 |
Trang bìa cuốn sách xuất bản năm 2007-năm chị được truy tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. |
Cách đây 40 năm, tại thôn Thi Thại, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, kẻ thù tàn bạo đã cướp đi của chúng ta một người mẹ, một nhà văn tài năng giữa lúc tuổi đời và tuổi nghề đang bước vào thời kỳ sung mãn nhất, đó là nhà văn Dương Thị Xuân Quý. Chị vĩnh biệt chúng ta khi mới 28 tuổi phơi phới thanh xuân, đang tràn đầy sức viết và khát vọng sáng tạo.
Nhà văn Dương Thị Xuân Quý sinh ngày 19-4-1941 tại Hà Nội trong một gia đình trí thức yêu nước. Cùng thế hệ những nhà văn lên đường vào chiến trường chống Mỹ, nhưng với Dương Thị Xuân Quý thì thật đặc biệt, bởi khi chị vừa sinh con gái Hương Ly thì chồng chị-nhà thơ Bùi Minh Quốc chia tay vợ con vào chiến trường. Và hơn một năm sau đó, bé Hương Ly được 16 tháng tuổi đã phải xa mẹ, ở lại trong sự chăm bẵm yêu thương của bà ngoại để mẹ Dương Thị Xuân Quý vượt Trường Sơn vào làm phóng viên chiến trường của Tạp chí Văn nghệ Giải phóng thuộc Ban Tuyên huấn Khu 5. Ngày 8-3-1969, trên đường đi công tác, chị hy sinh trong một trận càn của giặc.
Với hai tác phẩm “Chỗ đứng” (1968) và “Hoa rừng” (1970), đầu năm 2007, nhà văn-liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý đã được truy tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và cũng năm này, NXB Hội Nhà văn đã ra mắt độc giả cuốn sách “Dương Thị Xuân Quý-nhật ký, tác phẩm”. Với sự công nhận này, Dương Thị Xuân Quý đi vào lịch sử văn học chống Mỹ với một văn phong chân chất mà nghiêm trang khi tiếp cận những vấn đề hệ trọng của cuộc sống thời chiến.
Bên cạnh đó là những dòng nhật ký của chị, đọc nó, chúng ta hiểu được sự hy sinh lớn lao của một người mẹ, người vợ. Người mẹ trẻ để lại đứa con thơ ở hậu phương để quyết đến vùng chiến trường ác liệt nhất, thiếu thốn nhất, gian khổ nhất như Dương Thị Xuân Quý, có thể coi là một trường hợp đặc biệt. Chị, cùng một lúc gánh hai cuộc chiến tranh: đối mặt với kẻ thù và đối mặt với nỗi day dứt của người mẹ dằng dặc xa con thơ. Nỗi day dứt đêm ngày, vật vã đến mức con người cứng cỏi như chị có lúc tự trách mình sao nông nổi quá, vô trách nhiệm quá với con thơ, khi mà cả bố và mẹ-hai điểm tựa thiêng liêng không gì thay thế được đều ở chiến trường... Như lời nhà văn Hữu Thỉnh, đọc nhật ký của Dương Thị Xuân Quý, chúng ta thương chị đặc biệt, quý chị đặc biệt, khâm phục đặc biệt phẩm hạnh cao quý và trong suốt, thấm đẫm đến từng con chữ.
VƯƠNG HÀ-ĐỖ HUỆ