QĐND -  Sáng sớm, lướt qua một trang báo, tôi đột ngột dừng lại với tin Nhà văn Nguyễn Quang Sáng qua đời. Tôi nghẹn ngào chạy xuống nhà nói với vợ tôi. Cô ấy bàng hoàng: “Anh nghe tin đâu thế hả? Vì sao?"... Một thời, cô ấy cùng cơ quan với anh Sáng. Trong các thủ trưởng mà cô ấy trân trọng quý mến có anh Nguyễn Quang Sáng. Vào đầu năm 1989, anh Sáng ra họp Hội nghị Ban Chấp hành Hội Nhà văn. Việc đầu tiên anh ghé thăm các phòng, ban trong cơ quan. Anh dừng lại chỗ một cô gái trẻ mặc áo phong phanh. Anh hỏi: “Trời thế này mặc vậy không lạnh sao? Cô trả lời cốt mua vui: “Lạnh chứ anh. Nhưng biết làm sao được.” Anh Sáng lẳng lặng bỏ đi. Vài tiếng sau quay lại, anh đặt trên bàn một túi ni lông phồng căng và nói: "Quà phương Nam của cô đó". Cô gái nhanh nhảu: “Anh nhầm rồi, chắc của ai?” “Còn của ai chớ?”. “Anh đã biết tên em là gì đâu”. “Tên cô à! Hồi đi học mỗi bận thi cử cô đều được các thầy cô xếp ngồi bàn đầu, đúng không? Cầm lấy, mặc vào đi. Không biết có vừa ý cô không nhưng ấm hơn là cái cầm chắc…”. Vợ tôi lặng người rơi nước mắt. Quà anh Sáng tặng vẫn còn giữ đây mà anh thì đã ở đâu rồi?

Nhớ thời anh Nguyễn Quang Sáng trúng cử Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Được tín nhiệm thì làm chứ anh cũng không ham hố gì. Cuộc họp sau bầu cử, cấp trên và các thành viên Ban Chấp hành muốn anh làm tổng thư ký vì anh hoạt ngôn, lại nhanh nhẹn. Anh khước từ và giới thiệu người khác. Ra trước Đại hội, anh nói đại ý: “Cái Hội của chúng ta thì nhanh hay chậm nào có gì quan trọng, chậm mà chắc chả tốt hơn”.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Ảnh: CTV.

