“Có anh Ba Hưng,
vốn thiệt nông dân.
Đi lính hơn năm trường
vừa mới được huân chương.
Thằng Sáu thấy anh nó mừng.
Thiệt thằng nhỏ xíu mà khôn
Nó khen nó khen anh hoài
Nó nói rằng anh có tài
Nó nói mới được năm nay
Mà anh đã bắn
giết Tây hơn trăm thằng…”.
 |
Đại tá Hứa Hòa Hưng (ảnh chụp năm 2006)
|
Người dân Nam Bộ hầu như ai cũng có một vài lần nghe bài hát này. Các cụ già, cựu chiến binh và cả các em nhỏ rất thích và đã thuộc. Trong kháng chiến chống Mỹ, thiếu nhi ở Cà Mau còn sáng tác thêm và hát bài “vè Ba Hưng” rất ngộ nghĩnh.
Nhiều người vẫn tưởng đó chỉ là nhân vật của văn học-nghệ thuật, nhưng đó là con người thật. Nhạc sĩ Trần Kiết Tường đã lấy nguyên mẫu một con người thật xây dựng nên tác phẩm âm nhạc khá đặc sắc này.
Ông tên họ đầy đủ là Hứa Hòa Hưng, nhà ở xã Lý Văn Lâm-thành phố Cà Mau.
Theo bà Nguyễn Thị Sáu (vợ ông) thì: Ba Hưng quê quán xã Long Điền Đông, huyện Giá Rai (Bạc Liêu). Ông tham gia quân đội từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ. Tính cách và thành tích của ông thì… nhạc sĩ Trần Kiết Tường đã ghi trong lời bài hát. Ông được tặng huân chương đầu tiên vào cuối năm 1947 và bài hát này ra đời vào đầu năm 1948. Trong lễ cưới của ông (năm 1949) có người hát bài “Anh Ba Hưng”. Hỏi: “Ai là người hát”, bà Sáu nói: “Ai mà hát, chính anh Hưng chứ còn ai. Người ta viết về anh thì anh ấy thích, ảnh ca”. Chú rể là vệ quốc đoàn, cô dâu là nữ du kích xã cho nên không khí lễ cưới rất vui. Bà Sáu kể, gia đình chú rể phải đi ghe chèo tay từ Long Điền Đông đến xã Tân Ân (huyện Ngọc Hiển) đi ngày hôm trước, hôm sau mới tới nơi. Sau lễ cưới, cô dâu theo Ba Hưng về Long Điền Đông. Chú rể chỉ được nghỉ phép đúng một tuần. Những năm về sau cũng vậy, Ba Hưng đi biền biệt, một năm mới về phép thăm vợ con một lần.
Gia đình ông Ba Hưng là người Việt gốc Hoa có tinh thần yêu nước. Các anh em trai của ông đều tham gia cách mạng. Ông là một trong số ba người con đều là đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ông Ba Hưng có 5 người con, chị Hứa Thị Trinh- người con gái thứ tư kể: Trong chiến đấu ông rất nhanh nhẹn, tả xung hữu đột, khí phách kiên cường nhưng ở nhà thì ông hiền khô, trầm tĩnh, chẳng bao giờ nóng nảy điều gì. Ông rất vui vẻ với bạn bè, rất chu đáo với vợ con. Còn tinh thần cách mạng thì hăng hái tuyệt vời.
Ông hay kể về chiến tranh, về những chiến công và người lính. Ông giảng giải cho các con các cháu về quân hàm, quân hiệu, về những ngôi sao gắn trên vai, trên mũ. Nhìn vào có thể là phân biệt được cấp bậc, quân chủng … Nhưng ông cũng rất nghiêm khắc. Con cháu ở Cà Mau lên Đồng Nai thăm ông, bao giờ ông cũng nhắc nhở cẩn thận. Ở tuổi 80 ông vẫn gắn bó với quân đội, như một cái nghiệp. Trước khi về hưu, ông Ba Hưng công tác ở Quân khu 7 và hiện nay đang ở trại điều dưỡng Quân khu. Ông nói với con cháu rằng ông sẽ ở trong quân đội đến hết đời. Khi chết cũng sẽ nằm chung với đồng chí, đồng đội ở nghĩa trang.
Để đỡ nhớ con cháu, mỗi năm ông lại chụp một tấm ảnh, đeo quân hàm và huân, huy chương, huy hiệu gửi về Cà Mau. Tấm ảnh chụp năm 2006 có ghi:
“Thân tặng con gái Trinh và các cháu ngoại của ông để kỷ niệm. Mặc dù Bể ở xa các con, các cháu nhưng lúc nào cũng nhớ các con, các cháu của ông.
Ngày 9-12-2006.
Bể Hứa Hòa Hưng”
Ông xưng Bể (tiếng địa phương Triều Châu) rất thân mật. Ba người con trai và người con gái út của ông Ba Hưng hiện nay sống ở xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển.
Noi gương người cha, người ông và truyền thống của gia đình, các con và các cháu của ông đều công tác và học hành tiến bộ.
Phạm Anh Hoan