ tịch Công đoàn nhà hát, chị luôn thể hiện xuất sắc vai trò lãnh đạo của mình. Dù ở lĩnh vực nào, nhiệm vụ gì, chị cũng đều cố gắng, nỗ lực hoàn thành, thậm chí vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Năm 2012, chị vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, phần thưởng cao quý nhất trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mỗi người nghệ sĩ.

Truyền lửa đam mê cho thế hệ tiếp nối

Không còn thường xuyên đứng trên sân khấu biểu diễn như trước, giờ chị làm công tác quản lý, giảng dạy, đào tạo, dựng vở là chủ yếu, nhưng NSND Hương Thơm luôn truyền ngọn lửa đam mê, sự nhiệt huyết cho các nghệ sĩ trong Nhà hát Tuồng Việt Nam. Đặc biệt là các bạn trẻ thực sự yêu thích và tìm đến bộ môn nghệ thuật này với lòng chân thành, nghiêm túc.

Chị bảo nghệ sĩ tuồng nghèo lắm. Thời buổi này, khán giả đến với sân khấu tuồng như “muối bỏ bể”. Các bạn trẻ giờ theo đuổi dòng nhạc trẻ, hiện đại chứ mấy ai biết và hiểu về sản phẩm văn hóa của cha ông, chứ nói gì đến yêu thích, đam mê. Chị bảo sự thật nghiệt ngã lắm nhưng mình không đầu hàng và dừng bước, mà cần phải hành động thiết thực để đối diện và tìm ra hướng đi tích cực.

Với mức lương và thu nhập của diễn viên tuồng hiện nay thực sự rất thấp, khó níu chân nghệ sĩ dành trọn tâm huyết với nghề vì họ còn có gia đình, cơm áo gạo tiền chứ không chỉ biết có ánh đèn sân khấu lung linh. Chị cũng như bao gia đình nghệ sĩ cùng đoàn gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. Nhưng tình yêu với bộ môn nghệ thuật tuồng đã giữ chân chị. Và chị cũng là người phụ nữ nhanh nhẹn, năng động nên không những hết lòng truyền nghề cho thế hệ hậu bối, mà còn tích cực quảng bá, “tiếp thị” cho nghệ thuật tuồng nhằm mang về nhiều hợp đồng biểu diễn giúp anh, chị em nghệ sĩ có thêm thu nhập.

Chị đã trực tiếp về nhiều địa phương tuyển chọn học viên, động viên các em, gia đình cho theo học. Những học viên trẻ khi về nhà hát được chị dạy bảo ân cần, chu đáo, nhiệt tình, sự chân tình, gần gũi của chị đã khiến các em tiếp thu nhanh bài học, kiến thức thực tế. Suốt quãng thời gian lao động miệt mài vì nghệ thuật, chị nhận ra rằng, tuồng không chỉ là nghề mà chính là nghiệp suốt đời của chị. Chị thấy mình cần có trách nhiệm, nghĩa vụ góp phần bảo vệ, gìn giữ và phát huy môn nghệ thuật độc đáo này.

Bài và ảnh: HỒNG NHUNG