Với Tạp chí Văn nghệ Quân đội chúng tôi, anh Nguyễn Quang Sáng có đầy ắp những kỷ niệm. Lần nào ra Hà Nội họp anh cũng ghé thăm nhà số 4. Anh hào hứng kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện về ngôi nhà, về những nhà văn đã sống ở đây. Anh kể bằng giọng hóm hỉnh, rất riêng. Anh gọi ngôi nhà mái cong cổ kính số 4 là một ngôi đền thiêng trong đó có những nhà văn tài năng hiện đại. Những nhà văn Thanh Tịnh ,Vũ Cao, Nguyễn Thi, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Nguyễn Trọng Oánh, Hồ Phương, Xuân Thiều, Nam Hà… đến các nhà văn, nhà thơ ít tuổi hơn như Lê Lựu, Thu Bồn, Triệu Bôn, Nguyễn Thị Như Trang, Ngô Thảo… từ sáng tác đến tính khí con người của họ anh thuộc như ta thuộc những bài thơ hay. Anh bảo: “Ngôi nhà và những con người trong mái nhà này ảnh hưởng rất nhiều đến sự nghiệp văn chương của tôi". Rồi anh dẫn chúng tôi đi nhậu. Anh ít nói về anh, về văn chương của anh. Một nhà văn tầm cỡ như anh với những tác phẩm: Chiếc lược ngà, Mùa gió chướng, Dòng sông thơ ấu, Bàn thờ tổ của một cô đào… với các nhân vật như Năm Hạng, Tư Quán, Bảy Ngàn… có thể nói đã tạo nên niềm say mê, quyến rũ chúng tôi đi vào nghề. Những tác phẩm của anh mang đậm cốt cách của người Nam Bộ. Anh đi nhiều, vào Nam ra Bắc, tham gia kháng chiến, lăn lộn với cuộc đời nên tác phẩm của anh sinh động, lôi cuốn, giàu chất nhân văn, ấm áp tình người. Nhìn vào cuộc đời của anh để tin những gì anh nói, anh tả, anh dựng… Ngoài truyện, ký, tiểu thuyết, Nhà văn Nguyễn Quang Sáng còn có những kịch bản phim khó quên trong lòng người xem như: Cánh đồng hoang, Mùa nước nổi, Dòng sông hát, Pho tượng… Anh xứng đáng nhận giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000. Vậy nhưng trong các cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh Sáng ít nói về anh, về nghề viết của anh. Hình như anh ngại mọi người cho anh là lớp nhà văn gạo cội, đi trước, dạy dỗ đàn em. Những tài năng thường rất khiêm tốn. Anh Nguyễn Quang Sáng là một mẫu người như thế. Tuy nhiên, đụng đến nhậu anh lại tuôn trào những hiểu biết thật thú vị. Nhậu với anh Nguyễn Quang Sáng thì vui nổ trời. Qua anh được biết nhiều về các loại rượu, các món nhậu, rất ngon, rất tinh túy của Việt Nam, của thế giới, đặc biệt là các món ăn Nam Bộ. Biết chúng tôi vào TP Hồ Chí Minh, không bận là anh đến thăm, trò chuyện, rủ đi chơi, đi xem văn nghệ… Ban đầu gặp anh, chúng tôi còn e dè lắm, cung kính lắm, nhưng chỉ đôi lần là thấy anh gần gũi thân thiết vô cùng. Có thể nói anh là một nhà văn xuề xòa giản dị, gần được với mọi lớp người. Tiểu thuyết rồi truyện ngắn, rồi kịch bản phim của anh rất được người đọc, người xem khen ngợi nhưng khen hay chê với anh đều quý cả. Gần nơi tôi ở có một cô gái tên là An Tú Quỳnh, rất hâm mộ nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Cô nói với vợ tôi muốn mời anh Sáng đến nhà chơi. Ngỡ rằng, gặp một người xa lạ chắc anh Sáng không dễ nhận lời, không ngờ anh gật đầu luôn. Anh hỏi: “Cổ có mời nhậu không hè". “Có chứ ạ”-cô ấy trả lời. “Biết để còn chuẩn bị chai rượu ngon". Cuộc gặp hôm ấy có 4 người. Anh Sáng, cô gái và vợ chồng tôi. Tôi giật thót khi cô chê nhà văn có một chi tiết nào đó trong truyện cô vừa đọc. Không biết có phải vì men rượu hay không, cô nói rát rạt. Cô bảo chi tiết ấy vừa vô lý vừa ngô nghê... Trên đường về, tôi dè dặt nói với anh: “Thần kinh cô ấy hôm nay có vấn đề. Những điều cô ấy nói liều quá, chắc làm anh tự ái?". Anh cười khà: “Tự ái quái gì chớ? Văn mình vợ người. Có người đọc đã quý, đọc kỹ vậy phải biết ơn người ta. Đúng sai tính sau". Phẩm chất ấy của anh thật đáng cho chúng tôi noi theo, vẫn biết học được cũng không là chuyện dễ.

Mới tháng trước đây thôi, cô Quỳnh có hỏi tôi về sức khỏe anh Sáng. Tôi trả lời bừa: “Chắc vẫn bình thường". Đã lâu lắm tôi không vào TP Hồ Chí Minh, anh Sáng cũng không ra Hà Nội. Nghe tin về sự ra đi của anh, tôi không khỏi sững sờ. Thế là Văn nghệ Quân đội chúng tôi mất đi một người anh gắn bó, cởi mở. Gia đình tôi mất đi một người thân gần gụi, giản dị. Độc giả cả nước mất đi một nhà văn đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ.

Xin được chia sẻ nỗi mất mát này đến gia quyến Nhà văn và những dòng này xin được coi như một nén tâm nhang đưa tiễn nhà văn Nguyễn Quang Sáng về cõi vĩnh hằng.

Đại tá, Nhà văn NGUYỄN BẢO

Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội